I. Yêu cầu

– Bài viết này đòi hỏi phải thể hiện được những kĩ năng làm văn tự sự sau phần tự sự ở lớp 6 và đầu lớp 7.

– Yêu cầu kể chuyện có thật, do đó cần chú ý tôn trọng sự thật nhưng không có nghĩa là ghi lại câu chuyện một cách máy móc. Cần biết sắp xếp các sự việc để tạo nên tình tiết, tạo dựng tình huống hấp dẫn.

– Nhân vật phải sinh động, có tính cách.

II. Gợi ý

– Hãy nhớ lại một chuyện vui hoặc cảm động, hoặc buồn cười,… xảy ra với mình hoặc các bạn. Nhớ rằng chuyện gặp ở lớp, trường chứ không phải ở nhà, ngoài đường. Ghi lại vắn tắt các sự việc xảy ra theo thời gian.

– Sau đó suy nghĩ cách sắp xếp các sự việc để có mâu thuẫn, tạo tình tiết hấp dẫn khi kể.

– Suy nghĩ về nhân vật : hình dáng, tính nết.

– Có thể chọn một trong những nội dung : sự hiểu nhầm nào đó trong học tập hoặc sinh hoạt, giúp đỡ bạn gặp khó khăn,…

III. Lập dàn ý

A. MỞ BÀI (Tạo ra tình huống để kể cho cha mẹ nghe chuyện)

– Có thể từ câu chuyện cha mẹ kể mà bắt vào giới thiệu chuyện mình kể.

– Có thể trong bữa cơm, bố hỏi…

B. THÂN BÀI (Kể chuyện mà em đã gặp ở trường)

Bắt đầu câu chuyện

– Giới thiệu nhân vật, tình huống xảy ra câu chuyện.

– Thời gian, địa điểm.

Diễn biến câu chuyện (Tình huống nảy sinh mâu thuẫn)

– Sự việc thứ nhất

– Sự việc thứ hai

– Sự việc thứ ba

Kết thúc câu chuyện

– Mâu thuẫn được giải quyết.

– Hiểu đúng về nhân vật.

C. KẾT BÀI

– Nhận xét của bố, mẹ và bản thân về câu chuyện.

– Bài học rút ra từ câu chuyện.

IV. Bài làm minh họa

Tối nay, gia đình tôi quây quần quanh bàn nước. Như thường lệ, bố hỏi tôi hôm nay có chuyện gì hay ở trường không, kể cho cả nhà nghe đi. Câu hỏi của bố đã làm tôi nhớ lại câu chuyện xảy ra sáng nay ở lớp tôi.

Hôm nay, đến phiên tôi và Hương trực nhật. Khi tôi đến thì đã thấy Hương ở trong lớp. Nhìn thấy tôi, Hương lúng túng, vội cất một gói gì đó. Hương không nói nên tôi cũng không hỏi. Trước khi vào tiết học, thấy An ngồi khóc. Tôi hỏi, An vừa thút thít khóc, vừa nói:

– Tớ đã làm mất tiền đóng học phí rồi. Híc, híc …

Nói xong, An lại khóc. Chúng tôi xúm lại an ủi nhưng An vẫn không nín. Bất chợt, tôi quay sang chỗ Hương, thấy nó cúi xuống, vẻ mặt bản thân. Tôi cảm thấy có điều khác lạ ở Hương. Bình thường, Hương đã đến bên An để an ủi – tính Hương vẫn như thế.

Hai tiết học trôi qua. Đến giờ ra chơi, tôi ngồi lại với An. Hương mở cặp, lấy một gói nhỏ đưa cho An. Hương nói:

– Mình đã nhặt được số tiền này trong ngăn bàn của bạn.

An mừng rỡ reo lên:

– A ! Đây rồi. Hôm qua mình chưa kịp nộp cho cô và để quên trong ngăn bàn. Cảm ơn Hương.

Dường như Hương cảm thấy xấu hổ khi nghe lời cảm ơn của An. Tan học, trên đường về, Hương tâm sự với tôi:

– Lúc đầu, mình không định trả cho An Số tiền đó. Nhà mình không còn tiền để mua thuốc cho mẹ nữa. Nhưng rồi mình nghĩ đó không phải là tiên của mình. Với lại, nếu mất số tiền đó thì thật tội nghiệp cho An.

Tôi hiểu nhà Hương rất nghèo, mẹ Hương đã nằm viện mấy tháng nay.

Nghe tôi kể lại câu chuyện, bố mẹ tôi rất cảm động. Bố nói với tôi:

– Hoàn cảnh của bạn Hương đang rất khó khăn. Theo bố, các con nên giúp đỡ bạn. Các con có thể trích quỹ lớp hoặc mỗi người đóng góp một ít để giúp bạn. Mẹ cũng đồng ý với ý kiến của bố. Mẹ bảo: Nhà mình cũng không giàu có gì, nhưng con hãy cầm số tiền này giúp Hương, gọi là của ít lòng nhiều.

Tôi hứa với bố mẹ rằng sáng mai sẽ kể cho cả lớp nghe chuyện này để các bạn thông cảm và giúp đỡ Hương.

Đề: Kể lại một chuyện (được gặp ở trường) đã gây cho em ấn tượng sâu sắc
Đánh giá bài viết