1- Truyện Con hổ có nghĩa có hai phần. Mỗi phần tương ứng với một câu chuyện được kể, được ghép nối với nhau nhằm nhấn mạnh phẩm chất của con hổ, mặc dầu hai con hổ trong hai câu chuyện này không phải là một, qua đó rút ra bài học về lẽ sống, về cách ứng xử trong cuộc đời con người. Cả hai con hổ trong truyện này đều được xây dựng theo thủ pháp nhân hóa: hổ mang những phẩm chất của con người.

Trong phần đầu, tình huống truyện liên quan tới cuộc sống của vợ chồng hổ: hổ cái chuyển dạ, đau đớn nhưng không đẻ được. Đây là một tình huống nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng của hai mẹ con hổ cái. Vì vậy, hổ đực phải đi tìm người đỡ đẻ cho hổ cái. Trong phần hai, hổ gặp nạn (bị hóc xương), một tình huống oái oăm, hổ không tự cứu mình được mà phải nhờ sự giúp đỡ của bên ngoài, của con người. Cả hai tình huống này cho thấy rõ hơn tính chất “nghĩa” qua cách ứng xử sau này của hổ.

2- Trước hết, nghĩa là một khái niệm đạo đức thường được hiểu như là lẽ phải, là điều hợp với đạo lí nên làm theo. Trong câu chuyện thứ nhất, tính chất nghĩa trước hết là trách nhiệm vợ chồng, thể hiện qua việc hổ đực đi tìm người đỡ đẻ cho hổ cái, không bỏ rơi hổ cái trong tình huống cực kì nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của hai mẹ con hổ cái. Vì vậy, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra, hổ đực tìm đến bà đỡ Trần. Không nói được tiếng người nhưng hổ đực xử sự rất đúng mực, hiểu biết và tôn trọng: khi đến nhà bà đỡ Trần, hổ đực “gõ cửa”, rồi “lao tới cõng bà đi”, “một chân ôm lấy bà”, “dùng chân trước rẽ lối” qua “bụi rậm, gai góc”. Các hành động của hổ đực đều nhanh, gọn, mạnh mẽ nhưng không hề làm tổn thương bà đỡ Trần.

Rồi “hổ đực cầm tay bà, nhìn hổ cái, nhỏ nước mắt”. Các động tác của hổ đực đều mang tính biểu cảm, thể hiện tính trách nhiệm trong tình nghĩa vợ chồng, thể hiện sự khẩn cầu giúp đỡ, mặc dầu hổ không nói được tiếng người. Khi hổ cái mẹ tròn con vuông thì “hổ đực mừng rỡ đùa giỡn với con”, rồi “quỳ xuống bên cạnh một gốc cây, lấy chân đào lên một cục bạc” để tạ ơn, sau đó, hổ dẫn bà đỡ Trần ra khỏi rừng sâu. Cách chia tay cũng rất cảm động: “Hổ vẫn cúi đầu vẫy đuôi, làm ra vẻ tiễn biệt. Bà đi khá xa, hổ liền gầm lên một tiếng rồi bỏ đi”. Tính chất nghĩa ở đây, ngoài trách nhiệm vợ chồng giữa hổ đực và hổ cái còn là sự đền ơn đáp nghĩa một cách trân trọng, là sự biết ơn người đã giúp đỡ mình trong lúc hoạn nạn, hiểm nguy.

Ở câu chuyện thứ hai, tính chất nghĩa thể hiện ở một góc độ khác. Đó là con hổ gặp nạn mà tự nó không thể làm gì được để thoát khỏi tai nạn đó. Sự giúp đỡ của người tiều phu ở đây là sự giúp đỡ tự nguyện: “Cổ họng người đau phải không, đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho”. Con hổ hiểu được lời đề nghị chân thành của bác tiều: “Hổ nghe thấy, nằm phục xuống, há miệng nhìn bác tiều ra dáng cầu cứu”. Bác tiều, bằng sự dũng cảm và hiểu biết của mình, đã giúp hổ thoát nạn và nói cho hổ biết địa chỉ của mình: “Nhà ta ở thôn mỗ, hễ được miếng gì lạ thì nhớ nhau nhé”.

Việc nói địa chỉ như vậy không phải để buộc hổ phải đến trả ơn mà chính là cách thức xác lập quan hệ bạn bè thân thiết, có thủy chung vốn rất quan trọng trong cuộc sống con người. Đây là kiểu quan hệ nên nghĩa nên tình trong hoạn nạn thử thách. Và nghĩa tình này gắn bó keo sơn, không chỉ trong thời gian bác tiều sống mà cả khi bác tiều qua đời: “hổ dùng đầu dụi vào quan tài, gầm lên, chạy quanh quan tài vài vòng rồi đi”. Tuy hổ không nói được tiếng người như trong các truyện có sử dụng thủ pháp nhân hóa nhưng qua các hành động mang tính chất biểu cảm, rất người, tác giả Vũ Trinh đã lột tả được cái nghĩa của những con hổ trong hai truyện này. Con hổ ở đây đã đền đáp công ơn người cứu mạng nó theo cách thức ứng xử: “sống tết chết lễ”, vốn là một đạo lí trong truyền thống nghĩa tình của người Việt.

3- Trong truyện Con hổ có nghĩa, tác giả Vũ Trinh đã sử dụng thành công biện pháp nhân hóa. Cả hai con hổ trong truyện này đều không nói được tiếng người nhưng đều có cách ứng xử mang đạo lí tình người sâu sắc, thể hiện sự thủy chung tình nghĩa trong cuộc đời, ngay cả trong cuộc sống vợ chồng lẫn trong quan hệ xã hội. Tác giả đã lấy chuyện xử sự của con vật để làm bài học đạo lí cho con người. Tính chất giáo huấn vì thế vừa nhẹ nhàng lại vừa sâu sắc, giúp con người tự suy nghĩ về chính nó.

Đề 41: Cảm nhận văn bản Con hổ có nghĩa
5 (99.67%) 60 votes