Đề 99 – Mối quan hệ giữa học vấn và đạo đức qua lời người xưa: “Có học phải có hạnh”

BÀI LÀM

Xã hội đang trên đà phát triển, đất nước ta đang thời kì mở cửa. Bởi thế sự hiểu biết, trình độ khả năng chuyên môn rất cần cho mọi người. Tuy nhiên hạnh kiểm, đạo đức cũng là yếu tố rất quan trọng cho việc xây dựng xã hội chủ nghĩa thành công tốt đẹp. Mối quan hệ giữa học vấn và hạnh kiểm một lần nữa được nhấn mạnh qua câu tục ngữ:

“Có học phải có hạnh”.

Quan niệm đó đúng hay sai? Và ngày nay nó có ích gì cho xã hội mới đang trên đà phát triển? 

Học là sự hiểu biết, là vốn kiến thức của mỗi con người. Con người có học , là con người biết suy nghĩ, có nhận thức, có sự hiểu biết. Hạnh là hạnh kiểm, là phẩm chất đạo đức. Người có hạnh kiểm là con người có tư cách đúng đắn, đạo đức tốt. Do vậy, người có học thức cao cần phải có đạo đức, có hạnh kiểm tốt mới được.

Từ lúc sinh ra tới lúc bập bẹ biết nói rồi đến khi tới trường ta đã được tập tành dạy dỗ nhiều lần bài học về đạo đức. Lớn lên, song song với việc học văn hoá, mở rộng kiến thức thì bài học làm người càng cao hơn nữa. Một người có văn hoá, có trình độ thì được mọi người kính nể. Nhưng nếu chỉ có kiến thức sâu rộng mà thiếu đạo đức, thiếu tư cách thì không những làm giảm bớt sự kính nể mà còn bị mọi người xa lánh, khinh thường. Làm người ở đời phải có học, cần am tường hiểu biết mọi vấn đề ngoài xã hội, đó là điều cần thiết cho mỗi chúng ta. Nhưng hạnh kiểm đạo đức của con người cũng không kém phần quan trọng. Nó là thước đo giá trị của con người. Chúng ta đồng ý rằng văn hoá là chìa khoá để mở cách của khoa học kĩ thuật, là những viên gạch để xây dựng nền văn minh cho đất nước. Còn hạnh kiểm đạo đức cũng là tường thành để giữ vững, để bảo vệ nền độc lập, tồn tại của một thể chế quốc gia. Điều này càng khẳng định một chân lí “Có học phải có hạnh” vì “học” và “hạnh”, “tài” và “đức” là hai yếu tố cần thiết cho mỗi con người. Một người vừa có học vừa có hạnh, vừa có tài vừa có đạo đức, có tư cách tốt thì quả là người đáng quý, đáng cho mọi người nể phục mến yêu.

Bác Hồ cũng đã từng nhắc nhở chúng ta qua lời dạy ân cần và thắm thiết: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó” thật là quý báu vô cùng. Đó là bài học về đạo đức làm người.

Thế nhưng, trong cuộc sống văn minh hiện nay, con người chạy theo bề ngoài, chỉ lo rèn luyện khâu học vấn để theo kịp đà phát triển của xã hội mà không nghĩ gì đến việc tu dưỡng đạo đức. Hạng người này cốt để phô trương kiến thức văn hoá gây cản trở cho sự tiến bộ của đất nước. Có nhiều cán bộ cao cấp vì quyền lợi cá nhân, chạy theo vật chất, chạy theo những ham muốn nhất thời để rồi trở thành tha hoá, biến chất. Xa hơn nữa là các nhà bác học có trình độ uyên thâm thế nhưng lại vô lương tâm, không đạo đức thì đến một lúc nào đó họ sẽ gây tai hoạ cho cả nhân loại trên thế giới. Bắt đầu từ ví dụ thứ nhất – Ai cũng biết, phát minh ra hạt nhân là một phát minh tuyệt vời nhất của thế kỉ XX. Nhưng hãy xem người ta sử dụng nó ra sao. Hắn thế giới và nước Nhật chưa hết kinh hoàng khi hai thành phố Hirosima, Nagasaki được hưởng thành tựu” khoa học tuyệt vời ấy đầu tiên từ những người không có hạnh. Gần một thế kỉ trôi qua, cái “phúc” mà những người thiếu hạnh kia đem đến cho nước Nhật vẫn còn làm đau lòng người có lương tri. Rồi chất diệt cỏ “tuyệt vời” mà nhân dân Việt Nam “được” người Mĩ mang đến những cánh rừng khắp cả một dải miền Trung. Họ không chỉ diệt cỏ mà còn diệt luôn sức khoẻ, tương lai và hạnh phúc của bao thế hệ người Việt Nam đã đi qua, sinh sống ở những mảnh đất ấy. Hắn ta sẽ không thể nào dửng dưng khi đối diện với những sinh linh tật nguyền không kịp chào đời, những hình hài không nguyên vẹn một con người. Những mất mát, đớn đau mà thời gian khó xoa dịu ấy là minh chứng cho chữ “hạnh” bị lãng quên ở kẻ đã đem thứ chất độc ghê tởm kia đến Việt Nam. Còn rất nhiều những câu chuyện đau lòng khác khi con người ta thiếu đi chữ hạnh. Do vậy, người có học cần phải có hạnh kiểm, đạo đức. Học càng cao thì đạo đức phải càng tốt mới được. Qua đó ta thấy học và hạnh, tài và đức là hai yếu tố không thể tách rời nhau được. Nói như vậy không có nghĩa là người có học mới tu dưỡng rèn luyện đạo đức mà cả người ít học cũng cần phải có đạo đức tốt. Bởi lẽ người có đạo đức tốt luôn rất cần thiết cho việc xây dựng đất nước giàu mạnh, tiến bộ. Nhưng hắn ta cũng biết “Nhiệt tình và ngu dốt sẽ trở thành kẻ phá hoại”. Mà thời nào cũng vậy, kẻ phá hoại không được ai đón chào, nếu không nói là xua đuổi. Và tất nhiên, chẳng mấy ai muốn mình là kẻ bị xua đuổi kia. Tốt nhất ta phải vừa học tập vừa rèn luyện đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội, đất nước sau này.

Tóm lại, câu tục ngữ trên nêu rõ tầm quan trọng của học vấn và hạnh kiểm. Có được cả hai yếu tố trên ta sẽ trở thành người toàn diện. Khi đó ta đã thực hiện tốt lời nhắc nhở của ông cha đồng thời ta cũng góp phần tích cực vào việc xây dựng một đất nước phồn vinh tiến bộ và tôn vinh bản thân mỗi con người Việt Nam.

Đề 99 – Mối quan hệ giữa học vấn và đạo đức qua lời người xưa: “Có học phải có hạnh”
Đánh giá bài viết