KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT (TP. HCM)

Thời gian làm bài 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1: (1 điểm)

Trong truyện ngắn Làng, Kim Lân đã xây dựng một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và yêu nước của nhân vật ông Hai. Đó là tình huống nào?

Câu 2: (1 điểm)

Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

Câu ca dao trên khuyên chúng ta điều gì? Điều đó liên quan đến phương châm hội thoại nào?

Câu 3: (3 điểm)

Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con,…”

(Theo Lý Lan, Cổng trường mở ra)

Từ việc người mẹ không “cầm tay” dắt con đi tiếp mà “buông tay” để con tự đi, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) bàn về tính tự lập.

Câu 4: (5 điểm)

Cảm nhận về cảnh mùa xuân trong bốn câu thơ đầu và sáu câu thơ cuối của đoạn trích Cảnh ngày xuân:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
[… ]
Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều) 

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

– Trong truyện ngắn Làng, Kim Lân đã xây dựng được một tình huống truyện là: Ông Hai cùng gia đình đang ở nơi sơ tán thì nhận được tin làng của ông đã trở thành một làng Việt gian.

– Tình huống đó đã bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước của ông. Trong tình huống đó, diễn biến tâm trạng ông Hai rất phức tạp. Khi nghe tin đột ngột, ông Hai đã sững sờ, buồn và tủi nhục. Suốt ngày ông ở nhà, không dám đi đâu.

Câu 2:

– Câu ca dao khuyên chúng ta cần tế nhị, khiêm tốn, lịch sự và tôn trọng người khác trong giao tiếp. Lời khuyên ấy được thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ so sánh đặc sắc: kim vàng – uốn câu // người khôn – nặng lời.

– Điều đó liên quan đến phương châm hội thoại lịch sự.

Câu 3:

Bài làm cần trình bày được một số ý chính sau:

a) Mở bài:

– Trong cuộc sống, ông bà, cha mẹ là điểm tựa về tinh thần và vật chất cho con cháu. Nhưng không phải người nào cũng may mắn có được điểm tựa vững vàng đó. Và cũng không phải gia đình nào cũng thương yêu con cháu bằng cách bao bọc con cháu suốt cuộc đời. Tác giả Lí Lan đã có một ý kiến rất hay về việc dạy con tính tự lập: “Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con,…”. “Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng ” là mẹ đã tạo bước đi ban đầu cho con, tạo nền móng ban đầu cho con. Mẹ “buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con,… là mẹ đang khuyến khích, động viên con vững tin bước vào tương lai. Động viên con bước đi một mình chính là mẹ đang tạo cho con tính tự lập. Điều đó là vô cùng quan trọng.

– Vậy, thế nào là tự lập? Người có tính tự lập là người như thế nào? tính tự lập có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc đời mỗi người? Để hiểu rõ điều đó, chúng ta cùng bàn bạc.

b) Thân bài:

* Giải thích khái niệm

– Tự lập: tự đứng một mình, không có sự giúp đỡ của người khác.

– Người có tính tự lập: là người tự xây dựng lấy cuộc sống cho mình, không ỷ lại nhờ vả người khác. 

* Bàn về tính tự lập

– Tính tự lập rất quan trọng đối với mỗi người.

+ Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, bằng phẳng. Nhiều khi ta gặp những khó khăn trong quá trình học tập và công tác, ta thụ động đợi chờ sự giúp đỡ của người khác. Nếu ta không có tính tự lập, khi gặp khó khăn thử thách, ta dễ chán nản.

+ Thiếu đi tính tự lập, ta dễ trở nên bị quan. Từ đó ta dễ mất niềm | tin vào mọi người, vào cuộc sống.

+ Người có tính tự lập sẽ rất chủ động trong mọi hoàn cảnh, dễ đi đến thành công và được mọi người tin tưởng…

Dẫn chứng:

Nhiều bạn có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn hoặc mồ côi cha mẹ nhưng nhờ có tính tự lập, bạn đó đã làm chủ được bản thân, tự mình tạo dựng cuộc sống, đạt thành tích cao trong học tập. Nhiều bạn quen thói ỷ lại nên khi thiếu đi sự bao bọc của gia đình thì không thể tự mình vươn lên.

* Phê phán những người thiếu tính tự lập

– Những người không có tính tự lập nhiều khi gây phiền toái cho người khác, thậm chí, có khi còn trở thành gánh nặng cho người thân. Cuộc sống lúc đó sẽ trở nên vô nghĩa. Vì vậy, ta cần phê phán những người thiếu tính tự lập.

