DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Dẫn dắt, giới thiệu về di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh.

2. Giải quyết vấn đề:

– Giới thiệu tên, địa chỉ và những nét khái quát về đối tượng.

– Giới thiệu lịch sử hình thành và ý nghĩa của di tích, danh thắng.

– Miêu tả, tái hiện lại vẻ đẹp của di tích.

– Phát biểu cảm nghĩ, nói lên ý thức trách nhiệm của con người trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị, vẻ đẹp của di tích, danh thắng.

3. Kết thúc vấn đề:

– Khẳng định lại vẻ đẹp ý nghĩa của di tích, danh thắng đối với quê hương, đất nước.

– Những việc làm, hành động của bản thân để giữ gìn, phát huy vẻ đẹp, giá trị của di tích, danh thắng.

BÀI LÀM

Ai đã từng đến Hạ Long – quê hương tôi, hắn sẽ không thể quên hình ảnh một ngọn núi đá vôi cao 100m nằm ở trung tâm thành phố, kề ngay bên vịnh Hạ Long xinh đẹp, nhìn xa trông như một toà lâu đài khổng lồ với ba ngọn tháp nhấp nhô trên những bức trường thành kiến cố. Một ngọn núi mộng mơ như đúng cái tên gọi của nó – Núi Bài Thơ.

Núi Bài Thơ – ngọn núi đã quá đỗi thân quen với tôi cũng như bao người con miền biển, bởi đứng ở bất kì một tầng cao nào, ta cũng có thể thấy hình ảnh ngọn núi đứng sừng sững như một bức tượng đài giữa lòng thành phố mỏ, trải qua bao nhiêu năm, chứng kiến những đổi thay, núi Bài Thơ vẫn mang một vẻ đẹp lạ lùng, làm xao xuyến biết bao trái tim du khách, làm ngẩn ngơ những tâm hồn thi sĩ và khiến những người dân quê tôi xiết bao tự hào..

Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi được hình thành từ thế kỷ Đê vôn. Đỉnh cao nhất của núi có hình ngọn mác chĩa lên trời, phía dưới có nhiều ngọn, nhiều mỏm chông chênh, vách đá dựng đứng, những làn đá tai mèo nhọn hoắt. Trong lòng núi có nhiều hang động ngầm, vách đá phủ đầy rêu trơn làm cho núi có một vẻ cổ kính, huyền bí. Đứng ở nhiều góc độ nhìn thấy núi có lúc dáng như hổ phục, lúc có dáng như sư tử vờn mồi, lúc có dáng như con rồng sắp cất cánh. Núi Bài Thơ thuở xưa có tên núi Rọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng Sơn. Tôi nghe bà tôi kể lại, ngày xưa lính gác trên núi hễ có giặc giã đến thì đốt lửa báo về kinh thành. Từ đó xuất hiện tên núi Truyền Đăng.

Sau này, đến đời vua Lê Thánh Tông – cháu nội của Lê Lợi – đưa quân đi tuân ở vùng biển Đông Bắc, có dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng, phía giáp với vịnh Hạ Long, để uống rượu ngâm thơ. Xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của thiên nhiên, nhà thơ – nhà vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá mà đến giờ gió mưa vẫn chẳng thể làm phai nhoà:

Nước lớn mênh mông, trăm sông chầu vào

Núi non, la liệt rải rác như quân cờ, vách đá liền trời

Có tráng chí, nhưng lúc mới dựng nghiệp vẫn theo người,

như quẻ Hàm hào cửu tam (đã định)

Nay một tay mặc sức tung hoành, quyền uy như thần gió

Phía Bắc, bọn giặc giã như hùm beo đã dẹp yên

Vùng biển phía Đông, khói chiến tranh đã tắt

Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững

Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc căn.

Và cái tên núi Bài Thơ có từ đó. Năm 1729, chúa Trịnh Cương đã làm một bài thơ họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông và cho khắc vào ngay gần đây. Cũng tại đây còn có bài thơ của Nguyễn Cẩn (1790) và một số bài thơ khác. Núi Bài Thơ còn gắn với hình ảnh những người thợ mỏ nơi quê hương tôi, cái ngày xa xưa thời thuộc Pháp, người dân đất mỏ chủ yếu làm phu tại các lò than của các chủ là người Pháp, và họ đã sớm giác ngộ Cách mạng, theo Đảng đứng lên đánh Pháp. Từ đó, lá cờ đỏ búa liềm – biểu tượng của Đảng Cộng Sản vẫn được giữ gìn tiếp nối và luôn tung bay trên đỉnh núi đến bây giờ, để mỗi lần ngắm nhìn ngọn núi đứng hiền hoà trong mây, ngắm nhìn lá cờ bay phấp phới, tôi lại thấy cả thời kháng chiến chống Pháp hào hùng trong đó, và cả hình ảnh người thợ mỏ quê tôi, cao lớn, đẹp đẽ xiết bao.

Đối với những du khách đến Hạ Long, leo núi Bài Thơ là một thú vui hấp dẫn, đứng trên đỉnh núi không ai không khỏi ngỡ ngàng trước quang cảnh kì vĩ của vịnh Hạ Long. Phía Tây là khu Bãi Cháy tấp nập tàu thuyền du lịch vào ra thăm vịnh Hạ Long, phía Nam một vùng biển mênh mông nhìn hút tầm mắt không thấy đường chân trời, phía Đông núi xếp từng hàng dãy tạo thành những hình thù kì ảo từ hàng triệu năm trước, những trích đoạn đầu tiên của kì quan thiên nhiên vịnh Hạ Long, phía Bắc, thành phố Hạ Long hiện ra như một bức tranh lớn với hàng trăm mái nhà rất độc đáo riêng chỉ có ở Hạ Long. Nổi bật với nền trời xanh tươi tắn là cả một vùng mỏ than đen lóng lánh, dưới chân núi là biển nước trong veo xanh ngắt, tấp nập làng chài và cả những cái mỏng xinh xinh trôi bồng bềnh. Ở nơi đây, con người thấy lòng mình nhẹ nhõm thanh thản và cả tâm hồn như được hoà vào với trời, mây, non, nước, hoà vào với thiên nhiên xinh đẹp kì vĩ. Thật tuyệt vời biết bao.

Bất kì ai đến với Quảng Ninh, đến với Hạ Long đều không thể bỏ qua núi Bài Thơ, tên núi và phong cảnh ở đây gây cho mọi người cảm xúc khó diễn tả, vì núi Bài Thơ như một tấm bia thiên nhiên khắc dấu ấn văn hoá lịch sử Việt Nam mãi mãi bền vững theo thời gian, trong lòng thành phố, trong lòng đất mỏ và trong trái tim con người.

Giaibai5s.com

Đề số 15: Em hãy viết một bài văn giới thiệu về một danh lam thắng cảnh hoặc một di tích lịch sử ở quê hương em – Văn mẫu lớp 7
Đánh giá bài viết