Đề 6: Phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội (trích Ra-ma-ya-na)

BÀI LÀM

Ra-ma buộc tội là một đoạn trích hay trong cuốn sử thi Ra-ma-ya-na, sử thi Ấn Độ. Nhưng nó hay ở chỗ nào là vấn đề không đơn giản. Có người nhấn mạnh vào tính đại diện của nhân vật, nhất là nhân vật Ra-ma. Nhưng tính cộng đồng có ý nghĩa xã hội rất đặc trưng trong việc xây dựng nhân vật chỉ là bài học rút ra như những biểu trưng nghệ thuật chứ bản thân nó không nằm trong ý đồ nghệ thuật. Nó là dấu vết của thời đại để lại ở nhân vật hơn là tài năng dàn dựng của nhà văn (mà phân tích văn chương chính là hướng đến tài năng ấy). Cũng có khuynh hướng phân tích nhân vật theo mô hình lí tưởng hóa, nâng Ra-ma và cả Xi-ta lên đến mức mẫu mực. Khuynh hướng này có lẽ chưa thực sự khách quan bởi lẽ trong thực tế văn bản có sự đan xen giữa hai quá trình vừa lí tưởng hóa vừa hiện thực hóa, nghĩa là khi xây dựng nhân vật, tác phẩm vừa có sự kết tinh, nâng cấp nhân vật lên tới mức phi thường, nhưng một mặt khác, nhà văn kéo nhân vật gần lại phía cuộc đời với những gì gần gũi bình thường của nó. Vậy phải trên tinh thần khắc phục hại nhược điểm nói trên, khi phân tích nhân vật trong văn bản, phải đi vào đời sống nội tâm, mâu thuẫn nội tâm để từ đó mà phát hiện ra tính cách, những tính cách một đi không trở lại của nhân vật sử thi.

Nhân vật Ra-ma.

Văn bản trong sách giáo khoa nói về một cuộc xử án mà Ra-ma là một thứ quan tòa buộc tội. Thế nhưng có điều lạ lùng là ngoài nội dung buộc tội Xi-ta còn có một nội dung khác mà về hình thức lại rất ít liên quan. Thực chất nó lại thuộc về chủ thể phát ngôn, về người buộc tội (Ra-ma). Tính chất “lạc đề” ấy lại nằm trong một đoạn văn có dung lượng còn lớn hơn đoạn văn giữ vai trò là mục đích nói. Hiểu được điều này, ta mới thật sự khám phá được tâm trạng Ra-ma, tính cách Ra-ma.

Đoạn văn từ đầu đến trước lúc buộc tội Xi-ta (kết thúc ở câu): “Ta làm điều đó chính là để chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường” nhằm thuyết minh cho chủ thế (Ra-ma). Theo chúng tôi, nó nhằm vào hai mục đích. Thứ nhất, khôi phục và khẳng định tính nhất quán của một bậc đế vương. Nếu Ra-ma tiêu diệt kẻ thù Ra-va-na là vì danh dự một gia đình quyền quý, một dòng họ quyền quý thì cũng vì cái danh dự kiêu hãnh này, chàng không thể chấp nhận một người vợ “từng sống trong nhà kẻ khác”. Trong một đoạn ngắn chỉ có hai câu khi luận tội Xi-ta, có đến hai lần Ra-ma nhắc lại câu có cụm từ “gia đình cao quý”. Câu thứ nhất: “Người đã sinh trưởng trong một gia đình cao quý có thể nào lại lấy về một người vợ từng sống trong nhà kẻ khác…” và câu thứ hai: “Vậy làm sao ta có thể nhận nàng về khi nghĩ tới gia đình cao quý đã sinh ra ta?”. Thì ra hai sự tổn thương đối với Ra-ma không tách rời nhau. Bởi chúng đều xuất phát từ cái gốc là danh dự của một con người cao quý, một nội dung cao quý. Chỉ có điều khác là tiêu diệt Ra-va-na là trừng trị đích đáng kể thù, còn bây giờ, trong suy nghĩ của Ra-ma, Xi-ta là hiện thân của những gì tội lỗi. Để đảm bảo sự trong sạch của thanh danh, Ra-ma không thể chấp nhận Xi-ta. Chàng không thể nào làm khác.

