HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Phân tích nhân vật người cô trong cuộc đối thoại với chú bé Hồng:

Mở đầu đoạn trích, người đọc có thể nhận ra ngay cảnh ngộ của chú bé Hồng: Bố vừa chết, chưa đoạn tang (“Tôi đã bỏ cái khăn tang bằng vải màn ở trên đầu đi rồi. Không phải đoạn tang thấy tôi mà vì tôi mới mua được cái mũ trắng và quấn băng đen”), mẹ phải đi làm ăn xa và cũng chẳng khá giả gì và đã lâu rồi chú bé không được gặp mẹ.

Bà cô xuất hiện với cử chỉ âu yếm lời nói nhẹ nhàng, tỏ ra quan tâm đến tình cảm của đứa cháu lâu ngày không gặp mẹ (cử chỉ có vẻ thân mật: cười hỏi, giọng ngọt, hai con mắt long lanh nhìn chằm chặp, cô oai nhưng lời lẽ thì soi mói, mát mẻ: Sao lại không nào? Mợ mày phát tài lắm… Vào mà bắt mơ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ). Vốn nhạy cảm, nặng tình thương yêu và lòng kính mến mẹ, chú bé Hồng đã nhận ngay ra đằng sau những lời nói ngọt ngào, cử chỉ thân thiện ấy là một tâm địa đen tối (ý nghĩa cay độc trong giọng nói là trên nét mặt khi cười rất kịch; nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi; hai tiếng em bé mà cô tôi ngân dài ra thật ngọt, thật rõ… đã xoắn chặt lấy tâm can tôi như ý cô tôi muốn, tôi cười dài trong tiếng khóc còn cô tôi vẫn tươi cười kể các chuyện (về cuộc sống túng quẫn của người mẹ) cho tôi nghe). Đối lập với trạng thái tâm hồn đau đớn, xót xa như bị cào gai, xát muối của đứa cháu là sự vô cảm sắc lạnh đến ghê rợn của người cô. Tình cảnh túng quẫn, hình vẻ gầy guộc, rách rưới của người mẹ chú bé được bà cô miêu tả một cách tỉ mỉ với vẻ thích thú rõ rệt…

Cử chỉ vỗ vai, nhìn vào mặt đứa cháu rồi đổi giọng làm ra nghiêm nghị của bà cô sau đó thực sự là sự thay đổi đấu pháp tấn công. Dường như đã đánh đến miếng đòn cuối cùng, khi thấy đứa cháu tức tưởi, phẫn uất đến đỉnh điểm, bà cô mới ha giong tỏ sự ngậm ngùi thương xót người đã mất. Đến đây, sự giả dối, thâm hiểm, trơ trẽn của bà cô đã phơi bày toàn bộ. Bà ta đã chủ động lôi kéo chú bé vào câu chuyện đã chuẩn bị sẵn với ý đồ ác độc: châm chọc chú bé, xúc phạm người mẹ tội nghiệp, đáng thương của chú bé, người mà chú vô cùng yêu thương và trân trọng.

Hình ảnh bà cô được miêu tả với bản chất của một người lạnh lùng, độc ác, thâm hiểm. Bà ta chẳng yêu thương gì cháu ruột mình, đem cháu ra hành hạ bằng cách chọc vào vết thương lòng của chú vào tình yêu thương và nỗi khát khao được gặp mẹ của chú. Đó là một hình ảnh mang ý nghĩa tố cáo hạng người sống tàn nhẫn, bất chấp cả tình máu mủ ruột rà.

2. Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh:

Cậu bé Hồng là một người nhạy cảm trước những mưu mô thâm độc của bà cô và có tình yêu mãnh liệt đối với người mẹ đáng thương. Lúc đầu nhận ra thái độ cay độc và giả dối của cô, chú bé chỉ im lặng cúi đầu và hồi tưởng lại hình ảnh người mẹ buồn rầu và hiền từ của mình. Sau chú đã đối đáp rất nhanh bằng câu nói “Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mẹ cháu cũng về” để chấm dứt trò chơi của bà ta. Tuy nhiên bà ta vẫn không tha, vẫn tiếp tục hành hạ bằng cách kể lại rất thản nhiên, hỉ hả sự túng quẫn của người mẹ. Chú bé đau đớn, uất ức đến cực điểm khi nghe bà cô cứ tươi cười kể về tình cảnh tội nghiệp của mẹ mình “nước mắt tôi ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ”. Nguyên Hồng đã bộc lộ lòng căm tức tột cùng ở những giây phút này bằng các chi tiết đầy ấn tượng. Lời văn lúc này dồn dập với các hình ảnh, các động từ mạnh mẽ: “Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết về ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”.

Chú bé Hồng đã có cảm giác sung sướng cực điểm khi được ở trong lòng mẹ: cử chỉ vội vã, bối rối, lập bập chạy theo chiếc xe của mẹ; lời gọi mẹ thiết tha “Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!…”; cảm giác ríu cả chân khi trèo – lên xe; sự “oà lên khóc rồi cứ thế nức nở” lúc được ngồi lên xe cùng mẹ. Giọt nước mắt lần này khác hẳn với lần trước (khi trả lời bà cô): dỗi hờn mà hạnh phúc, tức tưởi mà mãn nguyện. Chú bé Hồng nằm trong lòng mẹ với cảm giác vui sướng, “phút giây rạo rực”, “ấm áp”, “êm dịu Uô cùng”, không mảy may nghĩ ngợi gì. Chú hãnh diện khi cảm thấy gương mặt mẹ vẫn tươi sáng, đôi mắt trong, làn da mịn, gò má hồng, miệng xinh đẹp, hơi thở ấm áp… Những lời cay độc của bà cô, những tủi cực vừa qua bị chìm đi giữa dòng cảm xúc hạnh phúc, tươi sáng khi được ở trong tình yêu thương của mẹ. Đoạn văn cuối bài tả lại cảm giác trong lòng mẹ của chú bé Hông là một đoạn văn hay, một bài ca chân thành, cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Giaibai5s.com

Đề 5: Phân tích đoạn trích “Trong lòng mẹ” (Nguyên Hồng) – Văn mẫu lớp 8
5 (100%) 1 vote