Đề 77 – Thuyết minh về Chùa Một Cột ở Hà Nội.

BÀI LÀM

Nếu tìm biểu trưng cho Thăng Long – Hà Nội, người ta sẽ nghĩ ngay tới hai hình ảnh: chùa Một Cột và Khuê Văn Các trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Chùa Một Cột nổi tiếng không chỉ trong nước mà được cả thế giới biết đến bởi kiến trúc vô cùng độc đáo. Ngày nay, chùa Một Cột nằm trong quần thể di tích quan trọng, gồm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá Bác Hồ.

Chùa Một Cột hay chùa Mật (gọi theo Hán-Việt là Nhất Trụ tháp), còn có tên khác là Diên Hựu tự (phúc lành dài lâu) hoặc Liên Hoa đài (đài hoa sen). Chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, ở bên phải Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và nổi tiếng về sự linh thiêng ở Việt Nam.

Nói đến chùa Một Cột thì ta không thể không nói đến kiến trúc độc đáo của quần thể khu di tích này. Theo sử sách, chùa được xây dựng lần thứ nhất năm 1049: (thời vua Lý Thái Tông). Đời Lý Nhân Tông, năm Anh Vũ Chiêu Thánh 5(1080) vua cho đúc chuông lớn để treo ở chùa gọi là “Giác Thế chung” (chuông thức tỉnh người đời) và một toà phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng (khoảng 26m), nhưng vì chuông quá nặng không sao treo lên được, phải để dưới đất nên đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở, được gọi là ruộng Quy Điền và quả chuông cũng được gọi là chuông Quy Điền. Khi quân Minh bị bao vây ở Đông Quan, hết quân khí, Vương Thông đã cho phá quả chuông này để đúc súng đạn. Sau khi Lê Lợi đem nghĩa quân Lam Sơn đánh tan quân Minh, đất nước được hưởng nền thái bình thịnh trị, chuông Quy Điền cũng không còn nữa. Lần xây dựng thứ hai vào năm 1105, vua tu bổ chùa Diên Hựu: “Mùa thu tháng 9 làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu… Bấy giờ vua chữa lại chùa đẹp hơn chùa cũ, đào hồ Liên Hoa Đài gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ”. Bịch trì đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây Bảo Tháp. Về sau, quy mô chùa Một Cột chỉ còn lại ngôi chùa nhỏ trên cột đá như hình ảnh hiện nay. Đây là một công trình kiến trúc sáng tạo kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp gồm điêu khắc đá, hội hoạ, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hoá, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét. Ngôi chùa có kết cấu bằng gỗ, trong chùa đặt tượng Phật bà Quan Âm để thờ. Năm 1922, chùa Một Cột được Trường Viễn Đông Bác Cổ trùng tu lại, Trước đêm thực dân Pháp phải trao trả lại Hà Nội cho Chính phủ nước ta, chúng đã đang tâm đặt mìn phá tan chùa. Năm 1954, nhân dân ta đã phục dựng lại chùa Một Cột theo đúng nguyên mẫu của ngôi chùa cổ xưa. Chùa Một Cột hiện nay bao gồm đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3m, mái cong, dựng trên cột cao 4m (không kể phần chìm dưới đất), đường: kính 1,20m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối gắn rất khéo, thoạt nhìn như một khối đá liền. Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên. Đài Liên Hoa có mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có lưỡng long triều nguyệt. Ngày nay không có những cánh sen trên cột đá như đã nói đến trong bia văn thời nhà Lý, những ngôi chùa dựng trên cột vươn lên khỏi mặt nước vẫn là kiến trúc độc đáo, gợi hình tượng một bông sen vươn thẳng lên khu ao hình vuông được bao bọc bởi hàng lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh. Sự độc đáo của kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá. Ở đây có sự kết hợp táo bạo của trí tưởng tượng lãng mạn đầy thi vị qua hình tượng hoa sen và những giải pháp hoàn hảo về kết cấu kiến trúc gỗ bằng hệ thống móng giằng, đặc biệt là sử dụng các cột chống chéo lớn từ cột đến sàn, vừa tạo thế vững chắc, vừa mang lại hiệu quả thẩm mỹ như đường lượn của cánh sen, thiết lập sự hài hoà giữa mái và sàn bởi một đối xứng ảo. Cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông), ngôi chùa như vươn lên cái ý niệm cao cả: lòng nhân ái soi tỏ thế gian. Khối kiến trúc gỗ đá được phủ trợ bởi cảnh quan, có ao, có cây cối đã tạo nên sự gần gũi, tinh khiết mà vẫn thanh lịch, Cảm giác thanh cao của kiến trúc như chia sẻ, hoà đồng với trời nước, và màu xanh của cây lá khiến con người rũ sạch ưu phiền, đạt tới sự trong sáng của tâm hồn. Trong vườn chùa hiện có một cây bồ đề xum xuê từ đất Phật, do Tổng thống Rajendra Prasad tặng nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm Ấn Độ năm 1958. Vào ngày 4 tháng 5 năm 2006, chùa Một Cột được ghi vào sách kỷ lục Guiness Việt Nam với danh hiệu “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam”. Theo nhiều khách thập phương đến cầu phúc và thăm quan, nhất là những du khách nước ngoài họ rất ấn tượng với kiến trúc của quần thể di tích có một không hai này.

