BÀI LÀM

Nguyễn Du là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn học đồ sộ, có giá trị, trong đó tiêu biểu là Truyện Kiều – một kiệt tác trong nền văn học Việt Nam. Tác phẩm này hay không chỉ ở giá trị nội dung mà còn bởi nó có những giá trị nghệ thuật tiêu biểu. Một trong những nghệ thuật ấy là bút pháp miêu tả nội tâm nhân vật mà Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những dẫn chứng tiêu biểu. Đoạn trích đã cho ta thấy được tâm trạng cô đơn, buồn nhớ và tấm lòng hiếu thảo, thuỷ chung của Kiều trong những ngày nàng bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Bài thơ được mở đầu bằng những câu:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung 

Ngưng Bích – tên lầu nghe đẹp và thơ mộng quá, nhưng buồn thay, nó lại là nơi khóa xuân – khóa kín và chôn vùi tuổi xuân của một người con gái đẹp đẽ và tài hoa – Vương Thuý Kiều. Sau biến cố lớn nhất của cuộc đời, nàng bị mụ Tú Bà đưa về đây, hứa hẹn là để kén chồng cho nàng nhưng thực chất là nàng đang bị giam lỏng.

Thiên nhiên ở lầu Ngưng Bích thật đẹp:

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung 
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia. 

Đứng trên lầu cao, dõi mắt nhìn ra xa, Thuý Kiều thấy từng dãy núi nhấp nhô. Gần hơn nữa, vào mỗi đêm, nàng lại được tiếp xúc với ánh trăng treo lơ lửng trên bầu trời. Cảnh mênh mông lắm, tuyệt nhiên không có bóng dáng của con người mà chỉ thấy thiên nhiên vô tri vô giác bao quanh: “Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”. Bằng nghệ thuật đối xứng, Nguyễn Du đã tô vẽ thêm vào bức tranh ấy một chút màu vàng của cát, một chút màu hồng của khói bụi. Cái lầu chơi vơi, trơ trọi giữa mênh mang trời nước ấy đang giam giữ thân phận của một con người. Một cảm giác cô đơn, buồn tủi, bẽ bàng cho thân phận của mình dâng tràn lên trong nàng:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng. 

Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín. Cả không gian và thời gian đang giam hãm con người. Sớm và khuya, ngày và đêm Kiều đều thui thủi một mình, làm sao tránh khỏi được sự cô đơn, tủi nhục, ngao ngán? Cảnh ấy, tình ấy đã chia đôi tấm lòng nàng. Trước hết là sự nhớ nhung Kim Trọng khôn nguôi:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng 
Tin sương luống những rày trong mai chờ
Bên trời góc bể bơ cơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Nhớ chàng Kim, nàng nhớ đến lời thề dưới trăng hôm nào. Kiều thương người yêu phải đau khổ này trông mai chờ. Có thể nói, trong suốt mười lăm năm lưu lạc, bao giờ nhớ đến Kim Trọng, Thuý Kiều cũng nhớ đến lời thề:

Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
Thấu trăng mà thẹn những lời non sông.

Hay:

Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai? 

Vì sao vậy? Bởi chính nàng là người đã phản bội lại lời thề, làm tan vỡ mối tình đầu thơ mộng đẹp đẽ. Còn về phần nàng, dẫu có lưu lạc nơi đất khách quê người, dẫu có trôi về chân trời góc bể nào đi nữa cũng không phai được tấm lòng thuỷ chung, son sắt. Những từ ngữ, hình ảnh chỉ thời gian và không gian cách biệt: dưới nguyệt chén đồng, tin sương, rày trông mai chờ, chân trời góc bể và các động từ: tưởng, trông, chờ, bơ vơ, gột rửa đã diễn tả và bộc lộ một cách sâu sắc, cảm động tình cảm thương nhớ khôn nguôi, sự xót xa cho mối tình nặng lời thề son sắt mà bị tan vỡ.

Nhớ đến Kim Trọng, Thuý Kiều cảm thấy như mình là người có lỗi. Và khi nghĩ về cha mẹ, sự day dứt ấy vẫn đeo bám lấy nàng:

Xót người tựa cửa hôm mai 
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa 
Có khi gốc tử đã đưa người ôm.

con, xót xa khi hai người tuổi già, sức yếu mà nàng không được ở gần bên để chăm sóc. Khi nàng đi vắng, ai sẽ là người chăm sóc hai thân đây? Tác giả đã dùng một loạt những từ ngữ chỉ thời gian xa cách: hôm mai, cách mấy nắng mưa và các điển tích, điển cố: Sân Lai, gốc tử, thành ngữ quạt nồng ấp lạnh… đều nói lên tâm trạng thương nhớ, tấm lòng hiếu thảo của nàng Kiều. Lúc nào cũng vậy. Hễ nhớ đến cha mẹ là Thuý Kiều lại xót xa:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu 
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà 
Dặm nghìn nước thẳm non xa 
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này
Sân hòe đôi chút thơ ngây
Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình? 

