I. Yêu cầu

– Lập luận giải thích kết hợp với chứng minh, vận dụng hợp lí và linh hoạt hai thao tác lập luận này.

– Nội dung : Vai trò lãnh đạo của hai vị chủ tướng tài ba, anh minh, sáng suốt trong hai hoàn cảnh khác nhau đối với vận mệnh đất nước (bảo vệ và xây dựng đất nước).

– Chọn lọc dẫn chứng tiêu biểu, tổ chức, sắp xếp dẫn chứng, lí lẽ một cách hợp lí, lập luận chặt chẽ, thuyết phục.

II. Gợi ý

– Nắm vững bài học ở phần Đọc – hiểu văn bản, dựa vào hiểu biết từ hai văn bản Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ (tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật của hai văn bản, vai trò của hai văn bản chính luận trung đại trong lịch sử,…) tìm ra những luận điểm, luận cứ giải thích vấn đề trên.

– Liên hệ với một số tài liệu về hoàn cảnh lịch sử của hai văn bản để thấy ý nghĩa của việc dời đô đối với sự phát triển của đất nước, vai trò chỉ huy của Trần Quốc Tuấn trong việc khích lệ tướng sĩ chiến thắng giặc Mông – Nguyên.

– Nhớ lại cách lập luận giải thích, chứng minh và áp dụng. – Kết hợp các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm.

– Vấn đề có thể phát triển rất rộng trong bài viết. Với thời gian làm bài quy định và để tập trung vào giới hạn nêu ở đề bài, nên lựa chọn nội dung cho phù hợp.

III. Lập dàn ý

A. Mở bài

– Giới thiệu vấn đề cần giải thích, hoặc chứng minh : vai trò của người lãnh đạo anh minh đối với vận mệnh đất nước.

– Nêu phương hướng, phạm vi cần giải thích, chứng minh : qua hai văn bản Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ.

B. Thân bài

( Giải thích, chứng minh lần lượt hoặc kết hợp cả hai thao tác các nội dung đã định hướng ở phần Mở bài)

1. Ý nghĩa thực tế của nhận định nêu trong đề bài luận điểm cần nghị luận

– Đối với Chiếu dời đô, đó là sự anh minh, sáng suốt của Lý Công Uẩn trong thời bình

– Đối với Hịch tướng sĩ, đó là sự anh minh, sáng suốt của người anh hùng dân tộc trong lúc đất nước nguy nan.

2. Vai trò của Lí Công Uẩn trong công cuộc xây dựng và chấn hưng đất nước

– Hoàn cảnh lịch sử khi Lí Công Uẩn ban chiếu.

– Giải thích ý nghĩa thực tiễn của bài chiếu, mục đích của nó đối với thế nước ; nội dung chính của bài chiếu ; vai trò của nhà vua trong việc quyết định dời đô, mở ra hướng phát triển lâu dài cho đất nước.

– Chứng minh sự sáng suốt của một vị vua ở thế kỉ XI qua nội dung, nghệ thuật của bài chiếu. Từ đó, thấy được công lao của Lí Công Uẩn với lịch sử triều đại nhà Línói riêng, lịch sử dân tộc nói chung. 

3. Vai trò của Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước trước nguy cơ ngoại xâm

– Hoàn cảnh lịch sử của bài hịch ; nội dung những vấn đề mà bài hịch đề cập ; sự anh minh, sáng suốt của vị tướng trong việc vừa khiến trách, vừa khích lệ tướng sĩ ; việc nêu gương yêu nước, căm thù giặc của vị chủ tướng.

– Giải thích ý nghĩa lịch sử của Hịch tướng sĩ : Kêu gọi tướng sĩ học tập Binh thư yếu lược ; vai trò như một bản hiệu triệu, kêu gọi toàn quân, toàn dân xả thân cứu nước.

– Chứng minh nhiệt huyết của vị chủ tướng đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước, giết giặc trong toàn dân tộc : 9êu nước, căm thù giặc ; đau xót trước vận nước nguy nan ; chân thành, thẳng thắn khuyên tướng sĩ từ bỏ mọi thú vui thời bình để tập trung luyện tập binh thư, đánh giặc cứu nước ; tạo nên hào khí Đông A lẫy lừng trong lịch sử dân tộc.

4. Lập luận khẳng định vai trò của những người lãnh đạo anh minh, mở rộng vấn đề, liên hệ với thực tế lịch sử.

C. Kết bài

– Vai trò của các vị chủ tướng anh minh làm nên trang sử vàng cho dân tộc.

– Biết ơn và tự hào.

– Thấy rõ trách nhiệm của bản thân.

