I. Yêu cầu

– Kiểu bài thuyết minh.

– Đối tượng cụ thể : một danh lam thắng cảnh ở quê em.

– Yêu cầu làm đúng kiểu bài thuyết minh, không lạc sang kiểu bài tự sự hoặc miêu tả, biểu cảm thuần tuý.

– Qua bài viết, giúp người đọc hiểu, yêu danh lam thắng cảnh đó. Từ đó vun đắp cho tình yêu quê hương đất nước.

II. Gợi ý

– Đề bài yêu cầu giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em. Phạm vi đối tượng thuyết minh rất cụ thể, gần gũi với em – người thuyết minh.

– Chúng ta hiểu danh lam thắng cảnh là cảnh đẹp nổi tiếng nhưng ở nhiều nơi, danh lam thắng cảnh gắn liền với di tích lịch sử, nơi lưu lại vết tích của một thời đã qua. Vì thế, nếu giới thiệu một địa danh có cả hai yếu tố trên thì phải làm rõ cả hai.

– Muốn thuyết minh về một di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh thì trước hết phải hiểu biết cặn kẽ về danh thắng đó qua sách báo, hỏi những người am hiểu… Rồi sau đó đến tận nơi xem xét, tìm cảm xúc. Nhớ ghi chép đầy đủ những điều mắt thấy tai nghe đó.

– Phải biết xử lí tư liệu, lựa chọn, sắp xếp thành hệ thống ý theo mục đích và nội dung thuyết minh.

– Khi viết, trên cơ sở tư liệu đã có từ nhiều nguồn kể trên, phải biết sử dụng các phương pháp thuyết minh để bài viết sinh động. Đặc biệt sử dụng yếu tố miêu tả để tái hiện danh thắng đó về hình ảnh ; dùng yếu tố tự sự để trình bày nguồn gốc và lịch sử của thắng cảnh ; yếu tố biểu cảm được coi trọng bởi nó thể hiện thái độ của người thuyết minh, gợi được sự đồng cảm của người đọc, nhưng các yếu tố này chỉ có tác dụng khơi gợi, nên không đòi hỏi viết tỉ mỉ như bài miêu tả, biểu cảm để tránh làm lu mờ những tri thức chính xác về đối tượng cần được thuyết minh.

– Tri thức cung cấp phải chính xác, đầy đủ thông tin về mọi mặt của danh thắng.

III. Lập dàn ý (Dàn ý chung)

A. Mở bài

– Gợi hứng thú cho người đọc qua việc giới thiệu chung danh lam thắng cảnh đó về vị trí địa lí, đặc điểm chung.

– Giới thiệu khái quát về quê hương, về danh lam thắng cảnh đó.

B. Thân bài

– Giới thiệu nguồn gốc, lịch sử của danh lam thắng cảnh đó

+ Danh thắng đó có nguồn gốc từ đâu ? Được ai khám phá ? Có từ bao giờ ?

+ Sự mở mang, phát triển của danh thắng ?

+ Sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến danh thắng ?

– Giới thiệu kiến trúc

+ Miêu tả nét đặc sắc của từng bộ phận kiến trúc có trong danh thắng.

+ Phân tích để thấy những nét tài hoa, ý tưởng sáng tạo của người tạo lập Công trình.

+ Giới thiệu cảnh quan thiên nhiên. + Miêu tả, giới thiệu vẻ đẹp của hồ, núi, vườn hoa, cây cối,… + Các chi tiết khác của cảnh.

– Vai trò quan trọng của danh thắng trong đời sống tinh thần,… của người dân địa phương xưa và nay.

C. Kết bài

– Tương lai của danh thắng đó.

– Cảm nghĩ.

IV. Bài tham khảo (Về phố cổ Hà Nội)

“Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai.
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đào
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
Quanh đi đến phố Hàng Da
Trải xem phường phố thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa in chép vần thơ lưu truyền…”

Bài ca dao đó đã trở nên thân quen đối với mỗi người dân thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Thực ra bài ca dao đó chỉ đúng với thời Lê, còn hiện nay phố phường Hà Nội đã phát triển lên gấp nhiều lần. Hiện nội thành Hà Nội đã có bản quận với trên một trăm phường và trên bốn trăm phố và ngõ.