Khi Kiều ở lầu xanh lần thứ hai, nàng đã nhớ về cha mẹ như vậy. Ngoài nỗi xót xa ấy, Kiều còn cảm thấy băn khoăn, day dứt vì mình đã không làm tròn bổn phận của một người con. Thuý Kiều là vậy, dẫu đã bán mình để vẹn toàn chữ hiếu nhưng dường như nàng đã quên cảnh ngộ của bản thân để nghĩ về người khác. Qua đó ta thấy, Kiều là một người tình chung thuỷ, một người con hiếu thảo.

Nỗi nhớ sẽ trào dâng lắm nên buồn là tâm lý tất yếu của Con người. Tám câu thơ cuối là những câu thơ mênh mang nỗi buồn. Nỗi buồn này trước hết được gợi nên từ hình ảnh một cánh buồm thấp thoáng xa xa nơi cửa bể chiều hôm:

Buồn trông cửa bể chiều hôm 
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa. 

Tác giả đã chọn một thời gian gợi buồn – chiều hôm; không gian gợi buồn – “cửa bể”. Trong khung cảnh mênh mông ngập tràn nước ấy nổi lên một cánh buồm đơn độc, thấp thoáng ẩn hiện không biết về phương trời nào: “Thuyền ai…”? Câu hỏi tu từ gợi sự băn khoăn, mong đợi. Con thuyền này của ai đây nhỉ? Nó đang đi về đâu? Liệu nó có thể đưa nàng về chốn quê nhà yêu dấu, nơi có những người thân yêu đang vò võ đợi chờ? Một nỗi nhớ quê hương tràn ngập cả tâm hồn. Biết bao giờ Kiều mới được trở về đoàn tụ cùng gia đình đây?

Nhác thấy một cánh hoa trôi lênh đênh trên mặt nước, Thuý Kiều lại thấy buồn:

Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu? 

Cánh hoa – hình ảnh ẩn dụ cho thân phận chìm nổi, phiêu bạt của nàng đang trôi vô định, bị sóng gió dập vùi. Người con gái đã mất niềm tin ấy nhìn cánh hoa trôi mà nghĩ đến cuộc đời mình không biết rồi sẽ ra sao, sẽ trôi về đâu và sẽ dạt về phương nào? Từ láy man mác gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn khó tả. Nàng đành nhìn sang hướng khác:

Buồn trông nội cỏ rầu rầu 
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Và bắt gặp hình ảnh của nội cỏ rầu rầu trải dài nơi chân mây mặt đất – chứ không phải là màu cỏ non xanh tận chân trời như thuở nàng đi tảo mộ ở tiết Thanh minh. Ngọn Cỏ giờ đã héo úa và trở nên rũ rượi dưới cái nhìn buồn bã của nàng. Có rầu rầu và tâm hồn của con người cũng như thế. Cuộc sống ở đây thật vô vị và tẻ nhạt, còn tương lai thì thật mù mịt, tối tăm. Làm sao tránh khỏi được sự chán nản ở trong lòng người?

Không chỉ mong đợi, băn khoăn, chán nản, Thuý Kiều còn cảm thấy lo sợ:

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Tố Như không dùng sóng vỗ mà lại dùng sóng kêu. Vì vậy, từ một vật vô tri vô giác nó đã được nhân hoá như con người. Tiếng sóng cũng là tiếng lòng của nhân vật, là tiếng kêu cứu của một số phận đang gặp nhiều bất hạnh. Đứng trước thiên nhiên dữ dội: “gió cuốn mặt duềnh, ầm ầm tiếng sóng”.

Kiều cảm thấy lo sợ, hãi hùng rồi đây không biết có những tai hoạ nào lại đến, đe dọa cuộc sống của nàng?

Cụm từ “buồn trông” là điệp khúc của đoạn thơ, đồng thời cũng là điệp khúc của tâm trạng. Một loạt từ láy đã được tác giả vận dụng rất thành công, tạo cho đoạn thơ có một âm hưởng buồn man mác. Dường như ở đây không còn có con người mà chỉ có cảnh vật, hay đúng hơn là chỉ còn tâm trạng. Nhà thơ luôn lấy khung cảnh thiên nhiên làm nền cho nội tâm nhân vật. Vì thế, đây là một trong những đoạn thơ tả cảnh ngụ tình hay nhất ở trong Truyện Kiều. Chính Nguyễn Du trong kiệt tác này của mình cũng đã từng viết:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu ,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? 

Cảnh lầu Ngưng Bích được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tỉnh đến động, nỗi buồn từ man mác mông lung đến lo âu kinh sợ… Tất cả đã tạo nên một bức tranh phong phú và sinh động về ngoại cảnh và tâm tình.

Với cách sử dụng ngôn ngữ độc thoại, bút pháp tả cảnh ngụ tình tinh tế mà tài hoa, thi sĩ Nguyễn Du đã khắc hoạ hình tượng Thuý Kiều trong hoàn cảnh tha hương với sự cô đơn, buồn đau vì đã cách biệt với cha mẹ, với tâm trạng chua xót vì mối tình đầu bị tan vỡ, dự cảm về một tương lai mờ mịt hãi hùng và nỗi lo âu về một tai họa sắp ập đến… Ta hiểu thêm được những phẩm chất cao quý của nàng, cảm thông, chia sẻ nỗi buồn cùng người con gái này.

Nguồn website giaibai5s.com

Đề 7: Cảm nhận của em về tâm trạng của Thuý Kiều trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”
Đánh giá bài viết