DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Giới thiệu về truyền thống đạo lý tốt đẹp của nhân dân ta: “lá lành đùm lá rách”, yêu thương, giúp đỡ nhau.

– Giới thiệu câu ca dao cần phân tích.

2. Giải quyết vấn đề:

– Giải thích ý nghĩa câu ca dao:

+ Nghĩa đen: “nhiễu điều” là mảnh vải màu đỏ, mềm mại, dùng để phủ lên “gương”, làm cho gương sạch, sáng, không bị bụi bẩn hay xây xước. Do đó, “nhiễu” và “gương” luôn gắn bó khăng khít với nhau.

+ Nghĩa bóng: những người sống trong một tập thể, từ nhỏ (gia đình, lớp, trường) đến lớn (một làng, một vùng, một đất nước, thậm chí trên toàn thế giới) nên đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ nhau, nhất là trong những lúc hoạn nạn, khó khăn.

– Khẳng định tính chất đúng đắn của câu ca dao và giải thích lý do vì sao “người trong một nước phải thương nhau cùng”:

+ Mỗi cá nhân sinh ra trong cuộc đời này đều phải thuộc về một tập thể nào đó, là một thành viên của tập thể đó. Con người không thể tồn tại độc lập và biệt lập khỏi những mối quan hệ xã hội.

+ Xã hội được hình thành từ những mối quan hệ giữa con người với con người. Nếu thế giới chỉ toàn những hận thù, bạo lực, chiến tranh mà không có tình yêu thương, chia sẻ giữa con người với nhau thì nhân loại sẽ bị hủy diệt, cộng đồng sẽ tan rã.

+ Trong cuộc sống, không ai là không có lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Nếu không có sự chung tay, giúp sức, sự chia sẻ cả về vật chất và tinh thần của những người khác thì con người đã khốn khó lại càng khốn khó hơn.

– Bình luận câu ca dao:

+ Câu ca dao bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống và truyền thống đạo lý cao đẹp của nhân dân ta qua nhiều thế hệ. Nó có giá trị nhận thức và giáo dục sâu sắc.

+ Truyền thống yêu thương, giúp đỡ đó được thực tế kiểm nghiệm: hành động quyên góp, ủng hộ những người dân bị thiên tai, lũ lụt; quỹ giúp đỡ những nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam… Có khi, toàn thể nhân dân Việt Nam lại gửi lời chia buồn và ủng hộ những người dân ở các quốc gia khác trên trái đất. Có khi, hành động chia sẻ chỉ rất nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa (học sinh phổ thông tặng sách, vở cũ cho những học sinh ở miền núi, miền sâu, xa…). Có khi, sự giúp đỡ này còn rất lớn lao về tinh thần (những lời chia sẻ về những mất mát, tổn thất; những lời động viên, khích lệ ta khi ta đạt được thành tích…). .

– Kể tên một số câu ca dao, tục ngữ khác có cùng ý nghĩa như câu ca dao trên, ví dụ:

+ Câu tục ngữ: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.

+ Câu ca dao:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

3. Kết thúc vấn đề:

– Nêu khái quát lại ý nghĩa của câu ca dao.

– Tác dụng của câu ca dao đến ngày nay: nhắn nhủ mỗi chúng ta hãy sống yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng nên một thế giới thanh bình, thân ái.

BÀI LÀM

Nói đến dân tộc Việt Nam, thường ta hay nghĩ đến một dân tộc yêu hòa bình, sống ân tình, ân nghĩa. Lối sống ân tình ân nghĩa ấy đã trở thành một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống tinh thần cao đẹp của dân tộc ta cũng đã được đúc kết trong những câu ca dao, tục ngữ như những bài học kinh nghiệm quý báu lưu truyền đến bao đời. Câu ca dao:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước thì thương nhau cùng

là một trong những câu ca “cửa miệng” của mỗi người dân Việt Nam; nó nói với chúng ta về truyền thống yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau của con người Việt Nam trong cuộc sống.

Đọc câu ca dao lên, trước hết, chúng ta có thể thấy hai hình ảnh quen thuộc, thường gặp hàng ngày: “nhiễu điều” và “giá gương”. “Nhiễu điều” là mảnh vải màu đỏ, mềm mại, dùng để phủ lên “gương”, làm cho gương sạch, sáng, không bị bụi bẩn hay xây xước. Do đó, “nhiễu” và “gương” luôn gắn bó khăng khít với nhau.

Từ hình ảnh quen thuộc và mối quan hệ gắn bó khăng khít đó, ông cha ta đưa ra lời khuyên: “Người trong một nước thì thương nhau cùng”.

Như vậy, từ ý nghĩa cụ thể bắt nguồn từ cuộc sống, câu ca dao gợi lên hàm ý sâu xa. Ông cha ta đã khéo léo khuyên rằng những người sống trong một tập thể, từ nhỏ (gia đình, lớp, trường) đến lớn (một làng, một vùng, một đất nước, thậm chí trên toàn thế giới) nên đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ nhau, nhất là trong những lúc hoạn nạn, khó khăn. Một lời khuyên thật giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc mà sâu sắc và đầy ý nghĩa.

Vậy, ta nên hiểu câu ca dao này như thế nào?