Một đặc trưng cơ bản của các phố cổ Hà Nội là thường bắt đầu bằng chữ “hàng”. Vậy hiện nay Hà Nội có bao nhiêu phố bắt đầu bằng chữ “hàng”. Nếu xếp theo thứ tự bảng chữ cái thì có các phố sau :

Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bè, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Bún, Hàng Bút, Hàng Cá, Hàng Cân, Hàng Chai, Hàng Cháo Hàng Chỉ (ngõ), Hàng Chiếu, Hàng Chĩnh, Hàng Chuối, Hàng Cỏ (ngõ), Hàng Cót, Hàng Da, Hàng Dầu, Hàng Đào, Hàng Đậu, Hàng Điếu, Hàng Đồng, Hàng Đường, Hàng Gà, Hàng Gai, Hàng Giầy, Hàng Giấy, Hàng Hành, Hàng Hòm, Hàng Hương, Hàng Khay, Hàng Khoai, Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Mành, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Ngang, Hàng Nón, Hàng Phèn, Hàng Quạt, Hàng Rươi, Hàng Than Hàng Thiếc, Hàng Thùng, Hàng Thịt (ngõ), Hàng Tre, Hàng Trống, Hàng Vải, Hàng Vôi,…

Theo sử sách để lại thì ngoài 53 phố mang tên “Hàng …” như hiện nay, Hà Nội còn có khoảng trên 20 phố nữa mang tên “Hàng …”, nhưng cùng với thời gian, các phố Hàng này đã bị thay đổi bằng các tên gọi khác.

Trước đây các phố mang tên “Hàng …” đều có đặc trưng là nơi sản xuất và buôn bán các mặt hàng mà phố đó mang tên, song ngày nay chỉ còn rất ít phố giữ được các mặt hàng truyền thống đó. Ví dụ như phố Hàng Bạc hiện vẫn đang kinh doanh các mặt hàng vàng bạc, phố Hàng Mành vẫn còn một số ít thợ làm và kinh doanh mành, phố Hàng Mã vẫn buôn bán vàng mã, phố Hàng Thiếc vẫn gò hàn các mặt hàng bằng nhôm, sắt,… còn đại đa số các phố mang tên “Hàng …” chỉ còn gợi lại trong kí ức về một mặt hàng nào đó với nét đặc trưng riêng trong lịch sử phố cổ Hà Nội..

Nhiều người đã biết đến những con phố như trên với kí ức về tên gọi, ngành nghề mỗi phố Hàng …” nhưng kể cả những người con đang sống trong lòng phố cổ cũng chưa chắc biết được nơi phố cổ mình đang đứng đầu, ngày trước có diện mạo ra sao ?

Từ năm 1995, để thuận tiện cho việc nghiên cứu, tìm giải pháp bảo vệ, thành phố tạm thời quy định “khu phố cổ” là khu vực khu phố có hình tam giác nhưng kì thực là hình thang, hai cạnh ngang là phố Hàng Đậu và dãy phố Hàng Bông – Hàng Gai – Cầu Gỗ – Hàng Thùng. Hai cạnh dọc là phố Trần Nhật Duật và dãy phố Hàng Cót – Hàng Gà – Hàng Điếu – Hàng Da.

Khu vực này cho tới trước khi có sự có mặt của người Pháp đều chung một dáng dấp : các phố hẹp, dọc ngang chi chít kiểu bàn cờ, phần lớn mang tên gọi của các mặt hàng sản xuất hay kinh doanh tại đó. Hàng Đường, Hàng Bạc,… không rõ thời xa xưa thế nào, chỉ biết từ đầu thế kỉ XIX thì nhà hai bên đường theo kiểu “nhà ống”. Nhà như một cái ống, bề ngang hẹp, chiều dài sâu. Bố cục đều tương tự : gian ngoài có ánh sáng, nhà làm hàng, tiếp đến là sân lộ thiên để lấy ánh sáng. Nhà trong mới là nơi ăn ở, nối vào đó là khu phụ. Đa số là nhà một tầng, lợp ngói, hai tường hồi vượt cao, xây giật cấp như những bậc thang. Cũng có một số nhà thêm một tầng gác nhưng thấp và không mấy khi trổ cửa sổ. Nhà ống bé nhỏ, vừa là xưởng sản xuất thủ công, vừa là cửa hàng, vừa là nơi sinh hoạt của gia đình. Tại khu phố đó, người mua kẻ bán suốt ngày, cảnh tượng tấp nập. Cái hấp dẫn của khu phố cổ Hà Nội chính ở những chỗ đó, ở cái tổng thể mà người xưa đã sắp xếp thành một cơ thể đầy sống động, khăng khít, gắn bó, kề tựa nhau mà tồn tại, sinh sôi,… Cũng phải kể tới những chùa – đình – đền – miếu rải rác trong nhiều đường phố cổ kính và sang trọng. Đó là những bằng chứng của một khía cạnh tâm hồn người Hà Nội xưa : Bên cạnh sự hoà đồng với cộng đồng xã hội, người Hà Nội luôn luôn tìm cách hoà đồng với một thế giới tâm linh, vì trong cùng một không gian đô thị vật chất, vẫn tồn tại một không gian đô thị mang màu sắc huyền thoại, ẩn chìm và thiêng liêng, ở đó có thể giao hoà cùng quá khứ, chứa chất sức mạnh tiềm ẩn.