Ngay sau khi nói về chiến công lừng lẫy của mình, dấu vết của một con người cá nhân đã rõ. Ở đó có cảm hứng anh hùng ca trận mạc, có cả khúc bị ca trong tâm trạng con người. Về cảm hứng thứ nhất có hai cách biểu hiện. Khi thì bằng giọng điệu dõng dạc như một thứ tuyên ngôn: “Kẻ nào bị quân thù lăng nhục mà không đem tài nghệ của mình ra trả thù là kẻ tầm thường”, lúc lại tuyệt vời sảng khoái với chữ “Ta” kiêu hãnh: “Ta đã làm…”, “Ta đã trả thù…”, “cơn giận của ta đã hả”, “Ta đã làm tròn lời hứa”,… Cách diễn đạt chiến thắng cũng hào hoa sinh động biết bao! Đó là lối nói không trực tiếp, không đặc tả mà có gì ngây ngất một thứ men say: “Ngày hôm nay, việc chàng Ha-nu-man hảo hán vượt biển cả đã kết thúc thành công…”. Ngày hôm nay, tài nghệ và những lời khuyên sáng suốt của Vi-phi-sa-na đã hoàn toàn chứng tỏ…”. Cách nói đầy hào hứng và “lạc đề” của Ra-ma không khỏi làm cho Xi-ta kinh ngạc. Chàng nói thế là có ý gì? Tại sao trong ngày hội ngộ, Ra-ma lại đi nói những chuyện đâu đâu. Nàng chỉ còn biết “Mở tròn đôi mắt đẫm lệ” của mình ra, không hiểu. Còn cảm hứng thứ hai (tâm trạng của một người chồng) tuy thấp thoáng nhưng không phải là không chua xót. Tuy ngoài miệng thì tuyên bố: “Giờ đây không còn gì vướng mắc với chính mình”, nhưng chính cái điều chưa thể nói ra mới trở nên uẩn ức. Có một thứ bóng đen đè xuống cứ chạm đến là đau. Ở đây có hai chi tiết mà nếu đọc qua ít người để ý. Thứ nhất, khi nói đến tội danh của kẻ thù (Ra-va-na) là bắt cóc Xi-ta, vợ Ra-ma, giọng chàng như nghẹn lại: “Nàng bị gã Ra-va-na tâm địa xảo trá bắt bớ khi vắng mặt ta”. Tuy cố tự xoa dịu cái vết thương lòng nhưng không phải vì thế mà không tránh được dư âm của nó (“ta đã gỡ cho nàng khỏi điều vu khống). Thứ hai, đó là cái nhìn đau đớn của chàng lúc nhìn vào Xi-ta. Đôi mắt ấy tuy không nói gì, nhưng người dẫn chuyện khách quan vẫn nhận ra một nỗi niềm, tâm tư của chàng: “Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như rao cắt”. Thì ra Ra-ma không thể tách rời đối với Xi-ta. Nàng đã là một phần thân thể của chàng, làm sao có thể cắt chia? Đụng chạm vào nàng lúc này, toàn thân Ra-ma rung chuyển.

Việc luận tội Xi-ta đối với Ra-ma một mặt rất khó thực hiện nhưng một mặt không thể không làm. Một phương diện đó là tình còn phương diện kia là lí. Cả tình và lí cần một lần làm cho sáng tỏ. Vì danh dự, Ra-ma sẵn sàng chịu một nỗi đau như người tự lên bàn mổ để vứt bỏ khối u. Trong lời buộc tội của chàng, ta nhận ra những đặc điểm: yếu tố chủ quan đã lấn át yếu tố khách quan, lời buộc tội vô tình lại là lời gỡ tội. Ở đây, con người phi thường đã trở thành con người bình thường.

