HƯỚNG DẪN 

I. TRẦN TẾ XƯƠNG VÀ PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT

Trần Tế Xương (1870 – 1907), thường được gọi là Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Mặc dù chỉ đỗ Tú tài nhưng Tú Xương có cả một sự nghiệp văn chương bất hủ. Sáng tác của ông bao gồm hai mảng là trào phúng và trữ tình.

Thơ trào phúng của Trần Tế Xương nhẹ nhàng nhưng lại hết sức thâm thuý, là tiếng cười sâu cay hướng vào tầng lớp quan lại trong xã hội.

II. HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA BÀI THƠ THƯƠNG VỢ .

Bài thơ Thương vợ ra đời xuất phát từ tình cảm thương yêu quý trọng của Tú Xương dành cho vợ.

 III. THỂ LOẠI – NỘI DUNG – NGHỆ THUẬT – GIÁ TRỊ

1. Thể loại

Bài thơ Thương vợ thuộc loại thơ trữ tình, thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

2. Nội dung

Bài thơ mở đầu khá ấn tượng bằng cái vòng thời gian khép kín “quanh năm” và không gian nhỏ hẹp “mom sông”. Tú Xương đã cho người đọc thấy được sự tảo tần, nỗi cực nhọc của bà Tú. Là phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng muốn chồng được học hành đỗ đạt bằng người nên bà một mình gánh vác công việc gia đình. Bà như thân cò lặn lội, không quản ngại nơi sông nước eo seo hay nơi quãng vắng thưa người. Mong kiếm được chút ít để lo cho chồng cho con. Bà làm việc một cách cần cù, nhẫn nại, dù khó nhọc, vất vả nhưng vẫn không một lời kêu ca, than thở. Sự nhẫn nhục, đức hi sinh của bà Tú đã dấy lên trong lòng nhà thơ một tình thương yêu, quý trọng lẫn xót xa. Và rồi từ sự cảm thông, thương xót, nhà thơ đã tự trách mình vì đã mang đến cho vợ thứ duyên nợ không trọn đạo. Cuối cùng nhà thơ tự chửi mình:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không

Tú Xương chửi mình nhưng cũng là chửi đời. Vì thói đời “bạc bẽo” đã biến ông thành một người “vô tích sự”. Vì đời bạc nên đường công danh của ông lận đận và vì vậy mà ông đâm ra “hư hỏng” không giúp gì được cho vợ con.

3. Nghệ thuật

Thành công về mặt nghệ thuật của bài thơ là Tú Xương đã sử dụng tiếng Việt một cách thuần thục làm cho ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên và giàu sức biểu cảm.

Đặc biệt với việc vận dụng sáng tạo hình ảnh, cách nói của văn học dân gian, nhà thơ đã xây dựng được hình tượng nghệ thuật có tính đột phá, đó là bức chân dung của người vợ đảm đang đã được tác giả nâng lên thành hình tượng tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam: tháo vát, cần cù và giàu đức hi sinh. 

4. Giá trị

Bài thơ nang giá trị nhân văn sâu sắc. Ở đây, Tú Xương là thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với nỗi nhọc nhằn, vất vả của vợ mình nhưng đó cũng chính là tiếng nói đồng cảm với muôn vàn người phụ nữ khác, họ cũng vất vả, chịu thương chịu khó không khác gì bà Tú. Và điều đặc biệt là Tú Xương đã đưa người phụ nữ vào thơ ca và xây dựng hình tượng đó đạt đến độ mẫu mực và thấm đượm chất nhân văn.

ĐỀ 76: Nội dung – nghệ thuật – giá trị của bài thơ Thương vợ (Trần Tế Xương).
Đánh giá bài viết