A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. Tình hình chính trị – kinh tế

1. Nhà Nguyễn lập lại chế độ phong kiến tập quyền

– Năm 1802, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu Gia Long, chọn Phú Xuân làm kinh đô lập ra triều Nguyễn, năm 1806 lên ngôi Hoàng đế.

– Năm 1815, nhà Nguyễn ban hành bộ Hoàng triều luật lệ.

– Năm 1831-1832, nhà Nguyễn chia nước làm 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Đứng đầu tỉnh lớn là tổng đốc, các tỉnh vừa và nhỏ là tuần phủ.

– Quân đội gồm nhiều binh chủng, thành trì xây dựng vững chắc. Hệ thống trạm ngựa được thiết lập từ Nam Quan đến Cà Mau để kịp thời chuyển tin tức.

– Về ngoại giao, các vua Nguyễn thần phục nhà Thanh, khước từ thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây.

2. Kinh tế dưới triều Nguyễn 

* Về nông nghiệp, các vua Nguyễn chú ý khai hoang, di dân lập ấp, lập đồn điền.

– Năm 1828, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chiêu mộ dân lưu vong khai hoang lập nên huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Hàng trăm đồn điền được lập ở Nam Kì.

– Việc khai hoang đã tăng thêm diện tích canh tác. Nhưng ruộng đất bỏ hoang vẫn còn nhiều, vì nông dân bị địa chủ, cường hào cướp mất ruộng đất phải lưu vong.

– Nhà Nguyễn đặt chế độ quân điền nhưng không còn tác dụng phát triển nông nghiệp và ổn định đời sống nhân dân.

– Ở các tỉnh phía bắc, việc đắp sửa để không được chú trọng nên lụt lội hạn hán xảy ra luôn.

* Về công thương nghiệp

– Thủ công nghiệp:

+ Nhà Nguyễn lập nhiều xưởng đúc tiền, đúc súng, đóng tàu ở kinh đô Huế, Hà Nội, Gia Định… thợ giỏi tập trung trong các xưởng của nhà nước.

+ Ngành khai mỏ được mở rộng, nhưng cách khai thác còn lạc hậu.

+ Các nghề thủ công trong dân gian phát triển, có nhiều làng thủ công nổi tiếng. Nhưng hoạt động thủ công nghiệp trong dân gian phân tán, thợ thủ công phải nộp thuế sản phẩm rất nặng nề.

– Thương nghiệp:

+ Việc buôn bán có nhiều thuận lợi, nhiều thị tứ mới xuất hiện.

+ Thuyền buôn nước ngoài thường xuyên đến buôn bán.

Tàu buôn phương Tây chỉ được ra vào một số cảng đã qui định.

II. Các cuộc nổi dậy của nhân dân

1. Đời sống nhân dân dưới triều Nguyễn.

Nhân dân bị địa chủ hào lí chiếm đoạt ruộng đất, quan lại tham nhũng, tô thuế phu dịch nặng nề. Nạn dịch bệnh, nạn đói hoành hành khắp nơi.

2. Các cuộc nổi dậy

Trong hơn nửa thế kỉ thống trị của nhà Nguyễn, có hàng trăm cuộc nổi dậy.

a. Khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821-1827)

– Địa bàn: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Quảng Yên.

– Căn cứ chính ở Trà Lũ, đánh nhau hàng chục trận với quán triều đình.

– Năm 1827, khởi nghĩa bị đàn áp b. Khởi nghĩa Nông Văn Vân (1833-1835) – Địa bàn: Việt Bắc.

– Nhà Nguyễn hai lần cử những đạo quân lớn đàn áp. Lần thứ ba (1835), quân triều đình bao vây và đốt rừng, khởi nghĩa bị dập tắt.

b. Khởi nghĩa Lê Văn Khôi (1833-1835)

– Tháng 6-1833, Lê Văn Khôi khởi binh chiếm thành Phiên An. Mấy tháng sau cả sáu tỉnh Nam Kì đều theo ông khởi nghĩa.

– Do tướng Thái Công Triều làm quản, đầu hàng triều đình nên Lê Văn Khôi bị cô lập. Năm 1834, ông lâm bệnh qua đời. Tháng 7-1835, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp.

c. Khởi nghĩa Cao Bá Quát (1854-1856):

– Cao Bá Quát lãnh đạo nhân dân nổi dậy ở Hà Nội, Bắc Ninh. Nhưng kế hoạch bị lộ, nghĩa quân phải khởi sự sớm hơn dự định.

– Đầu năm 1855, trong trận chiến đấu ác liệt ở Sơn Tây, Cao Bá Quát hi sinh. Đến năm 1856, khởi nghĩa bị dập tắt.

B. BÀI TẬP

Câu 1. Hãy khoanh tròn chỉ một chữ in hoa trước câu trả lời đúng.

1. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến các cuộc khởi nghĩa của nhân dân là gì?

A. Đời sống cơ cực.

B. Quan lại tham nhũng.

C. Tô thuế, phu dịch nặng nề.

D. Dịch bệnh hoành hành.

2. Cuộc khởi nghĩa diễn ra ở miền núi là khởi nghĩa

A. Phan Bá Vành.

B. Nông Văn Vân.

C. Lê văn Khôi.

D. Cao Bá Quát.

3. Cuộc khởi nghĩa có thời gian dài nhất là khởi nghĩa

A. Lê Văn Khôi.

B. Cao Bá Quát.

C. Phan Bá Vành.

D. Nông Văn Vân

4. Cuộc khởi nghĩa lôi kéo cả sáu tỉnh Nam Kì hưởng ứng là khởi nghĩa

A. Cao Bá Quát.

B. Nông Văn Vân.

C. Phan Bá Vành.

D. Lê Văn Khôi.

Câu 2. Lập bảng thống kê các cuộc khởi nghĩa lớn theo trình tự: cuộc khởi nghĩa, thời gian, địa bàn.

 

ĐÁP ÁN BÀI TẬP

Câu 1. 1A, 2B, 3C, 4D

Câu 2.

Cuộc khởi nghĩa Thời gian Địa bàn
Phan Bá Vành 1821-1827 Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Quảng Yên
Nông Văn Vân 1833-1835 Việt Bắc
Lê Văn Khối 1833-1835 Nam Kì
Cao Bá Quát 1854-1856 Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tây

Nguồn website giaibai5s.com

Để học tốt Lịch sử Lớp 7 – Bài 27: Chế độ phong kiến nhà Nguyễn
Đánh giá bài viết