Câu 1: Chuyển lời dẫn trực tiếp trong ví dụ sau thành lời dẫn gián tiếp: 

Trong bài Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, ông Phạm Văn Đồng có viết về phong cách giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói, trong bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được”.

Câu 2: Giới thiệu một vài nét về nhà văn Nguyễn Minh Châu, về xuất xứ, chủ đề của truyện Bến quê.

Câu 3: Viết một đoạn văn bình khổ thơ 3 bài Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương.

Câu 4: Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc”. (Sách Ngữ văn 9, tập hai, trang 58).

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để làm sáng rõ ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Chuyển lời dẫn trực tiếp thành lời dẫn gián tiếp như sau:

Bàn về phong cách giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Đồng có viết rằng Hồ Chủ tịch không chỉ giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong mà còn rất giản dị trong lời nói, trong bài viết, vì Người muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được.

Câu 2:

a) Một vài nét về nhà văn Nguyễn Minh Châu:

– Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989).

– Quê huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

– 1950 ông gia nhập quân đội.

– Ông là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học thời kì kháng chiến chống Mĩ.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Dấu chân người lính, Những vùng trời khác nhau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Cỏ lau.

b) Xuất xứ: Truyện ngắn Bến quê in trong tập truyện cùng tên của Nguyễn Minh Châu, xuất bản năm 1985.

c) Chủ đề của truyện Bến quê: Truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc về nhà văn, con người và cuộc đời, thức tỉnh ở mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, của quê hương.

Câu 3: Viết một đoạn văn bình khổ thơ 3 bài Viếng lăng Bác

Năm 1976, nhà thơ Viễn Phương ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác. Xúc động trước linh cữu Bác, trước vẻ đẹp uy nghi của lăng, Viễn Phương đã sáng tác bài thơ Viếng lăng Bác. Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người dân đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.

Khổ thơ thứ ba là một trong những khổ thơ hay diễn tả thật xúc động cảm xúc và suy nghĩ của tác giả khi vào lăng viếng Bác. Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian ở bên trong lăng Bác đã được nhà thơ gợi tả rất đạt bằng hai câu thơ giản dị:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền.

Cụm từ “giấc ngủ bình yên” đã diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo của không gian trong lăng Bác. Đồng thời hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” lại gợi nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác và nghĩ đến những vần thơ tràn đầy ánh trăng của Người. Bằng hình ảnh ẩn dụ, hai câu thơ sau đã diễn tả được tâm trạng xúc động của tác giả khi vào lăng viếng Bác:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước như trời xanh còn mãi mãi. Người đã hoá thành thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Dù vẫn tin như thế nhưng trái tim của tác giả, của mỗi người dân vẫn không thể không đau xót. Điều đó được thể hiện qua cụm từ “nghe nhói ở trong tim”. Bằng sự rung động sâu sắc của con tim, bằng sự quan sát tinh tế, tác giả đã rất thành công khi diễn tả nỗi đau của mình, của dân tộc trước sự ra đi của một con người vĩ đại. Tác giả đã rất đúng khi khẳng định Bác sống mãi trong lòng dân tộc, vĩnh hằng như trời xanh không bao giờ mất đi.

Câu 4: Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

1. Đặt vấn đề

– Thanh Hải là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng miền Nam từ những ngày đầu.

– Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác vào tháng 11 – 1980, khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh, một tháng trước lúc qua đời. Bài thơ như một lời tâm niệm chân thành, lời gửi gắm tha thiết của nhà thơ gửi lại cho đời

– “Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời, thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc”.

2. Giải quyết vấn đề

a) Trước hết bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời

* Tình yêu đất nước, yêu cuộc đời của tác giả thể hiện ở sự rung động của con tim trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, đất trời. | Thanh Hải viết bài thơ này khi đang nằm trên giường bệnh. Nhưng nhà thơ không tuyệt vọng mà vẫn lạc quan, khát khao sống và cống hiến. Phải là người đầy nghị lực và có tâm hồn phong phú nhạy cảm mới xúc động mạnh trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời. Mùa xuân thật đẹp và thơ mộng:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiến
Hót chi mà sang trời.

