HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Đây là một đề mở, để chỉ nêu vấn đề nêu để tài cần bàn bạc dưới hình thức một từ tổ danh ngữ, không có lệnh. Tức không nêu yêu cầu gì về thao tác, kiểu văn bản, phạm vi bàn bạc và độ dài của bài viết thực chất yêu cầu của đề là một yêu cầu tổng hợp, bài thuộc kiểu hỗn hợp (giải thích, chứng minh, bình luận).

BÀI LÀM

Trong cuộc sống của con người, nhất là những người đã trải qua thời gian dài sống, lao động và chiến đấu trong xã hội, ai cũng có những cái được và mất nhất định, không ai chỉ toàn được, ngay cả những người may mắn nhất, cũng không ai chỉ toàn mất, ngay cả những người không may nhất. Vậy được, mất cái gì? Quan hệ giữa được mất như thế nào và con người cần xử lý như thế nào trước những được, mất ở đời?

Cuộc sống của con người bao gồm hai lĩnh vực: tinh thần và vật chất, vật chất bao gồm những phương tiện vật chất của sự sống như sức khỏe, tiền tài và vật dụng, tinh thần bao gồm: danh giá, địa vị xã hội, sự thoải mái về tinh thần, tình cảm.

Một con người bước vào đời, được gia đình, xã hội tạo điều kiện cho có trình độ học vấn, nghề nghiệp, có chỗ làm việc để nuôi thân và phục vụ xã hội. Ấy là người ấy “được”. Nhưng do yêu cầu công tác, người ấy phải đi vào vùng sâu, vùng xa, điều kiện sống khó khăn vất vả, sinh hoạt tinh thần nghèo nàn. Người ấy coi như mình bị “mất” một cái mất tạm thời. Quan điểm đó có đúng không?

Đúng là so với các bạn công tác ở những chỗ thuận lợi hơn, sung sướng hơn, có điều kiện phát triển hơn thì người ấy coi như bị “mất” nhưng cái mất ấy một mặt chỉ là tạm thời, một mặt lại là điều kiện rèn luyện, để trưởng thành nhanh hơn, để có vốn sống phong phú hơn và sau này vững vàng hơn trong cuộc sống, trong công tác, như vậy cái mất đó đã chuyển hóa thành cái được. 

Mặt khác, có những cái mất mà con người phải chấp nhận và yêu cầu của sự nghiệp chung, của sự khẳng định nhân cách, phẩm chất và danh dự. Ví dụ khi Tổ quốc bị xâm lăng, mỗi người dân phải chiến đấu chống kẻ thù, sẵn sàng hi sinh tính mạng, của cải để giữ gìn đất nước. “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” (Hồ Chí Minh); “Nhà tan cửa nát cũng vì Quyết tâm đánh Mỹ cực trước cho sướng sau” (Ca dao). Thế hệ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm đã hi sinh cả cuộc đời thanh xuân đầy triển vọng của mình để “được” Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất. Cái được này vô cùng vĩ đại và sự hi sinh thật vô cùng cao quý. Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa pa tự nguyện “giam” tuổi xuân mình trên đỉnh núi 2600m để đo khí tượng, phục vụ cho sản xuất và chiến đấu, cái “mất” ấy thật vinh quang và tự hào biết bao. Và anh thanh niên ấy không hề cảm thấy mình bị mất. Và chúng ta tin, anh ấy sẽ trưởng thành, sẽ được nhiều cái lớn hơn là chúng ta tưởng. 

Trong cuộc sống cũng có một số cái được và mất ngẫu nhiên. Ví dụ một người tự nhiên được trúng số độc đắc một người vô ý bị mất một phần sức khỏe do tai nạn. Những sự được mất ngẫu nhiên và vô thưởng ấy, ta không bàn đến nhiều, tuy nhiên con người cũng phải có sự ứng xử đúng đắn đối với những được mất đó. 