Có thể thấy rằng câu ca dao đã nêu lên một chân lý hoàn toàn đúng đắn.

Nhà triết học vĩ đại của thế giới Các-Mác đã tổng kết: “xét về bản chất thì con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”. Điều đó có nghĩa là mỗi cá nhân sinh ra trong cuộc đời này đều phải thuộc về một tập thể nào đó, là một thành viên của tập thể đó. Ví như lúc nhỏ, ta là một thành viên trong một gia đình nhỏ bé. Lớn lên, ta lại sống và học tập dưới một mái trường, và được đặt trong các mối quan hệ thây – trò, bạn bè… Lớn hơn nữa, ta lại trở thành một thành viên của một tổ chức chính trị – xã hội và sống trong nhiều mối quan hệ xã hội rộng lớn hơn, phong phú hơn. Do đó, trong suốt cuộc đời mình, con người không thể tồn tại độc lập và biệt lập khỏi những mối quan hệ gia đình và xã hội.

Nhưng trong cuộc sống, có ai trong chúng ta dám chắc rằng mình không bao giờ gặp khó khăn, hoạn nạn? Có ai dám khẳng định con đường mình đi sẽ chỉ trải thảm đỏ và hoa hồng? Đó có lẽ là điều phi thực tế. Những lúc khó khăn, nguy nan đó, nếu không có sự chung tay, giúp sức, sự chia sẻ cả về vật chất và tinh thần của những người khác thì con người chắc chắn đã khốn khó lại càng khốn khó hơn. Thế mới biết sự đùm bọc, đoàn kết, trợ giúp lẫn nhau có vai trò như thế nào trong cuộc sống.

Hơn nữa, chúng ta cũng biết rằng một xã hội được hình thành từ những mối quan hệ giữa con người với con người. Thử hình dung nếu thế giới chỉ toàn những hận thù, bạo lực, chiến tranh mà không có tình yêu thương, chia sẻ giữa con người với nhau thì nhân loại sẽ như thế nào? Chắc chắn là sẽ bị hủy diệt, cộng đồng sẽ tan rã. Và trong một tập thể, một cộng đồng, một dân tộc, hẳn sẽ có những khi phải đối đầu với một tai họa (thiên tai, địch họa…); lúc đó, sự đoàn kết, trợ giúp giữa con người với con người trong cộng đồng, dân tộc đó sẽ tạo nên sức mạnh giúp con người vượt qua trở ngại.

Câu ca dao bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống và kết tinh truyền thống đạo lý cao đẹp của nhân dân ta qua nhiều thế hệ. Nó có giá trị nhận thức và giáo dục sâu sắc.

Truyền thống cao đẹp đó đã được thực tế kiểm nghiệm. Trên một đất nước nhiệt đới gió mùa, người dân Việt Nam bốn mùa phải “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trong ngày, trong đêm”. Và biết bao cơn bão lớn, bao trận lũ lụt kinh hoàng… gây nên biết bao đau thương, mất mát, tổn thất cả về người và của trên những vùng, miền của dải đất hình chữ S này. Chính trong hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn đó, mỗi người dân Việt đồng bào huyết mạch đã thể hiện tình cảm thương yêu, đoàn kết đầy cảm động. Từ một lời hỏi thăm đồng cảm đến một chút quà, một ít tiền cũng chính là tấm lòng đáng quý, đáng trân trọng của mỗi người Việt Nam. Bên cạnh đó, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ta cũng có thể chung tay góp sức, đóng góp vào Quỹ giúp đỡ những nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam, hay những trẻ em khuyết tật, Quỹ trẻ em nghèo vượt khó… Có khi, hành động chia sẻ dù chỉ rất nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa (ví như hành động của các em học sinh tiểu học và phổ thông tặng sách, vở, quần áo cũ cho những học sinh ở miề miền sâu, xa…). Rộng ra, sự xẻ chia giúp đỡ không thu hẹp trong một nước mà còn mở ra phạm vi toàn cầu. Chúng ta còn nhớ toàn thể nhân dân Việt Nam đã gửi lời chia buồn và ủng hộ những người dân ở các quốc gia khác bị gặp thiên tai hoặc tổn thất lớn. Sự chia sẻ, giúp đỡ về vật chất hay tinh thần, nhỏ hay lớn, đều đáng quý và thể hiện tình cảm nhân đạo sâu sắc giữa con người với con người. Nhờ có những hành động ấm tình người đó mà xã hội và thế giới sẽ tốt đẹp hơn, hiền hòa hơn.

Ngoài câu ca dao mà chúng ta vừa tìm hiểu, ta có thể bắt gặp khá nhiều những câu ca dao, tục ngữ có cùng ý nghĩa. Ví như câu tục ngữ:

“Lá lành đùm lá rách”;

hay

“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”;

hay câu ca dao:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Có thể nói, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau là một truyền thống tinh thần tốt đẹp của dân tộc ta. Nhiệm vụ của thế hệ trẻ chúng ta ngày nay là làm thế nào để tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó để nó mãi rạng rỡ, không bị mai một qua thời gian và qua nhiều thế hệ.

Giaibai5s.com

Đề số 9: Cảm nhận của em về con người Việt Nam qua câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người, trong một nước thì thương nhau cùng.
Đánh giá bài viết