Lòng thương yêu con người là một trong những nội dung sâu đậm của văn học, có tính chất truyền thống của văn học từ xưa đến nay. Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo của văn học. Trong chương trình Văn học 8, lòng yêu thương con người được thể hiện một cách khá sâu sắc. Không những chỉ có những tác phẩm văn học Việt Nam mà ngay cả những tác phẩm văn học nước ngoài cũng đề cập rất nhiều đến vấn đề này.

Lòng yêu thương con người thể hiện rất rõ ở thái độ của nhà văn khi viết tác phẩm. Đó là sự cảm thông, ca ngợi những người lao động nghèo khổ, bất hạnh nhưng sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp. Đó là sự lên án, tố cáo giai cấp thống trị đã chà đạp lên số phận con người. Lòng yêu thương con người trong văn học cận đại cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX thể hiện rất rõ ở lòng cảm thông sâu sắc đối với nhân dân ta trong cảnh nước mất nhà tan, căm hận chế độ nhà Nguyễn đã đầu hàng giặc. Tiêu biểu cho lòng yêu thương con người ở thời kì này là hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu: Chạy Tây và Xúc cảnh. Ở hai bài này, tác giả đã lên tiếng tố cáo triều đình nhà Nguyễn hèn nhát, đầu hàng giặc để nhân dân ta phải chịu bao cảnh thương tâm:

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

Mất tổ bầy chim dáo dác bay.

                                 (Chạy Tây)

Khi bọn giặc kéo đến đánh chiếm quê hương, tác giả được chứng kiến cảnh chạy giặc đầy thương tâm của nhân dân ta mà lòng đau như cắt. Càng thương nhân dân ta bao nhiêu, nhà thơ càng căm giận bọn bán nước và cướp nước bấy nhiêu. Tác giả hỏi những người tài giỏi đâu không ra cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh chạy giặc này:

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng

Nỡ để dân đen mắc nạn này.

                                       (Chạy Tây)

Cũng bộc lộ lòng yêu thương con người, bài thơ Xúc cảnh đã bày tỏ lòng mong ước đất nước thống nhất để nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc:

Chừng nào thánh đế ân soi thấu

Một trận mưa nhuần thấm núi sông.

                                         (Xúc cảnh)

Lòng yêu thương con người trong văn thơ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX không chỉ thể hiện ở trước cảnh loạn lạc mà còn thể hiện trong thời bình, đó là tình bè bạn, vợ chồng. Trong bài thơ Bạn đến chơi nhà của nhà thơ Nguyễn Khuyến, tác giả cũng bày tỏ tình bạn bè thân thiết, sâu nặng, ruột thịt:

Đã bấy lâu nay bác tới nhà

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Ao sâu nước cả khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà

Cải chửa ra cây cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa

Đầu trò tiếp khách trầu không có

Bác đến chơi đây ta với ta.

Bài thơ đã nói lên tình bạn bè thắm thiết. Bạn bè đến với nhau vì tình cảm chứ không vì một lí do nào khác. Đồng thời bài thơ cũng nói lên quan hệ vật chất trong tình cảm bạn bè. Tình cảm cao hơn vật chất, nếu như chỉ có vật chất mà không có tình cảm thì tình bạn đó sẽ không bền chặt. Như vậy, bài thơ đã cho ta một bài học quý về tình bạn và cũng cho ta thấy tình bạn cao đẹp, thân thiết của Nguyễn Khuyến.

Bài thơ Thương vợ của Tú Xương cũng là một trong những bài thơ hay nói lên lòng yêu thương vợ sâu sắc của tác giả:

Quanh năm buôn bán ở mom song

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không.

Toàn bộ bài thơ là tâm sự sâu sắc của tác giả về vợ mình. Phải là một người chồng có tấm lòng yêu thương vợ rất mực thì tác giả mới hiểu được những vất vả khó khăn mà người vợ đã phải trải qua, hiểu được đức hi sinh âm thầm lặng lẽ của vợ. Càng yêu vợ bao nhiêu, tác giả càng trách bản thân mình không giúp gì được cho vợ.

Sang đến văn thơ hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945, lòng yêu thương con người thể hiện ở thái độ cảm thông, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người; phê phán, tố cáo giai cấp thống trị đã chà đạp lên số phận của họ. Nói đến lòng yêu thương con người ở giai đoạn văn học này trước tiên phải kể đến truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam. Tác phẩm kể về cái rét đầu mùa ở một khu phố huyện, nơi có những con người tuy giàu nghèo khác nhau nhưng sống với nhau thật ấm áp, lấy tình thương làm gốc trong mọi quan hệ cư xử. Sơn trong tác phẩm là một em bé giàu tình cảm. Khi ngủ dậy, Sơn kéo chăn đắp cho em. Khi mẹ nhắc đến đứa em đã mất, Sơn cảm động cùng. Mặc dù chỉ qua một cử chỉ nhỏ như vậy cũng đã thể hiện rõ Sơn là một người anh giàu lòng yêu thương em. Tình thương của Sơn không chỉ dành cho em mà còn lan tỏa đến khắp bạn bè của Sơn. Tuy là con nhà giàu nhưng Sơn chơi thân với bạn bè cùng lứa chứ không hề xa lánh, khinh bỉ họ. Cao hơn nữa, lòng yêu thương của Sơn còn thể hiện ở cử chỉ lấy áo của em để cho bạn. Chẳng là trong khi Sơn ăn mặc tươm tất thì bạn bè em phải chịu cái rét tái tê của từng cơn gió bấc. Sơn thương bạn bè lắm, nhất là Hiên. Hiện không có quần áo mặc nhưng lúc nào cũng đứng rét co ro. Sơn đã bàn với chị lấy áo của đứa em đã mất để cho Hiên, Sơn thấy lòng ấm áp, vui vui vì vừa làm được một việc tốt. Những bà mẹ của Sơn và Hiên cũng là những bà mẹ giàu lòng yêu thương mại người. Biết hoàn cảnh của Hiên, mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên vay tiền để mua áo cho con. Qua tác phẩm ta hiểu rõ về lòng yêu thương con người trong văn học thật là sâu sắc. Tên tác phẩm là Gió lạnh đầu mùa thế mà ngược lại nó rất ấm bởi tình người không lạnh.

Tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao cũng toát lên một tinh thần nhân đạo, lòng yêu thương sâu sắc con người. Lão Hạc trong tác phẩm là một người cha rất giàu lòng yêu con. Lão đau khổ trước sự tan vỡ tình yêu của con. Lão cho rằng con lão không cưới được vợ một phần là do lão. Khi con đi xa lão mong con, nhớ con vô cùng. Lão yêu quý con chó mà anh con trai để lại, lão coi nó như con, như bạn của mình. Yêu thương con, lão dành dụm tiền thu được từ mảnh vườn cho con để khi về anh có tiền cưới vợ. Còn lão, lão cày thuê cuốc mướn nuôi thân. Cuối cùng lão đã kết liễu cuộc đời mình để dành lại mảnh vườn cho con, nhất định không chịu bán vườn. Tác phẩm Lão Hạc còn ca ngợi một người dân nghèo nhưng lương thiện và giàu lòng yêu thương con, đồng thời tác phẩm cũng tố cáo giai cấp thống trị đã chà đạp lên số phận con người.

Tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố cũng nói lên lòng yêu thương chồng con của chị Dậu. Vì thương chồng mà chị đã phải đứt ruột bán đứa con gái đầu lòng của mình cho vợ chồng Nghị Quế. Tác phẩm cũng tố cáo chế độ thực dân nửa phong kiến đầy tàn ác, bất công.

Đến văn thơ thời kì cách mạng thì lòng yêu thương con người không chỉ dừng lại ở thái độ yêu thương mà còn vươn lên để bảo vệ quyền sống của con người. Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu đã nói lên tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn; trong gian khổ người lính vẫn bám trụ kiên cường, quyết tâm tiêu diệt giặc, bảo vệ đất nước.

Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm cũng nói lên tình mẹ con, tình yêu bộ đội, yêu dân làng của bà mẹ Tà-ôi địu con lên nương làm việc:

– Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội

– Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói.

– Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước.

Tất cả những câu hát đó đều nói lên tấm lòng yêu thương con, thương bộ đội, dân làng, đất nước của bà mẹ Tà-ôi – bà mẹ Việt Nam. Lòng yêu thương con, thương bộ đội, thương đất nước, thương dân làng hòa quyện vào trong lòng bà mẹ Tà-ôi thật tự nhiên, sâu sắc.

Nói đến lòng yêu thương con người trong văn học cách mạng phải kể đến tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh mà tiêu biểu là bài Không ngủ được.

Một canh… hai canh… lại ba canh

Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành

Canh bốn, canh năm, vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh

* Bài thơ đã kể lại một đêm không ngủ được của Bác vì lúc nào Người cũng một lòng yêu nước, thương dân. Lòng yêu thương đó lúc nào cũng thường trực trong lòng khiến Bác không sao chợp mắt được.

Bài thơ Ốm nặng trong tập Nhật kí trong tù cũng thể hiện lòng nhớ thương đất nước của Bác:

Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh

Nội thương đất Việt cảnh lầm than.

Tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của O Henri cũng nói lên tình cảm sâu nặng của những người nghệ sĩ nghèo. Họ nghèo về vật chất chứ không nghèo về tình cảm. Tiêu biểu là Xiu và Giôn-xi, bác Bơ-men. Trong bất kì hoàn cảnh nào họ cũng hết lòng bảo vệ lẫn nhau, hi sinh vì nhau.

Tác phẩm Tính cách Nga cũng nói lên lòng yêu thương sâu nặng của con người Nga. Họ âm thầm hi sinh, chịu đựng cho nhau và vì nhau.

Tóm lại, lòng yêu thương con người là một nội dung lớn của văn học. Lòng yêu thương đó luôn luôn tỏa sáng trong lòng người đọc. Qua các tác phẩm, văn học trong nước cũng như ngoài nước chúng ta đã cảm nhận những bài học quý, những tình cảm đẹp của con người. Ngày nay khi được đọc, được học những tác phẩm đó chúng ta như được uống vào dòng sữa quê hương, dòng sữa của tình yêu thương.

Giaibai5s.com

Đề 41: Lòng thương yêu con người là một nội dung quan trọng được các nhà văn luôn luôn quan tâm thể hiện trong các tác phẩm của mình. Qua những tác phẩm trong chương trình Văn 8, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
4.9 (98.1%) 21 votes