KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT – ĐÀ NẴNG

Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

Câu 1: (1 điểm)

Tìm lời dẫn trong khổ thơ sau và cho biết đó là lời dẫn trực tiếp hay lời dẫn gián tiếp.

Bao nhiêu người thuê viết   
Tấm tắc ngợi khen tài:         
“Hoa tay thảo những nét        
Như phượng múa rồng bay”.

(Vũ Đình Liên, Ông đồ)

Câu 2: (2 điểm)

Giáo dục tức là giải phóng (1). Nó mở ra cánh cửa dẫn đến hoà bình, công bằng và công lí (2). Những người nắm giữ chìa khoá của cánh cửa này – các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ – gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng, bởi vì cái thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau sẽ tuỳ thuộc vào những trẻ em mà chúng ta để lại cho thế giới ấy.(3)

(Phê-đê-ri-cô May-ô, Giáo dục – Chìa khoá của tương lai, Ngữ văn lớp 9, tập 2)

a) Chỉ ra từ ngữ thực hiện phép liên kết giữa câu 1 và câu 2 của đoạn văn trên. Cho biết đó là phép liên kết gì?

b) Chỉ ra các từ ngữ là thành phần biệt lập trong đoạn văn trên. Cho biết tên gọi chung của thành phần biệt lập đó.

Câu 3 (2 điểm)

Khi giao tiếp cần tế nhị và tôn trọng người khác.

Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 20 dòng) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.

Câu 4 (5 điểm)

Cảm nhận của em về tình cha con trong đoạn trích sau:

Đến lúc chia tay, mang ba lô trên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà. Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giấy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

– Thôi ! Ba đi nghe con ! – Anh Sáu khe khẽ nói. Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

– Ba…a…a… ba !

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thốt lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:

– Ba ! Không cho ba đi nữa ! Ba ở nhà với con !

Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, Ngữ văn 9, tập một)

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

– Lời dẫn trong khổ thơ được thể hiện ở hai câu sau:

“Hoa tay thảo những nét      
Như phượng múa rồng bay”

Đó là lời dẫn trực tiếp vì: hai câu thơ được đặt trong dấu ngoặc kép và đặt sau dấu hai chấm.

Câu 2: 

– Từ ngữ thực hiện phép liên kết giữa câu 1 và câu 2 của đoạn văn đã cho là từ “nó”. Từ “nó” thay cho “Giáo dục”. Đó gọi là phép thế.

– Thành phần biệt lập trong đoạn văn trên là: – các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ. Tên gọi là thành phần phụ chú.

Câu 3: Viết đoạn văn (khoảng 20 dòng) nêu suy nghĩ về sự tế nhị và tôn trọng người khác trong giao tiếp.

Ví dụ:

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Từ xa xưa, ông cha ta đã khuyên nhủ nhau hãy biết lựa chọn lời nói khi giao tiếp. “Lời nói chẳng mất tiền mua” nên cần phải suy nghĩ đắn đo chọn lựa lời nói nào cho phù hợp với nội dung cần nói, với hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, với người giao tiếp với mình. Như vậy, việc giao tiếp mới diễn ra hoà thuận vui vẻ mà lại đạt hiệu quả cao. Cách nói của cha ông là cách nói nôm na, bình dân về sự tế nhị và tôn trọng người khác trong giao tiếp. Tế nhị là tỏ ra khéo léo mà chân thực, nhã nhặn. Tôn trọng là tỏ thái độ đánh giá cao người khác đang giao tiếp với mình. Người khôn là người biết tế nhị, tôn trọng người khác. Khi giao tiếp ta phải tôn trọng người khác, không nên xúc phạm, làm tổn thương họ. Mình tôn trọng người khác, người khác sẽ tốn trọng mình và ngược lại. Nhưng có thể trong những trường hợp nào đó, khi cần thiết chúng ta phải rất thẳng thắn nói rõ vấn đề để người nghe không mơ hồ mà nhận ra nội dung cụ thể cần thực hiện hoặc cần sửa chữa. Thẳng thắn, chân thực nhưng không được miệt thị, xúc phạm người nghe. Chúng ta cần phê phán một cách nghiêm khắc những người luôn tự cao tự đại, coi thường người khác. Từ biết bao bài học trong cuộc sống, bản thân cần biết tế nhị và tôn trọng người khác trong giao tiếp.

