I. Yêu cầu

– Sử dụng thao tác lập luận chứng minh.

– Nội dung : Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “Thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn, nghĩa là đề cập đến giá trị nhân đạo của văn chương. Theo đề bài, sẽ có hai nội dung được trình bày :

+ Ca ngợi tình yêu thương giữa người với người (nhân ái).

+ Phê phán những kẻ bất nhân.

– Dẫn chứng lấy trong các tác phẩm đã học ở chương trình Ngữ văn lớp 6, 7, 8, chủ yếu là phần văn học hiện thực.

II. Gợi ý

– Cần đọc lại các tác phẩm đã học, nắm vững nội dung ý nghĩa và tìm dẫn chứng phù hợp với nội dung vấn đề cần giải quyết.

– Hệ thống các dẫn chứng tìm được theo từng phạm vi nội dung, tránh lan man, trùng lặp.

– Từ đó lập dàn ý chi tiết cho bài viết. Khi viết thành bài văn cần tôn trọng dàn ý đã lập.

– Chú ý: Cần thực hiện tốt các kĩ năng làm văn nghị luận đã được học : dựng đoạn, nêu và phân tích dẫn chứng, vận dụng kết hợp đưa các yếu tố miêu tả, tự sự và biểu cảm vào bài văn nghị luận.

III. Lập dàn ý

A. Mở bài

– Vẻ đẹp của văn chương là hướng người đọc đến với sự hiểu biết và tình yêu thương.

– Những tác phẩm học trong chương trình Ngữ văn giúp ta hiểu rằng : văn học của dân tộc ta luôn tôn vinh những ai biết “thương người như thể thương thân” và luôn phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước hoạn nạn của đồng loại.

B. Thân bài

1. Văn học dân tộc ta đã ca ngợi những ai có lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”.

– Tình cảm xóm giềng :

+ Ông giáo với lão Hạc (Nam Cao, Lão Hạc).

+ Bà lão láng giềng với vợ chồng chị Dậu (Ngô Tất Tố, Tắt đèn).

– Tình cảm gia đình :

+ Tình cảm vợ chồng : Chị Dậu ân cần chăm sóc chồng, quên mình bảo vệ chồng (Tắt đèn – đoạn trích Tức nước vỡ bờ).

+ Tình cảm cha mẹ và con cái. – Cha mẹ thương con cái : Lão Hạc thương con (Lão Hạc).

– Con cái thương cha mẹ : bé Hồng (Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu) thông cảm, bênh vực, bảo vệ mẹ ; con trai lão Hạc : thương cha.

2. Văn học phê phán những kẻ bất nhân

– Ngày xưa : Lí Thông lừa lọc, cướp công Thạch Sanh, dù được Thạch Sanh tha cho nhưng vẫn bị trời trừng phạt.

– Ngày nay :

+ Tội ác của thực dân Pháp với nhân dân ta (Nguyễn Ái Quốc, Thuế máu).

+ Tội ác của quan lại tay sai phong kiến : Quan phụ mẫu vô trách nhiệm, VÔ lương tâm (Phạm Duy Tốn, Sống chết mặc bay). Cai lệ nhẫn tâm (Ngô Tất Tố, Tắt đèn – “Tức nước vỡ bờ”)

+ Những người chịu ảnh hưởng của hủ tục phong kiến : người cô của bé Hồng.

C. Kết bài 

– Văn học đã khơi dậy tình cảm yêu ghét đúng đắn cho con người để con người sống tốt đẹp hơn.

IV. Bài tham khảo

Bài 1

Các tác phẩm văn học giai đoạn 1930 – 1945 đã phê phán gay gắt những kẻ phi nhân tính luôn dồn đuối, tàn phá cuộc sống và tâm hồn người dân. Nhưng cũng chính trong cái xã hội bất lương và tàn nhẫn ấy đã có những con người biết vượt lên sự hành hạ về thể xác và tâm hồn để “thương người như thể thương thân”. Và văn học cũng không quên ngợi ca những con người như vậy.

