Đề 60 – Trong bài thơ Bài ca mùa xuân 1961 nhớ đến tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều, nhà thơ Tố Hữu viết: Trải qua một cuộc bể dâu Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình Nổi chìm kiếp sống lênh đênh Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều. Hãy giải thích và dựa vào truyện Kiều để chứng minh ý thơ trên.

BÀI LÀM

Tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du đã ra đời hơn một trăm năm nay mà vẫn như còn sống, vẫn gợi trong lòng người lòng xót thương đối với người phụ nữ xưa. Trong bài thơ Bài ca mùa xuân 1961 nhớ đến Nguyễn Du và tác giả phẩm Truyện Kiều, Tố Hữu viết:

Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau chân tình
Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
Tố Như đi, lệ chảy quanh thân Kiều.

Đúng như ý thơ Tố Hữu. Qua tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã khái quát nỗi đau của con người trong xã hội phong kiến qua hình tượng Thúy Kiều với cuộc đời lênh đênh chìm nổi. Trải qua những biến đổi trong cuộc sống (cuộc bể dâu), lời thơ của Nguyễn Du còn đọng lại một nỗi đau về nhân tình thế thái, về cuộc đời của con người dưới xã hội đầy rẫy xấu xa. Ngay khi mở đầu Truyện Kiều, đại thi hào đã khái quát:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Chứng kiến cuộc sống thay đổi nương dâu thành bể xanh, đau đớn cho mỗi cuộc đời, nên mỗi câu thơ của Nguyễn Du còn đọng nỗi đau nhân tình. Đó là nỗi đau của con người trong xã hội bất công tàn ác. Nỗi đau đó được Nguyễn Du thể hiện rõ nhất qua hình ảnh Thúy Kiều với cuộc đời nổi chìm kiếp sống lênh đênh, đó là cuộc đời mười lăm năm đoạn trường, bị vùi dập của Thúy Kiều.

Là một người con gái tài sắc vào bậc nhất, lại được sinh ra trong gia đình gia giáo, những tưởng cuộc đời Thúy Kiều xuôi chèo mát mái, có ai ngờ Kiều phải trôi nổi suốt mười lăm năm ròng rã. Nguyên nhân cũng bởi đồng tiền và lòng tham của những kẻ có thế lực. Đồng tiền đã chi phối toàn xã hội. Chỉ vì một lời tố cáo vu vơ mà bọn quan lại, sai nha bắt bớ Vương ông và Vương Quan rồi hành hạ để đòi đút lót.

Tính bài lót đó luồn đây
Có ba trăm lạng việc này mới xong.

Chúng lộng hành, nấp dưới bóng triều đình mục nát để vơ vét, mà lại vơ vét một cách công khai, trắng trợn đầy bỉ ổi:

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham

Chưa thỏa được lòng tham, chúng còn đánh đập cha và em Thúy Kiều. Thương cha già, thương em dại, Thúy Kiều đành bán mình để có tiền chuộc, Kiều không chỉ bán mình, mà còn dứt cả mối tình chớm nở cùng Kim Trọng. Nàng đau đớn thốt lên:

Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Nàng oán trách số phận mình, đau đớn cho mối tình không trọn vẹn, xót xa thay cho cha và em. Nàng đành phải ra đi cùng với Mã Giám Sinh, kẻ đã bỏ ra hơn bốn trăm lạng để mua nàng. Sau chân vào lầu xanh, Kiều nhất quyết giữ trọn danh dự, phẩm hạnh, thế nhưng Kiều lại mắc mưu Tú Bà, nàng đành chua xót thốt lên:

Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.

Thật cay đắng, xót xa cho số phận của người con gái, bởi ngay cả, chút lòng trinh bạch, trong trắng mà cũng phải “xin chừa”, không dám giữ. Cay nghiệt độc địa đến thế còn gì hơn?

Thế rồi Thúy Kiều gặp Thúc Sinh, thoát khỏi chốn lầu xanh ô nhục, nàng lại sa vào nanh vuốt của Hoạn Thư, người đàn bà mà nói điều ràng buộc thì tay cũng già. Trong cơn ngứa ghẻ hờn ghen, Hoạn Thư đày đọa Kiều về tinh thần, chia rẽ Kiều với Thúc Sinh, khiến cho chính Kiều cũng phải bàng hoàng, ngơ ngẩn:

Rõ ràng thật lứa đôi ta
Làm ra con ở chúa nhà đội nơi.  

Rồi thương tình Kiều và cũng để cắt đứt tình nghĩa của Kiều với Thúc Kỳ Tâm, Hoạn Thư đưa Kiều ra Quan Âm để giữ chùa chép kinh, Hoạn Thư – một đại diện cho tầng lớp quyền thế – đã tước đoạt cuộc sống bình thường của Kiều tước đoạt của Kiều cái quyền được yêu thương, giam lỏng Kiều vào cửa Phật:

Đưa nàng đến trước Phật đường
Tao quy ngũ giới cho nàng xuất gia
Áo xanh đổi lấy cà sa
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.

Thế đó, những kẻ có quyền trong xã hội có thể quyết định được cả số phận, tên tuổi và cả cuộc đời của con người ta. Bọn chúng, từ viên quan, bọn sai nha, Tú Bà, Sở Khanh… đều cùng một giuộc, cùng a dua vùi dập kẻ thế cô, xô đẩy cuộc đời của con người đến tận vực thẳm, bởi vì:

Trong tay đã sẵn đồng tiền
Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì.