IV. Bài tham khảo

Trải qua chiều dài lịch sử đấu tranh, kháng chiến hào hùng để giữ gìn và bảo vệ đất nước, nhân dân ta đã đạt được nhiều thành công vẻ vang. Trong những thành công ấy đều có sự đóng góp to lớn của những người lãnh đạo thiên tài, những anh hùng dân tộc mà ta đời đời biết ơn. Qua hai tác phẩm “Chiếu dời đô” và “Hịch tướng sĩ”, ta càng thấy rõ vai trò lãnh đạo của người chỉ huy đối với vận mệnh của đất nước. Trong hai tác phẩm này, sự anh minh của người lãnh đạo được thể hiện qua các vai trò khác nhau.

Ở văn bản “Chiếu dời đô”, hoàn cảnh đất nước đang phát triển ở thời bình. Sự anh minh của nhà vua được khẳng định bằng cách chọn kinh đô phù hợp, thuận lợi với nhịp độ phát triển của đất nước. Đó là nhiệm vụ vô cùng quan trọng bởi kinh đô cũng giống như linh hồn đất nước, quyết định sự ổn định, phát triển kinh tế, văn hoá, chính trị – xã hội của cả dân tộc. Ngoài ra, Lí Công Uẩn còn thể hiện sức thuyết phục của bài chiếu bằng việc làm phù hợp với lòng mong mỏi của nhân dân. Được toàn dân đồng tình ủng hộ và làm theo thì chắc chắn vị vua đó phải là người rất anh minh, sáng suốt. Ngay trong lúc thái bình thịnh trị mà ông vẫn dành trọn tấm lòng lo cho dân cho nước. Canh cánh một niềm mong cho nước nhà cường thịnh, dân được hạnh phúc ấm no thì quả là tấm lòng của một vị đế vương nhân nghĩa. “Chiếu dời đô” đã cho thấy sự thông minh, sáng suốt của Lí Công Uẩn trước đòi hỏi phát triển của đất nước, ông đã nhìn thấy rõ những điểm hạn chế của kinh đô Hoa Lư. Địa hình vùng đất kinh thành cũ rất thuận lợi cho việc dựa vào đó để chống lại lực mạnh của quân giặc khi đất nước còn lạc hậu, nhưng lại gây khó khăn cho việc mở rộng, phát triển kinh tế, đặc biệt là với giao thông, buôn bán trong thời bình. Đồng thời, ông còn chọn lựa được một vùng đất đồng bằng màu mỡ, giàu tiềm năng, rất hợp lý và thuận lợi cả cho việc phát triển kinh tế, văn hoá lẫn đời sống ổn định của nhân dân. Đó là thành Đại La. Nơi đây không chỉ có vị trí “trung tâm trời đất”, “đúng ngôi nam bắc đông tây” thuận lợi, thế đất đẹp, vững chắc, cao rộng mà còn có tài nguyên rất phong phú, đảm bảo cho nhân dân có cuộc sống no ấm, ổn định, “khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt”. Quyết định dời đô của Lí Công Uẩn tới nay ta nhìn lại vẫn thấy rất đúng đắn. Sau gần mười thế kỉ, Hà Nội – thành Đại La ngày xưa đã là thủ đô văn minh, không ngừng phát triển hiện đại. Nhờ cách lập luận chặt chẽ và cách viết hợp tình, hợp lí, tác giả không chỉ thuyết phục được toàn dân mà còn khiến họ không ngại vất vả di dời về vùng kinh đô mới. Sức thuyết phục ấy đủ để ta thấy được uy tín, của nhà vua trong lòng dân chúng và quyết định của Lý Công Uẩn sẽ giúp đất nước phát triển. Xét về nhiều mặt, chính sự thay đổi tốt đẹp hơn rất nhiều của thủ đô Hà Nội mà ngoài việc ghi nhận công lao, chúng ta không thể không nói tới sự anh minh của Lí Công Uẩn.

Còn khi “Hịch tướng sĩ” ra đời, đất nước lại ở trong thời kì bị nạn ngoại xâm đe doạ. Sự anh minh của người chỉ huy thể hiện trong sự sáng suốt, hiểu rõ tình hình quân sự trong nước và đưa ra quyết định đúng đắn để tăng cường tính tinh nhuệ cho quân sĩ. Đó là điều quyết định sự tồn vong của đất nước vì nếu vị tướng không biết nhìn nhận, phán đoán tình hình, không chỉ ra đường lối rèn luyện rõ ràng thì quân sĩ dù có đông đảo tới đâu cũng chỉ là một đội quân vô tổ chức. Ngoài ra, sự anh minh của Trần Quốc Tuấn cũng bộc lộ qua sức thuyết phục của văn bản. Chỉ cần bài hịch đem lại luồng nhuệ khí cứu quốc bưng bừng trong lòng quân sĩ và lòng yêu nước trong toàn dân thì cũng đã đủ để cho thấy sự sáng suốt của người chỉ huy.