Lòng nhân ái luôn là nét đẹp truyền thống trong tâm hồn người Việt Nam bao đời nay. Đó là tình cảm xóm giềng – tình cảm của những con người không cùng chung huyết thống nhưng vẫn luôn sát vai bên nhau. Như nhân vật ông giáo trong “Lão Hạc” của Nam Cao, một con người biết đồng cam cộng khổ, chia sẻ với lão Hạc mọi khổ đau. Ông giáo đã cảm thông với lão Hạc biết chừng nào thì mới có thể ngồi nghe hết câu chuyện rề rà và vòng vo do lão kế, để rồi hiểu ra tình cảnh đáng thương của lão. Ông luôn sẵn sàng lắng nghe lão kể mọi nỗi bất hạnh, sẵn sàng đảm nhận bất cứ việc nào mà lão nhờ. Ông giáo đúng là hiện thân của lòng thương người, biết tìm hiểu và trân trọng những phẩm chất tốt đẹp ở người khác. Qua nhân vật ông giáo, Nam Cao đã bộc lộ quan điểm về cách nhìn người : ở mỗi con người đều có một vẻ đẹp nhân cách đáng nâng niu, ca ngợi.

Tình cảm làng xóm không chỉ hiện lên qua ngòi bút của Nam Cao mà còn được Ngô Tất Tố khai thác trong tiểu thuyết “Tắt đèn”. Trong hoàn cảnh vô cùng đau khổ : anh Dậu bị trả về, rũ rượi như một cái xác, chị Dậu đã vô cùng hoảng sợ, đau đớn. Trong lúc này, vợ chồng chị Dậu còn có thể nương nhờ vào ai ngoài những người hàng xóm tốt bụng. May thay, nhờ bà lão hàng xóm cứu giúp cho bát cháo, anh Dậu đã dần dần hồi phục. Chỉ một bát cháo mà là cả một tấm lòng. Ta hiểu, chẳng phải ngẫu nhiên mà người xưa có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Đó chẳng phải cũng là để ngợi ca tình cảm của những con người sống gần gũi, sớm tối có nhau đó sao ?

Lòng nhân ái mà văn học nhắc đến còn là tình cảm gia đình sâu sắc, gắn bó. Trước tiên, phải kể đến tình vợ chồng thân thiết, mà điển hình là nhân vật chị Dậu.

Chị là người thương chồng, hết mình vì chồng. Khi anh đau yếu, chị tận tình chăm sóc. Những cử chỉ thật nhẹ nhàng, hiền dịu như tất cả tình thương chị dành cho anh. Chị thật sự là một người vợ đảm đang, yêu chồng chân thành, tha thiết. Rồi trước bọn cai lệ độc ác, bất nhân, chị Dậu cố gắng chống chọi, âu cũng là để bảo vệ chồng. Con người chị Dậu là thế : bình thường thì hiền hậu, nhu mì, nhưng ai đã hành hạ chồng chị thì chị quyết không để lên đầu. Đó cũng chính là vẻ đẹp của một nông dân giàu tình thương, kiên quyết chống lại bạo lực, cường quyền.

Tình cảm máu mủ ruột rà cũng là đề tài được các tác giả quan tâm. Lão Hạc một người cha rất mực thương con. Tuổi già cô độc, ốm đau vẫn phải một thân một mình, rồi còn phải đi làm thuê kiếm sống nhưng lão vẫn cương quyết không tiêu lạm vào tiền của thằng con trai. Để giữ trọn vẹn tài sản cho con, lão đã phải bán con chó vàng – người bạn thân thiết của lão, phải ăn củ chuối, quả sung cho qua ngày. Rồi thật là đau khổ, đau khổ đến tột cùng khi lão phải tìm đến cái chết, một cái chết thật khốc liệt nhưng nhân cách đã được bảo toàn. Thật là “chết trong còn hơn sống đục”. Lão Hạc là hiện thân của một nhân cách cao đẹp.

Có những người cha đã vì con mà sẵn sàng hi sinh, thì cũng có những đứa con hiếu thảo vì cha mẹ mà chịu bao khổ cực. Nhân vật cái Tí trong “Tắt đèn” là một em bé như thế. Tuy số phận em cay đắng : nhà nghèo, phải chăm sóc các em và đau khổ nhất là bị bán vào nhà Nghị Quế nhưng cái Tí luôn bộc lộ những phẩm chất đáng quý. Biết cha mẹ vất vả, em đảm đang, tháo vát chăm sóc các em như một người mẹ. Đến khi mẹ về, em hăm hở ra đón, mời mẹ ăn khoai. Và đáng thương nhất là Tí chấp nhận dấn thân vào cuộc đời nô lệ để đổi lấy sự tự do cho cha. Sự hi sinh lớn lao đó đã thể hiện một tình yêu thương sâu sắc của đứa con hiếu thảo dành cho cha mẹ. Lòng hiếu thảo của Tí làm ta nhớ đến nhân vật “em Bé” trong truyện ngắn “Mẹ vắng nhà” của Nguyễn Đình Thi. Hay như bé Hồng trong hồi ký “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng, em đã bất chấp những lời phỉ báng của người cô để mà bênh vực mẹ. Những nhân vật trong văn học cũng chính là hình ảnh của thiếu nhi Việt Nam trong xã hội cũ, tuy khổ đau nhưng vẫn giữ trọn bổn phận làm con.

