BÀI LÀM

Mỗi chúng ta khi lớn lên, hẳn ai cũng đã từng nghe những lời ca dao ngọt ngào của bà, của mẹ, hay ít ra là của một cô thôn nữ trên cánh đồng quê:

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

Hình ảnh người con gái mỏng manh như lụa tự bao giờ đã đi vào thơ ca muôn hình muôn vẻ. Nhưng hiện lên trên hết vẫn là số phận và phẩm chất cao đẹp của bao người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay. Để nói lên số phận và phẩm giá ấy có gì tiêu biểu hơn trong văn học trung đại là ta hãy nghe Hồ Xuân Hường tự nói về thân phận trong Tự tình (II), Bánh trôi nước, hay nghe Tú Xương thể hiện tấm lòng đối với người vợ thương yêu… qua đôi dòng Thương vợ!

Những bài thơ trên tuy ngắn ngủi, nhưng phần nào cũng khắc hoạ nên một bức tranh số phận của người phụ nữ. Họ là những người con gái có vẻ đẹp nhan sắc như Hồ Xuân Hương tự hào:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn.

Câu thơ vang lên dây kiêu hãnh, nhưng lập tức cái hình tượng trong sáng ấy bị dập vùi bởi câu thơ thứ hai:

Bảy nổi ba chìm với nước non. 

Đọc câu thơ, ta vỡ nhẽ: Hoá ra cuộc đời cô gái mặn mà nhan sắc, với trái tim khát khao, tấm lòng biết yêu thương, lại nhẹ tênh như cái bánh trôi. Họ bị đời ném vào nước cay đắng để rồi bốn chữ “bảy nổi ba chìm” vang lên chua xót, thản nhiên xô đẩy số phận người phụ nữ. Ta chợt nhớ đến Thúy Kiều đã bị Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến… làm cho rắn, cho nát thế nào trong thơ Nguyễn Du. Mới hay rằng, số phận người phụ nữ méo, tròn là do xã hội quyết định, họ ý thức được mình nhưng không định đoạt được số phận. Hãy xem truyện Vũ Nương đấy, gìn giữ mình cho được hai chữ “bình an” trong xã hội ấy, dễ chăng?

Đó là số phận chung của người phụ nữ, còn những mảnh đời riêng lại có những bất hạnh riêng. Với người vợ của Tú Xương đó là cảnh:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
 Nuôi đủ năm con với một chồng.   

Cái đìu hiu hiểm trở của không gian, cái tuần hoàn của thời gian làm nhỏ bé một con người tần tảo. Cấu trúc câu thơ thứ hai thật kì lạ: “năm con”, “một chồng rồi lại “nuôi đủ”. Hình như nó tạo thành cái đòn gánh nặng trĩu trên vai “thân cò” bé nhỏ. Ta tự nhiên hình dung ra cảnh lam lũ vất vả của người phụ nữ ấy. Cũng “lặn lội” như biết bao người phụ nữ nông dân, cũng “eo sèo” trong cảnh bán buôn tấp nập. Người phụ nữ bị hoà vào dòng đời mà vẫn nổi bật. Chi tiết “thân cò”:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Dùng thật đắt, vừa là kết tinh của ca dao, vừa là kết tinh của niềm tri ân chân thành của nhà thơ.

Tính ra thì bà Tú vẫn còn được tri ân, còn được thấu hiểu. Cuộc đời bà tuy vất vả nhưng chưa gọi là bi kịch. Bi kịch lớn nhất của người phụ nữ là không có tình yêu, không có hạnh phúc, thì có lẽ trong giới văn sĩ xưa nay không ai thấm thía điều đó bằng nàng Xuân Hương:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.         
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,      
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn. 

Đã gọi “hồng nhan” hẳn phải được trân trọng, nâng niu. Thế nhưng nếu sắc thái của hai chữ “hồng nhan” trân trọng bao nhiêu thì hoá thành “cái hồng nhan” lại rẻ rúng bấy nhiêu. Giá mà người ta cứ mãi say cho quên sầu thì tốt, đằng này say rồi lại tỉnh, rồi “giật mình mình lại thương mình xót xa”. Cái đêm vắng của người phụ nữ không tình yêu rẻ rúng, cô quạnh biết chừng nào! Đến khi tuổi trẻ đã qua, hương sắc mùa xuân cũng chỉ làm họ thêm ngao ngán, ghét đời. Có hạnh phúc nào không trong xã hội xưa, khi mảnh tình bị san sẻ như tấm vải bị cắt nhỏ ra? Có hạnh phúc nào không, khi mùa xuân của thiên nhiên không tô thắm người thiếu nữ, mà giết dần niềm mong mọi tình yêu của họ?

Tóm lại, bi kịch của người phụ nữ nói chung vẫn là không làm chủ được số phận và tình yêu. Nhưng hình như văn chương của ta muốn nói cái gì sâu xa hơn những bộ kịch. Vâng, nếu chọn một khía cạnh để tôn vinh, ta sẽ chọn lấy những phẩm giá tuyệt vời của họ? Vì đó chính là thứ ánh sáng giúp họ rực lên giữa bóng đêm khắc nghiệt của xã hội xưa.