Những cái được không do năng lực mà có hoặc những thuận lợi đến với ta quá nhiều, dễ làm cho ta thỏa mãn, không tiếp tục phấn đấu vươn lên nữa…

Trước những cái mất do sự không may của số phận như do bẩm sinh bị tàn tật, bị tai nạn mất một phần sức khỏe, chúng ta phải có nghị lực rèn luyện, để bù đắp cái mất đó và tiếp tục cống hiến, tự khẳng định mình. Gương của bao thương binh “tàn mà không phế”, gương của Phạm Hồng Sơn bị thương gãy xương sống, liệt nửa người, phấn đấu học ngoại ngữ, trở thành dịch giả; Gương của Nguyễn Ngọc Ký liệt 2 tay, viết vẽ bằng chân trở thành giáo viên, nhà văn… 

Từ những yếu tố ngẫu nhiên còn nói chung trong cuộc sống, những cái được phải đánh đổi bằng cái mất.

Muốn được về kiến thức phải chịu mất một số sức lực, một số thời gian (lẽ ra dành cho vui chơi giải trí).

Muốn được về tiền của, phải nỗ lực lao động chân tay và trí óc, nghĩa là phải mất một ít mồ hôi, chất xám.

Muốn có độc lập tự do muốn bảo vệ hạnh phúc và danh dự của dân tộc, phải chiến đấu hi sinh, nghĩa là phải mất nhiều xương máu.

Xưa, nhà viết kịch Corneille thế kỉ XVII của Pháp có viết: “Người ta chiến thắng mà không mất mát hi sinh, thì chiến thắng đó không vinh quang”. Dân tộc ta có vinh dự là đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mĩ vì chúng ta đã hi sinh nhiều của, nhiều người trong hai cuộc kháng chiến (theo Di chúc của Bác Hồ ).

Trong cuộc sống bình thường, trước cái được và cái mất, trong quan hệ giữa hai cái đó, con người phải cân nhắc được gì và mất gì. Cái được phải chính đáng và cái mất phải xứng đáng với cái được. Không được mất một cách tùy tiện, không được mất bằng mọi giá, ví dụ được một lợi ích nhỏ nhoi nhưng mất quá nhiều sức lực, tiền của thì nên xem xét lại – xem lại cái lợi ích ấy và giá của nó, xem lại phương pháp để đạt lợi ích đó. Một điều nữa là để mất được đó là danh dự và nhân cách. Chị Dậu đành để con đi ở đợ (ở gán nợ, cho địa chủ (Nghị Quế) chứ quyết không nhận tiền của tri phủ Tư Ân để cho hắn làm nhục). Gần đây có người cho rằng chị Dậu không nhận tiền của Tư An mà lại bán con là không thương con. Người đó không hiểu rằng không phải chị Dậu đem con ra giữa nơi giời ơi đất hỡi để bán coil mà chỉ là cho con đi ở nhà Nghị Quế thôn bên, thỉnh thoảng có thể đến thăm, sau này có tiền lại chuộc về. Còn nếu chỉ nhận tiền của Tư An thì chị Dậu không còn là chị Dậu nữa hay nói như Nam Cao “Cuộc đời quả đáng buồn”.

Thế hệ thanh niên chúng ta ngày nay sinh sau cha ông mấy ngày trận đánh, chúng ta chưa mất gì mà đã được quá nhiều. Giờ đây, trước ngưỡng cửa cuộc sống, chúng ta đang đứng trước sự lựa chọn được và mất, chúng ta phải suy nghĩ cân nhắc theo phương châm: phấn đấu để giành những cái được chân chính, sẵn sàng mất một phần công sức và thời gian (kể cả thời gian hưởng thụ) cho cái được đó nhưng trong cái mất đó không bao giờ được phép có danh dự và nhân cách và với cái được lớn nhất là lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, chúng ta chấp nhận mất một phần lợi ích tạm thời của bản thân, cái “mất” tạm thời ấy cũng chính là cái được. Được cho Tổ quốc, nhân dân và cho bản thân ta, đó là niềm tự hào và sự trưởng thành của người thanh niên trong học tập, lao động, hoạt động nghề nghiệp và hoạt động xã hội.

ĐỀ 39: Được và mất trong cuộc sống.
Đánh giá bài viết