BÀI LÀM

Sống ở đời thử mấy ai lại không thích thành tích – hai chữ có thể đánh giá được nỗ lực của cá nhân nào đấy nói riêng và cả tập thể nói chung. Đó không chỉ là lợi ích  về mặt vật chất hay tinh thần mà còn là động lực để ta nỗ lực không ngừng. Thế nhưng, thiết nghĩ rằng nếu thành tích đi vào tiềm thức của xã hội cùng hai chữ chủ nghĩa nữa, thì đó là một hiểm hoạ cần tiêu diệt từ gốc đến ngọn: chủ nghĩa thành tích – một căn bệnh khôn lường.

Thành tích, theo đúng nghĩa là cái mà người ta đạt được cao hơn ở mức bình thường. Ở mỗi cuộc thi, thường thì nó được chỉ những cá nhân hay một tập thể nào đó được giải; trong công việc hoặc học tập là những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt thứ hạng cao trong cơ quan, được đơn vị khen thưởng, đồng đội nể phục.

Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích cao của một cá nhân hay tập thể là phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng xã hội mà trong đó mọi thành viên đều cố gắng hết mình trên các lĩnh vực hoạt động: thể thao, văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ… vì lợi ích cho mình và cho cả cộng đồng, xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế đó chắc chắn phát triển; dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh. Vậy thì tự bao giờ những nỗ lực đó lại trở thành một bệnh mà ngày nay chúng ta gọi là bệnh thành tích? Suy cho cùng, sự khác nhau căn bản giữa bệnh thành tích và thành tích chỉ là sự khác nhau giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là sự có mặt hay không của lòng trung thực mà thôi!

Cách đây dăm ba năm, nhiều địa phương thi nhau báo cáo tăng sản lượng lương thực; chỉ trong chưa đầy mười năm đổi mới, nông dân ta đưa sản lượng lương thực tăng gấp đôi, nói một cách hình tượng, đã tạo hai vùng châu thổ lớn nhất nước mà ông cha ta phải mất hàng nghìn năm mới tạo ra được? Nếu khoa học – công nghệ là động lực của tăng trưởng thì giáo dục là chìa khóa của khoa học công nghệ. Thi tốt nghiệp sáu môn mà tỉ lệ đạt tới chín mươi phần trăm, nhưng khi thi vào đại học với ba môn thì tỉ lệ đạt điểm trung bình lại chỉ đạt năm mươi phần trăm… Còn bao nhiêu ví dụ khác nữa về căn bệnh “đáng sợ” đó? Nguy hiểm làm sao nó đã lan nhanh và rộng với một tốc độ chóng mặt trên mọi mặt của đời sống xung quanh ta. Vậy lí do vì đâu?

Thực ra thành tích không có tội. Tội là của sự ham danh, sự đại khái, không dám chịu trách nhiệm dẫn đến giả dối trong báo cáo của cấp dưới với cấp trên và sự quan liêu, thậm chí là thiếu khách quan, nhân nhượng trong việc đánh giá của cấp trên với cấp dưới.

Thực tế cho thấy không ít cơ quan, đơn vị mặc dù kết quả hoạt động không được bao nhiêu. Song vì có “cách làm báo cáo tốt” nên được khen – con dao hai lưỡi nếu khen đúng sẽ tác dụng kích thích mọi người phấn đấu vươn lên, nhưng nếu khen không đúng sẽ cho “tác dụng ngược”. Sự quan liêu, thiếu khách quan trong việc đánh giá sẽ vô tình “khuyến khích” và “nhân rộng” tính nói dối. Mặt khác cũng sẽ làm thui chột động cơ phấn đấu của những người khác – những người quan niệm chỉ cần hoạt động bình bình cũng sẽ được khen thưởng.

Một nguyên nhân nữa còn là sự chủ quan trong việc đưa ra các chi tiêu phấn đấu của các cấp ngành – những mục tiêu cần phải dựa vào thực lực, có cơ sở khoa học, phù hợp điều kiện từng nơi chứ không phải bằng mong muốn chủ quan, không đủ yếu tố mà đưa ra những chi tiêu vô lí sẽ tạo ra áp lực dẫn đến nói dối ở dưới, đại khái chấp nhận ở trên và vô tình tiếp tay, tạo nên “nói dối có hệ thống”. 

Tệ hại hơn là dựa vào những báo cáo thiếu chính xác đó lại tiếp tục hoạch định và đưa ra những chỉ tiêu không thực tế khác khiến cả hệ thống cứ trượt dài trong thành tích ảo. Bệnh thành tích; đó chỉ là biểu hiện của sự mong muốn, nhưng nói dối, báo cáo sai thì đã thể hiện trong hành vi, vì vậy cần phải kiên quyết ngăn chặn, phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc; phải như thế mới có được những kết quả, tuy buồn nhưng thực.

Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới; hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh này. Và một điều chắc chắn rằng trên tiến trình đó bệnh thành tích phải được xoá bỏ. Đó không phải là một việc quá khó cũng chẳng phải dễ dàng.

ĐỀ 58: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh thành tích” – một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay.
Đánh giá bài viết