Bên cạnh kiến trúc độc đáo, chùa còn nổi tiếng về sự linh thiêng. Trước hết ở giấc mộng của vua và việc xây chùa :”Mùa đông tháng 10 dựng chùa Diên Hựu. Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy vua nói với bề tôi, có người cho là điềm không lành. Sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm toà sen của Phật Quan Âm như đã thấy ở trong mộng. Khi chùa khánh thành, các sư chay đàn, tụng kinh cầu nhà vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa “Diên Hựu”. Hàng năm cứ đến ngày mùng 8 tháng tư âm lịch, nhà vua lại đến chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội. Tương truyền rằng khi Lý Thánh Tông chưa có Hoàng tử, thường đến đó cầu nguyện, Một đêm, Vua nằm mộng thấy Phật Quan Âm mời lên lầu ngồi, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Tháng đó Hoàng hậu có mang hoàng tử. Đến nay vào những dịp lễ Tết hay ngày Rằm, mùng Một chùa vẫn đón nhiều khách thập phương đến cầu nguyện và thăm quan,

Với lịch sử gần 1000 năm, chùa Một Cột được coi là Quốc tự và là một nơi rất linh thiêng. Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhận xét: “Chùa tuy không còn yếu tố vật chất nào cổ, nhưng những giá trị phi vật thể vẫn nguyên vẹn như thuở xa xưa”. Một ngôi chùa tưởng như rất nhỏ bé mong manh, có lẽ cả thế giới chỉ Việt Nam mới có ngôi chùa kiến trúc siêu nhỏ như vậy nhưng giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn, lại trường tồn cùng dân tộc. Một ngôi chùa giữa hồ nước chỉ đủ chỗ cho mấy bát hương, một pho tượng, không tưởng hào, không tháp chuông, không cống tam quan nhưng vẫn uy nghiêm trọng tâm linh dân tộc, là hình ảnh biểu trưng của Thủ đô, vững vàng trong dòng thời gian bất tận.

Chùa Một Cột gắn liền với lịch sử của Thủ đô Hà Nội, và từ lâu chùa Một Cột cũng là biểu tượng của đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Quần thể di tích chùa Diên Hựu nằm trong khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – nơi thu hút rất nhiều du khách gần xa đến tham quan, đây cũng là một điều kiện thuận lợi để thêm nhiều người biết đến ngôi chùa đặc biệt này. Thế hệ mai sau cần gìn giữ những di tích văn hóa mang ý nghĩa lịch sử bởi đây không chỉ đơn thuần là lưu giữ những kiến trúc cổ mà còn liên quan đến vấn đề tâm linh tôn giáo của cả một dân tộc.

Đề 77 – Thuyết minh về Chùa Một Cột ở Hà Nội.
Đánh giá bài viết