1. Nhân vật chính của truyện

– Hai nhân vật chính trong truyền thuyết này là Sơn Tinh và Thủy Tinh. Đây không phải là những nhân vật có thật mà là những nhân vật được hư cấu, tưởng tượng ra. Thủy Tinh là Thần Nước, đại diện cho sức mạnh và khát vọng chiến thắng lũ lụt của người Việt cổ.

– Tài năng của mỗi nhân vật chính được miêu tả bằng hàng loạt chi tiết nghệ thuật tưởng tượng kì ảo:

+ Thần Nước: Khi biểu diễn ra mắt vua “gọi gió, gió đến; lô mưa, mưa về”; khi giao chiến với Thần Núi “hô mưa gọi gió làm thành dòng bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước lên cuồn cuộn” khiến “thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước”.

+ Thần Núi: Lúc cầu hôn đã bộc lộ “có tài ba: vẫy tay về phía đông, phía đông nổi côn bãi; bẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi”; khi giao chiến với Thần Nước thì “dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng ngọn núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu”.

– Trong cách mô tả của dân gian, Thủy Tinh có khả năng phá hủy thiên nhiên và môi trường ghê gớm, uy hiếp cuộc sống con người. Ngược lại, tài năng của Sơn Tinh được tác giả miêu tả đầy thiện cảm. Đó là tài bồi đắp, xây dựng cuộc sống làm cho đất đai mở rộng, cuộc sống cộng đồng no ấm, phát triển. Trong tâm linh của nhân dân, Sơn Tinh là phúc thần, một trong tứ bất tử; còn Thủy Tinh là hung thần, một trong bốn tai họa của con người (thủy, hỏa, đạo, tặc). Tư duy thần thoại đã hình tượng hóa sức nước dữ dội và hiện tượng lũ lụt thành kẻ thù hung dữ truyền kiếp của cư dân Việt cổ. Còn Sơn Tinh là ước mơ chiến thắng, chế ngự thiên tai của cư dân Việt cổ được hình tượng hóa. Tầm vóc, tài năng và khí phách của Sơn Tinh là biểu hiện sinh động cho chiến công của người Việt xưa trong cuộc đấu tranh trường kì chống bão lũ ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Như trên đã nói, đây là một trong hai kì tích của thời các vua Hùng vào buổi đầu dựng nước. Kì tích ấy tiếp tục được phát huy mạnh mẽ về sau và cho đến ngày nay.

2. Ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh

Như vậy, cuộc giao tranh dữ dội, quyết liệt hằng năm giữa Thủy Tinh (do đến sau nên không lấy được Mi Nương) và Sơn Tinh (đã đến trước với đầy đủ lễ vật theo yêu cầu của vua Hùng nên rước được Mị Nương về làm vợ) chỉ là cái vỏ hoang đường để chứa đựng ý nghĩa sâu xa mà tác giả dân gian gửi vào trong truyện:

– Phản ánh hiện tượng bão lụt xảy ra hằng năm ở vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ. Đó là cách giải thích mộc mạc, nguyên sơ nhưng thật kì thú và độc đáo về một hiện tượng thiên nhiên có tính li kì. Điều đó thể hiện trí tưởng tượng lãng mạn của người xưa trong việc hình tượng hóa li kì một hiện tượng tự nhiên luôn đe dọa cuộc sống của con người.