Khi Pháp tới, các phố cổ được uốn thẳng hơn, làm vỉa hè và thêm các công trình hạ tầng. Tại đây một số nhà được xây lại kiên cố nhưng vẫn theo kiến trúc Cổ. Một số xây theo kiểu “Tây”, một hoặc hai hoặc ba tầng, chịu ảnh hưởng của vật liệu xây dựng mới và hình thức trang trí kiến trúc châu Âu. Điều này có thể làm biến dạng, song bóng dáng của một thời đã qua (ít ra là thế kỉ XIX) vẫn còn lưu lại được không gian văn hoá đậm đà hương vị Cổ. Vì vậy mà “khu phố cổ” vẫn là một kỉ niệm mà người xưa gửi cho chúng ta để rồi truyền cho đời sau. Cho nên khu phố Cổ Hà Nội với những ngôi nhà ống nhỏ nhắn, xinh xắn, những con đường ăm ắp người đi, những đền chùa mái cong mềm mại, lại còn cả những không gian cây xanh mượt mà và ngọt ngào hương,… tất cả đã làm nên một vẻ đẹp mà chỉ có thành phố Hà Nội mới có.

Hà Nội còn nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Trước hết phải kể tới Cửa Ô Quan Chưởng.

Từ đầu phố Hàng Mã đi thẳng sang phố Hàng Chiếu dài 276 mét (nơi bán nhiều loại chiếu thảm bằng cái) là đến Ô Quan Chưởng (Cửa Đông Hà) di tích khá nguyên vẹn của một trong ba mươi sáu phố phường Thăng Long thành luỹ Việt Nam thì nhiều địa phương có. Nhưng cửa ô thì chỉ ở Hà Nội mới có. Và tới nay thì Hà Nội cũng chỉ còn có một cửa ô : Cửa Ô Quan Chưởng gần để sông Hồng, cửa ô có dáng dấp cũng như cửa thành nhưng nhỏ hơn. Đây là một trong số nhiều cửa ô mở qua tường phía đông của toà thành đất bao quanh khu kinh thành Thăng Long xưa. Toà thành ấy đã được đắp vào năm 1749. Nhưng diện mạo hiện nay của cửa ô này là do lần sửa chữa lớn vào năm 1817.

Nguyên vào năm 1749, triều đình nhà Lê đã cho đắp một toà thành bằng đất, cao tới 9 mét, thân thành rộng tới 10 mét bao bọc lấy khu Hoàng thành. Toà thành đất này phía đông trùng với đê sông Hồng, phía tây bắt đầu từ phường Nhật Tân chạy dọc bờ phía tây của Hồ Tây, qua chợ Bưởi đến Cầu Giấy thì rẽ sang phải, chạy dọc bờ sông Kim Ngưu, qua Ô Chợ Dừa, Ô Đồng Lầm, Ô Cầu Dền, rồi tới đê sông Hồng, như vậy toà thành đất này là các đường Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư ngày nay. Cạnh phía tây nay là đường Lạc Long Quân, đường Bưởi, đoạn đầu đường Láng, nay là đường Giảng Võ, đê La Thành, Đại Cồ Việt và Trần Khát Chân. Thành này chính là một con để chống nạn lụt cho kinh thành Thăng Long.

Để giao thông qua lại thuận lợi, thành được xẻ ra một số cửa gọi là cửa ô gồm một ô cửa chính, hai ô cửa nhỏ.

Đến năm 1817, toà thành được bồi đắp, các cửa sổ được sửa chữa tu bổ. Mãi đến khi Pháp chiếm Hà Nội năm 1886, họ mới phá toà thành đất này để mở rộng phạm vi thành phố và lấy đất lấp các ao hồ để lập các đường phố mới. Họ chỉ để lại một Ô Quan Chưởng coi như một lưu niệm.

Hiện cửa ô còn nguyên một cửa chính và hai của con hai bên. Trên nóc cửa chính là một vọng lâu. Đời trước, ngày đêm có lính tuần canh gác ở đây. Bên tường phía trái, hiện còn gắn một tấm bia khắc năm 1882 ghi lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu cấm bọn lính này sách nhiễu những đám tang qua lại cửa ô, vì nếu không được tiền chúng đóng cửa lại, như vậy là các vòm cửa từng có cánh cửa, ngày mở đêm đóng.

Cũng nên lưu ý là cái tên Ô Quan Chưởng là cách gọi nôm na, còn tên gọi chính thức khắc trên vòm cửa chính hiện vẫn còn tồn tại là ba chữ “Đông Hà Môn” tức “Cửa Đông Hà”. Đông Hà nguyên là tên gọi của một phường đời Lê, bao gồm khu vực Hàng Chiếu, Thanh Hà, Đào Duy Từ ngày nay. Cửa Ô Quan Chưởng chính là nằm trên đất phường Đông Hà

Phố cổ Hà Nội đang ngày càng thu hẹp lại, ngày càng nép mình hơn, nhún nhường hơn giữa lòng thành phố Hà Nội đang ngày càng xô bồ bởi sự hiện đại. Phố cổ đang dần biến mất ! Hãy dang bàn tay của mình, giữ lấy phố cổ – giữ lấy một phần tâm hồn và nét văn hoá đặc sắc chốn Hà Thành…

Đề: Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em
Đánh giá bài viết