Câu 1: Nêu chủ đề bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương.

Câu 2: Tóm tắt đoạn trích Bến quê của tác giả Nguyễn Minh Châu.

Câu 3: Tìm phần trung tâm của các cụm danh từ in đậm. Chỉ ra những dấu hiệu cho biết đó là cụm danh từ.

Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hoá dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại.

(Lê Anh Trà, Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị)

Câu 4: Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Chủ đề bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương.

Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Câu 2: Tóm tắt đoạn trích Bến quê của tác giả Nguyễn Minh Châu.

Gia đình ông Nhi ở bên cạnh dòng sông Hồng. Ông bị ốm nặng. Khi chưa ốm, ông là người có địa vị. Ông được đi công tác ở nhiều nước khác trên thế giới, gót chân ông in khắp mọi chân trời xa lạ. Khi bị bệnh hiểm nghèo, ông ở nhà. Vợ ông lo thuốc thang cho chồng. Tuấn người con trai thứ hai của ông học tại một thành phố phía Nam và mới về thăm ông. Vào những ngày cuối cùng của cuộc đời, ông mới nhận ra những điều tốt đẹp ở vợ và ông rất thương vợ. Đặc biệt, ông đã nhận ra được vẻ đẹp của bãi bồi bên kia bờ sông, nơi mà chưa một lần ông đặt chân tới. Để thực hiện cái điều ham muốn cuối cùng của mình, ông đã bảo Tuấn, con ông thay ông sang bên bãi bồi để chơi một chút hoặc xem hàng quán bên sông bán gì thì mua về. Anh con trai nghe lời bố đi một cách miễn cưỡng. Nhưng rồi người con lại sà vào một đám người chơi phá cờ thế trên hè phố. Mệt quá, không thể tự mình nhích người lên được, ông nhờ các cháu nhỏ hàng xóm đỡ mình ngồi tựa vào gối để có thể nhìn ra cửa sổ, nhìn được sang bên kia sông. Cụ giáo Khuyến, một cụ già hàng xóm, sáng sáng sang thăm Nhĩ. Cụ giáo chợt nhận ra sự khác thường ở Nhĩ khi nhìn thấy mặt mũi Nhĩ đỏ rưng lên khác thường, những ngón tay bấu chặt lấy bậu cửa sổ run lẩy bẩy. Một chuyến đò ngang chở khách vừa chạm mũi vào bờ đất lở dốc đứng phía bên này sông.

Câu 3.

– Phần trung tâm của các cụm danh từ in đậm: ảnh hưởng, nhân cách, lối sống.

– Dấu hiệu nhận biết từ trung tâm của các cụm từ in đậm: lượng từ những, một, một đứng liền ngay trước các từ trung tâm.

Câu 4: Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương.

1. Đặt vấn đề

Bài Viếng lăng Bác được Viễn Phương viết trong không khí xúc động của nhatn dân ta lúc công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng bào miền Nam có thể thực hiện được mong ước viếng Bác. Tác giả cũng ở trong số đồng bào, đồng chí từ miền Nam được ra thăm miền Bắc và vào viếng Bác Hồ.

– Năm 1976, nhà thơ Viễn Phương ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác. Xúc động trước linh cữu Người, trước vẻ đẹp uy nghi của lăng, Viễn Phương đã sáng tác bài thơ Viếng lăng Bác.

– Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.

2. Giải quyết vấn đề

a) Cảm xúc của nhà thơ trước cảnh quan quanh lăng Bác

Câu thơ “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” chỉ gọn như một thông báo, nhưng lại gợi ra một tâm trạng xúc động của một người từ chiến trường miền Nam sau bao năm mong mỏi bây giờ mới được ra viếng Bác. Hình ảnh đầu tiên mà tác giả thấy được và là ấn tượng đậm nét về cảnh quan bên lăng Bác là hàng tre. Đến lăng Bác, tác giả lại nhìn thấy hình ảnh hết sức thân thuộc, bình dị của làng quê Việt Nam qua hình ảnh hàng tre xanh. Cây tre có nhiều đặc điểm đáng quý bền bỉ, dẻo dai, kiên cường, đoàn kết. Vì vậy, cây tre đã trở thành biểu tượng: Cây tre Việt Nam:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi ! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Từ cảm “Ôi!” biểu hiện được niềm xúc động, tự hào của tác giả. Không những vậy, từ “Ôi!” còn cho ta thấy được tâm trạng bâng khuâng, ngỡ ngàng của tác giả trước vẻ đẹp, dáng đứng của hàng tre. Trước “bão táp mưa sa” tre vẫn đứng “thẳng hàng”. Tre như những người lính canh đang ngày đêm bảo vệ cho giấc ngủ ngàn thu của Người. Hình ảnh hàng tre xanh mang ý nghĩa tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc. Tre mang những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Dáng đứng kiên cường của tre biểu trưng cho dáng đứng của con người Việt Nam giữa phong ba bão táp trong bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.

