Câu 1: Trong hai trường hợp (a) và (b) sau đây, trường hợp nào có hiện tượng từ nhiều nghĩa, trường hợp nào có hiện tượng từ đồng âm? Vì sao?

a) Từ trong:

Khi chiếc xa cành
không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rơi.
(Hồ Ngọc Sơn – Gửi em dưới quê làng)

và trong: Công viên là phổi của thành phố.

b) Từ đường, trong:

Đường ra trận mùa này đẹp lắm.

(Phạm Tiến Duật – Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây)

và trong: Ngọt như đường

Câu 2: Viết đoạn văn bình khổ thơ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Câu 3: Trình bày hoàn cảnh sáng tác, chủ đề truyện Những ngôi sao xa xôi.

Câu 4: Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh và nói lên cảm nghĩ của em.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

– Ở câu a có hiện tượng từ nhiều nghĩa, vì nghĩa của từ trong lá phổi có thể coi là kết quả chuyển nghĩa của từ trong lá xa cành.

– Ở câu b có hiện tượng đồng âm. Hai từ đường có vỏ ngữ âm giống nhau. Bởi vì nghĩa của từ đường trong đường ra trận không có một mối liên hệ nào với nghĩa của từ đường trong ngọt như đường. Hoàn toàn không có cơ sở để cho rằng nghĩa này được hình thành trên cơ sở của nghĩa kia.

Câu 2: Viết đoạn văn bình khổ thơ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác vào tháng 11 – 1980, khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh, một tháng trước lúc qua đời. Bài thơ như một lời tâm niệm chân thành, lời gửi gắm tha thiết của nhà thơ gửi lại cho đời. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời, thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. Khổ thơ cuối là bản tình ca yêu đời, yêu cuộc sống cất lên từ trái tim ngập tràn tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước:

Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế. “Nam ai, Nam bình” là hai điệu dân ca nổi tiếng của xứ Huế. Phách nhịp là nhạc cụ dân tộc để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn. “Mùa xuân ta xin hát” là câu thơ diễn tả niềm khao khát bồi hồi của tác giả đối với quê hương khi mua xuân đến. Những câu hát dân ca ngọt ngào đằm thắm đã thấm vào tâm hồn một người con xứ Huế. Lúc sắp xa lìa cuộc sống, những câu dân ca ấy lại vang vọng trong tâm hồn nhà thơ, thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương, tự hào về xứ Huế, về đất nước mến yêu. Quê hương đất nước trải dài ngàn dặm: “ngàn dặm mình”, “ngàn dặm tình”. Con người xứ Huế, thiên nhiên xứ Huế, những câu dân ca xứ Huế đều đẹp và ngọt ngào. Tất cả được thể hiện trong những vần thơ giản dị mà đằm thắm của nhà thơ Thanh Hải. Nằm trên giường bệnh mà nhà thơ vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và muốn dâng cho cuộc đời chung một chút tinh tuý của cuộc đời mình. Bài thơ nói chung, khổ thơ cuối nói riêng khẳng định lòng khát khao cống hiến cho đời trong những ngày cuối cùng của Thanh Hải. Chúng ta rất trân trọng và cảm phục trước tấm lòng, trước tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu đất nước của nhà thơ.

Câu 3: 

Hoàn cảnh sáng tác truyện Những ngôi sao xa xôi: Tác phẩm được viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt.

Chủ đề: Câu chuyện ca ngợi tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, tinh thần lạc quan yêu đời của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Qua đó, tác giả ca ngợi thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

Câu 4: Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh và nói lên cảm nghĩ của em.

1. Đặt vấn đề

– Mùa thu là đề tài muôn thuở của thơ ca. Biết bao nhà thơ đã dành tình yêu cho mùa thu của đất trời, mùa thu của lòng người. Mỗi nhà thơ viết về mùa thu với vẻ đẹp riêng của nó. Hữu Thỉnh cũng viết về mùa thu, nhưng lại là thời khắc giao mùa từ hạ sang thu..

