DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Ai cũng muốn thành công trong công việc và trong cuộc sống.

– Kiên trì là một trong những yếu tố dẫn đến thành công.

2. Giải quyết vấn đề:

Giải thích sơ lược ý nghĩa của câu tục ngữ:

– Chiếc kim được làm bằng sắt, trông nhỏ bé, đơn sơ nhưng để làm ra nó, người ta phải mất nhiều công sức (nghĩa đen).

– Muốn thành công trong mọi việc, con người phải có ý chí và sự bền bỉ, kiên nhẫn (nghĩa bóng).

Chứng minh qua dẫn chứng:

– Các cuộc kháng chiến chống xâm lăng của dân tộc ta trong lịch sử đều theo chiến lược trường kì và đã kết thúc thắng lợi.

– Nhân dân ta bao đời bền bỉ đắp đê ngăn nước lũ, bảo vệ mùa màng ở đồng bằng Bắc Bộ.

– Anh Nguyễn Ngọc Kí kiên trì luyện tập viết chữ bằng chân để trở thành người có ích. Anh là một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực.

3. Kết thúc vấn đề:

– Câu tục ngữ dạy ta bài học quý báu và thiết thực mà mà ông cha ta đã truyền lại cho con cháu.

– Trong cuộc sống, chúng ta cần kiên trì trong mọi việc để có được nhiều thành công.

 BÀI LÀM

Trong cuộc sống, tất nhiên ai cũng muốn thành công, và mỗi ai trong chúng ta đều tự đặt cho mình câu hỏi: làm sao để thành công? Để đi đến thành công, con người cần có những đức tính nào? Một trong những phẩm chất quan trọng dẫn đến thành công là tính kiên trì. Người xưa đã dạy rằng: Có công mài sắt, có ngày nên kim. ..

Câu tục ngữ nêu lên hai vế điều kiện và kết quả. Điều kiện là: Có công mài sắt, kết quả là: Có ngày nên kim. Hai vế đều có bốn tiếng, trong đó hai tiếng một tương ứng nhau: có công / có ngày, mài sắt / nên kim.

Trong hoàn cảnh xã hội thời xưa, muốn có được cây kim từ sắt, người ta phải rất cần cù lao động để mài, để dũa.

Ai cũng biết cây kim thật bé nhỏ nhưng cũng thật hoàn hảo. Thân kim tròn và nhỏ, đầu kim nhọn, phần cuối có một lỗ bé xíu để luồn chỉ qua. Cây kim là một vật có ích được làm bằng sắt. Từ sắt nên kim là một quá trình tôi luyện, mài dũa công phu. Ai có công mài sắt sẽ có ngày nên kim. Đức kiên nhẫn, bền bỉ chính là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.

Thực tế cuộc sống cho ta thấy lời khẳng định trên là hoàn toàn có cơ sở. Trong lịch sử chống ngoại xâm, dân tộc ta thường phải thực hiện chiến lược trường kì kháng chiến. Từ cuộc kháng chiến chống quân Minh của vua tôi nhà Lê cách đây mấy thế kỉ cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của nhân dân ta trong suốt mấy chục năm qua, tất cả đều thể hiện ý chí, nghị lực kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc. Cuối cùng, chúng ta đã thắng lợi vẻ vang, giữ vững chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng của đất nước.

Trong đời sống lao động sản xuất, nhân dân ta cũng đã thể hiện đức tính kiên nhẫn, bền bỉ đáng khâm phục. Nhìn con để sừng sững ven sông Hồng, chúng ta mới hiểu được tổ tiên ta đã kiên trì, nhẫn nại tới m để tạo ra bức trường thành ngăn dòng nước lũ, bảo vệ mùa màng.

Trong học tập, đức tính kiên trì lại càng cần thiết để giúp chúng ta thành công. Hai bạn học sinh có sức học như nhau nhưng bạn nào có sự kiên trì, chăm chỉ học hành hơn thì sẽ có kết quả học tập cao hơn. Có nhiều bạn, những anh chị học sinh ở nhiều miền quê nghèo khó, nhưng nhờ chăm chỉ, kiên trì học hành và đã đỗ rất cao trong các kì thi học sinh giỏi, các kì thi đại học. Bác Hồ cũng khuyên thanh niên rằng:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền.

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Ta cũng cần nhận thấy rằng, việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi con người phải là một quá trình, phải thường xuyên, liên tục. Kinh nghiệm của thế hệ trước sẽ là bài học quý báu, là lời cổ vũ động viên thanh thiếu niên không ngừng phấn đấu trong cuộc sống.

Đức tính kiên trì, nhẫn nại cùng với óc thông minh, sáng tạo trong học tập, lao động sẽ giúp chúng ta đi tới những thành công lớn lao.

Giaibai5s.com

Đề số 18: Nhân dân ta thường khuyên nhau rằng: Có công mài sắt có ngày nên kim. Em hãy giải thích và chứng minh lời khuyên trên.
4.7 (94.21%) 190 votes