HƯỚNG DẪN

1. Trần Tế Xương (1870 – 1907) tên thật là Trần Duy Uyên, đến khi đi thi Hương mới đổi tên là Trần Tế Xương, sau lại đổi là Trần Cao Xương (Xương có nghĩa là hưng thịnh, tốt đẹp).

– Là người có tài và rất có cá tính, ưa sống phóng túng. Có lẽ vì vậy mà ông luôn không thành công trên con đường khoa bảng khi chế độ khoa cử đương thời nặng về khuôn sáo. Ông đi thi nhiều lần nhưng chỉ đỗ đến tú tài (nên gọi là Tú Xương).

– Tú Xương sinh ra, lớn lên vào buổi đầu của chế độ thực dân nửa phong kiến. Thành phố Nam Định, quê hương của nhà thơ, là bức tranh điển hình cho xã hội Việt Nam trong lúc giao thời, xuất hiện nhiều cảnh nhố nhăng, ô hợp. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới sáng tác của Tú Xương.

2. Tú Xương sáng tác chủ yếu bằng chữ Nôm, phần lớn là văn vần với những thể thể loại khác nhau: thơ Đường luật, phú, văn tế, câu đối…, nhiều nhất là thơ Nôm Đường luật.

Sáng tác của Tú Xương gồm cả trào phúng và trữ tình. Trào phúng bắt nguồn từ cái gốc trữ tình và trữ tình nhiều khi được thể hiện qua sốc điệu trào phúng. Tất cả đều bắt nguồn từ tâm huyết của nhà thơ với dân, với nước, với đời. Thơ trào phúng của Tú Xương có nhiều sắc điệu khác nhau : khi đả kích trực diện, khi châm biếm thâm thuý, lúc tự trào hóm hỉnh… Tuy nhiên, nổi lên như một đặc điểm, một phong cách nghệ thuật Tú Xương là nhiệt huyết sôi nổi, mạnh mẽ, quyết liệt, sâu cay (tham khảo bài Vịnh khoa thi Hương, Mồng hai tết viếng cô Kí).

Vì yêu thương mà căm giận, do đó thơ Tú Xương có một nền tảng trữ tình sâu sắc. Tiếng nói trữ tình của nhà thơ lớn Tú Xương là tiếng nói từ trái tim, từ gan ruột với chính mình, với người, với đời và nhất là đối với người vợ cần cù, đảm đang, hi sinh thầm lặng vì chồng vì con.

– Đường đời chỉ 37 năm, đường khoa cử chỉ đỗ tú tài nhưng đường thơ Tú Xương thì còn nối dài mãi qua nhiều thế hệ : Kìa ai chín suối xương không nát – Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn (Nguyễn Khuyến).

II. NỘI DUNG

1. Hình ảnh bà Tú qua nỗi lòng thương vợ của Tú Xương

a. Hình ảnh bà Tú với những nỗi vất vả, gian truân trong cuộc sống

– Hoàn cảnh vất vả, lam lũ của bà Tú được gợi lên qua cách nói thời gian, cách nêu địa điểm. Quanh năm là suốt cả năm, không trừ ngày nào dù mưa hay nắng. Quanh năm còn là năm này tiếp năm khác. Địa điểm bà Tú buôn bán là mom sông, cái doi đất nhô ra ngoài sông ấy chính là nơi đầu sóng ngọn gió. Không gian mà cũng là thời gian khi quãng vắng, buổi đò đông càng làm rõ nỗi vất vả gian truân của bà Tú. Khi quãng vắng gợi lên được cả thời gian, không gian heo hút, rợn ngợp, chứa đầy lo âu nguy hiểm mà bà Tú một thân một mình côi cút bươn chải. Buổi đò đông gợi cảnh xô lấn, bon chen của những người buôn bán nhỏ trên sông nước. Buổi đò đông không chỉ có những lời phàn nàn, mè nheo, cáu gắt và sự chen lấn xô đẩy, mà còn chứa đầy những bất trắc, hiểm nguy. 

– Nỗi vất vả, gian truân của bà Tú còn được gợi lên qua hình ảnh lặn lội thân cò. Thấm thía nỗi vất vả, gian lao của vợ, Tú Xương mượn hình ảnh con cò trong ca dao để nói về bà Tú. Có điều hình ảnh con cò trong ca dao đã tội nghiệp mà hình ảnh con cò trong thơ Tú Xương còn tội nghiệp hơn. Con cò trong thơ Tú Xương không chỉ xuất hiện trong cái rợn ngợp của không gian (như con cò trong ca dao) mà còn trong cái rợn ngợp của thời gian. So với cụm từ con cò thì từ thân cò mang tính khái quát cao hơn, bởi nó gợi cả nỗi đau thân phận.

b. Hình ảnh bà Tú với những đức tính cao đẹp

– Bà Tú là người đảm đang, tháo vát, chu đáo với chồng, con (Nuôi đủ năm con với một chồng).

– Bà Tú là người giàu đức hi sinh thầm lặng. Mặc dù lấy ông Tú, duyên một mà nợ hai nhưng bà Tú không một lời phàn nàn, lặng lẽ chấp nhận sự vất vả vì chồng con. Câu thơ với thành ngữ năm nắng mười mưa vừa nói lên sự vất vả, vừa thể hiện được đức tính chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng, vì con của bà Tú.

Hình ảnh bà Tú trong thơ Tú Xương mang vẻ đẹp điển hình của người vợ trong truyền thống Việt Nam.

2. Tình cảm thương yêu quý trọng vợ, tâm sự và vẻ đẹp nhân cách của Tú Xương

– Đằng sau những lời tự trào là cả một tấm lòng yêu thương, quý trọng, tri ân vợ của Tú Xương. Câu thơ Nuôi đủ năm con với một chồng là cách viết cho thấy tấm lòng nhà thơ biết ơn, quý trọng vợ. Tú Xương đã không gộp mình với con để nói mà tách mình riêng, con riêng rất rạch ròi là để ông tự đứng riêng ra tri ân vợ. Câu thơ Có chồng hờ hững cũng như không là lời tự rủa mát bản thân, chứ thực lòng, ông Tú không thế. Ông không hờ hững mà thấu hiểu nỗi vất vả gian lao của bà Tú.

– Qua những lời tự trào, tự trách, thậm chí tự xỉ vả bản thân, ta thấy được tâm sự và nhân cách Tú Xương.

+ Ông Tú không dựa vào duyên số để trút bỏ trách nhiệm. Bà Tú lấy ông là do “duyên” nhưng “duyên” một mà “nợ” hai. Tú Xương tự coi mình là cái nợ đời mà bà Tú phải gánh chịu. “Nợ” gấp đôi “duyên”, duyên ít nợ nhiều.

+ Một nhà nho như Tú Xương dám sòng phẳng với bản thân, với cuộc đời, dám tự thừa nhận mình là “hờ hững cũng như không”. Con người ấy không những đã biết nhận. ra thiếu sót, mà còn dám tự nhận khuyết điểm. Đó là một con người có nhân cách.

+ Lời chửi trong hai câu thơ kết là lời Tú Xương tự của mát mình nhưng lại mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Ông chửi “thói đời ăn ở bạc” bởi “thói đời” chính là một nguyên nhân sâu xa khiến bà Tú phải khổ. Từ hoàn cảnh riêng, tác giả lên án thói đời bạc bẽo nói chung. Đây chính là ý nghĩa xã hội của bài thơ Thương vợ.

ĐỀ 79: Phân tích nội dung của bài thơ Thương vợ (Trần Tế Xương).
Đánh giá bài viết