I, Phần đầu truyện kể về sự ra đời của Sọ Dừa. Sự ra đời này có nhiều điểm khác thường

– Bà mẹ mang thai Sọ Dừa khác thường: do uống nước mưa đựng trong một cái sọ dừa trên rừng.

– Sọ Dừa sinh ra đã có hình dạng khác thường: “.. không chân, không tay, tròn như một quả dừa”.

– Lớn lên, chàng vẫn “lăn lông lốc trong nhà chẳng làm được việc gì”.

Những điểm khác thường ấy, ngay chính bà mẹ cũng không hiểu nổi. Nhưng dân gian khi sáng tạo truyện này thì rất hiểu. Chủ ý của họ là:

– Cũng như nhiều nhân vật cùng kiểu khác (kiểu nhân vật mang lốt xấu xí) trong truyện cổ tích (như người con gái trong Lấy vợ Cóc, người con trai trong Chàng Bầu của dân tộc Mường) nói chung, Sọ Dừa có những nét khác thường trong sự ra đời. Những nét ấy có ý nghĩa như những điều báo hiệu về sự khác thường, về tài năng và số phận của nhân vật.

Những điều báo hiệu ấy có tác dụng chuẩn bị, mở ra hướng phát triển của câu chuyện và thu hút sự chú ý của người nghe kể.

– Những nhân vật mang lốt xấu xí này tượng trưng cho loại người có số phận hẩm hiu, thấp hèn nhất, đau khổ nhất – tới mức trong “con mắt thông thường của xã hội, họ có vẻ không là con người, thậm chí là kẻ “vô tích sự”.

Điều đó gợi niềm xót xa nơi người nghe.

II, Phần thứ hai là phần quan trọng nhất của truyện

Trong phần này, nhân vật Sọ Dừa sẽ lần lượt bộc lộ tài năng khác thường của mình qua hàng loạt thử thách để tự khẳng định. Cụ thể như sau:

1, Đứng trước những đòi hỏi của cuộc sống, Sọ Dừa luôn tự tin vào mình. Chẳng hạn:

– Nghe mẹ phàn nàn rằng mình “chẳng được tích sự gì”, Sọ Dừa dứt khoát cả quyết: “Gì chứ chăn bò thì con chăn cũng được”.

– Nghe mẹ về thuật lại yêu cầu thách cưới của lão phú ông, Sọ Dừa không ngần ngại hứa chắc với mẹ rằng mình sẽ có đủ tất cả.

2, Không chỉ cả quyết, tự tin, Sọ Dừa còn bộc lộ tài năng trong hành động cụ thể sau đó:

– Nói rằng mình chăn bò được thì quả thực Sọ Dừa đi chăn bò chăm chỉ, đều đặn cả ngày nắng lẫn ngày mưa. Đàn bò vào tay chàng thì “con nào con nấy bụng no căng”.

– Nói rằng mình sẽ sắm đủ đồ cưới, là Sọ Dừa kiếm được ngay, không những đủ mà còn nhiều hơn, lại có cả gia nhân phục vụ lễ cưới.

3. Lao động giỏi, Sọ Dừa học cũng giỏi và thông minh không kém: thi một lần đỗ ngay Trạng nguyên.

4, Có tài biết trước mọi việc sẽ xảy ra và chuẩn bị cách đối phó chính xác, có kết quả: Trước lúc đi xa, chàng biết rõ ác tâm của hai bà chị vợ nên dự liệu mấy thứ phòng sẵn, dặn vợ “phải giắt luôn trong người”… Quả nhiên về sau mọi điều diễn ra đúng như chàng dự đoán. Nhờ thế, chàng cứu được vợ, bảo vệ được hạnh phúc của mình.

5, Như vậy là tuy có vẻ ngoài xấu xí nhưng Sọ Dừa lại là một người có nhiều tài năng và tài năng cũng đạt đến mức xuất chúng, khác thường.

Xây dựng một hình tượng nhân vật có sự trái ngược hẳn nhau giữa hình thức bên ngoài với thực chất bên trong như thế, nhân dân lao động muốn gửi gắm tư tưởng, tình cảm gì?

a) Trước hết, nhân dân muốn khẳng định tuyệt đối giá trị bên trong của con người, coi đó mới là một bản chất của một con người.