Bên cạnh giá trị nhân đạo cao cả, các tác phẩm còn mang tính hiện thực sâu sắc. Các tác giả đã phê phán gay gắt những kẻ bất nhân, thờ ơ trước người gặp nạn. Cái thái độ có thể gọi chung bằng từ “độc ác” đó đã bị phê phán theo đủ các cung bậc trong các bài thơ và bài văn. Có thể kể đến tiếng cười nhạo báng của nhân dân trong truyện “Thạch Sanh”. Hình ảnh Lí Thông được dựng nên với những tội ác tày trời. Hắn đã nhiều lần lừa Thạch Sanh – người anh em kết nghĩa chỉ vì tiền tài và danh vọng. Từ bao đời nay vẫn thế, những kẻ sống gian thì chẳng bao giờ có được kết quả tốt đẹp. Lí Thông chết đi bị biến thành bọ hung, một con vật bẩn thỉu và hạ đẳng trong xã hội. Sự trừng phạt Lí Thông cũng là để lên án tội ác hắn đã làm trong suốt cuộc đời.

Nhưng chỉ một mình Lí Thông kia sao so sánh được với cả một chế độ thực dân Pháp đã hành hạ dân ta trong bao nhiêu năm. Nguyễn Ái Quốc đã lên án chúng gay gắt biết chừng nào trong “Bản án chế độ thực cân Pháp”. Thực dân Pháp đã gây ra những tội lỗi tày trời, đẩy bao người dân vô tội vào cảnh khốn cùng, khổ cực. Đó là sự tàn sát hết sức dã man, tàn nhẫn. Bỗng dưng, những người bản xứ phải rời bỏ gia đình, quê hương để vượt qua những chuyến đi dài, để được “hưởng” cái chết nơi đất khách quê người. Vậy mà thực dân Pháp gọi cái đó là công lí và tự do sao ? Phải chăng đó chỉ là lớp vỏ bao bọc cho tội lỗi và sự tàn nhẫn của thực dân Pháp ? Nhưng dưới cái danh hiệu tối cao chiến sĩ bảo vệ Công lí và tự do” là những cảnh tang thương đau xót biết chừng nào. Những con người đã ra đi, hoặc chết trên các chiến trường châu Âu, hoặc tử nạn ngay trong lúc vượt biển… Tóm lại, họ đều đã hi sinh tính mạng mình cho những cuộc chiến vô nghĩa của thực dân Pháp. Rồi những người may mắn được ở lại hậu phương cũng đã bị vắt kiệt sức lao động trong các xưởng thuốc súng. Vậy thì kết cục của họ cũng đầu khác gì những con người đã bị bắt đi chiến đấu. Tám vạn sinh mạng đã bỏ ra để phục vụ chiến tranh. Thực dân Pháp quả đã quá coi rẻ tính mạng và xương máu người dân.

Chẳng lẽ những người bản xứ ấy tự nguyện đi vào chỗ chết sao ? Họ đã bị ép buộc đi lính theo một chế độ hết sức tàn ác. Chúng buộc họ phải chọn một trong hai con đường : hoặc phải đi lính, hoặc phải bỏ tiền để đổi lấy sự tự do. Cho lựa chọn đấy mà thực ra cũng chính là ép buộc. Thử hỏi những người dân nghèo biết lấy đâu ra tiền để mua lấy cuộc sống yên ổn mà đáng ra họ phải được hưởng ? Họ đành phải thuận theo số phận hoặc tìm cách làm cho mình mắc bệnh nặng nhất. Thật đáng thương cho những con người ấy ! Vậy mà, tội ác của thực dân Pháp không chỉ dừng lại ở việc bóc lột sức và mạng người. Chúng còn nhẫn tâm lấy hết mọi của cải của họ “để ghi nhớ công lao người lính An-nam, chẳng phải người ta đã lột hết tất cả của cải của họ…”. Thực dân Pháp đền đáp lại những cống hiến to lớn của người dân như vậy sao ? Chúng chính là nguyên nhân khiến bao người dân phải đau khổ. Thử hỏi, lương tâm chúng để đầu ? Bản tố cáo của Nguyễn Ái Quốc như một lời buộc tội đanh thép đối với thực dân Pháp. Những tấm gương cao cả về lòng nhân ái, những tội ác to lớn được gây ra bởi sự nhẫn tâm, tất cả đã được phản ánh trong văn học. Văn học chính là yếu tố quan trọng trong việc lưu giữ lịch sử của thế hệ trước cho đời sau.