– Bài Sang thu được Hữu Thỉnh sáng tác vào cuối năm 1977, in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ, sau đó được in lại nhiều lần trong các tập thơ.

– Vẻ đẹp của thời khắc giao mùa, sự suy ngẫm của con người trước thời khắc giao mùa ấy được thể hiện tinh tế trong bài thơ Sang thu.

2. Giải quyết vấn đề

a) Vẻ đẹp của đất trời trong thời khắc giao mùa hạ sang thu.

* Sự biến đổi của đất trời lúc sang thu:

– Tác giả nhận ra những tín hiệu hạ đang qua và thu đang tới bằng sự chuyển mùa của ngọn gió se và bằng hương thơm của mùi ổi chín.

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se.

Từ “bỗng” diễn tả sự đột ngột nhận ra sự thay đổi của đất trời vào thời khắc giao mùa. Những làn gió thu nhẹ đầu tiên đưa theo hương ổi chín báo hiệu thu đang “tiễn” hạ đi. Không những vậy, dấu hiệu của thu sang còn được tác giả nhận biết qua sự thay đổi của làn sương mỏng, của dòng sông, của tiếng chim và của đám mây. Qua sự cảm nhận của tác giả dường như làn sương thu mỏng cũng “chùng chình” qua ngõ rất chậm rãi. Dòng sông cũng trở nên chậm chạp, thong thả trôi một cách thanh thản gợi lên vẻ êm dịu của bức tranh thiên nhiên. Đám mây cũng như phần làm đôi, một nửa nằm lại ở mùa hè, còn nửa kia vắt sang thu. Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng nhạt dần. Những ngày giao mùa này đã ít đi những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ. Còn những cánh chim bắt đầu vội vã:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu….

Như vậy, nhà thơ đã nhận ra vẻ đẹp của đất trời trong thời khắc giao mùa bằng các giác quan và bằng sự rung động tinh tế của tâm hồn. Chỉ một bài thơ ngắn mà tác giả đã vẽ nên một bức tranh giao mùa bằng ngôn từ. Bức tranh có màu sắc, đường nét, âm thanh,… thật đẹp và sống động. Bức tranh mang theo nét dịu dàng, êm ả của làng quê Việt Nam vào lúc sang thu.

b) Tâm trạng và sự suy ngẫm của nhà thơ trước thời khắc giao mùa.

– Nhà thơ ngỡ ngàng, bâng khuâng trước sự thay đổi của đất trời. Sự ngỡ ngàng, bâng khuâng đó được thể hiện qua các từ “bỗng”, “hình như”.

– Hai dòng cuối của bài thơ đã thể hiện được suy ngẫm của tác giả:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Hai câu thơ vừa mang nghĩa tả thực vừa là một ẩn dụ. Hàng cây không còn bị bất ngờ, bị giật mình vì tiếng sấm nữa. Nhưng qua hình ảnh tả thực, nhà thơ muốn gửi gắm suy ngẫm của mình – khi con người đã từng trải thì cũng sẽ vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời.

3. Kết thúc vấn đề

– Bài thơ Sang thu ngắn nhưng có nhiều hình ảnh đặc sắc, gợi cảm về thời khắc giao mùa hạ sang thu ở làng quê Việt Nam.

– Tác giả sử dụng khá thành công một số biện pháp nghệ thuật tu từ như từ láy, nhân hoá, ẩn dụ. Các biện pháp nghệ thuật này có tác dụng nhấn mạnh vẻ đẹp dịu dàng, êm ả của đất trời khi thu sang.

– Qua bài thơ, ta thấy được lòng yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp rất riêng của thời khắc giao mùa và thấy được tâm trạng, suy ngẫm của nhà thơ trước đất trời, trước cuộc đời.

ĐỀ 34 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết