BÀI LÀM

Nếu Việt Nam chúng ta vinh dự có đại thi hào Nguyễn Du với tấm lòng tê tái thương yêu trước thân phận người con gái tài hoa, nhan sắc, đức hạnh mà chìm trong bi kịch, đau thương (Truyện Kiều), thì nước Pháp tự hào có V. Huy-gô với tất cả tình yêu thương đều dành cho những người khốn khổ (Tiểu thuyết Những người khốn khổ). Giăng Van-giăng – hay chính tấm lòng yêu thương bao la của V. Huy-gô, là nhân vật hiện thân của tình yêu thương đó. Mỗi trang sách có Giăng Van-giăng hiện lên là mỗi trang đẫm nước mắt yêu thương, mà đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền (SGK Ngữ văn 11, tập hai) là một “tiếng kêu đứt ruột” khiến em và các bạn em khó lòng cầm nổi nước mắt khi được đọc – hiểu; để từ đoạn trích em bỗng nhận ra sức mạnh kì diệu của tình yêu thương. 

Con người là sinh vật nhỏ bé trước thế giới bao la. Con người có thể yếu đuối nhưng cũng thật mạnh mẽ. Có biết bao nỗi đau có khi khiến ta phải khóc, nhưng không thể làm ta lùi bước. Những lúc như vậy, nếu được tình yêu thương tiếp sức, hẳn ta có thêm sức mạnh vượt qua. Vâng! Đó là sức mạnh của Tình yêu thương!

Giăng Van-giăng, vì tình yêu thương mà ông đã chịu nhiều bất hạnh. Để cứu đàn cháu khỏi chết đói ông đã ăn cắp mấy chiếc bánh mì và chịu cảnh tù tội; để cứu người bạn bị xử oan ông đã ra tự thú, và lần này để cứu mạng sống Phăng-tin, ông đã cúi mình, nhún nhường trước con ác thú Gia-ve. Điều gì khiến ông lúc nào cũng hi sinh bản thân mình vì sự sống của người khác nếu không phải là tình yêu thương những con người khốn khổ. Ông có thể làm ngơ trước sự bất hạnh của người bạn để giữ chức thị trưởng, ông cũng có thể bỏ qua sự có mặt của Phăng-tin để bỏ trốn… Nhưng không. Sức mạnh của tình yêu thương đã níu giữ ông. Giăng Van-giăng không thể bình thản trước bất hạnh của người khác – dù bản thân ngay lúc ấy cũng là người bất hạnh. Ông cúi mình trước Gia-ve, ông nói nhỏ, ông cầu xin Gia-ve… ông làm tất cả những gì có thể… để cứu Phăng-tin. Nhưng khi Phăng-tin đã chết – chết trước những lời cay độc của Gia-ve – thì như chúng ta đã thấy, Giăng Van-giăng đã thực sự nổi giận. Sức mạnh uy quyền, sức mạnh cơ bắp, hơn thế sức mạnh của tình yêu thương của ông đã khiến Gia-ve khiếp sợ – một con ác thú lồng lộn đã phải khiếp sợ trước sức mạnh thánh thần, sức mạnh siêu nhiên của tình yêu thương.

Hành động của Giăng Van-giăng sau khi Phăng-tin tắt thở đã làm cả lớp chúng em xúc động… ông như người mẹ sửa sang chăm chút cho con: Ông thắt lại dây rút cổ áo, vén gọn tóc vào trong chiếc mũ vải. Rồi ông vuốt mặt cho chị. Ngòi bút – không, tấm lòng yêu thương của Huy-gô – đã tạo nên nụ cười và gương mặt rạng rỡ của Phăng-tin khi Giăng Van-giăng thì thầm vào tai chị. Thật không thể tin được khi trên đôi môi nhợt nhạt của Phăng-tin da hiện lên một nụ cười – nụ cười không sao ta được! Ôi! Cái chết đến với Phăng-tin đã trở nên nhẹ nhàng hơn… Sau nụ hôn của Giăng Van-giăng, chị thanh thản đi vào cuộc hành trình trong bầu ánh sáng vì dại. Sức mạnh – Vâng? Sức mạnh huyền bí của tình yêu thương một lần nữa đã làm nên kì tích.

Ngày nay, cuộc đời của mỗi chúng ta, hắn không còn gặp phải những hoàn cảnh đau thương như Giăng Van-giăng, nhưng trái tim yêu thương như Giăng Van-giăng hỏi mỗi người còn được bao nhiêu?

Nhà thơ Tố Hữu đã gửi gắm nỗi lòng trong lời thơ:

Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Vâng! Chúng ta, dù trong hoàn cảnh xã hội nào, không thể sống thiếu tình yêu thương. Tình yêu thương không chỉ tiếp cho ta sức mạnh, mà đó là lẽ sống. Gần đây, tôi được đọc một bài báo, viết một câu chuyện cảm động từ lời kể của một người thợ săn. Câu chuyện viết về mẹ con nhà khỉ. Người thợ săn lần theo vết máu thấy khỉ mẹ dắt con trên ngọn cây với một ít hoa quả rồi mới rơi xuống chết. Nó trúng đạn vào bụng. Nhưng sức mạnh của tình yêu thương, của tình mẫu tử thiêng liêng không cho phép nó chết ngay lúc đó. Nó đã gắng gượng đưa con đến nơi an toàn, kiến thức ăn cho con rồi mới chết. Thế mới biết tình yêu thương có sức mạnh biết bao. Loài vật còn thế, còn con người chúng ta thì sao?

Tôi nghĩ sức mạnh của tình yêu thương là sức mạnh vốn tiềm ẩn trong trái tim mỗi người. Mỗi chúng ta, hãy để cho sức mạnh đó hiển hiện trong cuộc sống mỗi ngày.

ĐỀ 35: Từ khơi gợi của tấm lòng yêu thương cao cả của nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền (Những người khốn khổ – V. Huy-gô), anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn có tiêu đề: Sức mạnh của tình yêu thương.
Đánh giá bài viết