I. Yêu cầu

– Kiểu bài lập luận chứng minh.

– Chứng minh tác hại của việc thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Đây là loại chứng minh một vấn đề xã hội.

(Cụ thể hoá lí thuyết về kiểu bài lập luận chứng minh qua một vấn đề nóng bỏng của xã hội : Bảo vệ môi trường.

– Cần có kĩ năng sử dụng lí lẽ và dẫn chứng xác thực, tin cậy để chứng minh ảnh hưởng mang tính quyết định của môi trường đối với cuộc sống của con người.

– Cần xác định được phạm vi chứng minh, chọn lọc dẫn chứng tiêu biểu để tăng tính thuyết phục về ý nghĩa của môi trường đối với con người nói riêng, với hành tinh của chúng ta nói chung.)

II. Gợi ý

– Trước khi chứng minh, cần giải thích khái niệm môi trường, thấy rõ mối quan hệ hữu cơ giữa môi trường và con người. 

– Dẫn chứng cho vấn đề cần phải chứng minh rất rộng, có thể lấy trong lịch sử, trong sách vở, trong đời sống hiện nay.

– Để giải quyết được vấn đề, cần vận dụng lí lẽ và đưa dẫn chứng để làm rõ những tổn hại do môi trường bị huỷ hoại bởi việc làm thiếu ý thức của con người.

– Có thể đọc lại bài Bức thư của thủ lĩnh da đỏ để nắm được những gì liên quan đến môi trường.

– Tìm thêm những tài liệu liên quan đến bảo vệ nguồn nước, rừng cây, các loài động vật hoang dã.

– Từ đó, xác định một thái độ đúng đắn đối với việc bảo vệ môi trường, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

III. Lập dàn ý

A. MỞ BÀI

Giới thiệu nội dung vấn đề cần chứng minh :

– Sự sống của con người gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên.

– Có ảnh hưởng giữa thiên nhiên, môi trường và con người (tích cực và tiêu cực).

– Vấn đề đáng lo ngại cho mối quan hệ đầy bất hòa giữa con người và môi trường thiên nhiên.

B. THÂN BÀI

– Giải thích vắn tắt môi trường gồm những gì (không khí, mặt đất, nguồn nước, cánh rừng).

– Chứng minh phá rừng, phá hoại môi trường đem lại những tổn hại to lớn (mất nguồn gỗ, chim, thú, sinh ra lũ lụt, hạn hán,…).

– Chứng minh việc làm ô nhiễm không khí gây tác hại như thế nào (mùa màng, sức khoẻ con người).

– Chứng minh việc làm ô nhiễm nguồn nước gây tác hại như thế nào (không có nước sạch, các dịch bệnh phát sinh,…).

– Liên hệ tình hình bảo vệ môi trường của địa phương (thu gom bao bì ni lông, thu gom rác thải, làm vệ sinh,…)

– Trách nhiệm của con người và bản thân trước nguy cơ môi trường “giận dữ”.

C. KẾT BÀI

– Khẳng định việc phá hoại môi trường gây tổn hại to lớn.

– Trách nhiệm của mọi người với việc bảo vệ môi trường.

IV. Bài minh họa

Mỗi người trong chúng ta luôn cố gắng để xây dựng cho cuộc sống của mình tươi đẹp hơn. Các nhà máy, trường học, bệnh viện được mọc lên khắp nơi. Thế nhưng, chúng ta cũng đâu biết rằng, chỉ một hành động vô ý nhỏ bé của mỗi người về môi trường cũng đủ làm tổn hại rất lớn đến cuộc sống mà mọi người đang đóng góp ấy.