Ở đây, truyện Sọ Dừa chứa đựng một quan niệm đúng đắn lành mạnh của nhân dân về giá trị thực của con người. Cái quan niệm ấy đã trở thành một triết lí sống của người lao động bề ngoài lam lũ, vất vả nhưng bên trong có đầy đủ mọi phẩm chất cao quý. Quan niệm ấy, triết lí ấy còn được thể hiện nhất quán trong nhiều câu tục ngữ khác nữa. Ví dụ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.v…. 

b) Từ một cậu bé dị hình xấu xí, bị mọi người căn cứ vào vẻ ngoài mà xem thường, Sọ Dừa trở thành một chàng trai lao động giỏi, thổi sáo rất hay, lại còn thông minh, học giỏi nữa. Đó là nơi nhân dân lao động gửi gắm ước mơ về một sự đổi đời của mình, cho mình, cũng là một cách để nhân dân khôi phục thể thống làm người chân chính của mình đã bị những thiên kiến, những cách nhìn sai lệch của xã hội cũ che lấp, làm cho méo mó. | Và như thế, truyện Sọ Dừa cũng là một hình thức đấu tranh xã hội, một biểu hiện của ý thức dân chủ, bình đẳng hồn nhiên (mà vẫn không kém phần sâu sắc) của dân gian.

c) Xây dựng một mẫu hình nhân vật như thế, truyện Sọ Dừa thể hiện một trong những đặc điểm (cả về nội dung lẫn hình thức) của thể loại truyện cổ tích: không kể về cái bình thường mà chọn kể về những điều khác thường; tuy nhiên điểm khác thường ấy vẫn bắt nguồn từ hiện thực – không phải cái hiện thực đã có và đang có trước mắt mà là cái hiện thực mà nhân dân muốn có, cần có và tin rằng nhất định sẽ đến ngày có. | Chính ở đây ta thấy truyện dân gian thấm đẫm tinh thần lạc quan, yêu đời của nhân dân lao động.

6, Phân tích ý nghĩa của truyện này còn phải xem xét các nhân vật phụ: lão phú ông, cô út cùng hai cô chị.

a) Nhân vật phú ông là tiêu biểu cho tầng lớp thống trị. Bản chất của lão biểu hiện ở những chi tiết sau:

– Khi nghe bà me So Dừa xin cho con trai đến ở chăn bò, lão nghi ngờ năng lực của chàng. Động cơ của việc lão chấp nhận lời xin của bà mẹ là một động cơ về sự lợi lộc kinh tế: “Nuôi nó thì được cái ít tốn cơm, công sá chẳng là bao, hơn nuôi đứa khác nhiều”. Đó là sự tính toán của kẻ chỉ quan tâm đến sự thiệt hơn của bản thân chứ không quan tâm đến giá trị của con người.

– Khi nghe bà mẹ Sọ Dừa đến xin hỏi cưới con gái lão về làm vợ con trai mình, phú ông tỏ ý khinh thường ra mặt (cười mỉa, thách cưới thật cao vì chắc mẩm Sọ Dừa không kiếm nổi).

– Nhưng khi Sọ Dừa sai người đem đủ lễ vật sang thì lão “hoa cả mắt”. Đó là sự hoa mắt của kẻ hám của chứ không phải sự hoa mắt của người chuộng tài. Cuối cùng hắn nhận gả con gái cho Sọ Dừa chẳng phải vì yêu quý gì chàng mà chẳng qua vì đã ở vào cái thế không còn từ chối được (cô út lại bằng lòng lấy Sọ Dừa).

b) Hai cô chị là hai hình tượng nhân vật được xây dựng nhằm bổ sung cho hình tượng nhân vật phú ông; bổ sung cho hoàn chỉnh bức chân dung về giai cấp thống trị:

– Khi được bố hỏi ý kiến về lời cầu hôn của So Dừa, hai cô chị tỏ ngay thái độ khinh miệt (bĩu môi, chê bai). Đó là thái độ khinh thường người lao động của giai cấp thống trị, là cái nhìn nông cạn, mù quáng của những kẻ quen đánh giá người khác chỉ căn cứ vào vẻ bề ngoài.

– Trong đám cưới Sọ Dừa, trước việc chàng cởi lốt xấu xí, hiện | nguyên hình một “chàng trai khôi ngô tuấn tú” thì hai cô chị lại “vừa tiếc, vừa ghen tức” (hãy so sánh với thái độ trái ngược của mọi người: trước hạnh phúc của Sọ Dừa – nàng út, họ “đều sửng sốt, mừng rỡ”).

