I. Yêu cầu

 – Lập luận giải thích kết hợp với chứng minh.

– Nội dung : giải thích giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống ; chứng minh giá trị của lời nói và việc lựa lời.

II. Gợi ý

– Dựa vào hiểu biết thực tế mà tìm ra những luận điểm, luận cứ giải thích vấn đề trên.

– Trong thực tế có rất nhiều ca dao, tục ngữ, danh ngôn về lời nói, có thể nhớ, dựa vào đó mà tìm ý.

– Nhớ lại cách lập luận giải thích và áp dụng.

– Vấn đề có thể phát triển rất rộng trong bài viết. Với thời gian làm bài quy định và để tập trung vào giới hạn nêu ở đề bài, nên lựa chọn nội dung cho cô đọng.

III. Lập dàn ý

A. MỞ BÀI:

– Nêu vấn đề bằng việc giải thích tầm quan trọng của tiếng nói và dẫn hai câu :

– Lời nói gói vàng.

– Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

B. THÂN BÀI

1. Hiếu ý nghĩa hai câu đó như thế nào ?

– Câu Lời nói gói vàng : so sánh để tôn vinh, đề cao giá trị của lời nói. Lời nói là thứ của cải quý giá.

– Câu Lời nói chẳng mất tiền mua lại khẳng định được sự tự nhiên, vốn có của lời nói đối với con người. Từ đó khuyên Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

– Hai câu không đối lập mà bổ sung ý nghĩa nhằm khuyên ta phải lựa lời mà nói”, giữ gìn lời ăn tiếng nói.

2. Qua hai câu, hiểu giá trị của lời nói ra sao ?

– Lời nói rất quan trọng trong đời sống.

+ Là công cụ giao tiếp giúp mọi người hiểu nhau, phối hợp trong công việc để cuộc sống phát triển tốt đẹp.

+ Xã hội càng phát triển, lời nói càng quan trọng. – Lời nói thể hiện nhân cách, trình độ văn hoá của mỗi người. – Người Việt Nam từ xưa vốn đã rất coi trọng lời nói :

– Những lời khuyên:

+ Lời chào cao hơn mâm cỗ.

+ Đất xấu trồng cây khẳng khiu
Những người thô tục nói điều phàm phu.

– Ngôn ngữ Việt rất tinh tế – những phép tắc giao tiếp được quy ước rất rõ ràng.

3. Làm thế nào để thực hiện lời khuyên trên?

– Phải biết “lựa lời mà nói” nghĩa là lựa chọn cách nói sao cho chính xác, tế nhị, phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp để “vừa lòng nhau” – người nghe dễ tiếp thu điều mình nói và tôn trọng mình.

– Phải biết giữ gìn, bảo vệ và phát triển tiếng Việt cho trong sáng, phong phú.

Bác Hồ đã dạy : “Tiếng nói là thứ của cải quý của dân tộc, chúng ta phải giữ gìn và bảo vệ nó”.

C. KẾT BÀI

– Lời nói là thứ của cải quý mà “không mất tiền mua” nhưng không vì thế mà phung phí tuỳ tiện.

– Cần tu dưỡng đạo đức, văn hoá để tạo cơ sở cho cách nói năng văn minh, lịch sự.

IV. Bài làm minh họa

“Trong cuộc đấu tranh vật lộn giữa con người và thiên nhiên, nhằm bảo vệ cuộc sống của mình và bảo vệ đất đai, ông cha ta đã đúc rút biết bao bài học xương máu để khuyên bảo thế hệ sau. Kho tàng văn học dân gian mà họ để lại chứa đựng hàng trăm lời dạy về các mặt của cuộc đời. Kì lạ nhất là họ sớm đúc rút được ý nghĩa vừa quan trọng vừa phong phú đa dạng của ngôn ngữ giao tiếp trong đời sống con người. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem tại sao cha ông đã căn dặn chúng ta “Lời nói gói vàng” lại còn nhắc nhở con cháu : “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Trước hết, khi gói gọn những kinh nghiệm sống bao đời qua câu “Lời nói gói vàng” có nghĩa ông cha xưa khẳng định giá trị quý báu của lời nói. Vàng vốn là một thứ kim loại quý, nó được coi là tài sản, của cải của con người. Người ta đã dựa vào nó để phân chia tầng lớp giàu nghèo trong xã hội. Một chút vàng đã quý “một gói vàng” là rất nhiều, vậy càng quý hơn. Thế mà một bọc lớn vàng chỉ bằng một lời nói ra của con người, ai cũng có thể suy ra được giá trị quý báu của lời nói hằng ngày đáng giá như thế nào !

