I. Yêu cầu

– Kiểu bài lập luận giải thích kết hợp với chứng minh.

– Giải thích một câu tục ngữ trong kho tàng tục ngữ của nhân dân về vai trò của việc học đối với mỗi người.

– Chứng minh ý nghĩa của câu nói đối với mỗi người học sinh.

II. Gợi ý

– Cần nhớ lại cách giải thích nội dung một câu tục ngữ : giải thích cách hiểu nghĩa đen của từ ngữ, hình ảnh. Trên cơ sở đó nêu lên nghĩa bóng của cả câu.

– Để giải quyết được vấn đề, cần vận dụng hiểu biết của mình về cách diễn đạt của tục ngữ : thường ngắn gọn, có vần, có vế đối xứng ; hiểu biết về nội dung của tục ngữ : thường tổng kết, khái quát kinh nghiệm sản xuất, ứng xử xã hội. Tại sao người ta cần phải học ? Tại sao lại so sánh người không học với ngọc không mài ?

– Chứng minh người không học không thể là người ưu tú, có ích cho xã hội.

– Từ sự giải thích, chứng minh, xác định một thái độ, trách nhiệm đúng đắn đối với việc học tập.

– Yêu cầu giải thích là yêu cầu chính, phần chứng minh không thể viết dài.

III. Lập dàn ý

A. MỞ BÀI:

– Giới thiệu nội dung câu tục ngữ cần giải thích và chứng minh.

B. THÂN BÀI

– Giải thích :

– Nghĩa đen của từng vế câu tục ngữ : người không học (không chịu học tập, không tiếp thu tri thức và kinh nghiệm của nhân loại) ; ngọc không mài (ngọc không được qua chế tác, chỉ là một viên đá tầm thường, không bộc lộ phẩm chất quý giá).

– Vì sao người không học tập lại bị coi là kém giá trị ? + Vì không học tập thì không có tri thức

+ Người không học hỏi thì trí tuệ, tình cảm không phát triển, cũng chỉ như là một con vật mà thôi.

– Vì sao lại so sánh người không học với ngọc không mài ?

+ Ngọc tuy quý, song không mài thì chỉ là một viên đá bình thường, lẫn lộn trong đất đá, không bộc lộ phẩm chất quý giá.

+ Người tuy là quý (Người ta là hoa đất) nhưng không học thì cũng không phát triển, trở nên uống phí.

– Chứng minh ý nghĩa của việc học tập đối với học sinh.

C. KẾT BÀI

– Sự so sánh của người xưa là chính xác, sáng suốt.

– Nhiệm vụ của mỗi người là phải học tập tốt, học suốt đời để làm người có ích.

IV. Bài minh họa

Mỗi học sinh khi bước tới trường đều được tiếp nhận biết bao tri thức trong cuộc sống để sau này có thể trở thành người tài giỏi, có ích cho xã hội. Vậy mà chúng ta không học thì sẽ không có kiến thức, bỗng dưng thành người thừa trong xã hội. Chính vì thế việc học rất quan trọng và cần thiết cho mỗi con người. Và chính vì điều đó mà nhân dân ta đã nhắc nhở nhau phải luôn nhớ lời cha ông dạy : “Người không học như ngọc không mài”.

Câu tục ngữ sử dụng nghệ thuật so sánh với câu văn ngắn gọn súc tích trong đó chứa đựng sự giáo huấn sâu sắc của cha ông xưa. Một viên ngọc nguyên thuỷ khi khai thác lên chỉ là một hòn đá, chỉ khi bàn tay của con người mài giũa thì mới là một viên ngọc sáng đẹp và lung linh, lúc đó nó mới trở thành báu vật. Cũng như ngọc, người không học thì không có kiến thức, không còn phân biệt được đúng sai và có thể sẽ lao đầu vào những sai lầm, thói hư tật xấu trong xã hội. Người thiếu chữ nghĩa, thiếu học sẽ tăm tối, cạn hẹp. Chỉ có học thức mới giúp họ mở mang, hiểu biết hơn. Câu tục ngữ muốn nói với chúng ta rằng người không có kiến thức cũng như cục đá vô dụng kia, nhưng khi có ánh sáng của tri thức hòn đá đó bỗng toả sáng, xua tan mọi đen tối của ngu dốt, tối tăm. Học hành giúp cho tri thức và tâm hồn con người trở thành một thứ gì đó tốt đẹp quý báu. Ngọc có thể mua được nhưng ngọc tri thức” không thể mua được bằng tiền của. Nó chỉ có được qua rèn luyện, qua lao động và trong học tập phấn đấu vươn lên.

Chúng ta còn là học sinh nên còn có thể học qua nhiều cách như qua sách vở, qua cuộc sống. Đặc biệt là qua nhà trường và thây CÔ. Đối với học sinh thì nhà trường và thầy cô như căn nhà và cha mẹ thứ hai của mỗi chúng ta. Họ là những người truyền thụ cho ta biết bao tri thức ở đời. Chúng ta cần phải tiếp thu, phát triển và sáng tạo để cho kiến thức được phong phú và giàu có.

Việc học đâu chỉ có trong sách vở, nhà trường mà nó là một biển học không bờ. Sự khám phá, sự hiểu biết còn chờ đợi chúng ta ở cuộc sống sau này. Học ngay trong thực hành, trong lao động. Ngay trong các mối quan hệ xã hội thì việc học đâu có điểm dừng. Không phải vô tình mà cha ông xưa đã căn dặn “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Lấy con số nhỏ đối chiếu với một số lượng lớn, khó đo, đếm được là một cách nói rất thâm thuý. Nó càng giúp chúng ta hiểu sâu sắc giá trị to lớn của việc học hành. Cũng từ đó hiểu rộng hơn về phạm vi và thời gian không có giới hạn trong Công việc tiếp thu kiến thức đó.

“Người không học như ngọc không mài”. Câu tục ngữ giàu hình ảnh và thật thấm thía. Nó giúp ta biết và hiểu được tầm quan trọng của việc học và nhắc nhở ta phải luôn duy trì thực hiện tốt lời cha ông đã dạy bảo.

Đề: Để nhân dân ta nhắc nhở nhau luôn luôn nhớ lời dạy: Người không học như học như ngọc không mài. Em hiểu câu nói trên như thế nào. Hãy chứng minh rằng trong môi trường học sinh, câu nói này có một ý nghĩa đặc biệt.
4.5 (90.83%) 24 votes