BÀI LÀM

Tiếng Việt êm đềm theo làn điệu dân ca, véo von theo tiếng sáo trúc của chú mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu và vô cùng sâu sắc, thấm thía trong từng câu ca dao, tục ngữ mà ông cha ta truyền lại. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là một ví dụ trong kho tàng tục ngữ Việt Nam khổng lồ đã được đúc kết và mài dũa suốt bao thế hệ cha ông chúng ta. Vậy với câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, các bậc tiền bối muốn nhắn nhủ điều gì với chúng ta?

“Mực” thường gắn với màu đen: chả thế mà có câu “Tối đen như mực”. Màu đen ở đây không còn mang ý nghĩa đơn thuần là màu đen của mực mà nó mang một ý nghĩa khác tượng trưng hơn nhiều – Màu đen đó chính là màu đen của môi trường sống quanh ta: màu đen của những lời nói, hành động, cử chỉ thiếu văn hóa, màu đen của sách báo, phim ảnh nhảm nhí, đồi truỵ làm ô uế thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc, gây hậu quả không tốt cho con người và xã hội mà chúng ta đang sống. Nếu môi trường sống hàng ngày của một con người hay cụ thể hơn là một học sinh nhuộm màu đen hãi hùng đó thì học sinh này sẽ ra sao? Dù anh ta có ý thức được bản thân mình thì liệu anh ta có không bị ảnh hưởng? Hoặc giả quan điểm về cuộc sống của anh ta còn chưa rõ ràng liệu anh ta có thể trở thành một ánh sáng hào quang chói lọi hay sẽ trở thành màu đen còn hãi hùng hơn cái màu đen của thuở ban sơ?

Còn “đèn” trong “gần đèn thì sáng” hiểu đơn giản là một vật thể phát ra ánh sáng như đèn cầy, đèn dầu, đèn điện… Nơi nào có ánh sáng của đèn thì tất cả mọi vật đều rõ ràng, minh bạch.

Và khi màn đêm buông xuống, trời “tối đen như mực” thì ánh đèn càng trở nên huyền diệu, lung linh. Nó phát ra những tia rực rỡ chiếu sáng khắp một vùng xung quanh.

Con người cũng vậy, một tâm hồn trẻ thơ cũng ví như đêm đen được ánh đèn soi tỏ những tinh tú của tâm hồn đáng yêu cũng như sự non nớt, ngây thơ để sớm có sự định hướng hoàn thiện. . Vậy, phải chăng ánh “đèn” ở đây, ngược lại với giọt “mực” ở trên đồng nghĩa với bạn bè có những hành động, lời nói, cử chỉ tốt; là những sách báo, phim ảnh, thông tin bổ ích có giá trị?

Câu tục ngữ là bài học kinh nghiệm của người xưa đúc kết từ cuộc sống. Nó thể hiện rất rõ mối quan hệ giữa môi trường sống với sự hình thành nhân cách con người.

Đúng vậy, ảnh hưởng của những điều này rất quan trọng đối với việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh trong sáng ngây thơ. Nếu chúng ta được nuôi dưỡng, chăm sóc và rèn luyện trong một môi trường trong sáng lành mạnh; được cha mẹ, thầy cô thường xuyên chỉ dẫn, khuyên răn chúng ta điều hay lẽ thiệt và làm gương cho ta; ắt hẳn ta sẽ nói theo để trở thành con ngoan, trò giỏi, thành người có ích cho xã hội – Và biết đâu sẽ có người còn trở thành những ánh “đen” toả sáng trong đêm, những ngọn hải đăng dẫn đường trên biển hay là những ngôi sao hôm sáng rực trên bầu trời.

Khi một học sinh có những người bạn tốt, được thường xuyên tiếp xúc với sách báo, phim ảnh,… bổ ích – Mặc dù ban đầu người ấy chưa tốt, nhưng theo thời gian, cùng với những lời khuyên đúng đắn của bạn bè, được sự quan tâm thường xuyên và giáo dục của thầy cô, nhà trường và xã hội cũng như nhận thức được nhiều điều bổ ích, lí thú qua sách vở, báo chí, thấy được cái hay qua phim ảnh và môi trường xung quanh – học sinh đó sẽ trở nên thay đổi tốt hơn lên. Ngược lại, nếu học sinh đó thường xuyên tiếp xúc và chơi với nhóm bạn xấu thì lâu ngày các em cũng dễ bị nhiễm những tính xấu ấy. Người xưa có câu: “Thói thường gần mực thì đen. Anh em bạn hữu phải nên chọn người”. Tuy vậy, không phải ai cũng bị môi trường xấu làm hoen ố. Vẫn có những cánh sen vươn lên từ bùn lầy nước đọng. Thực tế vẫn có những người dù sống trong môi trường không tốt đẹp, thuận lợi nhưng vẫn giữ mình không sa ngã.

Có thể nói, câu tục ngữ trên là một lời khuyên bổ ích, giúp chúng ta có một cái nhìn đúng đắn để luôn hướng về phía ánh sáng; để luôn giữ mình trong sạch dù trong bất kì hoàn cảnh nào.

Giaibai5s.com

Đề: Hãy giải thích câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”
Đánh giá bài viết