Trước hết, người ngồi vào ghế chánh án thường phải nêu lên được nhân chứng vật chứng của tội phạm để xác định tội danh. Nhưng nhân chứng, vật chứng trong trường hợp này rất mơ hồ. Cái lí của Ra-ma chỉ đơn giản là từ tình huống: “người vợ từng sống trong nhà kẻ khác” mà suy diễn ra rằng: “Thấy nàng yêu kiều xinh đẹp, lại có được hàng trong nhà hắn, Ra-va-na đâu có chịu đựng được lâu”. Từ hiện tượng mà đi đến bản chất, lí lẽ của Ra-ma là hết sức chủ quan. Nhưng ở vị thế của người xử án, tính áp đặt của nó rất nặng nề mà kẻ tội phạm rất khó biện minh.

Tuy ý định buộc tội là như thế, nhưng hiệu quả khách quan lại không phải là cao. Bởi chính người buộc tội lại giống như luật sư bào chữa. Khía cạnh gỡ tội trong phát ngôn của Ra-ma, là không thấy động cơ phạm tội như tự nguyện sa rgã vì thèm khát được yêu chẳng hạn mà ở đây chỉ vì nhan sắc kiều diễm của nàng. Mà nhan sắc trời cho con người lại là vô tội! Nó chỉ có vai trò tác nhân. Trong nhiều trường hợp, người phụ nữ lại trở thành nạn nhân của nó.

Xu hướng hiện thực hóa trong bút pháp khắc họa chân dung nhân vật Ra-ma thể hiện một phần ở hai khía cạnh vừa nói ở trên. Nhưng rõ nhất là ở tư cách phát ngôn của người buộc tội. Từ vị trí cao quý của dòng họ, gia đình và bản thân, vô tình Ra-ma chỉ còn là một người bình thường, thậm chí còn nhỏ nhen, vị kỉ. Đúng như nhận xét của Xi-ta, ngôn ngữ của Ra-ma “giống như kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn”. Tính chất bình thường của nhân vật Ra-ma thể hiện bằng những cảm giác đời thường. “Giờ đây, nàng đang đứng trước mặt ta, nhưng trông thấy nàng, ta không chịu nổi, chẳng khác nào ánh sáng đối với người bị đau mắt”. Bằng cách nói thô thiển hết sức trần gian: “mụ ta là một vật để yêu đương”. Thậm chí còn bằng bản năng thấp kém khi Ra-ma tức tối nghĩ đến “đôi mắt tội lỗi của hắn đã hau háu nhìn khắp người nàng”, hoặc khi tưởng tượng ra cảnh “Nàng đã bị quấy nhiễu khi ở trong vạt áo của Ra-va-na”. Một bậc quân vương trước bách tính, quần thần lại có thể buông ra những lời tùy tiện như một kẻ chán đời phó mặc Xi-ta cho bất kì một ai (ngoài bản thân mình) như một đồ phế thải. Không những cẩu thả mà còn cay đắng mỉa mai đầy ác ý: “Hỡi phu nhân cao quý! Ta nói rõ cho nàng hay, chẳng phút quanh co, ngập ngừng: nàng có thể để tâm đến Lắc-ma-na, Xa-tru-na, Xu-gri-na, hay nếu nàng thích, nàng có thể đi theo Vi-phi-sa-na cũng được…”.

Trước ý định tuẫn tiết quyết liệt của Xi-ta, thái độ của Ra-ma vẫn không gì lay chuyển nổi. Chứng cớ là em trai của Ra-ma, bạn đồng hành của Ra-ma trong cuộc lưu đày tuy phản đối hành động của Ra-ma, nhưng “qua nét mặt và cử chỉ của người anh”, buộc chàng phải “nén giận” làm theo mệnh lệnh (một thứ văn bản không lời nhưng vô cùng nghiêm khắc là chuẩn bị một giàn hỏa thiêu cho người chị dâu mà chính chàng hết lòng kính yêu, cảm mến). Không chỉ có Lắc-ma-na, mà tất cả mọi người có mặt lúc này đều thế, cả đám bạn hữu của chàng, bởi theo lời người dẫn truyện thì khuôn mặt Ra-ma “khủng khiếp như Thần Chết vậy” Từ cái khối bát động là Ra-ma, ta nhận ra cả những động cơ tinh thần cao quý (tinh thần tự trọng, ý thức danh dự), cả những gì đối lập với nó, giống như sự tàn nhẫn. Ra-ma vẫn ngồi “mắt dán xuống đất”, phải chăng là cái phút kinh hoàng hay ân hận ăn năn? Cái khối tổng hòa của hai yếu tố phi thường và bình thường đã làm cho nhân vật trở nên đa nghĩa.