* Mở rộng vấn đề:

– Ta cần hiểu đúng đắn về tính tự lập. Tự lập không có nghĩa là sống cô lập, tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Có những việc tự cá nhân ta giải quyết được. Nhưng cũng có những việc phải có sức mạnh tổng hợp của sự đoàn kết ta mới có thể hoàn thành. Vì vậy, phải biết đem sức mạnh của bản thân nhờ có được bởi tính tự lập hoà chung vào sức mạnh của cộng đồng. Lúc đó, cuộc sống của chúng ta mới có ý nghĩa.

– Mỗi chúng ta cần bền bỉ rèn luyện tính tự lập. Ta không ngừng nỗ lực, cố gắng vươn lên trong cuộc sống để khẳng định bản lĩnh, nhân cách của mình.

c) Kết bài

– Chúng ta cần phê phán những người luôn sống dựa dẫm, ỷ lại vào người khác.

– Chúng ta mạnh dạn bước vào đời với niềm tin tưởng ở tương lai tươi sáng. Dẫu mẹ “buông tay” ta thì ta cũng sẽ đứng vững trước những khó khăn thử thách của cuộc sống.

Câu 4: Cảm nhận về cảnh mùa xuân…

Truyện Kiều là kiệt tác văn học, kết tinh giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo và là thành tựu tiêu biểu của Nguyễn Du cũng như thành tựu tiêu biểu của văn học dân tộc. Đoạn trích Cảnh ngày xuân là bức tranh thiên nhiên, bức tranh lễ hội mùa xuân tươi đẹp trong sáng. Bốn câu thơ đầu và sáu câu thơ cuối của đoạn trích đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về cảnh đất trời xuân. Bốn câu thơ đầu đã mở ra một khung cảnh mùa xuân nên thơ:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Hai câu thơ đầu vừa nói thời gian vừa gợi không gian tươi đẹp của mùa xuân. Ngày xuân thấm thoát trôi mau như thoi dệt cửi “Ngày xuân con én đưa thoi”. Tiết trời đã bước sang tháng ba. Trong tháng cuối cùng của mùa xuân, những cánh chim én vẫn rộn ràng bay liệng giữa bầu trời trong sáng như thoi đưa.

Hai câu thơ tiếp theo là bức tranh tuyệt đẹp về mùa xuân, Thảm cỏ non trải rộng tới tận chân trời là gam màu nền cho bức tranh xuân. Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Màu xanh tôn lên vẻ đẹp tinh khiết của màu trắng hoa lê. Màu sắc có sự hài hoà tới mức tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp rất riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống, khoáng đạt, trong trẻo, nhẹ nhàng và thanh khiết. Một chữ “điểm” cũng đủ làm cho cảnh vật trở nên sinh động, có hồn chứ không tĩnh lại. Chỉ bốn câu thơ thôi mà một bức tranh thiên nhiên tươi sáng đã hiện lên. Quả thực, Nguyễn Du là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ.

Sáu câu thơ cuối của đoạn trích là bức tranh thiên nhiên buổi chiều khi chị em Thuý Kiều du xuân trở về:

Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu thê, 
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Cái không khí nhộn nhịp, rộn ràng của lễ hội không còn nữa. Mọi chuyển động đều nhẹ nhàng. Mặt trời từ từ ngả bóng về tây, bước chân người thơ thẩn. Dòng nước uốn quanh. Tất cả đang nhạt dần, lặng dần. cảnh vẫn đẹp vẫn nên thơ “dòng nước uốn quanh”, “nhịp cầu nho nhỏ” nhưng đã thiếu vắng đi rất nhiều hơi thở của con người. Rõ ràng cảnh mùa xuân vào lúc chiều tà đẹp nhưng đượm buồn. Phải là người có con con mắt quan sát tinh tế, nhà thơ Nguyễn Du mới có được những câu thơ miêu tả cảnh mùa xuân với vẻ đẹp rất riêng trong từng thời khắc của ngày.

Trong buổi chiều tà, tâm trạng của con người cũng bâng khuâng, xao xuyến. Những từ láy “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao” không chỉ biểu đạt sắc thái cảnh vật mà còn nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật.

Tóm lại, cảnh thiên nhiên trong đoạn trích không tĩnh tại mà được mở ra theo không gian, thời gian, theo bước chân, cái nhìn, cảm xúc của con người. Vì vậy, cảnh rất có hồn. Bức tranh thiên nhiên có vẻ đẹp tinh khôi, náo nức, tràn trề nhựa sống của buổi sáng, lại có vẻ đẹp bảng lảng, đượm buồn của cảnh chiều tà. Người đọc như cũng mang theo tâm trạng khi được “ngắm” bức tranh xuân bằng thơ này.

Đề thi vào lớp 10 năm 2011 – TP.HCM
Đánh giá bài viết