BÀI LÀM

Từ xưa đến nay những vùng quê vốn là nơi có bầu không khí trong lành, thoáng đãng, là chốn mà con người mơ ước quay về để thoát khỏi cuộc sống xô bồ: ồn ã nơi thành thị. Nhưng giờ đây, khi tốc độ đô thị hoá ngày càng cao, dường như môi trường ở nông thôn đã thực sự bị biến đổi. Liệu cuộc sống ở nông thôn còn có được trong lành như xưa?

Những vùng quê xưa kia vốn là nơi của những cánh rừng rậm rạp, của những cánh đồng xanh ngút ngàn thẳng cánh cò bay. Cuộc sống ở đó là ruột cuộc sống thanh bình yên ả và thực sự trong lành, không có tiếng ồn ào của ôtô, xe máy, không có những ông khói đen kịt cua nhà máy xí nghiệp. Thế nhưng giờ đây, dường như cuộc sống thành thị đã tràn tới mọi nơi khiến cuộc sống ở nông thôn đã thay đổi hoàn toàn. Những cánh rừng bị chặt phá, thay vào đó là những khu công nghiệp quy mô, những cánh đồng cũng bị thu hẹp do chuyển đổi sang phi nông nghiệp. Cuộc sống ở nông thôn giờ đây đã không còn yên ả như xưa và cũng mất đi sự trong lành vốn có của nó. Trước đây, những dòng sông ở thôn quê vốn là nơi để lũ trẻ vùng vẫy, bơi lội trong những chiều hè oi ả, thì giờ đây những dòng sông, những nguồn nước trong lành ấy đang dần dần biến mất. Nguồn nước ở nông thôn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi chất thải từ các nhà máy, cùng với nó là bao bệnh dịch phát sinh. Môi trường nông thôn đang bị suy giảm chỉ trong một thời gian ngắn. 

Hậu quả của những thực trạng trên cũng thực đáng buồn. Những cánh rừng bị chặt phá, độ che phủ bị suy giảm nghiêm trọng (chỉ còn 29% năm 1993), đồng nghĩa với việc những cơn lũ cứ thỏa sức kéo đến và cuốn đi tất cả bởi không còn rừng phòng hộ để che chắn. Những miền quê xưa kia vốn là những miền xanh thì giờ đây không còn nữa. Nhà máy, xí nghiệp đã lấn dần những màu xanh của cỏ cây. Chất thải từ các nhà máy, đáng buồn thay, không chỉ làm hại đến thiên nhiên mà còn làm hại đến con người. Chắc hẳn, không ai có thể không đau xót khi xem phóng sự về xã Thạch Sơn, tỉnh Phú Thọ trên Đài Truyền hình Việt Nam. Khí thải độc hại từ các nhà máy đã khiến cho bao người dân ở làng Thạch Sơn phải chịu cái chết oan uổng. Liệu từ câu chuyện đau xót trên, ta còn có thể nói cuộc sống ở nông thôn còn trong lành như xưa?

Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này một phần lớn là do quá trình đô thị hoá quá nhanh. Nó như một cơn lốc tràn đến mọi vùng quê, cuốn đi hết những vẻ thanh bình, yên ả trước đây. Những con người ở nông thôn chỉ mới nhìn nhận rằng đô thị hoá làm cho chất lượng cuộc sống của họ được nâng cao, nhưng họ đâu biết rằng đi liền với nó là bầu không khí trong lành của họ cũng bị mất dần. Không chỉ vậy, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ở nông thôn, miền núi cũng chưa cao. Họ sẵn sàng phá những cánh rừng lâu năm, sẵn sàng thu hẹp những cánh đồng đã từng gắn bó xương thịt với mình để xây dựng những khu công nghiệp, những nhà máy, xí nghiệp. Bên cạnh đó cũng phải kể đến nguyên nhân do trình độ xử lý chất thải của nước ta còn hạn chế, vì thế gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí,…

Đứng trước sự suy giảm nặng nề của môi trường nông thôn, chúng ta cần phải đề ra những biện pháp khắc phục hợp lí và có hiệu quả. Trước hết phải có biện pháp thích hợp để điều chỉnh quá trình đô thị hoá, để Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế ngày nay không chỉ là một đất nước hiện đại, năng động mà còn là một đất nước thanh bình, môi trường trong lành, thoáng đãng. Bên cạnh đó, phải nâng cao hơn nữa ý thức của người dân ở nông thôn về vấn đề bảo vệ môi trường. Phải giáo dục để họ hiểu rằng, môi trường có tầm quan trọng đối với con người như thế nào. Cuối cùng phải áp dụng những biện pháp trực tiếp để bảo vệ môi trường như: trồng cây gây rừng, làm sạch nguồn nước,… để môi trường ở nông thôn dần lấy lại được sự trong lành như xưa. 

Cuộc sống nơi thành thị với bao xô bồ, ồn ã nhiều lúc làm ta mệt mỏi. Ta cần biết bao một chốn thôn quê thanh bình, trong lành để tìm về nghỉ ngơi. Hãy giữ gìn cuộc sống trong lành ở nông thôn như giữ gìn chính sự thanh thản trong tâm hồn mình.

ĐỀ 41: Môi trường ở nông thôn hiện nay có thực sự trong lành?
5 (100%) 1 vote