Nhân vật Xi-ta..

Xi-ta là một người phụ nữ được lí tưởng hóa: thông minh, chung thủy, giàu lòng tự trọng, tự tin và vô cùng can đảm.

Phẩm chất thông minh ở nàng thể hiện trước hết ở sự linh cảm. Nóng lòng đến gặp chồng sau khi được chồng cứu thoát khỏi bàn tay nhơ bẩn của quỷ vương Ra-va-na, nhưng “Gia-na-ki mở tròn đôi mắt đẫm lệ” nhìn Ra-ma không chỉ là vì thất vọng (cái mà Xi-ta chờ ở chồng là sự âu yếm của cuộc đoàn viên). Sự mẫn cảm ở Xi-ta dường như mách bảo điều gì ghê gớm, rất hệ trọng với nàng sắp sửa diễn ra. Một cơn bão chỉ giây phút nữa thôi sẽ bất ngờ đổ ập xuống mà dấu hiệu của nó lúc này là sự im lặng rất đáng nghi ngờ. Tai Xi-ta nghe Ra-ma nói mà trí tuệ nàng đã đọc ra những ý nghĩa ở ngoài lời. Bao nhiêu dấu hiệu không lành giúp cho Xi-ta nhận biết. Nào là chính chàng đã cứu thoát cho nàng. Điều này đã quá rõ ràng nên thật là khó hiểu. Bởi thật ra cứu vợ tai qua nạn khỏi là nghĩa vụ muôn đời của mọi người đàn ông chân chính, chưa nói là người quyền quý như Ra-ma. Vậy mục đích của nó là gì? Nào là tại sao gặp nàng, đối thoại với nàng. Ra-ma chỉ nhắc đến những nhân vật không quan trọng (so với bản thân nàng) là Hu-nu-man và Vi-phi-sa-na? Cũng là còn chưa nói đến sự lảng tránh của chính Ra-ma trong đôi mắt có phần thảng thốt của chàng lúc nhìn Xi-ta (mà người dẫn truyện nhận thấy và miêu tả. “lòng Ra-ma đau như dao cắt”), hoặc cách xưng hô bằng cách các đại từ nhân xưng trang trọng là “phu nhân cao quý” nữa,….

Chỉ người vợ yêu chồng mới cảm nhận được nỗi đau khi tình yêu của mình bị chính người chồng làm thương tổn. “Đôi mắt đẫm lệ” của Xi-ta nhìn chồng là đôi mắt bị thương. Bởi lẽ với Xi-ta, điều cao quý và thiêng liêng nhất là tình yêu với chồng. Ngay cả vẻ đẹp thể chất của nàng mà trời phú cho cũng là vì tình yêu ấy. Và bây giờ vẻ đẹp ấy đang sáng lên, đang chờ đợi như một lần trước đây chờ đợi. Chỉ có điều lúc này nó trở nên lạc lõng biết bao. Nó đã là một nghịch cảnh thật trớ trêu khi tình yêu ở chàng đã hết. Ban đầu nó mới chỉ là cảm giác thoáng qua, nhưng sau khi nghe hết lời luận tội của Ra-ma, Xi-ta “đau đớn đến nghẹt thở, như một cái dây leo bị vòi voi quật nát”. Tác giả đã sử dụng phép so sánh để đặc tả nỗi đau của Xi-ta. Rồi cả một trường đoạn tiếp theo như những con sóng ào ạt miêu tả cảnh xô đẩy dập vùi. Mỗi lời nói của Ra-ma nhằm vào Xi-ta như những mũi tên đâm trúng vào tim nàng. Nàng bị săn đuổi đến cùng: “nghe những lời tố cáo chưa từng có, trước mặt đông đủ mọi người, Gia-na-ki xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình…” Rồi sau đó, lời biện minh của Xi-ta một phần dựa vào lí lẽ, nhưng đến hai phần lại dựa vào tình yêu, cái lí lẽ ấy thuộc về hoàn cảnh khách quan, bị động (Ra-va-na bắt cóc khi Xi-ta sợ chết khiếp mà ngất đi). Còn tình yêu của nàng thì chưa bao giờ thay đổi. Đó mới là vũ khí, là sức mạnh của nàng để quý vương không sao chiếm đoạt nổi: “chỉ có số mệnh của thiếp là đáng bị chê trách, nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, tức trái tim thiếp đây là thuộc về chàng”. Thật đáng kiêu hãnh, tự hào khi người phụ nữ có trái tim son sắt ấy!