Bài 2:

“Văn học”, đó là một phạm trù rộng lớn, là một thế giói muôn hình vạn trạng, phong phú như một thế giới thực. Chỉ khác là nó tồn tại trong những trang giấy, những từ ngữ văn chương. Trong thế giới đó cũng có đủ rmọi trạng thái tình cảm của con người và cuộc sống. Tình thương yêu được nhắc đến một cách đa dạng và sâu đậm, đủ để mang đến cho người ta những xúc cảm thật sự sâu sắc.

Người ta thường nói tình thương là điểm khởi nguồn của văn học, nó tạo ra cảm xúc cho các tác phẩm văn học. Nó giúp cho ta thiết lập một mối quan hệ với tất cả mọi người. Nó giúp cho chúng ta biết lắng nghe ý kiến xung quanh. Tạo cho ta những xúc cảm mới lạ để ta biết yêu thương, biết vui buồn, biết sống với mọi người, sống với thiên nhiên, sống với vạn vật xung quanh mình. Văn học khơi dậy những tình cảm tự nhiên mà ta không có, làm cho ta biết yêu người và ngược lại ta cũng cảm nhận được mọi người yêu quý ta. Có tình yêu thương, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, mọi người sẽ cùng nhau sống hoà thuận và yêu thương nhau hơn. Cái xấu cũng thành tốt và cái tốt lại càng tốt hơn nữa. Vậy chẳng phải, tình thương đã khởi nguồn cho cảm xúc và là cơ sở để văn học ca ngợi cuộc sống tươi đẹp của chúng ta ?

Văn học đem lại cho người đọc những trang viết, những tình cảm chân thật. Người ta đọc mà vẫn có thể cảm nhận được sự ấm áp của tình thương gia đình, sự vui vẻ của tình bè bạn, vẻ êm đềm của tình yêu thiên nhiên, niềm mãnh liệt của tình yêu Tổ quốc và ngay cả nỗi căm tức, phẫn nộ trước những hình ảnh chà đạp lên con người… ấy chính là “văn học và tình thương”. Tình cảm được bộc lộ, thể hiện trong văn học cũng có thể mãnh liệt và dữ dội như cảm xúc của con người. Khả năng diễn đạt của văn học Vốn đã rộng lớn này còn thể hiện thêm tình thương yêu của con người. Nhờ vậy mà nó càng trở nên mênh mông, sâu nặng hơn, nó đem đến cho ta những tình cảm mà ta chưa từng trải qua, để a trở nên nhân hậu hơn và tinh tế hơn.

Tình cảm trong văn chương cũng được bộc lộ rất đa chiều. Có lúc văn chương ca ngợi những tình cảm tốt đẹp, có khi nó lại phê phán những hành động xấu xa… Tình cảm đó là đề tài mà văn học đề cập nhiều nhất và nó cũng dành những trang viết đẹp nhất. Trong đời sống gia đình, văn học thể hiện với một sự đầm ấm, trìu mến đến cao quý. Nó được bộc lộ qua những tác phẩm như “Bức tranh của em gái tôi”, đoạn trích “Trong lòng mẹ” của tác phẩm “Những ngày thơ ấu”,… Cô em gái bé nhỏ tài năng ấy sao có được tấm lòng yêu thương đầy bao dung đến vậy ? Qua bức tranh của mình, tấm lòng ấy đã được thể hiện đầy rung cảm, nó gột sạch tính ích kỉ và những gì là hẹp hòi, đố kị thường có trong tâm hồn của người anh hay của mỗi chúng ta. Đó chẳng phải là một ví dụ nổi bật cho tình cảm thương yêu hay sao ?

Chú bé Hồng ở trích đoạn “Trong lòng mẹ” cũng vậy. Tuy nhỏ bé nhưng trong em lại chứa đựng biết bao tình cảm thương yêu. Nó yêu mẹ mãnh liệt lắm, nó đủ sức giữ bình tĩnh và tỉnh táo trong những lời nói, cử chỉ để bảo vệ mẹ mình. Tình cảm ấy đã giúp đỡ chú chống chọi và vượt qua những lời nói đầy ác ý của người cô. Nếu không có được tình cảm ấy có lẽ chú bé đã bị tiêm nhiệm những hình ảnh không hay về mẹ, đã bị nhiễm cái nhìn cổ hủ, tàn nhẫn của chế độ phong kiến thối nát. Tình cảm đó có sẵn trong con người và phát triển theo thời gian. Cô bé Thuỷ trong “Cuộc chia tay của những con búp bê” chẳng phải còn rất nhỏ đó sao, vậy mà cô bé vẫn có được tình yêu mến vô cùng tha thiết với người anh trai. Hai anh em gắn bó, thương yêu nhau đến nao lòng, chúng bịn rịn, đau khổ vì phải chia tay, chúng hi sinh cho nhau và dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất. Tất cả đã được bộc lộ sinh động trong văn học, điều đó giúp chúng ta cảm nhận được sự ấm áp và xúc động trước những con người, những tình cảm thân thương đó.

