I. Yêu cầu

– Đề bài yêu cầu viết một bài nghị luận. Như vậy, có thể kết hợp giải thích với chứng minh vấn đề.

– Giải thích và chứng minh cho người đọc hiểu tác hại của một tệ nạn cụ thể nào đó. Ví dụ : tệ cờ bạc, tệ ma tuý hoặc sử dụng văn hoá phầm đồi truỵ.

– Dẫn chứng lấy từ thực tế đời sống.

II. Gợi ý

– Cần tham khảo một số bài viết về các tệ nạn xã hội trên báo chí trong sách giáo khoa,… để lập luận có cơ sở chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, chính xác.

– Nên chọn viết về một tệ nạn mà mình hiểu kĩ tác hại của nó thì bài viết sẽ có sức thuyết phục.

– Cần giải thích cách hiểu về tệ nạn xã hội. Vì sao cờ bạc (ma tuý…) lại là tệ nạn xã hội, nó gây tác hại thế nào với bản thân, gia đình, cộng đồng ; nói “không” với ma tuý… cụ thể là thế nào ?

– Dẫn chứng đưa ra phải chính xác, tiêu biểu, (chỉ cần nêu con số, sự việc, hậu quả, không cần kể tỉ mỉ như một câu chuyện về ma tuý mà chỉ cần tóm tắt).

– Mục đích bài viết là làm người đọc hiểu tác hại của tệ nạn đó, có ý thức quyết tâm tránh xa tệ nạn, do đó cần sử dụng linh hoạt các yếu tố kết hợp với nghị luận như : tự sự, miêu tả, biểu cảm…

III. Lập dàn ý

A. Mở bài

– Một thực trạng đáng buồn hiện nay của xã hội : nhiều loại tệ nạn xã hội không ngừng xuất hiện và gia tăng.

– Trong đó, ma tuý là một tệ nạn nguy hiểm.

(hoặc : có thể dẫn từ một mẩu tin về việc xã hội tăng cường phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội)

B. Thân bài

1. Thế nào là tệ nạn xã hội ?

(dựa vào kiến thức đã học và hiểu biết trong sách vở, qua các phương tiện thông tin tuyên truyền).

2. Tác hại của những tệ nạn xã hội

– Với bản thân người tham gia vào tệ nạn.

+ Về sức khoẻ.

+ Về thời gian.

+ Về nhân cách.

– Với gia đình những người bị lôi kéo vào tệ nạn.

+ Về kinh tế.

+ Về tinh thần.

– Với xã hội.

+ Về an ninh xã hội.

+ Về văn minh của xã hội.

+ Về sự phát triển kinh tế.

3. Hãy nói “không” với các tệ nạn, thái độ và hành động cụ thể.

– Tự bảo vệ mình khỏi hiểm hoạ ma tuý và những tệ nạn xã hội.

– Với người đã trót lầm lỡ cần có nghị lực, quyết tâm từ bỏ.

– Với cộng đồng.

+ Giúp đỡ họ từ bỏ các tệ nạn.

+ Ngăn chặn tệ nạn.

C. Kết bài 

– Quyết tâm vì một xã hội an toàn, lành mạnh, không có tệ nạn.

IV. Bài tham khảo

Bài số 1:

Cuộc sống càng hiện đại, xã hội càng phát triển thì tệ nạn – tiêu cực cũng không ngừng gia tăng. Đó phải chăng là một sự mâu thuẫn ? Không hế, khi mà tồn tại trong con người có cả thiên thần và ác quỷ. Khi cái ác, cái xấu không được khắc chế, kiềm hãm thì lẽ tất yếu là nó sẽ tự do hoành hành, lấn át cái tốt, cái đẹp. Do đó, ta phải kiên quyết dẹp bỏ nó. 