b) Cảm xúc của nhà thơ khi ở trong lăng

Khổ thơ thứ hai là một trong những khổ thơ hay nói về niềm tự hào, thương nhớ Bác của những người vào viếng Bác. Hai dòng đầu khổ thơ, tác giả viết:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Đây là một trong những hình ảnh đẹp. Hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi. Tác giả miêu tả rất đúng và rất hay hình ảnh thực về mặt trời. Hàng ngày, mặt trời của thiên nhiên “đi qua” trên lăng của Người. Đó là mặt trời chiếu muôn ngàn tia sáng rực rỡ, đem lại sự sống cho vạn vật trong vũ trụ bao la. Mặt trời của thiên nhiên đã rất “ngưỡng mộ” một mặt trời khác đang nằm trong lòng: “Thấy một mặt trời trong lòng rất đỏ”. Ví Bác như “mặt trời”, tác giả vừa nói lên được cái vĩ đại của Bác vừa thể hiện được sự tôn kính của nhân dân, của nhà thơ đối với Bác. Cặp câu còn lại của khổ thơ cũng là cặp câu với hình ảnh ẩn dụ sóng đôi. “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ” là hình ảnh thực. Ngày nào cũng từng dòng người từ khắp mọi miền đất đất nước vào lăng viếng Bác. Ai cũng rưng rưng khi đi qua linh cữu của Người. Còn câu “Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” lại là một ẩn dụ đẹp và rất sáng tạo của nhà thơ. Hình ảnh ấn dụ này có tác dụng nhấn mạnh lòng tôn kính của nhân dân ta đối với Bác. Với giọng thơ vừa trang nghiêm vừa tha thiết, với những hình ảnh ẩn dụ sóng đôi, tác giả đã thể hiện được niềm xúc động thiêng liêng của mình, của nhân dân đối với Bác kính yêu.

Khổ thơ thứ ba diễn tả thật xúc động cảm xúc và suy nghĩ của tác giả khi vào lăng viếng Bác. Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian ở bên trong lăng Bác đã được nhà thơ gợi tả rất đạt bằng hai câu thơ giản dị:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền. 

Cụm từ “giấc ngủ bình yên” đã diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo của không gian trong lăng Bác. Đồng thời hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” lại gợi nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác và nghĩ đến những vần thơ tràn đầy ánh trăng của Người. Bằng hình ảnh ẩn dụ, hai câu thơ sau đã diễn tả được tâm trạng xúc động của tác giả khi vào lăng viếng Bác:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước như trời xanh còn mãi mãi. Người đã hoá thành thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Dù vẫn tin như thế nhưng trái tim của tác giả, của mỗi người dân vẫn không thể không đau xót. Điều đó được thể hiện qua cụm từ “nghe nhói ở trong tim”. Bằng sự rung động sâu sắc của con tim, bằng sự quan sát tinh tế, tác giả đã rất thành công khi diễn tả nỗi đau của mình, của dân tộc trước sự ra đi của một con người vĩ đại. Tác giả đã rất đúng khi khẳng định Bác sống mãi trong lòng dân tộc, vĩnh hằng như trời xanh không bao giờ mất đi.

c) Tâm trạng lưu luyến của nhà thơ trước khi trở về miền Nam

Khổ thơ thứ tư diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ. Muốn ở mãi bên lăng Bác, nhưng tác giả cũng biết rằng đến lúc phải trở về miền Nam, chỉ có thể gửi lòng mình bằng cách hoá thân, hoà nhập vào những cảnh vật ở bên lăng Bác để luôn được ở bên Người:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Tác giả muốn luôn được ở bên người cha già kính yêu của dân tộc.

3. Kết thúc vấn đề

– Qua bốn khổ thơ cô đọng, nhà thơ đã thể hiện được niềm xúc động tràn đầy và lớn lao trong lòng khi viếng lăng Bác, thể hiện được những tình cảm thành kính, sâu sắc với Bác Hồ. 

– Bài thơ có giọng điệu phù hợp với nội dung tình cảm, cảm xúc. Đó là giọng vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết đau xót, tự hào, thể hiện đúng tâm trạng xúc động khi vào lăng viếng Bác. Giọng điệu ấy được tạo nên bởi nhiều yếu tố: thể thơ, nhịp điệu của các câu thơ, từ ngữ và hình ảnh.

– Hình ảnh trong thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp cả hình ảnh thực, hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng.

– Bài thơ là tấm lòng là tình cảm thành kính của tác giả, là tấm lòng, tình cảm của nhân dân miền Nam, nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ.

ĐỀ 35 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết