Có nhiều người không làm nhiều thơ nhưng lại có bài thơ để đời như Vũ Đình Liên với bài thơ Ông đồ.

… Bài thơ mở đầu bằng màu hoa đào. Câu thơ nở ra từ câu thơ của Thôi Hộ: “Đào hoa y cựu tiếu động phong”. Chính Vũ Đình Liên công nhận: “Trong máu mỗi nhà thơ Việt Nam, đặc biệt giai đoạn đó, đều có một chút thơ Đường”. Chính trong màu hoa đào mênh mông hoài cảm ấy, ông đồ già xuất hiện. Ta có thể tưởng tượng sự có mặt của cây cổ thụ ngàn năm bật gốc sau bão lớn. Cây đổ, ngọn gục từ trên chót vót thứ bậc xã hội, ông đồ, hình bóng tượng trưng cho giai cấp kẻ sĩ rơi xuống lề đường trở thành người vất vưởng hoài nhớ giá trị cũ suy tàn, . bỡ ngỡ với phong vận mới. Chế độ khoa cử Hán học cáo chung sau tám thế kỉ rưỡi ngự trị, học thuật thanh chương với thành trì nghiêng ngả. Chữ Hán phải nhường vị trí quốc tự cho một thứ chữ mới: quốc ngữ. Những nhà Nho như ông đồ phải rời án thư ra tận hè phố kiếm sống. Ông kiếm sống còn khó khăn hơn những người khác, bởi họ làm ăn quanh năm còn ông chỉ những ngày giáp tết. Chỉ những ngày đó nhớ bánh chưng xanh người ta nhớ luôn câu đối đỏ và nhờ ông viết chữ. May mà còn:

Bao nhiêu người thuê biết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay

Họ nay đâu? Bánh chưng xanh còn đó, câu đối đỏ đi rồi! Nếp cũ đổi thay. Chữ Nho cũng trở thành món hàng ế không ai chuộng nữa. Trong xu thế chung không ai cưỡng lại ấy, tình cảnh ông đồ trở nên ngao ngán đáng thương. Nỗi sầu lo ủ dột lan thấm trên cả đồ vật “Giấy đỏ buồn không thắm – Mực đọng trong nghiêng sầu” chính là hình ảnh của chủ nhân hết thời của chúng. Tàn tạ, lạc lõng, tiêu điều. Thiên hạ náo nức đón xuân, đón cả luồng gió mới Tây học mang lại… bỏ lại những người như ông đồ bên lề cuộc sống:

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Tôi cho đây là khổ thơ hay nhất trong bài thơ, ở đó các lực của ngòi bút, cái tâm của con người hợp lại đủ sức lay động những trái tim thờ ơ, vô tình với một sự chung cục, một sự chung cục thầm lặng và thương tâm. Người trong cuộc bên phố đông lắng nghe mình lụi tàn. Người ngược xuôi như nước chẳng ai để ý đến cái bóng mờ nhạt, tàn tạ ấy.

Ông đồ bị lãng quên ngay khi đang còn hiện hữu. Ông chẳng qua chỉ còn là “di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Lá rơi không nghe tiếng, mưa bụi chẳng ướt ai. Thế mà nửa thế kỉ rồi đọc lại, tôi vẫn tái tê thấm thía nỗi đau lặng lẽ của chiếc lá vàng trên giấy thắm tàn phai. Thế mới biết sức sống của một bài thơ không phải chỉ ở ngôn từ, chính tấm lòng thương cảm tinh tế của tác giả đã làm ấm những dòng chữ lạnh với thời gian.

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ

Bài thơ mở ra màu hoa đào và khép lại cũng với màu hoa đào ấy… Nén hương đã thắp – Hoài niệm mênh mang. Ông đồ cụ thể lung linh thành những người muôn năm cũ. Đông, tây, kim, cổ đều gặp nhau ở một chữ HOÀI, thấm thía sầu nhân thế… Âm hưởng nốt nhạc cuối miên man day dứt, khiến người nghe cứ thẫn thờ. Thời của một đời rồi sẽ qua, ai cũng vậy. Nhưng quả không hẳn là mất tiêu vô nghĩa. Hôm nay đã phôi thai từ hôm qua và ngày mai cũng sẽ từ ngày hôm nay. Ông đồ đã trở về thế giới yên nghỉ của ông, về với thời xa vắng. Người xưa thành ông cha, cái cũ thành di tích. Nét đẹp và sức mạnh của phương Đông ở bên trong và từ thăm thẳm. Nói đến văn hóa không thể không nói đến cội nguồn, nói đến hôm nay không thể phủ nhận hôm qua. Ân khuất, biến thái, lan tỏa, ngàn xưa với người xưa vẫn là một mảng đậm đà trong hồn dân tộc.

Giaibai5s.com

Đề 48: Cảm nhận bài thơ “Ông đồ”
Đánh giá bài viết