Trước hết, tệ nạn không bao giờ đi đơn lẻ. Đó là những thói quen phổ biến trong xã hội, xấu xa và có tác hại lớn. Chúng ta vẫn thường nghe tới các tệ nạn phố biến như ma tuý, cờ bạc, sử dụng ấn phẩm không lành mạnh… Thế nhưng không hẳn tất cả đều hiểu biết thực chất các tệ nạn ấy là gì và cái độc, cái hại của nó. Ma tuý nói chung là loại bột trắng, khi dùng chỉ cần hít một lượng nhỏ là tức khắc sẽ thấy thật phấn khích, dễ chịu, bay bổng, đê mê như lạc trong cõi tiên. Cờ bạc thì thực là muôn hình vạn trạng ! Các sòng bài có vô số kiểu chơi với cung cách hết sức khác nhau, nhưng đều tuân theo nguyên tắc. Thắng thì được tiền mà thua thì mất tiền…

Những kẻ sa đoạ có thể cãi ngay : “Ma tuý giúp tâm hồn bay bổng, được cảm thấy thoải mái thì có gì là xấu ?”, rồi lại lí luận “chơi bạc có thể được rất nhiều tiền, thắng thua tại số”. Lời nói đó chứng tỏ họ còn rất mê muội mà không thoát khỏi vũng bùn ô trọc, quỷ quái. Không biết rằng ma tuý là một tên lừa phỉnh có hạng. Nó hứa hẹn cho ta thiên đàng nhưng thật ra nó phá huỷ mọi thứ có quanh ta. Chỉ cần dùng một lần thôi, nó đã kịp tạo một ổ khoá ở não người sử dụng. Lần sau, dù muốn dù không, người ấy cũng sẽ sẵn sàng tiếp tục. Dần dần, sẽ không còn là “chơi cho vui” nữa, ma tuý trở thành nhu cầu phải có. Sáng để khởi động tinh thần, trưa để tiếp tục phấn chấn. Và tối để giảm áp lực mệt mỏi. Người nghiện nào cũng sẽ tự dối lòng : mình chưa bị nghiện và có thể bỏ thuốc bất cứ lúc nào. Họ được chia thành hai dạng : những người vạ vật chích choác ngoài đường phố vì thiếu tiền, và những con nghiện thời thượng. Lượng thuốc cần hít sẽ tăng lên. Đây là nguồn phát sinh mọi phiền toái. Những ảo tưởng, kích động, hoảng loạn trầm trọng sẽ đè sập tinh thần họ. Mọi tình cảm đều ra khói bụi. Họ bất hoả, nghi ngờ tất cả. Điều tệ hại hơn là thiếu tiền mua thuốc. Vậy thì phải làm mọi cách để kiếm tiền. Nhưng sức lực đã yếu, cách nào mang lại nhiều tiền ? Lừa đảo, trộm cắp, hay cờ bạc ? Việc học, việc làm tuột dốc, tâm thần trở nên rối loạn. Các thứ bệnh tật và đau đớn thi nhau hoành hành. Họ trốn tránh cái đau bằng khoái cảm của ma tuý, kéo dài thêm cái vòng luẩn quẩn. Trong cuộc sống, chỉ có ma tuý mà thôi, không còn gì khác. Hố sâu khác biệt giữa phấn khích và tinh thần suy sụp, xuống dốc càng ngày càng sâu khiến cho người nghiện chỉ muốn tự tử. Sức khoẻ, tính mạng đều được đem ra đối thuốc. Bạn bè, người thân dân xa lánh, con nghiện không hiểu rằng họ chỉ còn nước tính đến chuyện ma chay cho kẻ chết thuốc. Mất tất cả, chỉ bởi vì ma tuý – những con quỷ dữ. Có đáng không ? 