Phẩm giá đầu tiên của người phụ nữ là vẻ đẹp tâm hồn và ý thức về vẻ đẹp ấy. Đó là thuỷ chung, sắc son, trong sáng, thanh khiết… mà Hồ Xuân Hương đã thêm một lần tự hào khi thể hiện trong bài thơ vịnh cái bánh trôi:

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Càng đáng quý hơn, chính người phụ nữ đã nhận ra vẻ đẹp ấy để gìn giữ nó. Bởi trong xã hội xưa, mấy ai được như Lê Thánh Tông biết luyến tiếc khi gặp miếu Vũ Thị; mấy ai được như Nguyễn Du, cảm thương cho số phận ca nữ Long Thành hay Tiêu Thanh mệnh bạc. Càng hiếm người dành cả một mảng thơ nói về vợ mình như Tú Xương. Cuối cùng thì chính người phụ nữ là người nhận ra phẩm cách của mình và giữ nó như hoa như ngọc. Vì thế mà ta lại thấy những câu thơ như như vùng lên, đứng dậy, căm phẫn sự khắc nghiệt của số phận: 

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.  

Nếu như thơ Hồ Xuân Hương nặng về ý thức, thì thơ Tú Xương thể hiện phẩm chất người mẹ, người vợ rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Trong Thương vợ, ta thấy rõ “lòng son” cao quý của người phụ nữ là gì – đó là đức hi sinh, sự tảo tần không ngại hiểm nguy, vất vả, đó là niềm yêu thương chồng con vô hạn, thuỷ chung tình nghĩa. Hai câu năm, sáu của bài thơ là lời của tác giả, hiện lên đây cảm động và đáng khâm phục biết bao:

Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.

 Xin mượn ý bài thơ mà nói một chân lí bất hủ: Giá như không có những người vợ như thế, người mẹ như thế; làm sao có được những văn nhân, tài sĩ, làm sao có được người giỏi trong thiên hạ. Giang sơn gấm vóc từ xưa đến nay, có thể nói một nửa là được gây dựng từ bàn tay người phụ nữ vậy.

Cuối cùng, người phụ nữ xưa cũng như biết bao con người trong xã hội có khao khát và ước mơ. Chỉ khác, trong văn chương xưa họ chẳng nói “tôi ước…”, “tôi mong…”, mà chỉ ghi nỗi niềm qua ý thơ nhỏ bé. Kết thúc bài bánh trôi nước, ai bảo Hồ Xuân Hương không khao khát? Tự đánh giá về nhận phần “tấm lòng son” của mình nàng không giấu được niềm ước mong xã hội hãy coi trọng, nâng niu nó. Kết thúc bài Tự tình (II) cũng vậy, tuy chán nản, tuyệt vọng, bế tắc, nàng Xuân Hương vẫn mong tuổi xuân chớ trôi, vẫn khao khát tình yêu thực sự. Bởi nàng ý thức rõ cuộc đời người phụ nữ cần tình yêu và hạnh phúc hơn bất cứ điều gì. Kiếp hồng nhan xưa thiếu tình yêu và hạnh phúc nên ta từng chứng kiến bi kịch Vũ Nương, Thúy Kiều, người chinh phụ. Đó là hệ quả của trật tự xã hội mà Tú Xương gọi là “thói đời”:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc                
Có chồng hờ hững cũng như không. 

Cho nên chửi kiểu Tú Xương, chửi thẳng vào xã hội, là thể hiện lớn nhất khát khao của người phụ nữ. Và quả vậy, trật tự xã hội phản đối, lễ giáo phong kiến phải mất; thì ước mơ của người phụ nữ mới phần nào thành sự thực. Ba bài thơ có cách thể hiện khác nhau, nhưng đều là tiếng nói rất thực của phận má hồng sống trong đêm dài phong kiến và chừng thế kỉ sau, ước mơ ấy đã thành sự thực.

Ngày nay xã hội đã đổi thay, cuộc đời người phụ nữ đã tươi sáng hơn rất nhiều bởi họ tự quyết định tình yêu, số phận và thực sự có chỗ đứng bên cạnh nam giới. Nhưng ta đừng quên dành vài giây, phút để nghe lại tiếng lòng xưa, nghe lại người phụ nữ trước đây đã có số phận khắc nghiệt như thế nào và có những phẩm hạnh tuyệt vời ra sao. Là một người phụ nữ hiện đại, hãy sống để không hổ với gương xưa. Và là một người nam giới, hãy cảm nhận vẻ đẹp, lắng nghe khát khao và dang rộng vòng tay yêu thương với những người phụ nữ của cuộc đời mình.

Đề 94: Cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua các bài “Bánh trôi nước”, “Tự tình” (bài II) của Hồ Xuân Hương và “Thương vợ” của Tú Xương.
Đánh giá bài viết