Không chỉ có trong gia đình mà ngay cả giữa những con người không cùng máu mủ, song cùng một hoàn cảnh, cùng một tâm trạng cũng có những tình cảm gắn bó không kém. Nhà thơ Nguyễn Khuyến chẳng đã vô cùng mừng rỡ khi bạn đến chơi đó sao ? Ông đã mừng rỡ, vui vẻ pha chút bối rối đầy hóm hỉnh của một nhà thơ Vô cùng hiếu khách. Nhiều cung bậc tình cảm đã thể hiện để rồi đưa chúng ta đến với cảm nhận về tình cảm bạn bè cao quý trên mọi giá trị vật chất trên đời này.

Văn học nước ngoài cũng vậy ! Những nghệ sĩ nghèo nước Mĩ đã gắn bó, chăm lo cho nhau trong mối tình cảm chân thành. O. Hen-ri đã cho ta thấy rõ điều đó. Xiu đã cùng cụ Bơ-men lo lắng và tận tình chăm sóc Giôn-xi khi cô ốm. Cao đẹp hơn, cụ Bơ-men còn sẵn sàng hi sinh thân mình để cứu Giôn-xi khỏi những suy nghĩ đang dần dần kéo cô ra khỏi cuộc sống. “Chiếc lá cuối cùng” chẳng phải là một minh chứng cho sự hi sinh, cao cả trong tình cảm bạn bè đó sao,… “Không gia đình” đã kể lại câu chuyện cảm động của những con người nghèo khổ, họ đùm bọc, che chở cho nhau chẳng khác gì câu tục ngữ mà cha ông xưa đã dạy : “Thương người như thể thương thân”. “Những tấm lòng cao cả” kể chuyện về tình cảm bạn bè thật đẹp đẽ. Tình yêu gia đình, yêu đồng bào và hơn tất cả là lòng yêu nước rộng lớn. Với từng ấy tình cảm tốt đẹp thì hành rang vào đời của chúng ta thật giàu có và phong phú. Văn học đã cho ta “kho báu” về tinh thần đó.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng thể hiện tấm lòng yêu thương đồng bào tha thiết vào thơ văn. Những tình cảm ấy mạnh mẽ, da diết, bộc lộ rõ qua từng từ ngữ, cách hành văn và cả cách hành động của những con người trong tác phẩm “Thuế máu”. Người viết bằng tiếng Pháp, những nỗi đau xót trước cảnh lầm than của nhân dân nước Việt Nam đau đớn trong từng câu từng chữ của Người. “Ngắm trăng” lại gửi gắm một tình yêu thiên nhiên say đắm của Người tù cộng sản này. Bài thơ làm bằng chữ Hán viết trong nhà ngục Quảng Đông (Trung Quốc) mà sao lời thơ da diết yêu thương như trái tim Bác, cái trái tim và thơ Tố Hữu đã ca ngợi :

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.” 

Hình ảnh con người trong các tác phẩm văn học đã gợi cho người đọc một niềm thương cảm, sâu lắng, và giúp chúng ta trau dồi thêm tình cảm nhân hậu và bao dung.

Khép mỗi trang sách lại, hình ảnh và số phận con người trong văn học vẫn làm rung động lòng ta bởi ngàn vạn cảm xúc khác nhau. Ta muốn sống tốt đẹp hơn, mở rộng lòng mình để yêu thương nhiều hơn. Cảm ơn văn học, với mỗi trang viết nó đã đưa ta đến với những gì tốt đẹp nhất và thiết tha mong muốn làm những điều tốt đẹp trả lại cho cuộc đời.

Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn đề cao những ai biết “Thương người như thể thương thân” và phê phán những kẻ thờ ơ dửng dưng trước người gặp hoạn nạn

Đề: Chứng minh rằng văn học của dân tộc ta luôn đề cao những ai biết “Thương người như thể thương thân” và phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn
3.9 (77.14%) 7 votes