Thực ra không phải tất cả những người chơi bạc đều nghiện. Con nghiện chỉ cần tiền mua thuốc, nhưng những tên mọt cờ bạc thì có khác gì con nghiện ? Chúng nghiện tiền, ôm cái ảo tưởng làm giàu chóng vánh, dễ dàng bằng mấy quân bài đỏ đen hay con xúc xắc… Tiền mua được mọi vật chất cho cuộc sống. Người ta không phải tất cả rồi sẽ chỉ dành cả đời kiếm tiền đấy ư ? Cờ bạc vừa vui, vừa tạo cảm giác mạnh, vừa có thể đem lại rất nhiều tiền… Những con nghiện tiền ấy nào có biết đâu là phải trái ? Trông chờ vào trời, vào số đỏ ư ? Bao nhiêu con người đã phải tan hoang cửa nhà, nộp sạch gia sản, thậm chí bản thân cho sòng bạc. Bởi lẽ khi chơi mà thắng thì thật là sung sướng. Cái cảm giác được làm chủ không biết bao nhiêu tiền mà chẳng lấy gì làm quá kham khổ, sao mà không sướng ? Nhưng đâu có thắng mãi… Thua rồi, sẽ lại bực tức vì để mất tiền. Lại chơi lại thua. Lại càng cay cú. Lại chơi. Lại thua… Tham thì thâm ! Là bởi cái lòng tham của con người mà tiến đội nón ra đi. Khánh kiệt rồi, làm cách nào kiếm tiền ? Hay là cố một ván, biết đâu trời thương cho hoàn vốn… Chao ôi ! Nợ nần chồng chất… Hỡi loài người, sao lại để cho cái đê hèn giết chết lí trí ?

Ông hút, chiếu bạc, phim ảnh đồi trụy rồi cũng dắt con người ta đến với cơ man nào là buôn thuốc, bán người, mại dâm, thậm chí là giết người. Vì thuốc, vì tiền, máu mủ ruột rà rồi cũng ra người dưng nước lã. Mất nhân tính rồi, con người khác chi loài cầm thú. Tệ nạn quay vòng, chúng là cái vực sâu tăm tối thăm thẳm, mênh mông, là nơi xứng đáng nhất với hai tiếng Địa ngục. Tục ngữ Anh có câu “Nói dễ, làm khó, làm được điều mình nói lại càng khó”. Chẳng thể trách thiên nhiên tạo ra cây thuốc phiện, trách đồng tiền làm bằng loại giá trị cuộc đời. Vạn sự cũng chỉ tại con người. Hỡi những ai còn lương tri, lương năng, hãy tự bảo vệ ta để cho xã hội này thêm một phần trong sạch.

Bài số 2:

Xã hội nước ta đang trên đà đi lên và không ngừng phát triển. Nhưng bên cạnh sự tăng trưởng cũng có mặt trái của nó. Đó là sự gia tăng của những tệ nạn xã hội như : ma tuý, cờ bạc, đua xe, văn hoá phẩm đồi trụy,… những thứ mà bất cứ lúc nào cũng cần diệt trừ ngay. Muốn góp sức trong việc làn trong sạch xã hội, thế hệ trẻ chúng ta phải : “Nói không với các tệ nạn”.

Trước hết, ta phải hiểu thế nào là tệ nạn ? Đó là những hành vi làm sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức và pháp luật. Điều này gây hậu quả xấu đến đời sống xã hội. Và còn những tệ nạn nguy hiểm đang xuất hiện trong giới học sinh chúng ta như nghiện hút, cờ bạc, đua xe trái phép,… Ngần ấy thứ cũng đủ khiến chúng ta phải tránh xa khỏi các hành vi đầy tai hại này.

Vậy còn thế nào là “Nói không” với các với tệ nạn xã hội ? “Không” là từ chối, phản đối. Phải chăng, nó đòi hỏi chúng ta biết tác hại khôn lường của tệ nạn để không tham gia, không tổ chức, lôi kéo và không cố vũ, ủng hộ cho các tệ nạn đó. Các tệ nạn này rất tai hại, chúng ta cần phải biết kiềm chế bản thân và không lao vào đó để tự huỷ hoại chính mình và cho cả gia đình mình. Ngay bây giờ, ta cần có mục đích sống đúng đắn để hướng tới tương lai, nhờ đó phần nào tránh được những cám dỗ ma quỷ của các tệ nạn.

