BÀI LÀM

“Thời gian trôi qua và bốn mùa luôn luân chuyển, con người xuất hiện một lần trong đời và chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Những gì là thơ, là văn là nghệ thuật đích thực thì vẫn sống mãi với thời gian”. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm nghệ thuật như thế. Nó xứng đáng là một kiệt tác trong nền văn học nước nhà, một bài ca lớn về giá trị nhân đạo, một bản cáo trạng nghiêm khắc về cái ác, một tập đại 

thành của nghệ thuật văn chương. Một trong những thành công lớn về mặt nghệ thuật của “Truyện Kiều” là bút pháp tả người tài tình của tác giả mà tiêu biểu là Chị em Thuý Kiều. Đoạn trích đã vẽ lên hai bức chân dung của Thuý Vân và Thuý Kiều, những trang giai nhân tuyệt sắc với tất cả tấm lòng quý mến và trân trọng của nhà thơ thiên tài dân tộc.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã miêu tả vẻ đẹp chung của hai chị em:

Đầu lòng hai ả tố nga 
Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Người chưa xuất hiện nhưng chúng ta vẫn biết đó là hai cô con gái đẹp nhờ vào cách nói ẩn dụ: tố nga. Họ đẹp như thế nào đây? Cốt cách thanh cao như mai, tâm hồn trong trắng như tuyết. Tố Như đã lấy mai và tuyết làm chuẩn mực cho cái đẹp. Đó là một cách nói ước lệ thể hiện cái nhìn đầy trân trọng của nhà thơ đối với họ. Cả nhan sắc và cả tâm hồn của họ đều hoàn mĩ “mười phân vẹn mười” nhưng mỗi người lại có vẻ đẹp riêng “mỗi người mỗi vẻ”. Ở trong gia đình của Vương viên ngoại ấy, Thúy Kiều là chị còn Thúy Vân là em. Chỉ qua 4 câu thơ thôi nhưng cái thần của những bức chân dung ấy đã được làm rõ.

Sau khi giới thiệu vẻ đẹp chung, Nguyễn Du đã miêu tả vẻ đẹp riêng của từng người. Đầu tiên là cô em Thuý Vân:

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang 
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. 

Chỉ bằng vài nét chấm phá, bức chân dung của Thuý Vân đã hiện ra thật rõ ràng cụ thể và chi tiết. Nàng Vân đẹp quá! Một vẻ đẹp trang trọng, phúc hậu, dịu dàng. Khuôn mặt đầy đặn tươi xinh như ánh trăng rằm, chân mày của nàng đẹp như mày ngài. Nụ cười của nàng tươi như đóa hoa đang khoe sắc, tiếng nói trong như ngọc; những làn mây trên không trung cũng vẫn không đẹp bằng mái tóc mượt mà của nàng. Nước da nàng thì lại trắng hơn cả tuyết. Miêu tả vẻ đẹp của Thuý Vân, nhà thơ đã sử dụng bút pháp ước lệ với những liệt kê thật tài tình. Cách dùng từ ở đây thật đặc sắc: “trang trọng”, “đoan trang”, là hai nét vẽ tinh tế, gợi cái thần của bức chân dung Thuý Vân – phúc hậu và quý phái. Còn những động từ “thua”, “nhường” – thủ pháp so sánh, nhân hoá này là những chi tiết có tính chất dự báo số phận và cuộc đời của Thuý Vân sẽ tốt lành bình an.

Vẻ đẹp của Thuý Kiều hiện lên qua lời giới thiệu mang dụng ý nghệ thuật sâu sắc của tác giả. Lẽ ra với cách giới thiệu vị thứ trong gia đình “Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân” thì Nguyễn Du phải miêu tả Thuý Kiều trước nhưng ông lại giới thiệu sau. Vì sao vậy, rõ ràng đây là dụng ý của Tổ Như: “Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn” thì người đọc bây giờ mới vỡ lẽ. Ta cứ ngỡ rằng cô em như thế là không ai sánh nổi về sắc đẹp nữa nhưng không ngờ, chỉ cần bằng mấy chữ: “càng”, “phần hơn” thì cô chị lại nổi trội hơn. Hoá ra Nguyễn Du muốn lấy Thuý Vân làm điểm tựa để từ đó nâng hắn vẻ đẹp Thuý Kiều lên một bậc. Đây là nghệ thuật tả khách bình chủ hay còn gọi là đòn bẩy mà ta ít gặp trong cách viết của các nhà thơ khác.

