Đề 4: Tình yêu trong truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

BÀI LÀM

An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là hai trong số một chuỗi những truyền thuyết rất nổi tiếng về thời kì Âu Lạc của dân tộc ta. Truyện An Dương Vương là truyền thuyết mở đầu, đồng thời cũng là tác phẩm hay nhất, tiêu biểu nhất của thời kì lịch sử này. Hai câu chuyện đã phản ánh được rất nhiều những vấn đề lịch sử – xã hội cũng như tư tưởng thời bấy giờ. Mặc dù mỗi chuyện đều tập trung phản ánh một nội dung giá trị lớn nhất, song chúng ta thấy ở cả hai câu chuyện này đều có một sợi dây vô hình xuyên suốt. Sợi dây ấy có thể đúc kết bằng hai chữ tình yêu. Tuy mức độ biểu hiện tình yêu của hai câu chuyện khác nhau, nhưng chúng ta có thể thấy, tình yêu là mạch ngầm chạy suốt trong hai câu chuyện này.

Đây là câu chuyện ra đời trong thời kì dựng nước của An Dương Vương. Thực chất hai câu chuyện này là hai nửa của một câu chuyện lớn – truyện An Dương Vương. Phần đầu câu chuyện là phản ánh quá trình xây thành, chế nỏ và chiến thắng ngoại xâm của An Dương Vương (thường gọi là truyện Nỏ thần hay Sự tích thành Cổ Loa). Phần thứ hai phản ánh quá trình mắc mưu giặc và thất bại của An Dương Vương (thường được gọi là truyện Mị Châu – Trọng Thủy hay Sự tích Ngọc trai giếng nước). Như vậy, chúng ta có thể thấy hai câu chuyện này là một sự tiếp nối nhau và chúng có mối liên hệ về nội dung rất rõ ràng. Chính vì thế mà tình yêu trong An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy cũng có những đặc điểm thống nhất, tuy biểu hiện nổi trội ở những mảng khác nhau không giống nhau.

Mọi người biết đến An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là biết về một thời kì lịch sử của đất nước. Hẳn ai cũng biết được hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, biết đến âm mưu xấu xa của Triệu Đà, biết đến sự vô ý của cha con An Dương Vương khi để mất nỏ thần… Còn có mấy ai để ý đến nay nhận rõ vấn đề tình yêu Mị Châu và Trọng Thủy. Nhưng vấn đề tình yêu trong hai câu chuyện này không dừng lại ở đó. Mà chúng ta thấy, nổi lên trong hai câu chuyện đó là tình yêu cha con, tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước. Tuy vấn đề tình yêu trong hai câu chuyện này không được phát biểu một cách trực tiếp, song qua tất cá nội dung chúng ta đều dễ dàng nhận ra điều đó.

Mở đầu câu chuyện An Dương Vương ta biết nhà vua có một cô con gái xinh đẹp, nết na ngoan hiền. Tại sao không giới thiệu nhà vua có con trai hay là người vợ? Vẫn biết rằng cô công chúa này là căn nguyên của mọi vấn đề xảy ra sau này. Nhưng trước hết, cái nhìn đầu tiên của độc giả là giữa An Dương Vương và công chúa có một tình cảm đặc biệt: Tình yêu giữa cha và con. An Dương Vương hết mực thương cô con gái của mình. Trong xã hội xa xưa thường có quan niệm con gái, phụ nữ không nên biết việc quốc gia đại sự. Thế nhưng, An Dương Vương sẵn sàng tiết lộ việc quân cơ cho con gái không một chút hoài nghi. Điều này chứng tỏ nhà vua có một tình yêu, sự tin tưởng tuyệt đối vào con gái mình. Ngược lại, Mị Châu cũng một lòng thương yêu cha hết mực.

Chàng Trọng Thủy kia không phải vô cớ mà tình nguyện sang Âu Lạc làm rể mà chàng đã mang sẵn một mưu đồ đen tối. Nếu chẳng may mà bị phát hiện sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, một phần vì trách nhiệm nghĩa vụ với đất nước, và đằng sau ấy là tình yêu đối với cha mình. Nên sau này, khi phải đấu tranh giằng co giữa tình yêu của Mi Châu và tình yêu thương với cha, chàng đã chọn cho mình. Vì muốn giúp cha mở rộng được bờ cõi mà chàng đã chịu tiếng là kẻ phản bội, phụ người yêu để tròn chữ hiếu với cha.

Sẽ có câu hỏi đặt ra, tại sao An Dương Vương yêu con mà lại giết con? Điều này có vẻ nghịch lí, song lại là điều hợp logic. Bởi lẽ khi vung gươm chém Mị Châu, An Dương Vương đang đứng ở vị trí một ông vua, một người phải xử kẻ có tội với đất nước. Như vậy hành động của An Dương Vương là hành động trả thù cho đất nước và sau này Mị Châu cũng được chứng minh cho điều đó.

Như vậy, tình yêu cha – con trong hai câu chuyện này đã thể hiện được mối quan hệ, tình cảm trong gia đình của người dân nước ta bấy giờ. Nó là xuất phát điểm để làm những việc cao cả hơn rất nhiều.