Tệ nạn có hại về mọi mặt cho xã hội và cho cả bản thân. Đầu tiên về xã hội, các tệ nạn này làm rối loạn trật tự cuộc sống, làm suy thoái giống nòi dân tộc. Chúng còn tồn tại ngày nào là còn đe doạ đến hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng xấu đến tinh thần sức khoẻ và đạo đức của xã hội ngày đó. Hơn thế nữa, nó còn đẩy con người ta vào đường cùng ngõ cụt” dẫn đến tội ác khó lường và biết bao đau thương, mất mát. Với tất cả những tác hại trên chúng ta cần phải : “Nói không với các tệ nạn”.

Tác hại của nó tàn phá xã hội bao nhiêu thì nó gây những ảnh hưởng sâu sắc tới mỗi con người bấy nhiêu. Trước hết về hiểm hoạ ma tuý. Nó là chất độc ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh. Nó tạo ra sự lệ thuộc khó cưỡng nổi. Nó làm cho con người ta mất đi phần “người” mà chỉ còn là “con”, nói đúng hơn chỉ còn là “ma”. Ma tuý chia thành nhiều loại như : hồng phiến, hê-rô-in, bạch phiến, thuốc phiện, ma tuý tổng hợp,… Nó làm tê liệt hệ thần kinh, làm cho người nghiện không làm chủ được bản thân. Họ biết đâu rằng chỉ mấy phút “thăng hoa” với “nàng tiên nâu” mà phải trả một cái giá khá đắt. Họ sẽ mãi mãi là nô lệ và phải phụ thuộc vào ma tuý, nhanh chóng đi tới con đường của kẻ tội phạm, bệnh tật và tử vong. Đây chính là cái giá sớm muộn sẽ phải trả cho những con người lầm lỗi.

Bên cạnh đó, nạn cờ bạc cũng có tác hại và nguy hiểm không kém. Thoạt đầu ta chỉ thấy ở đây là những trò chơi nho nhỏ nhưng sau đó dần dần biến thái thành chơi bời, nghiện ngập làm mất tư cách con người. Nếu như ai đó đã từng dấn thân vào nạn cờ bạc thì khó lòng thoát nạn. Cờ bạc rất có hại : tác hại đầu tiên đó là làm “tan cửa nát nhà” nghĩa là tiền bạc mất hết, như không cánh mà bay. Chả thế mà cha ông xưa đã dạy . “Cờ bạc là bác thằng bần”. Sau nữa nó cuốn hút người chơi vào ma lực của những ham muốn, của hi vọng, của giành giật mà chẳng mấy ai dứt được. Nó làm người ta quên đi trách nhiệm của mình đối với bản thân, với gia đình và với cả đất nước, xã hội. Những cuộc đỏ đen thàu đêm suốt sáng, chui lủi, lừa lọc,… đã biến tất cả trở thành ung nhọt của cuộc sống, nhanh chóng đẩy cá nhân và dân tộc đến sự diệt vong. Tương lai ở phía trước đang nằm gọn trong tay ta, đừng để cho nó rơi vào những trò trắng đen vô bổ này.

Còn nạn đua xe tuy mới xuất hiện cũng đầy nguy hiểm và tác hại. Trước hết-về mặt xã hội, nạn đua xe gây ảnh hưởng xấu đến giao thông. Không ít vụ chết người vô cùng thương tâm xảy ra ở giới trẻ. Tệ nạn này xâm nhập chủ yếu ở học sinh, sinh viên. Họ tưởng rằng phóng xe nhanh hay đánh võng… là làm cho thiên hạ thán phục. Nhưng không, chúng ta chỉ thấy ở đó với một cảm giác kinh sợ và ai cũng phải lảng tránh. Kẻ đua xe tưởng đâu giây phút họ được bay bổng đó là thần tiên, có biết đâu họ đã trở thành quái vật hoặc sẽ là các thảm hoạ đau thương cho mình và cho xã hội. Một thú vui trong chốc lát của những kẻ sống ích kỉ đã gây thảm hoạ cho bao con người khác. Làm sao thanh niên chúng ta làm ngơ được – chúng ta đoàn kết nhau lại để “Nói không với các tệ nạn” của xã hội.