Trong mối tương quan, Xi-ta ở vào một cái thế không ngang bằng với Ra-ma.

Nàng đang bị phán xét và trước mắt Ra-ma, nàng là người mắc trong tội (tội không chung thủy), nhưng chưa một lúc nào Xi-ta cảm thấy mình đuối sức để cần đến một sự cầu xin. Có hai niềm tin mà Xi-ta dựa vào. Một là nguồn gốc xuất thân cao quý của nàng cũng y hệt như Ra-ma. Hai là, nàng tin vào trái tim của mình như tin vào hi vọng. Lòng tin ấy dõng dạc cất lên: “Hỡi Đức vua! Như một người thấp hèn bị cơn giận giày vò, Người đang nghĩ về thiếp như một phụ nữ tầm thường. Tên thiếp là Gia-na-ki, bởi vì thiếp có liên quan đến lễ tế sinh của nhà vua Gia-na-ka… Vì không thể suy xét cho đúng đắn, chàng đã không hiểu được bản chất của thiếp… Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích!”. Nói đến điều này, Xi-ta òa khóc như một người chịu oan ức. Nàng mới là kẻ đáng thương chứ không phải Ra-ma là kẻ đáng thương.

Hành xử cuối cùng của Xi-ta là bước vào giàn lửa.

Trong tín ngưỡng của đạo Bà La Môn thì Thần Lửa A-nhi giữ vai trò phán xét tối cao. Lấy cái chết để giải oan là một mô-típ nghệ thuật trong văn học bác học và văn học dân gian nhiều nước, nhất là các nước phương Đông. Nhưng có điều trong lời khấn thần linh, nhận ra hai giải pháp sóng đôi: nếu trong sạch thì thế này còn nếu không thì thế khác, Biết rất rõ tấm lòng mình là một dạ kiên trinh, Xi-ta cần đến Thần Lửa A-nhi như một sự bao dung, che chở chứ không phải là sự phán xét đúng, sai. Tâm thế của Xi-ta vì thế mà bình tĩnh đến lạ lùng. Trong lúc ấy, mọi người lại đinh ninh là nàng sẽ chết, vì oan ức mà chết. Chính sự so le của hai thế giới quan (một thần thoại và một hiện thực) đã làm cho hành vi tử vì đạo của Xi-ta đột ngột thăng hoa trong sự cao cả tuyệt vời. Một chấn động tinh thần ghê gớm của những người chứng kiến đã xảy ra không gì kiềm giữ nổi cũng là một lẽ đương nhiên khi tiễn biệt một tâm hồn cao cả về thần kinh vĩnh viễn. Nhưng Thần Lửa A-nhi đã giải thoát cho nàng. Kết thúc đẩy chất lãng mạn này là sự gửi gắm một niềm tin, niềm hi vọng của con người.

Đề 6: Phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội (trích Ra-ma-ya-na)
Đánh giá bài viết