Đề 98 – Giữ gìn môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.

BÀI LÀM

Môi trường không phải của riêng ai! Tại sao những năm gây đây Trái Đất của chúng ta phải đối mặt với ngày càng nhiều thiên tai nghiêm trọng đến thế? Trận sóng thần vùng Ấn Độ Dương năm 2004 giết hại hơn 200.000 người khắp một vùng rộng lớn từ Châu Á sang châu Phi. Cơn bão Ca-tri-na năm 2005 hoành hành phía Đông nam Hoa Kỳ làm hàng nghìn nghìn người chết và hơn một triệu người mất nhà: riêng nửa đầu năm 2008, liên tiếp hai đại họa khủng khiếp giáng xuống người dân châu Á – bão Na-ghít vào Mi-an-ma và động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc… Việt Nam chúng ta cũng liên miên bão lũ, triều cường khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, mất người, mất của mới đây nữa là trận lụt lịch sử đảo lộn cuộc sống người dân thủ đô Hà Nội khi mà thời tiết tưởng đã chuyển sang mùa hanh khô… Phải chăng Trái Đất đang nổi giận và trừng phạt những hành động khai thác vượt qua giới hạn cho phép của con người?

Hãy giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp! Không phải bây giờ loài người mới hiểu ra và kêu gọi nhau điều đó. Nhưng rõ ràng ý thức bảo vệ môi trường đã mang lại hiệu quả thấp hơn nhiều so với những hành động tàn phá. Và chừng nào sự sống trên Trái Đất còn diễn ra, con người còn phải tiếp tục giữ gìn môi trường xanh, sạnh, đẹp như chăm lo cho mạng sống của chính mình. Vậy thế nào là một môi trường xanh, sạch, đẹp? Theo tôi, trước hết đó là một môi trường thắm đượm màu xanh của cây cối, hoa lá, chim muông, nơi mà con người luôn được hít thở không khí tự nhiên, trong lành, sạch sẽ, được hòa hợp với các loài động vật, thực vật trong thiên nhiên. Môi trường đó không bị đe dọa bởi các loại chất thải nguy hại như rác thải, khí thải công nghiệp. Đó còn là nơi con người luôn cảm thấy an toàn, yên tâm vui sống và thưởng thức những cảnh quan thiên nhiên hay nhân tạo giàu giá trị thẩm mĩ. Vì sao chúng ta cần phải giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp? Có người bảo rằng, “trời sinh voi trời sinh cỏ”, môi trường tự nhiên thế nào hàng triệu năm nay nó sẽ có những quy luật tự vận động, tự điều chỉnh như thế, sức con người có hạn, cuộc đời ngắn ngủi làm sao mà “giữ gìn” được môi trường mãi? Tôi không nghĩ như vậy. Bởi tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này, như cái nhà ta ở, căn phòng ta ngủ, nếu không thường xuyên dọn dẹp, lau chùi, chẳng mấy chốc chính ta sẽ biến nó thành cái nhà rác, căn phòng rác và sẽ không còn chỗ để ta đặt chân vào đó nữa. Môi trường quanh ta không gì khác chính là ngôi nhà lớn của chúng ta. Nếu không bảo vệ, chăm sóc “ngôi nhà lớn”, rác thải sẽ nhanh chóng đầy lên vùi lấp tất cả bởi số “nhân khẩu” khổng lồ vẫn đang tăng lên tỉ lệ thuận với rác. Hằng ngày xem chương trình truyền hình du lịch Vòng quanh thế giới, tôi được thấy nhiều quốc gia châu Âu, châu Á, có chính sách bảo vệ rừng và tài nguyên rất tốt, từ làng quê tới thành phố lớn, đâu đâu cũng một màu xanh mát rượi che phủ, nhà cửa công trình hiện đại luôn đan xen hài hòa với rừng cây đồng cỏ xanh tươi… Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều khu vực san sát nhà bê tông cốt thép chọc trời thiếu màu xanh cây lá. Các nhà khoa học, các chuyên gia về khí hậu Trái Đất vẫn tiếp tục đưa ra nhiều cảnh báo về hậu quả mà nền công nghiệp hiện đại đã và đang gây cho môi trường sống của loài người. Hiệu ứng nhà kính, lỗ thủng tầng ô-dôn, Trái Đất ngày càng nóng lên, băng ngày càng tan nhanh ở Bắc Cực và Nam Cực… Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật cùng những phát minh công nghiệp, công nghệ cao một mặt làm cho con người ngày càng giàu có, hiện đại hơn, mặt khác, cũng khiến môi trường sống của con người bị hủy hoại nhanh hơn. Nếu không kịp thời giữ lại màu xanh, sự trong lành, tươi đẹp nguyên thủy của mỗi trường, Trái Đất sẽ bị chìm ngập trong làn nước biển dâng cao,