Môi trường, đó là không khí bạn hít thở, là mặt đất bạn đứng trên, là cánh rừng bát ngát xanh, là dòng nước bạn uống, … Tất cả đều thật quý giá và thân thuộc biết bao. Thật là sung sướng khi đứng giữa rừng xanh trong lành, nghe bên tai âm thanh muôn điệu của chim muông. Cuộc sống ấy quá đỗi yên bình và cũng là ước mong của con người. Thế nhưng, vì cái lợi trước mắt, mà những lưỡi cưa sắc nhọn đã cứa vào thân gỗ. Triệu triệu cây gỗ đã bị hạ xuống, màu xanh dần mất, lũ lụt sẽ tràn về mạnh hơn, không khí sẽ không được điều hoà, ngày càng trở nên ngột ngạt. Cuộc sống bị đe doạ. Chẳng phải thế là tổn thất quá lớn chỉ vì một từ “ý thức” của mỗi người chợt bị lãng quên đi hay sao ? Rồi những nguồn lợi vật chất rừng mang đến cho con người như gỗ, hương liệu, thuốc, thực phẩm cũng bị cuốn vào những lưỡi cưa kia. Quê hương ta xanh đẹp là thế, giờ chỉ còn đôi trơ đất trọc, đau lòng quá thôi. Chỉ vì hành động vô ý thức, nhiều kẻ đã phá huỷ tất cả những gì đẹp đẽ quý giá của rừng, những thứ con người không thể tạo ra được.

Môi trường – đó còn là bầu không khí ta thở. Cuộc sống Công nghiệp hiện đại mà con người tự hào cũng là nguyên nhân làm cho khói xả của nhà máy bốc lên bầu trời, khói xả của ô tô phun liên tục đen đường phố. Bầu không gian ngột ngạt và ô nhiễm cũng đồng nghĩa với sự diệt vong của tất cả các sinh vật. Tầng ô-dôn có lỗ thủng ngày càng lớn, tia cực tím và tia tử ngoại chiếu xuống trái đất tạo ra bệnh tật, bão từ. Cuộc sống lại trở nên bị đe doạ, người thân của chúng ta có thể bị cướp đi lúc nào không biết. 

“Rừng vàng, biển bạc”. Mặt biển xanh vỗ về bãi cát vàng, con sông êm đềm với con đò quê hương, dòng suối róc rách cá bơi lội tung tăng. Thử tưởng tượng xem, nếu mặt biển bập bênh những rác, cá, ốc, sinh vật dưới biển chết trôi, nước vẩn đục,… không còn sự trong trẻo đẹp tươi nữa. Ôi ! Thật kinh khủng làm sao. Biết là con người sợ hãi cái không gian đó sao rác thải vẫn cứ trút xuống sông, đồ ăn thừa vẫn đổ cả xuống nước, rồi dầu đổ ra mặt biển. Ý thức bảo vệ con người bị giảm sút, nhiều kẻ chỉ biết lo cho bản thân mà hại Cộng đồng. Họ liệu có hiểu ?

Phá hoại môi trường cũng là phá hoại nền kinh tế trân trọng. Đất bị khô cằn, nứt nẻ mất chất dinh dưỡng làm cho cây cối trở nên khô héo, nông nghiệp sa sút. Không khí ô nhiễm, làm khí hậu theo đất ô nhiễm, rồi đây, những sinh vật trên mặt đất sẽ không còn thấy sự tươi tốt trù phú bao phủ mọi nơi.

Tất cả đều đáng sợ. Thảm cảnh đó sẽ đến với con người ta nếu thiếu đi ý thức bảo vệ môi trường. Nếu rừng đã lỡ bị hại những ai có ý thức thì đừng tiếp tục phá rừng nữa, hãy trồng thêm cây và chăm sóc rừng đi. Một người không thể làm việc quá lớn, vậy hãy bắt đầu từ việc nhỏ như: vệ sinh nhà cửa, thu gom và vứt rác đúng nơi quy định, chăm sóc cây, bảo vệ hồ, ao, sông, biển,… Điều đó, ai cũng có thể làm và nhiều việc nhỏ sẽ tích lại thành việc lớn. Thiên nhiên ban tặng cho ta những điều kì diệu nhưng cũng có thể mang đi tất cả nếu thiên nhiên nổi giận. Đừng bao giờ để điều đó xảy ra, bằng cách ý thức hành động bạn đang làm.

Hãy bảo vệ cuộc sống bằng cách giữ vững màu xanh cho môi trường, để cùng hướng tới một hành tinh xanh mãi xanh”.

 

Đề: Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường. Bằng những hiểu biết của mình, hãy làm sáng tỏ nhận định trên
Đánh giá bài viết