Câu 4: Cảm nhận về tình cảm cha con sâu nặng trong đoạn trích trong tác phẩm Chiếc lược ngà.

Bài làm cần đạt được một số ý chính sau:

1. Mở bài:

– Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn chuyên viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiên cũng như trong hoà bình.

– Truyện ngắn Chiếc lược ngà được viết năm 1966 (khi tác giả hoạt động chiến trường Nam Bộ) và được đưa vào tập truyện cùng tên.

– Đoạn trích đã cho thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Đọc đoạn trích chúng ta rung cảm trước sự chia tay bất ngờ và cảm động của cha con ông Sáu.

2. Thân bài:

a) Một vài nét về tình cảm của cha con ông Sáu trong những ngày ông Sáu được về thăm nhà

Tình yêu con tha thiết thể hiện qua tâm trạng và hành động của ông Sau khi xuồng sắp cập bến: “Đến lúc được về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”, “không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra” “Anh bước vội vàng với những bước dài, rồi dừng lại kêu to: “Thu ! Con.”, “Giọng lặp bắp run run: “Ba đây con!”. Những ngày ở nhà, ông luôn tìm cách gần gũi con “Suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con”. Khi ông Sáu đi, Thu một tuổi. Khi ông về thăm nhà, Thu đã tám chín tuổi đầu. Mặt ông Sáu lại có vết thẹo dài trên má nên Thu đã không nhận ba, không nhận sự âu yếm, chăm sóc của ba. Chính vì vậy, đã có lúc ông Sáu ngỡ ngàng, cam chịu và không kìm chế được bản thân…

=> Trong những ngày ông Sáu về thăm nhà, tình cảm của ông đối với con thật sâu sắc, cảm động.

b) Tình cảm của cha con ông Sáu trong lúc chia tay

– Trước khi đi, ông Sáu “muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên, lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn nó với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”.

– Khi con gái ôm chặt lấy ông, ông “không ghìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”.

– Còn với bé Thu, trong buổi sáng cuối cùng, ông Sáu phải lên đường, thái độ và hành động của bé Thu đã thay đổi hoàn toàn. Lần đầu tiên Thu cất tiếng gọi “ba”. Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.

c) Cảm nhận

Còn gì cảm động hơn khi con gái nhận ra ba mình lại là lúc hai cha con phải chia tay. Có lẽ người đọc sẽ không bao giờ quên được cảnh chia tay đặc biệt đó. Qua những diễn biến về tâm lí, diễn biến về hành động của hai cha con ông Sáu, ta thấy ông Sáu là người có tình yêu con tha thiết. Nhưng tình yêu vợ con được hoà trong tình yêu quê hương đất nước. Ông sẵn sàng xa gia đình đi chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước. Bé Thu là người có tình cảm sâu sắc, mãnh liệt, nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi. Bên cạnh đó, bé Thu cũng rất hồn nhiên và ngây thơ (không nhận ba mình vì lí do ảnh ba chụp chung với má không có vết thẹo).

3. Kết bài

– Nhân vật ông Sáu và bé Thu đã để lại trong lòng người đọc tình yêu thương, trân trọng và cảm phục.

– Đoạn trích không chỉ nói lên tình cảm cha con thắm thiết, sâu nặng mà còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những đau thương, mất mát, éo le mà chiến tranh đã mang đến cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình, đặc biệt là trẻ em. 

– Sức hấp dẫn của câu chuyện nói chung, đoạn trích nói riêng còn bởi tác giả xây dựng được cốt truyện chặt chẽ, có những yếu tố bất ngờ nhưng hợp lí. Truyện còn thành công bởi ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả thật sắc sảo.

Đề thi vào lớp 10 năm 2011 – Đà Nẵng
Đánh giá bài viết