Sự tích Hồ Gươm là một truyền thuyết dân gian thú vị gắn với chiến công đánh đuổi giặc Minh, giành lại nền độc lập, tự chủ cho dân tộc. Hồ gươm hay hồ Hoàn Kiếm “Lẵng hoa đẹp giữa lòng Hà Nội” từ bao đời nay thường được biết đến qua câu chuyện thần kì về lưỡi gươm thiêng do Lạc Long Quân cho Lê Lợi mượn. Thuộc lòng câu chuyện đầy ắp chất thơ này ngay từ thuở thơ bé, mấy ai từng ít nhất một lần tự hỏi: Tại sao không thể là một con vật nào khác (con cá chép chẳng hạn) mà phải chính con rùa mới được vinh dự thay mặt Long Quân hiện lên nhận lại thanh kiếm thần từ tay vị anh hùng dân tộc?

Có thể đặc điểm tự nhiên của hồ Tả Vọng đã gợi ý cho người dựng truyện: cá thì ở sông, hồ, ao, nơi nào chẳng sẵn; nhưng giữa kinh – thành mà có một cái hồ không đủ rộng để làm người choáng ngợp, chẳng hẹp đến nỗi cảnh trời mây bao la chỉ còn thu vào lòng một khung nước nhỏ không vượt quá tầm một thái ấp riêng tư, cái hồ ấy lại có lắm rùa (và cả ba ba) thì quả là hiếm, lạ. Dẫu vậy, cảnh tự nhiên vẫn cứ là cảnh tự nhiên, vốn chẳng có hồn. Chính con người đã thổi linh hồn cho cảnh. Thế là quá trình sàng lọc, lựa chọn của nghệ thuật bắt đầu. Và việc chọn con rùa làm nhân vật cho truyện ấy bắt nguồn từ truyền thống văn hóa – tinh thần lâu đời của dân tộc.

Không chờ đến đầu thế kỉ XV sau Công nguyên lời kể dân gian mới dành cho Rùa Vàng vai trò sứ giả của Long Quân đến tham dự vào chính sự trần gian: một lần nữa xác nhận, giữa thanh thiên bạch nhật, việc Lê Lợi lên ngôi vua, làm chủ nước Nam là thuộc lẽ trời (thuận thiên), là kế tục sự nghiệp dựng nước của Lạc Long Quân.

Ngay từ thế kỉ III trước Công nguyên, thần Kim Quy đã hai lần đảm nhiệm trọng trách lịch sử đó. Lần đầu: từ phía Đông hiện về giúp An Dương Vương xây dựng thành ốc và chế nỏ Linh Quy đánh thắng cuộc xâm lăng thứ nhất của Triệu Đà. Lần sau, do sự mất cảnh giác của cha con nhà vua mà thành tan nước mất, thần hiện lên chỉ rõ “giặc bên trong” gây nên đổ vỡ và sau lúc lưỡi gươm công lí của lịch sử vung lên, thần hoàn tất nhiệm vụ được Long Quân ủy thác: dẫn đường An Dương Vương về thủy phủ đoàn tụ cùng tổ tiên Rồng Lạc. Do đâu mà Rùa Vàng lại từ biển hiện lên?