– Thể hiện ước mơ của nhân dân ta xưa kia muốn chinh phục tự nhiên, chế ngự thiên tai để bảo vệ cuộc sống bình yên của cộng đồng. Một ước mơ đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được bộc lộ trước hết qua việc vua Hùng yêu cầu đồ sính lễ. Đồ sính lễ mà vua Hùng yêu cầu hai chàng trai mang đến ngay ngày hôm sau là “Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”. Những đồ sính lễ vua yêu cầu là sản vật của vùng rừng núi, nơi Sơn Tinh rất thông thạo, chàng sẽ dễ kiếm nó hơn là Thủy Tinh vốn chỉ quen sống trong nước. Qua việc thách cưới đã thấy vua Hùng tỏ ra thiên vị với Sơn Tinh, dành ưu ái cho Sơn Tinh để chàng chiến thắng Thủy Tinh. Mơ ước đó tập trung chủ yếu ở cái kết của truyện: Kết thúc cuộc chiến hằng năm, bao giờ thắng lợi cũng thuộc về Sơn Tinh. Điều đó được thể hiện trong một hình tượng đầy tráng lệ: “Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu”, “Năm nào cũng vậy, Thần Nước đánh mỏi mệt, chán chê vẫn không thắng nổi Thần Núi… đành rút quân về”.

– Như ở trên đã nói, truyện còn hướng tới việc suy tôn, ca ngợi công lao, uy quyền của các vua Hùng không những trong kì tích chống giặc ngoại xâm mà trong cả công cuộc xây dựng đất nước. Thần Tản Viên là con rể vua Hùng mà vua Hùng lại là người đứng đầu thần dân. Chi tiết nghệ thuật đó trong truyện cho thấy ý thức suy tôn tổ tiên của người Việt cổ: Vua chính là đại diện tối cao cho toàn thể cộng đồng.

3. Đặc sắc về nghệ thuật

– Câu chuyện chống lũ lụt được ẩn trong một chuyện tình thơ mộng, hấp dẫn: Hai chàng trai tài giỏi cùng yêu một cô gái đẹp, kẻ được người không nên sinh oán thù dai dẳng. Các sự việc trong truyện đều có mối quan hệ nhân quả, thúc đẩy nhau khiến sự việc này dẫn đến sự việc kia theo một trật tự hợp lí, có ý nghĩa.

– Những yếu tố kì ảo trong truyện khá đậm thể hiện trí tưởng tượng lãng mạn, bay bổng của tác giả dân gian khiến truyện trở nên li kì và hấp dẫn. Truyện dựng lên bức tranh thiên nhiên hùng tráng, kì vĩ.

4. Sự thật lịch sử trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh

Sự thật lịch sử trong tác phẩm này thể hiện rõ nhất qua những hình ảnh, chi tiết sau:

– Truyện được gắn với một giai đoạn lịch sử (thời gian xảy ra sự việc): đời Hùng Vương thứ mười tám.

– Lũ lụt là hiện tượng xảy ra hằng năm ở vùng Bắc Bộ xưa. Các địa danh được nói đến trong truyện đều thuộc vùng này: núi Tản Viên (thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội), Phong Châu – kinh đô của các vua Hùng (thuộc tỉnh Phú Thọ). Hiện tượng lũ lụt và sức mạnh tàn phá của nó, như đã nói, được khái quát hóa thành hình tượng Thủy Tinh.

– Ngay từ buổi đầu dựng nước, người Việt cổ không những phải chống lại quân xâm lược (kẻ thù “hai chân”) mà còn phải đấu tranh với thiên nhiên (thú dữ), hạn chế thiên tai (phòng chống bão lụt, sạt lỡ đất,…) để duy trì và phát triển cuộc sống. Người Việt cổ Bắc Bộ phải thường xuyên đắp đê, gia cố để chống lụt. Sự thật lịch sử đó, như cũng đã nói, được khái quát bằng hình tượng Sơn Tinh chống lại và luôn chiến thắng Thủy Tinh. 

Với những hình tượng nghệ thuật kì ảo, mang tính biểu tượng và khái quát cao, truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đã giải thích hiện tượng bão lụt hằng năm ở đồng bằng Bắc Bộ nước ta và thể hiện ước mơ, sức mạnh chế ngự thiên tai của người Việt cổ, đồng thời suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của cha ông ta thời các vua Hùng. 

Đề 33: Suy nghĩ về văn bản Sơn Tinh, Thủy Tinh
4.8 (96.15%) 26 votes