Nhìn lại lịch sử lâu dài, chúng ta càng thấy rõ điều đó. Nhờ có lời nói mà người xưa đã cùng nhau làm được biết bao điều cho cõi đời này. Lời nói truyền lại kinh nghiệm sản xuất, xây dựng. Vùng đất hoang vu đây sỏi đá thành cánh đồng lúa mênh mông, thành những công trình to lớn, thanh xóm làng thành phố thân yêu. Lịch sử còn có các trang chói lọi chiến công anh hùng của nhân dân ta đối với mọi kẻ thù xâm lược. Lời nói giúp họ biết hô hào, kêu gọi trong đấu tranh và biết bảo ban, khuyên nhủ nhau trong lao động sản xuất. Chúng ta ai cũng nhớ câu chuyện cổ xa xưa về việc xây báo tháp để lên trời. Con người giỏi và mạnh là thế vậy mà thiếu ngôn ngữ họ xây mãi chả thành. Tiếng nói đã giúp họ lao động, chiến đấu, giúp họ không những chỉ bộc lộ với nhau về đời sống vật chất mà còn thể hiện những nét tinh tế và độc đáo về đời sống tinh thần. Có gì đầy gợi cảm và rung động hơn trước ngôn ngữ của chúng ta.

Tuy nhiên “lời nói” được ví với “vàng” ở đây phải là lời hay ý đẹp, những lời chia sẻ, cảm thông, những lời động viên, cổ vũ, những lời yêu thương. Hoàn toàn không phải lời nói trái đạo lí, lương tâm con người.

Trong khi câu tục ngữ trên đề cao giá trị cao quý của lời nói thì ở câu ca dao sau cha ông ta lại căn dặn : “Lời nói không mất tiền mua”. Không phải mua mà có sẵn thì trở nên dễ dàng, rẻ rúng. Có thể hiểu rằng ở đây, lời nói bị hạ thấp khác với sự đề cao ở trên. Nếu đọc tiếp câu sau: “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” thì ta mới vỡ lẽ, người xưa thật là sâu sắc. Họ đã nhìn thấy rõ yếu tố tích cực của ngôn ngữ bao nhiêu thì họ sớm hiểu được sự hạn chế của nó bấy nhiêu. Họ khẳng định sự phong phú và đa dạng về sắc thái biểu cảm của lời nói để nhắc nhở chúng ta nên chọn lọc cách nói, thời điểm nói và người nói sao cho có hiệu quả nhất. Nếu nói với nhau để rồi bực bội, cãi cọ hoặc thù hằn nhau thì không có ý nghĩa gì. Vậy sao không tìm cách diễn đạt vào lúc thích hợp nhất để hiểu nhau, để sửa chữa hoặc để cố gắng hơn thì có giá trị bao nhiêu. Càng sống chúng ta sẽ càng thấm thía hơn lời dạy này.

Như vậy, mới thoạt đọc sẽ thấy hai câu nói trên có vẻ mâu thuẫn với nhau rõ rệt nhưng khi tìm hiểu kĩ mới rõ hết ý tứ sâu xa của nó. Về thực chất nó hỗ trợ cho nhau để hoàn chỉnh lời khuyên thêm sâu sắc. Công cha ta muốn mỗi chúng ta hiểu rõ được sức mạnh to lớn của lời nói và cũng muốn nhấn mạnh rằng nếu biết sử dụng khéo léo thì sức mạnh đó càng tăng lên gấp bội. Chúng ta lớp con cháu làm sao nhận thức được hết để kế thừa và phát huy rực rỡ hơn nữa hiệu quả lời căn dặn trên. Chẳng phải xa xưa Nguyễn Trãi đã không phải dùng một mũi tên, một hòn đạn mà chỉ với một bức thư khiến hàng ngàn quân Minh ở thành Nghệ An ra hàng. Chúng ta biết noi theo để dùng lời nói đưa thế kỉ XXI của chúng ta chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Khi đó, làm gì có chiến tranh, có đói nghèo, bệnh tật nữa. Mọi người sát cánh bên nhau vui lao động và yêu cuộc sống. Cuộc đời sẽ đẹp biết bao !

Lời dạy của cha ông xưa càng trở nên có ý nghĩa hơn với học sinh chúng ta. Học tập và rèn luyện trên nhà trường để càng hiểu sâu sắc hơn nữa mong muốn của ông cha ta. Chúng ta sẽ lao động bằng sức lực, trí tuệ và lời nói để làm giàu đẹp hơn nữa cuộc sống xung quanh ta nói chung và cho mỗi chúng ta nói riêng.

Đề: Dân gian xưa có câu Lời nói gói vàng nhưng lại khuyên nhủ chúng ta : Lời nói không mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Qua hai câu trên, hãy cho biết tác giả dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống. Hai lời dạy trên có mâu thuẫn với nhau không ? Vì sao ? Hãy chứng minh.
5 (99.61%) 514 votes