Vai trò của ông thể hiện sâu sắc cái nhìn mang tính khái quát. Trước hết, sự cảnh giác của ông đã bộc lộ qua sự tiên liệu về nạn ngoại xâm gần kề của đất nước chỉ bằng một lá thư (mượn đường) của quân Mông – Nguyên. Không chỉ vậy, để quân sĩ có được một phương pháp luyện tập, tổ chức hiệu quả nhất, ông đã bỏ Công sức và tâm huyết viết “Binh thư yếu lược” từ những đúc kết của bản thân và học tập các binh pháp khác. Sau đó, nhận thấy rõ tình hình quân binh trong nước, ông đã viết bài hịch không chỉ nhằm khích lệ quân sĩ học tập theo cuốn “Binh thư yếu lược” mà còn để khơi dậy quyết tâm đánh giặc cứu nước trong quân dân.

Để thuyết phục mọi người, ông đã bộc lộ những tình cảm chân thành của mình : lo lắng cho vận mệnh nước nhà, căm thù quân giặc, ước nguyện hi sinh vì nước vì dân. Ông lấy mình làm tấm gương để quân sĩ soi vào. Họ nhìn thấy ở ông ngọn lửa căm thù quân giặc vô cùng sâu sắc và lòng yêu nước cháy bỏng của ông. Hàng loạt các động từ mạnh đặt kế tiếp nhau theo phép tăng cấp đã nói lên mối thù không đội trời chung đó. Vì thế, cái quyết tâm đánh giặc xâm lược càng trở nên lớn lao và quyết liệt. Tác giả bài hịch đã đem lòng mình ra để giãi bày cùng binh tướng dưới quyền. Phải chăng sự anh minh, sáng suốt của ông được thể hiện chỗ đó ?

Nếu không như vậy làm sao ở phần sau của bài hịch ông có thể kêu gọi tướng sĩ hãy thể hiện vai trò chủ nhân của mình đối với đất nước ? Làm sao có thể yêu cầu họ hi sinh mọi ham muốn cá nhân để đặt lợi ích quốc gia lên trên hết ? Tấm lòng chân thành cùng nhiệt huyết nóng bỏng đã tạo nên sự thuyết phục cao cho bài hịch. Sự sáng suốt, anh minh của vị chủ tướng đã thổi vào bài hịch một luồng sinh khí mãnh liệt, đã lôi cuốn toàn dân, toàn quân tham gia đánh giặc cứu nước.

Ngoài ra, Trần Quốc Tuấn cũng nói lên ân tình giữa chủ tướng và quân sĩ rồi thẳng thắn, nghiêm khắc phê phán những biểu hiện sai trái của quân sĩ trong thời bình. Những nhận định ấy cho thấy ông là người rất tỉnh táo khi nhìn nhận sự việc. Tất cả những lời lẽ ông viết lên đều hướng về vận mệnh nguy nan của đất nước. Giọng văn giàu cảm xúc, vừa lôi cuốn người đọc, người nghe, vừa có sức thuyết phục mạnh mẽ. Cuối cùng, Trần Quốc Tuấn nêu rõ phương pháp rèn luyện cho tướng sĩ và tỏ rõ thái độ dứt khoát đối với họ trong quá trình luyện tập. Cách lập luận ấy không chỉ cảnh tỉnh binh lính trước vận nước nguy nan mà còn khiến quân dân một lòng rạo rực quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi đất nước.

Sức thuyết phục ấy đã góp phần không nhỏ giúp tướng sĩ có được nhuệ khí để chiến thắng giặc ngoại xâm. Có phải, chính ông là người đã khơi nguồn cho một khí thế đánh giặc hào hùng, với lời thề “Sát thát” của hào khí Đông A xưa ? Một lần nữa, sự anh minh của người chỉ huy lại cứu nguy cho vận mệnh đất nước.

Ngày nay, khi nhớ về những thành công vẻ vang của dân tộc trong lịch sử, ta luôn nhớ về những người như Trần Quốc Tuấn và Lí Công Uẩn vì họ luôn có ảnh hưởng to lớn tới vận mệnh đất nước ta. Nói đúng hơn, họ cùng với nhiều danh nhân dân tộc khác đã làm nên những trang sử vàng rực rỡ của dân tộc Việt Nam.

 

Đề: Dựa vào hai văn bản Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ, hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo anh minh như Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước
1.5 (30%) 2 votes