Điều này có cội rễ sâu xa từ quan niệm cổ sơ của người Lạc Việt cho rằng Thần Biển có hình thù một con rùa khổng lồ nằm tít ngoài khơi, thần thở ra hít vào đều đặn tạo nên nhịp độ thủy triều ngày và đêm (nhịp thở thần linh có khác: biên độ dài bằng cả vòng tuần hoàn ngày và đêm!). Thỉnh thoảng, thần mỏi quá, thần quẫy mạnh, ấy là lúc biển động, sóng to, nước cả, có những con sóng cao như núi gọi là sóng thần. Thần thoại này gốc phương Nam, mang đậm màu sắc dân tộc, không giống với thần thoại gốc phương Bắc cho rằng thần biển là Thiên Hậu (được nhân hóa hoàn toàn, mang tính nữ, khoác ngôi vị hoàng hậu nơi triều đình một quốc gia phong kiến phương Đông điển hình, có điện chế rõ ràng), được Ngọc Hoàng sai trông coi mọi việc về biển. Một truyện thần thoại gốc phương Bắc khác cũng cho Thần Biển vốn là một con cá dài đến mấy nghìn dặm tên là cá Côn – thần thoại này cũng khác hẳn thần thoại gốc phương Nam nói trên về thần Kim Quy. Vị sứ giả Rùa Vàng nhất định phải từ biển hiện lên bởi lẽ, như trong truyền thuyết Bọc trăm trứng đã kể: sau khi chia đôi số con, Lạc Long Quân từ biệt Âu Cơ, đưa 50 con về biển. Trước lúc chia tay các con để về thủy phủ, bố Rồng còn dặn sau này hễ có việc khó cần trợ giúp thì các con cứ ra bờ biển gọi “Bố ơi!” là tức khắc thần hiện về. Từ Rùa Vàng ngoài biển Đông đến Rùa Vàng giữa hồ nằm sâu trong đất liền là sự chuyển hóa tự nhiên diễn ra trong tư duy thần thoại vốn ít tính rạch ròi nhưng vẫn đảm bảo cái nền chung: dù ở biển hay hồ thì rùa vẫn từ nước hiện lên, vẫn mang “tính nước” mà lại có thể hoạt động trên cạn. Đó là hạt nhân hợp lí trong cái tưởng như phi lí của tư duy thần thoại. Cái lõi tư tưởng của sự chuyển hóa ở đây là: truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam là một dòng chảy liên tục qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Nhưng cả hai hình tượng Rùa Vàng trong hai truyền thuyết cách nhau chừng 17 thế kỉ (đúng hơn: vẫn vị thần Kim Quy đó thôi, nhưng hai lần đóng vai trong hai truyện kể khác nhau) ấy cũng chung nguồn cội từ lớp thần thoại cổ xưa hơn nữa. Tổ tiên Tày – Thái cổ và người Việt Mường nói chung đều có một thần thoại kể về một lần Trời giả chết để thử lòng các giống loài nơi hạ giới. Lần ấy, nhờ được một chú Rùa chỉ bày cho, trong lúc muôn loài khác lên đến nhà Trời hoặc chỉ lo chí chóe tranh ăn cỗ, hoặc nói toáng ra nỗi hí hửng từ nay mặc sức hoành hành chẳng còn ai trên đầu (do vậy, chúng bị Trời trừng trị bắt phải thần phục loài người) thì loài người một lòng thương tiếc Trời, khóc đến chảy máu mắt (sự thật là: theo mẹo của rùa, người bôi phẩm đỏ quanh mắt và ngồi thật xa linh cữu Trời) nên về sau được Trời ban nhiều ân sủng đặc biệt. Một thần thoại khác có ở cả hai tộc người (chắc chắn là kết quả chung của giao lưu văn hóa) còn kể: chính rùa đã dạy người cách làm nhà sàn để ở, chấm dứt tình trạng ăn hang ở lỗ, bắt đầu nền văn minh. Tổ tiên ta sinh sống, làm ăn ở một miền đất lắm sông, hồ, đầm, ao, có nhiều rùa, ba ba cùng sinh tụ (khác với bộ tộc Hán sinh trưởng nơi đất cát khô hạn phương Bắc), nên sớm nhận thấy: rùa là giống vừa có thể ở cạn, sống qua những ngày dài hạn hán, vừa có thể đầm mình dưới sông nước (trong khi người và các loài vật nói chung chỉ có thể hoặc ở cạn hoặc ở nước), lại sống lâu, đi đâu cũng có “nhà” mang theo để ẩn nấp an toàn. Thực tế ấy là cơ sở duy vật nảy sinh biểu tượng thần thoại về con Rùa có tuổi thọ sánh ngang Trời – Đất nên cũng là nhà thông thái.

Đề 7: Nhân vật thần Kim Quy trong Sự tích Hồ Gươm
1 (20%) 2 votes