Vậy, môi trường ở đất nước nhỏ bé của chúng ta đã được giữ gìn thế nào? Có thực sự xanh, sạch, đẹp không? Đáng tiếc, câu trả lời là “không”. Bạn có thể phản đối tôi. Nhưng tôi có đủ dẫn chứng để chứng minh điều đáng tiếc đó. Báo chí gần đây liên tiếp đưa tin về những “sát thủ môi trường” – những tập đoàn công nghiệp lớn như Vedan, Miwon… ngấm ngầm xả nước thải chưa qua xử lí nguy hại ra sông Thị Vải, sông Hồng, ra biển gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường cả ba miền Bắc – Trung – Nam ở Việt Nam mà không biết đến bao giờ mới khắc phục được. Chúng ta đang phải đau đớn giải quyết bài toán cân đối điều hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế kĩ thuật và yêu cầu bảo vệ môi trường sống. Ngày hôm nay Thủ đô Hà Nội tuy mở rộng thênh thang về địa giới song vẫn còn đang sở hữu nhiều con phố chật hẹp lồi lõm vừa mua một trận đã ngập lụt trên sông. Thậm chí lá phổi của thành phố là những con sông, cái hồ cũng đang ở trong tình trạng “ung thư di căn giai đoạn cuối”. Con sông Tô Lịch ít nhất cũng sắp nghìn năm tuổi cùng với Thủ đô Hà Nội – Thăng Long xưa, có thể nó còn nhiều tuổi hơn Thủ đô, xưa kia nó rộng, đẹp, sạch mát bao nhiêu trong ca dao: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát – Em chèo thuyền ghé sát thuyền anh” thì nay nó trở nên hẹp, bẩn, thô, xấu bấy nhiêu! Các bạn trẻ chúng ta sẽ làm gì để con sông – lá phổi – biểu tượng thiên nhiên của Thủ đô ngàn năm văn vật trở nên xanh – sạch – đẹp hơn? Quả thực, hằng ngày đi về dọc sông Tô, nhìn dòng nước trôi lừ lừ đen ngòm, hôi hám, tôi thường nhói lòng thương nhớ “con sông quê hương” ngày xưa và tự hỏi đây mà gọi là “sống” được ư Tôi mới chỉ là một học sinh phổ thông, tôi chưa hiểu gì về những cái gọi là quốc sách hay quốc kế dân sinh, song có một điều tôi biết chắc chắn là không thể để con sông Tô Lịch chết dần như thế nếu chúng ta không muốn có một Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Tôi đã học được thói quen vo kẹo cao su cùng giấy, rác bỏ để gọn vào cặp sách của mình đem về nhà khi trên đường không có thùng rác công cộng. Nhưng tôi vẫn chứng kiến nhiều người lớn và rất nhiều bạn trẻ lứa đôi chưa biết làm như tôi. Ngồi trên ô tô, họ ngang nhiên vứt vỏ bánh, kẹo, hoa quả xuống lòng phố hoặc quăng túi nôn ra vệ đường quốc lộ. Kẹo cao su, đầu mẩu thuốc lá, vỏ hộp sữa, nước ngọt, bia lon… “vô tư thoải mái” giữa đường hoặc “khiêm tốn” hơn trên vỉa hè, góc phố. Tôi rất giận khi chứng kiến nhiều người đàn ông vừa đi xe máy, vừa khạc nhổ, hoặc đây đó bức tường vắng họ “giải quyết nỗi buồn muôn thuở” và tôi tự hỏi những người đó họ sẽ dạy con cái của họ giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp bằng cách nào? Một mặt, do luật bảo vệ môi trường chưa được thi hành nghiêm túc, Chính phủ chưa có những chế tài, hình phạt đích đáng đối với các hành vi làm ô nhiễm môi trường: Mặt khác là do khả năng đấu tranh chống tiêu cực của mỗi cá nhân còn quá yếu, ai cũng tư tưởng “mũ ni che tai”, “cha chung không ai khóc” trước các hành vi ấy, Chính vì vậy mà môi trường sống của chúng ta vẫn hằng ngày kêu cứu, đòi trả lại màu xanh và sự sạch, đẹp trong lành.

Để giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, một vài cá nhân có ý thức không thể làm rồi. Nhưng quan trọng hơn, nếu không xuất phát từ ý thức của từng cá nhân thì mọi phong trào tập thể rầm rộ cũng chỉ như gió thoảng qua. Mỗi người hãy thực sự coi Trái Đất như chính ngôi nhà riêng của mình, chúng ta sẽ học được cách cư xử khôn ngoan với môi trường sống quanh ta. Và như thế, cuộc đời chúng ta mới có ý nghĩa, giá trị đối với cả thế hệ mai sau.

Đề 98 – Giữ gìn môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.
Đánh giá bài viết