Vẻ đẹp của nàng Kiều được miêu tả trên 2 bình diện: tài và sắc. Khi nói về nhan sắc của nàng, Nguyễn Du đã miêu tả khái quát:

Làn thu thủy nét xuân sơn 
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Rõ ràng, thi nhân chỉ đặc tả hai nét nổi bật trong bức chân dung của nàng Kiều: đôi mắt sáng trong veo như làn nước mùa thu, thăm thẳm những nỗi niềm chất chứa; chân mày xanh tươi nhẹ nhàng như dáng núi mùa xuân. Đó chính là bút pháp ước lệ trong thơ cổ, lấy vẻ đẹp thiên nhiên (thu thuỷ, xuân sơn, hoa, liễu) làm chuẩn mực cho nét đẹp của giai nhân. Kiểu đẹp lắm. Một vẻ đẹp sắc sảo mặn mà, quyến rũ, một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành làm say đắm lòng người, khiến cho thiên nhiên phải hờn dỗi. Ghen và hờn cũng là những từ có tính chất dự báo, khi đọc lên ta có cảm giác rờn rợn. Thiên nhiên là vật vô tri vô giác mà lại không để Thuý Kiều yên, huống chi là con người? Điều ấy đã báo trước cuộc đời sóng gió, đầy tai ương của nhân vật.

Về sắc đẹp, Thuý Kiều là tuyệt thế giai nhân, trên đời không ai sánh bằng. Nhưng không chỉ có sắc, nàng còn là một cô gái thông minh và rất mực tài hoa:

Thông minh vốn sẵn tính trời 
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm 
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tang lựa nên chương
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.

 Tài của nàng được lần lượt miêu tả theo lối liệt kê: tài thơ, tài hoa, tài đàn, tài ca hát… tài nào cũng tuyệt vời cả. Nàng giỏi về âm luật đến mức lầu bậc. Khi Kiều đánh đàn, tiếng đàn của nàng ăn đứt bất cứ nghệ sĩ nào. Với sắc đẹp “chim sa cá lặn”, với những tài năng thiên bẩm nàng làm sao tránh khỏi sự hủy diệt của số phận nghiệt ngã? Ca dao ngày xưa cũng đã lưu truyền:

Một vừa hai phải ai ơi 
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen .

Tấn bi kịch 15 năm lưu lạc của Thuý Kiều đã được dự báo trước qua cách tả người của nhà thơ.

Bốn câu thơ cuối nhà thơ kết luận lại phẩm hạnh của hộ:

Phong lưu rất mực hồng quần 
Xanh xuân xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai. 

Tuy đã đến tuổi lấy chồng và đều là những giai nhân tuyệt sắc nhưng hai nàng Kiều vẫn sống rất lễ giáo, nền nếp. Câu thơ: “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” rất độc đáo bởi nó đã sử dụng liên tiếp bốn phụ âm “x”, đi liền sau nó là hai phụ âm “t” nối tiếp tạo nên âm điệu nhẹ nhàng, êm đềm của cuộc sống thiếu nữ nơi chốn phòng khuê.

Với nghệ thuật tả người độc đáo, vẻ đẹp của hai chị em Thuý Kiều được hiện lên rất khéo. Dẫu mỗi người mỗi khác nhưng nét vẽ nào cũng có thần, cũng hàm súc và gợi cảm. Đằng sau bức chân dung ấy là tấm lòng ưu ái, trân trọng của nhà thơ dành cho nhân vật. Với “Chị em Thuý Kiều”, Nguyễn Du xứng đáng là một bậc thầy trong nghệ thuật tả người.

Nguồn website giaibai5s.com

Đề 5: Cảm nhận của em về vẻ đẹp của Thuý Kiều và Thuý Vân trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều
3.4 (67.62%) 21 votes