BÀI LÀM 

Phụ nữ là kiệt tác của vũ trụ. Họ chẳng khác nào những đóa hoa muôn hương muôn sắc mà tạo hoá đã ban tặng cho loài người. Thế nhưng sống trong chế độ phong kiến, những vẻ đẹp ấy lại phải đánh đổi bằng muôn ngàn nỗi khổ đau. Cảnh thương cho số phận đắng cay của người phụ nữ trong đêm “Trường dạ tối tăm mù mịt”, bao nhà thơ đã nhỏ lệ trên trang viết. Để rồi đến với “Bánh trôi nước”, “Tự tình” của Hồ Xuân Hương và “ Thương vợ” của Trần Tế Xương, ta sẽ có được một cái nhìn trọn vẹn về người phụ nữ Việt Nam thời xưa.

Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ tài ba và cùng chuyên viết về phụ nữ. Trong đó hai bài thơ nổi tiếng nhất của bà là Bánh trôi nướcTự tình (bài II) không chỉ nói lên nỗi niềm riêng của nhà thơ mà còn là nỗi niềm riêng của người phụ nữ đương thời. 

Còn Trần Tế Xương là một nhà thơ rất đặc biệt. Người đời viết về vợ đã ít nhưng viết về vợ khi còn sống thì càng hiếm hoi, thế nhà ông có hẳn đề tài về bà Tú. Đặc sắc nhất là bài Thương vợ thể hiện niềm thương canh với người vợ và tất cả phụ nữ cùng cảnh ngộ lúc bấy giờ. 

Qua ba bài thơ, hình ảnh người phụ nữ hiện lên thật đẹp, họ không chỉ đẹp về hình thức mà còn đẹp về phẩm chất bên trong, tuy nhiên số phận lại đưa đẩy họ đến những bi kịch éo le, đau khổ. Về hình thức bên ngoài, Hồ Xuân Hương đã tự hào mà lên tiếng rằng:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn.

Chỉ một hình ảnh của chiếc bánh trôi nước thôi ta đã có thể thấy được nét đẹp thì miều, mềm mại và thật duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Đó là vẻ đẹp bên ngoài dễ thấy nhưng ẩn bên trong còn một vẻ đẹp tâm hồn không dễ thấy được. Vẻ đẹp ấy mới thật là một kho tàng để ta khám phá: Người phụ nữ trước tiên là những con người có tấm lòng thuỷ chung son sắt. 

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn 
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Người phụ nữ luôn có tâm hồn nhạy cảm nhất, họ coi trọng chuyện tình cảm nhất, vì thế “tấm lòng son” thuỷ chung có gì sánh được, làm nên bao “trinh phụ, liệt nữ” lưu danh mãi ngàn sau. Trong xã hội xưa, hình ảnh bà Tú đã là hình ảnh chung của người vợ, người mẹ, luôn tần tảo vì chồng vì con: “Quanh năm buôn bán ở mon sông” để mà “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Tuy vất vả gian lao nhưng họ vẫn âm thầm chịu đựng không hề oán trách:

Một duyên hai nợ âu đành phận        
Năm nắng mười mưa dám quản công.

Ngâm qua ta mới thấy người phụ nữ chịu thương chịu khó biết bao nhiêu? Vẻ đẹp tâm hồn ấy càng làm hình ảnh của họ thêm rực rỡ.

Người phụ nữ đẹp đẽ là thế nhưng trong xã hội xưa với một chế độ phong kiến bất công, bao lễ giáo hủ túc “Trọng nam khinh nữ”, những “Tam tòng tứ đức” trói buộc… đã vùi dập cả một đời người phụ nữ. Với những người có sắc có tài thì lại gặp tình duyên éo le ngang trái. Con người đã từng tự hào: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”, có phẩm hạnh “tấm lòng son” nay lại phải than thân trách phận giữa những đêm dài cay đắng…

Đêm khuya tăng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.        

Con người ấy nhìn đời mà cay đắng, đau đớn và chua chát làm sao:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con.  

Thế mới thấy cái xã hội phong kiến buổi ấy mới ghê gớm, đã lành “ba chìm bảy nổi”, làm cho xơ xác, khô héo phận hồng nhan ra sao? Nó quyết cho kì thực cái thói đời “hồng nhan bạc phận”. Có những người phụ nữ có chút tình duyên thì lại chịu vô vàn khổ cực, bươn chải để “nuôi” lấy cái duyên phận đó. Người phụ nữ bị ràng buộc trong cái vòng siết chặt; chồng con – gia đình – cơm, áo, gạo, tiền… Bởi vì cái xã hội ấy cho phép các “đấng phu quân” chỉ ăn chơi, văn phú, sống bám vào sự lam lũ tần tảo của những người vợ. Bất công thay cho người phụ nữ:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Khó ai mà thoát khỏi cái khổ: “Có chồng hờ hững cũng như không”. Càng sống trong sự đau khổ, éo le, nghiệt ngã, người phụ nữ lại càng khao khát hạnh phúc cháy bỏng. Không ít người đã cố giẫy giụa, phản kháng quyết liệt như Hồ Xuân Hương:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn. 

Nhưng rồi họ lại bị xã hội đè nặng, không thể thoát khỏi số phận coi như đã được định sẵn cho kiếp hồng nhan. Đau đớn, ngao ngán, xót xa nhưng người phụ nữ vẫn không đánh mất hi vọng, niềm tin vào hạnh phúc, họ luôn khao khát mãnh liệt một hạnh phúc trọn vẹn… từ xưa… và cho đến ngày nay….

Nói tóm lại, người phụ nữ Việt Nam thời xưa đã mang những nét đẹp nhưng lại là người chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi nhất. Điều đó lên án cả một xã hội, cả một giai đoạn phong kiến bất công, tàn nhẫn. Còn ngày nay, xã hội đã tiến bộ, con người đã văn minh, việc bình đẳng giới đã biến mơ ước phụ nữ thành hiện thực, giải phóng người phụ nữ xưa, đưa đến một người phụ nữ hiện đại với nhiều vẻ đẹp hơn nữa… Tất nhiên họ chính là những người sẽ nắm bắt được chính hạnh phúc của họ một cách trọn vẹn.

Với cách dùng từ độc đáo, đặc sắc của phong cách thơ Hồ Xuân Hương và cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị, sâu sắc của Trần Tế Xương, ta đã thấy rõ người phụ nữ Việt Nam thời xưa. Thật đáng tự hào và trân trọng vẻ đẹp ấy và cũng thật xót xa sao khi ngẫm lại một thời đầy oan trái bi kịch cho người phụ nữ!

ĐỀ 93: Phân tích hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua các bài “Bánh trôi nước”, “Tự tình” (bài II) của Hồ Xuân Hương và “Thương vợ” của Tú Xương.
Đánh giá bài viết