Đồng tiền dơ bẩn là nguyên nhân gây ra tất cả. Chính đồng tiền ấy là bậc thang quyền lực, làm cán cân của công lí. Sau bao ngày tháng tủi nhục ê chề Kiều gặp được Từ Hải, đời tưởng như đã hết truân chuyển, đã hết nổi trôi, bơ vơ, bởi vì Từ Hải thực sự quý trọng Thúy Kiều, quý trọng cái phẩm giá cao đẹp mà xã hội không tước đoạt được của nàng. Tưởng chừng như:

Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

Là mãi mãi bên nhau. Nào ngờ Hồ Tôn Hiến, một viên tổng đốc trọng thần lại dùng lễ vật xảo trá dụ dỗ khiến cho Kiều xiêu lòng khuyên Từ Hải ra hàng. Từ Hải chết, đời Kiều lại chìm vào tăm tối. Quá đau đớn, tuyệt vọng nàng chọn cách tự tử để trốn khỏi những luỵ tục, trái ngang trên đời. Thế nhưng nào được buông tha, phận nàng không có cái “phúc” được từ giã cõi trần ở đó. Nàng phải sống tiếp để nếm cho hết mọi đau khổ ở đời, để mà tiếp tục để “lệ chảy quanh thân” cho hết kiếp hồng nhan. Cuộc đời Thúy Kiều, Nguyễn Du đã gói gọn trong hai câu:

Hết nạn nọ, đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.

Có lẽ đó không phải là kiếp nạn chỉ của riêng những Thúy Kiều, Đạm Tiên mà còn là những con người không quyền lực, không tiền tài trong xã hội đầy bất công. Cái xã hội thối nát chịu sự điều khiển của một kẻ giấu mặt: Đồng Tiền. Con người, đặc biệt là người phụ nữ sống trong xã hội mà ngay cả quyền tự do, được yêu đương, được sống cũng bị tước đoạt. Những kẻ tước đoạt ấy là những kẻ không có trái tim với dòng máu nóng, mà chỉ có những đồng tiền lạnh lẽo, chúng tra tấn cha, em của Thúy Kiều:

Rường cao rút ngược dây oan
Dẫu rằng đá cũng nát gan lọ người

Đến ngay cả đá cũng phải mủi, còn bọn chúng, lòng trợ hơn đá! Liệu chúng còn được gọi là người? 

Trong cái xã hội rối ren, suy đồi đó, nhân vật Từ Hải nổi lên như một vị cứu tinh cho cuộc đời đau khổ, vậy mà lại phải nhận lấy cái chết, dù cho là cái chết hiên ngang:

Trơ như đá, vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời.

Và ngay cả cửa Phật từ bi cũng không cứu vớt được đời Kiều, không giúp cho Kiều thoát khỏi vòng xoay kiếp nhận, của nhục nhã, đau thương. Tất cả đã vào thơ của Nguyễn Du, đọng lại tất cả nỗi đau nhân tình thế thái, nỗi đau của những cuộc đời. Ngay từ nhỏ, có lần Nguyễn Du đã chứng kiến cảnh người kĩ nữ mua vui cho bọn quan lại trong triều đình khi cô gái đó đang để tang. Vì vậy, Nguyễn Du thương xót cho Thúy Kiều. Nhiều lúc, nỗi thương xót đó bật lên thành lời trực tiếp. Khi Thúy Kiều bị Tú Bà đánh đập, Nguyễn Du đã xót xa:

Xót thay đào lí một cành
Một phen mưa gió tan tành một phen.

Nguyễn Du thương cho người con gái vì cảnh nhà, vì đạo hiếu chấp nhận lấy đau thương riêng một mình. Rồi khi Thúy Kiều sa vào lầu xanh ở Châu Thai, Nguyễn Du đã căm tức, đã không ngại ngần mà thốt lên tiếng chửi căm phẫn đã dồn nén bấy lâu. Nhà thơ đã nguyền rủa cái xã hội bất công đã đẩy Kiều vào chốn ô nhục:

Chém cha cái số đào hoa
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi

Ông lại thương cho Thúy Kiều khi nàng tự tử:

Thương thay cũng một kiếp người
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi.

Thương Thúy Kiều bao nhiêu, Nguyễn Du căm phẫn xã hội bạc ác hại người bấy nhiêu. Ông vừa xuýt xoa thương xót Thúy Kiều, lại vừa oán giận:

Hồng quân với khách hồng quần
Đã xoay đến thế còn vẫn chưa tha.

Truyện Kiều của Nguyễn Du vừa là nỗi đau của cuộc đời, vừa là nỗi thương xót của Nguyễn Du với con người, với phận má đào. Chính điều này làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc, lớn lao của Đoạn Trường tân thanh, khiến cho tiếng thơ Tố Như vượt thời gian đến với chúng ta và muôn đời sau.

Nhà thơ Tố Hữu đã thấu hiểu giá trị nhân đạo sâu xa của Truyện Kiều và tấm lòng của thi hào Nguyễn Du khi viết: Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình và Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều (Bài ca mùa xuân 1961). Cuối cùng, bằng mối cảm thông và kính trọng sâu sắc ấy, mấy năm sau, Tố Hữu lại viết:

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhở Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
                                                            (Kính gửi cụ Nguyễn Du)

Lê Thị Thúy Hà – Trường PTTH Võ Thị Sáu

Đề 60 – Trong bài thơ Bài ca mùa xuân 1961 nhớ đến tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều, nhà thơ Tố Hữu viết: Trải qua một cuộc bể dâu Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình Nổi chìm kiếp sống lênh đênh Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều. Hãy giải thích và dựa vào truyện Kiều để chứng minh ý thơ trên.
2 (40%) 1 vote