Nghiện rượu là một tệ nạn đáng lo ngại khác. Người nghiện lệ thuộc hoàn toàn vào chất cồn trắng đó để rồi không còn biết gì đến xung quanh, quên đi chính mình. Họ tối ngày chìm ngập hay say sưa. Họ là người chỉ biết có rượu, họ chỉ là những âm hồn luôn làm các việc chửi bới, đánh đập, tàn phá… Tệ nạn này đã để lại nhiều bài học đau đớn của sự tan nát, chia li, phạm pháp. Thanh niên chúng ta đừng để cho nó ru ngủ cuộc đời mình, để quên đi mục đích sống và trách nhiệm của mình trước xã hội và đất nước. Vậy, hãy “Nói không với các tệ nạn”.

Điều đáng buồn là đa số những người lún sâu vào tệ nạn này lại là thanh niên, tương lai của đất nước, của xã hội. Làm sao mà những thanh niên gầy yếu, học hành dang dở, người sặc sụa mùi rượu, mùi khói thuốc có thể làm chủ đất nước mai sau được ?

Mà chưa cần nói đến về sau, ngay giờ đây, mọi người đã thấy bao đau đớn khi thấy những giọt nước mắt thất vọng, buồn bã của bao bậc cha mẹ, những giọt nước mắt hối hận muộn màng của con cái họ vì đã trót lỡ sa chân vào những tệ nạn xã hội. Những nỗi đau đớn về thể xác của con em và nỗi đau cùng cực về tâm hồn của người thân luôn khiến mỗi chúng ta phải day dứt. Chỉ có cách tốt nhất là quay lưng lại với các tệ nạn xã hội, nói không với nó và góp tay vào cùng xã hội đấu tranh và tiêu diệt nó.

Làm sao không đau đớn, dằn vặt được khi những bậc phụ huynh thấy con cái – niềm hi vọng lớn lao nhất của mình sa sút, bị đánh đập vì nợ tiền bạc, cá độ ; gầy còm, ốm yếu vì rượu chè, hay kinh khủng hơn là đột nhiên, lặng lẽ tử vong vì dùng ma tuý quá liều ? Của cải, đồ đạc trong nhà thì dần dần biến mất ? Nhìn mà ai cũng xót xa. Thử nghĩ xem những con người dặt dẹo, đi về như những hồn ma, sẵn sàng đánh đổi tất cả, từ của cải vật chất đến nhân cách và những tình cảm thiêng liêng đổi lấy chút bột giết người thì làm sao có thể biết lo nghĩ cho dân tộc ? Ngay cả mạng sống của chính mình họ còn không thiết thì còn nghĩ gì tới tương lai đất nước ?

Thanh niên phải xây dựng cho mình một lí tưởng sống cao đẹp, phải xác định mục đích học tập đúng đắn, phải luôn nghĩ xem mình đã làm gì cho Tổ quốc, cho gia đình ? Tránh đòi hỏi ở gia đình và xã hội quá nhiều. Những nỗi đau đớn về thể xác của con em, nỗi đau cùng cực về tâm hồn của người thân luôn khiến mỗi chúng ta phải day dứt. Chỉ có cách tốt nhất là quay lưng lại với các tệ nạn xã hội, nói “không” với nó. Đặc biệt là phải nhanh chóng góp tay vào cùng xã hội, đấu tranh và tiêu diệt nó.

Chúng ta – thế hệ trẻ của tương lai đất nước hãy “Nói Không Với Các Tệ Nạn”. Đừng để nó cám dỗ chúng ta dưới mọi hình thức. Hãy để tương lai của chúng ta đón chờ những điều tốt đẹp nhất, đầy ý nghĩa nhất với bản thân, với gia đình và xã hội.

Đề: Hãy viết một bài nghị luận để nêu rõ tác hại của một trong các tệ nạn xã hội mà chúng ta cần phải kiên quyết và nhanh chóng bài trừ như cờ bạc, tiêm chích ma túy hoặc tiếp xúc với văn hóa phẩm không lành mạnh.
1.2 (24.12%) 34 votes