Đó là thái độ “ghen ăn, ghét ở” của những kẻ tâm địa hẹp hòi, ích kỉ, không chút tình cảm ngay cả người thân ruột thịt. Điều này nhất quán với bản chất vốn có của hai cô (ngay từ lúc Sọ Dừa chưa cầu hôn, mới chỉ là đứa ở chăn bò thì hai cô này đã vì “ác nghiệt, kiêu kì” mà thường xuyên “hắt hủi” chàng).

– Độc ác, vô lương tâm hơn nữa, hai cô chị sẵn sàng ám hại em gái và khi thời cơ đến thì lập tức hành động.

– Đến lúc Trạng nguyên đi sứ trở về, hai cô chị lại “tranh nhau” kể về cái chết của em gái, khóc lóc “nức nở ra chiều thương tiếc lắm”. Đó là thái độ giả dối, trơ trẽn của kẻ lòng dạ xấu xa. .

Tóm lại hai cô chị là tiêu biểu cho hạng người xấu xa, ác độc, tham | lam và sống bằng định kiến.

c) Nhân vật cô út là nhân vật phụ rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Dân gian xây dựng nhân vật này nhằm những mục đích sâu xa:

– Để đối lập với các nhân vật phú ông và hai cô chị. Trái với lão phú ông và hai cô chị, cô út vốn “hiền lành, tính hay thương người” nên ngay từ lúc Sọ Dừa còn mang lốt xấu xí và làm một kẻ đi chăn bò thì cô đã đối xử tử tế với chàng.

Sự đối lập này vừa có tác dụng làm nổi bật tính cách xấu xa của lão phú ông (đặc biệt là hai cô chị), vừa có tác dụng chuẩn bị cho đoạn kết

kết thúc tốt đẹp đến với hai nhân vật (chính – Sọ Dừa, và phụ – cô út).

– Cô út nhận lời cầu hôn của Sọ Dừa. Đó là phần thưởng mà dân gian muốn dành cho những người lao động tài giỏi. Như vậy, cô út là nhân vật giúp truyện cổ tích biểu hiện lí tưởng xã hội, mơ ước về sự đổi đời cần có, nên có cho những người lao động bên ngoài có vẻ tầm thường nhưng thực chất đầy tài năng.

– Ngược lại cô út được hưởng hạnh phúc cùng Sọ Dừa cũng là cách để dân gian tặng thưởng cho những người nhân hậu, giàu lòng thương yêu người khác – nhất là thương yêu những người có cảnh ngộ hẩm hiu, phải sống trong nghèo khổ. Sọ Dừa học giỏi, thi đỗ Trạng nguyên đương nhiên là do chàng có thực tài, nhưng việc cô út chấp thuận làm vợ chàng lại là điều kiện quan trọng tạo nên hoàn cảnh cho chàng phát lộ trí tuệ của mình (cũng như lời cầu hôn của Sọ Dừa là hoàn cảnh thử thách những thành viên gia đình phú ông, nhất là với ba chị em nàng út).

7, Từ cách kết thúc truyện (cô út từ đảo hoang trở về sống hạnh phúc với Sọ Dừa, hai cô chị độc ác phải “bỏ đi biệt xứ”) rất có hậu, chúng ta thấy toát lên những bài học sâu sắc và cảm động:

a) Truyện đề cao những giá trị chân chính của con người. Nó đưa ra một bài học về cách đánh giá, nhìn nhận đúng đắn đối với con người: giá trị đích thực của người ta không phải ở bề ngoài xấu hay đẹp, lam lũ, bần hàn hay bóng bẩy, chải chuốt mà là ở bên trong, là tâm hồn, tài năng đóng góp cho đời.

b) Truyện đề cao triết lí: “Thương người như thể thương thân”, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

c) Toát lên từ toàn bộ các tình tiết, sự kiện trong truyện là chủ nghĩa lạc quan, là lòng tin bất diệt vào chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, của tài năng đối với thói đố kị hèn hạ.

8, Truyện hấp dẫn người nghe, đặc biệt là trẻ em, không chỉ bởi những bài học triết lí thâm trầm, những đạo lí truyền thống của dân tộc thấm vào từng chi tiết của cốt truyện. Tác phẩm còn chiếm được cảm tình của công chúng bởi chất thơ bàng bạc trong toàn bộ mọi diễn biến số phận của một cậu bé nghèo khổ, nhưng thông minh, chăm chỉ và nhờ đó đã được hạnh phúc bên một cô gái nhân hậu, nết na, giàu lòng nhân ái.

Để 6: Suy nghĩ về truyện Sọ Dừa
Đánh giá bài viết