DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Giới thiệu đôi nét về nhà thơ Lí Bạch.

– Giới thiệu đôi nét về tác phẩm và vấn đề mối quan hệ giữa tình và cảnh trong bài thơ.

2. Giải quyết vấn đề:

Mối quan hệ giữa tình và cảnh trong bài thơ là một trong những đặc điểm nổi bật làm nên thành công cho tác phẩm.

– Hai câu đầu miêu tả hình ảnh ánh trăng sáng đầu giường/ ngỡ mặt đất phủ sương nhưng không phải là hai câu thơ tả cảnh thuần tuý, đây chủ thể vẫn là con người, ánh trăng dù đẹp đẽ vẫn chỉ là đối tượng nhận xét, cảm nghĩ của chủ thể.

– Hai câu sau miêu tả hình ảnh con người ngẩng đầu nhìn trăng sáng/cúi đầu nhớ cố hương nhưng hai câu này cũng không phải là tả tình thuần tuý. Trong hai câu thơ chỉ có ba tiếng tư cố hương là tả tình trực tiếp còn còn lại đều là tả cảnh, tả người. Qua việc tả cảnh, tả người để bộc lộ tình cảm sâu sắc trong tâm hồn con người nhớ về quê hương.

3. Kết thúc vấn đề: 

– Với ngôn ngữ giản dị, tinh luyện, bài thơ đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía tình quê hương của một người sống xa nhà trong đêm trăng thanh tĩnh.

– Mối quan hệ giữa cảnh và tình trong bài thơ đã thể hiện được tài năng nghệ thuật kiệt xuất của Lí Bạch trong việc sử dụng ngôn ngữ.

BÀI LÀM

“Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” là một bài thơ tuyệt tác của nhà thơ Lí Bạch. Xuyên suốt bài thơ là nỗi buồn nhớ cố hương sâu lắng của một người xa quê, Ở bài thơ, Lí Bạch đã rất tinh tế khi lấy ngoại cảnh “ánh trăng” miền đất lạ để biểu hiện tâm tình của mình:

“Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhở cố hương”

Ở bài thơ, cảnh và tình xen lẫn trong nhau, hoà quyện với nhau. Trong cảnh có tình, trong tình có cảnh. Trong khung cảnh yên tĩnh, vắng lặng của bầu trời đêm là tâm trạng ngỡ ngàng và bồi hồi của thi nhân trước ánh trăng đêm thanh tĩnh:

“Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương” .

Cả một không gian tràn ngập ánh trăng. Ánh trăng sáng quá, lan khắp không gian, bao phủ khắp mặt đất. Trăng đẹp và thơ mộng, lung linh và huyền ảo. Ánh trăng sáng rọi vào đầu giường, hình như đã đánh thức thi nhân dậy. Trong đêm trăng thanh tĩnh ấy, chỉ có trăng và nhà thơ. Thế rồi, thi tiên Lí Bạch “ngẩng đầu” ngắm trăng. Trăng với thi nhân như đôi bạn tri âm tri kỉ gặp nhau, nhìn nhau, cảm động không nói nên lời… Tình yêu trăng của Lí Bạch dường như là vô tận, ông đã làm không biết bao nhiêu bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của trăng. Qua những vần thơ tả cảnh đêm trăng, ánh trăng, ta nhận thấy ở Lí Bạch là một hồn thơ lãng mạn, nhạy cảm và đầy tinh tế.

Vẫn là cảnh đó, nhưng tình ở đây đã rẽ sang một hướng khác. Vẫn là một vầng trăng sáng lung linh, thân thuộc, nhưng tâm trạng của nhà thơ đã đổi thay:

“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương”

Hai hình ảnh “trăng sáng” và “cố hương” đi sóng đôi với nhau biểu hiện một tâm hồn giàu tình yêu thiên nhiên, một tấm lòng yêu quê hương thiết tha sâu nặng. Nhà thơ “ngẩng đầu nhìn trăng sáng”, cái nhìn ở đây hướng ngoại, hướng đến vẻ đẹp bên ngoài. Khác với “cúi đầu nhớ cố hương”, thể hiện cái nhìn hướng nội, hướng đến nội tâm, tâm trạng bên trong. “Cố hương” là quê cũ thân yêu. “Nhớ cố hương” là nhớ tới gia đình, nhớ tới những người thân thương ruột thịt, nhớ tới thời ấu thơ với biết bao mộng tưởng và kỉ niệm đẹp đẽ, nhớ lại những thăng trầm của một đời người… Ta từng biết, Lí Bạch quê ở Cam Túc, thuở nhỏ từng leo lên núi Nga Mi để ngắm trăng và múa kiếm. Lớn lên, ông mang theo bầu rượu túi thơ và thanh kiếm hiệp khách đi chu du mọi phía chân trời góc bế, chan hoà với gió trăng và tình yêu bằng hữu… Vì thế, ánh trăng đêm nay là ánh trăng gợi nhớ, gợi sầu, vấn vương một hoài niệm, làm sống dậy với bâng khuâng của một hồn thơ và một tình quê man mác. “Ánh trăng” và “cố hương” gắn bó với nhau trong một mạch trữ tình, hoà quyện thành một liên tưởng thấm thía, cảm động, nâng cánh cho một hồn thơ bay lên. Nhà thơ “ngẩng đầu” nhìn một vầng trăng để rồi “cúi đầu” nhớ tới quê cũ thân yêu trong những tháng ngày sống nơi đất khách quê người. Bao nhiêu kỉ niệm cứ ùa về trong tâm trí nhà thơ như một cuốn phim quay chậm… Tất cả càng khiến cho thi nhân cảm thấy buồn nhớ quê hương một nỗi buồn da diết. Hai câu thơ. cuối được cấu trúc theo phép đối rất chính: hai tư thế ngẩng đầu” và “cúi đầu”; hai tâm trạng “nhìn” và “nhớ”; hai đối tượng làm thổn thức và trĩu lòng kẻ xa quê: “trắng sáng” và “cố hương”…

Bài thơ đúng là một tuyệt tác! Tình và cảnh có mối quan hệ chặt chẽ và khăng khít đến không ngờ. Từ cảnh một vầng trăng sáng trong đêm thanh tĩnh mà ta thấy được tấm lòng yêu trăng, yêu thiên nhiên cùng với tình yêu quê hương da diết của nhà thơ Lí Bạch.

Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, vẻn vẹn có hai mươi chữ nhưng đã tạo nên một bức tranh thuỷ mặc gợi cảm và ngời lên vẻ đẹp tâm hồn thi nhân với bút pháp lãng mạn đầy điêu luyện. Với ngôn ngữ thơ hàm súc cùng với hình tượng hoa lệ, gợi lên một nỗi buồn đẹp – tất cả góp phần tạo nên vẻ đẹp văn chương của bài thơ trăng này. “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” đúng là một tuyệt bút của thi tiên Lí Bạch! Bài thơ đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc, khó phai.

Giaibai5s.com

Đề số 26: Phân tích mối quan hệ giữa tình và cảnh trong bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” của nhà thơ Lí Bạch – Văn mẫu lớp 7
Đánh giá bài viết