I. Yêu cầu

– Kiểu bài lập luận giải thích. – Giải thích một câu tục ngữ trong kho tàng tục ngữ của. nhân dân.

(- Dùng lí lẽ và dẫn chứng thực tế giúp người đọc hiểu rõ những tư tưởng, đạo lí mà ông cha ta đã để lại.

– Khi giải thích, cần làm cho lí lẽ mạch lạc, chặt chẽ, dễ hiểu ; bên cạnh đó nên bổ sung dẫn chứng vừa đủ để tăng tính thuyết phục của vấn đề.)

II. Gợi ý

– Cần nhớ lại cách giải thích nội dung một câu tục ngữ : giải thích rõ ý nghĩa của câu tục ngữ (nghĩa đen của từ ngữ, hình ảnh, trên cơ sở đó nêu lên nghĩa bóng của cả câu.)

– Để giải quyết được vấn đề, cần vận dụng hiểu biết của mình về cách diễn đạt của tục ngữ : thường ngắn gọn, có vần, có vế đối xứng ; hiểu biết về nội dung của tục ngữ : thường tổng kết, khái quát kinh nghiệm sản xuất, ứng xử xã hội.

+ Đưa ra khái niệm về lòng yêu thương.

+ Liệt kê những biểu hiện của lòng yêu thương.

+ Lí do phải yêu thương nhau.

+ Chỉ ra tác dụng, ý nghĩa của tình cảm yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

+ Suy nghĩ về tình cảm này trong nhà trường và ngoài xã hội.

– Từ sự giải thích, xác định một thái độ đúng đắn đối với việc ứng xử trong cuộc sống theo kinh nghiệm của người xưa tổng kết trong tục ngữ.

III. Lập dàn ý 

A. MỞ BÀI

– Giới thiệu nội dung câu tục ngữ cần giải thích.

B. THÂN BÀI

– Nghĩa đen của từng thành phần trong câu tục ngữ : lá lành, lá rách, mối quan hệ của hai loại lá : đùm (bao bọc, bảo vệ, che chở). Lá lành lặn che bọc cho lá rách.

– Vì sao hai loại lá này cần che chở cho nhau, bảo vệ nhau ?

+ Vì sự tồn tại và phát triển của bản thân chúng nói riêng và của cái cây nói chung.

+ Vì vẻ đẹp và sự bền chắc khi người ta dùng lá để gói (bánh, giò, nem,…).

– Nghĩa bóng của lá lành, lá rách : người giàu, người nghèo ; người bình an, người gặp nạn ; người tốt, người chưa tốt,… Con người cần yêu thương, đùm bọc, che chở nhau.

– Vì sao con người phải thương yêu đùm bọc nhau ?

+ Thế nào là yêu thương, giúp đỡ nhau ?

+ Vì sao phải yêu thương nhau (trong gia đình, bạn bè, xã hội).

+ Tình yêu thương biểu hiện như thế nào trong đời sống xã hội (trong lao động sản xuất, chiến đấu, trong nhà trường và đời sống hiện đại,…) ?

+ Tính tích cực của lòng yêu thương (Sống không có tình yêu thương sẽ có tác hại như thế nào ?).

+ Khẳng định tình cảm đó chính là đạo lí tốt đẹp, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, xã hội ta.

C. KẾT BÀI

– Cảm nhận về sự sáng suốt và khôn ngoan của người xưa khi khuyên nhủ con người đùm bọc, hỗ trợ nhau.

– Xác định thái độ đúng đắn về thái độ đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ trong cuộc sống.

IV. Bài minh họa

Những câu tục ngữ được xem là “túi khôn” của nhân loại. Sau những câu văn ngắn gọn, có vần điệu, có lớp nghĩa hiển ngôn hiển hiện rõ ràng là lớp nghĩa hàm ẩn sâu xa. Ở đó, nhân dân ta đã thể hiện kinh nghiệm, tư tưởng, quan điểm, hay đơn giản hơn là những điều quan sát được trong thiên nhiên và sự liên tưởng qua việc quan sát đó. Sự kiện ấy đã xuất hiện trong nhiều câu tục ngữ và nổi bật là câu :”Lá lành đùm lá rách”.

Với những hình ảnh gần gũi, giản dị, câu tục ngữ này dễ dàng tạo nên một ấn tượng riêng trong lòng người đọc. Ngắn gọn thế nhưng câu tục ngữ lại chứa đựng những ba nghĩa chính. Xét về nghĩa đen có người bảo “Lá lành đùm lá rách” là để chỉ một hiện tượng tự nhiên. Trên cây, những chiếc lá lành lặn, mạnh mẽ bao giờ cũng vươn lên và cũng luôn ở phía trên những chiếc lá có đôi chút rách nát, yếu ớt như để che chở, bao bọc. Tuy đó chỉ là một cái nhìn chủ quan của dân gian xưa về một hiện tượng tự nhiên nhưng nó cũng đã thể hiện tình cảm của họ thời đó. Còn có một cách giải thích khác được lưu truyền. Cách giải thích ấy cho rằng “Lá lành đùm lá rách” là để chỉ những lớp lá khi gói luôn là những chiếc lá không mấy lành lặn rồi mới đến những chiếc lá lành lặn, đẹp đẽ. Cái cách gói ấy đã có từ muôn đời, đến nay đã thành cái lệ, cái tập tục, cái thói quen của những người làm bánh.

Nhưng dù lớp nghĩa đen này có là gì đi nữa thì ẩn sâu trong nó vẫn là một lớp nghĩa bóng đẹp đẽ, sâu xa. Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, bao bọc, che chở những con người khó khăn hơn, và cả những chiếc lá rách nát, xấu xí để cuộc sống sẽ như một cái cây tươi tốt, đâm chồi nảy lộc. Những ý nghĩ sâu sắc ấy đã dạy cho chúng ta một bài học về cách làm người, về cách ứng xử trong xã hội, trong cuộc sống này. Qua đó mỗi người cũng đã tự thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình là phải bao bọc, chở che cho những con người bất hạnh hơn. Nói đúng ra là phải biết thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau để cuộc sống bớt khổ đau, đói nghèo và bất hạnh. Có vậy, mối quan hệ giữa con người trong xã hội mới đúng nghĩa “đồng bào” mà cha ông xưa đã răn dạy.

Những câu tục ngữ luôn như vậy, ngắn gọn mà chứa đựng một bài học sâu sắc. Hi vọng rồi đây, vốn kiến thức của em sẽ ngày một dày hơn lên, có  thêm nhiều những câu ca dao, tục ngữ hay như vậy. Chắc chắn em sẽ cố gắng hết mình để nghe lời và thực hiện tốt những gì đã được đúc kết từ mỗi lời dạy đó.

Đề: Hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách
4.5 (90%) 6 votes