Nếu như nổi lên trong An Dương Vương là tình yêu cha con thì đến Mỹ Châu – Trọng Thủy đó là tình yêu lứa đôi. Một tình cảm đẹp đẽ trong sáng theo đúng nghĩa của nó. Nếu bỏ qua mục đích của Trọng Thủy trước khi sang Âu Lạc, mà chúng ta chỉ xét quãng thời gian Trọng Thủy ở Âu Lạc, thì tình yêu của Mị Châu và Trọng Thủy thật tuyệt vời. 

Mị Châu yêu Trọng Thủy bằng một tình yêu trong sáng, thánh thiện tuyệt đối. Nàng dường như không nghĩ đến việc đó là con của một ông vua đã từng mang quân xâm lược nước mình. Một tình yêu trong sáng, xuất phát từ trái tim và nó cũng đến được trái tim. Trọng Thủy, mục đích ban đầu sang cũng chỉ giả và với ý định lấy cắp nỏ thần. Nhưng không ngờ, những ngày tháng sống bên Mị Châu, chàng đã yêu nàng. Chính vì tình yêu ấy đã tạo nên bị kịch đau đớn cho cả hai người… Trọng Thủy phải đau đớn giằng xé khi buộc phải chọn hiếu mà cắt bỏ tình riêng. Mị Châu lâm vào bi kịch của tình yêu bị lừa dối. Còn nỗi đau nào hơn khi chính chồng mình là kẻ thù của mình. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã thốt lên:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu.        
Nỏ thần vô ý trao tay giặc.            
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.          

Có thể thấy tình yêu trong An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy vừa đáng ca ngợi, vừa đáng phê phán. Ca ngợi bởi tình yêu ở hai câu chuyện này, kể cả tình yêu cha con lẫn tình yêu lứa đôi đều rất cao cả thiêng liêng. Đã yêu là yêu thật lòng, tin tưởng hết mình. Nhưng cũng chính vì yêu, vì tin tưởng mà An Dương Vương mất nước, Mị Châu trở thành người có tội. Đó là bi kịch mà họ đã mắc phải. Mặt khác cũng lên án, chê trách thứ tình yêu giả tạo mà ban đầu Trọng Thủy mang trong đầu khi sang Âu Lạc cầu hôn.

Xét cho cùng thì vì sao Mị Châu – Trọng Thủy và cả An Dương Vương Ciều rơi vào bi kịch? Vì sao An Dương Vương phải giết chính đứa con yêu thương của mình? Tất cả cũng chỉ vì một mục đích, một nhiệm vụ cao cả: đó là trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc. Và tình yêu đất nước có thể nói là tình cảm chi phối và quyết định tất cả.

An Dương Vương vì tình yêu đất nước mà đã bao phen xây thành, thành hỏng rồi lại xây. Tất cả những công việc xây dựng và bảo vệ thật gian lao vất vả. Xây dựng được đất nước còn phải lo bảo vệ. Tình yêu đất nước của nhà vua đã giúp ông vượt qua tất cả. Chính vì cảm tấm lòng của An Dương Vương mà Thần Kim Quy đã giúp ông xây thành, chính vì tấm lòng tập trung với nước của An Dương Vương mà Thần Kim Quy rẽ lối cho ông xuống biển… Và cũng chính vì quá đau đớn khi mất nước và nhiệm vụ quốc gia mà An Dương Vương phải giết con gái mình.

Trong hai câu chuyện này, tình yêu đất nước đã quyết định và chi phối mọi hành động quan trọng của nhân vật.

Trọng Thủy trong lúc nguy cấp đã cắt bỏ tình riêng để phục vụ lợi ích quốc gia, mặc dù trong lòng đau xót vô ngần. Chàng vì nước mà phải phụ Mị Châu, chàng đã phải đặt lợi ích dân tộc lên trên. Và khi đã hoàn thành nhiệm vụ thì gấp gáp quay lại tìm người vợ yêu quý của mình. Có gì đau hơn khi Trọng Thủy biết trước được sự việc đã đưa cho Mị Châu chiếc áo lông…

Như vậy, tình yêu trong An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy mang cung bậc khác nhau. Điều này chứng minh sức mạnh ghê gớm của tình yêu. Nó đẹp lắm, nó dễ dàng mang lại hạnh phúc, nhưng nó cũng có thể là nỗi đau vô bờ ngay sau đó. Vì tình yêu mà cha mất con, vợ mất chồng. Để rồi tình yêu đó kết lại thành viên ngọc sáng mãi với ánh sáng khác thường. Nó chứng minh cho tình yêu tuyệt mĩ của Mị Châu và Trọng Thủy. Trọng Thủy và Mị Châu chết để cho mọi tình yêu được sáng mãi. Hai người con, đại diện cho lớp cháu kế tiếp, họ đã làm, đã chứng minh được sức mạnh của tình yêu. Họ đã đặt tình yêu Tổ quốc, tình cảm cộng đồng lên trên tình cảm cá nhân. Họ hi sinh thân mình vì tình yêu lứa đôi, trong tất cả mọi người. Tình yêu trong An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy tuy chỉ là trong truyền thuyết nhưng nó đã mang triết lí của thời đại cho đến mãi bây giờ vẫn còn giữ nguyên chân lí đó. Cá nhân chỉ thực sự có hạnh phúc khi biết đặt lí tưởng vì đất nước vì lợi ích chung lên trên. Và tình yêu chỉ thực sự có và sống khi nó là tình cảm trong sáng nhất.

Vũ Thị Thảo- ĐH Hồng Đức

Đề 4: Tình yêu trong truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy
Đánh giá bài viết