Một bức tranh thiên nhiên vào mùa xuân ở xứ Huế thật đẹp và tràn trề nhựa sống. Nằm trên giường bệnh mà nhà thơ vẫn rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời. Bức tranh thiên nhiên có đủ màu sắc, âm thanh: màu xanh của dòng sông, màu tím biếc của bông hoa hoà trong tiếng chim chiền chiến kêu vang trời. Cảnh sắc thiên nhiên đẹp nhưng không tĩnh lặng mà rất sống động. Chỉ bằng động từ “mọc”, “hót”, khổ thơ làm bừng lên bức tranh thiên nhiên đẹp tràn trề nhựa sống. Vẻ đẹp ấy đã làm rung cảm tâm hồn nhà thơ, khơi dậy tình yêu cuộc sống tha thiết trong lòng tác giả: 

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Tác giả nâng niu vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời. Vẻ đẹp của thiên nhiên được tác giả cảm nhận bằng thị giác (nhìn thấy các màu sắc), bằng thính giác (nghe tiếng chim chiền chiến hót) và bây giờ vẻ đẹp ấy còn được cảm nhận bằng xúc giác nữa (“Tôi đưa tay tôi hứng”). Có thể nói, tác giả đã dùng nhiều giác quan để cảm nhận vẻ đẹp mùa xuân tươi trẻ của đất trời xứ Huế mộng mơ. Phải là người yêu cuộc sống, tác giả mới có được những vần thơ nồng nàn đến như vậy.

b) Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước của tác giả

Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, nhà thơ chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước. Hình ảnh “người cầm súng”, “người ra đồng” biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động xây dựng đất nước. Tác giả đã tạo nên sức gợi cảm cho câu thơ bằng hình ảnh lộc non của mùa xuân gắn với người cầm súng và người ra đồng: “Lộc giắt đầy trên lưng”, “Lộc trải dài nương mạ”. Mùa xuân của đất trời đọng lại trong hình ảnh của lộc non. Lộc non đã theo người cầm súng và theo người ra đồng. Người lính khoác trên lưng vành lá nguỵ trang xanh. Bằng mồ hôi và sức lao động của mình, người nông dân làm nên màu xanh cho đồng ruộng. Nằm trên giường bệnh mà nhà thơ vẫn cảm nhận được không khí khẩn trương náo nhiệt của dân tộc trong mùa xuân sản xuất và chiến đấu:

Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao

Điệp ngữ “Tất cả như” khẳng định một điều không chỉ cá nhân nào vội vã mà cả đất nước đang hối hả sản xuất và chiến đấu. Tất cả đều vui, náo nức trong mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên, của đất nước. Ở khổ thơ tiếp theo, tác giả tiếp tục suy ngẫm về đất nước:

Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Đất nước ta trải quan bốn nghìn năm lịch sử với bao thử thách “vất vả và gian lao”, nhưng chúng ta không đầu hàng. Đất nước ta “rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Tác giả đã so sánh “Đất nước như vì sao”. Đây là hình ảnh so sánh rất đẹp. Sao luôn lấp lánh trên bầu trời đêm. Sao tồn tại vĩnh hằng trong vũ trụ bao la. Tác giả có một niềm tin vững chắc vào ngày mai tươi sáng của dân tộc: “Cứ đi lên phía trước”. Từ “cứ” mang nghĩa khẳng định về lòng quyết tâm, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam hướng tới tương lai.

c) Bài thơ thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc

– Từ cảm xúc về mùa xuân của thiên nhiên, đất nước, mạch thơ chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân đất nước. Trước hết, tác giả khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước:

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Điệp ngữ “Ta làm” nói lên sự tự nguyện cống hiến của tác giả. Điều tâm niệm được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Đẹp và tự nhiên vì nhà thơ đã dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình. Những hình ảnh chọn lọc được mang một ý nghĩa mới: niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa toả hương sắc cho đời. Tác giả tự nguyện làm một nốt nhạc trầm trong bản hoà ca của đất nước. Với tác giả, một đóng góp dù nhỏ cho đất nước cũng là một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn. Sự sáng tạo đặc sắc nhất của tác giả trong bài thơ là ở hình ảnh mùa xuân nho nhỏ. Hình ảnh ấy cùng với hình ảnh cành hoa, con chim, nốt nhạc trầm xao xuyến,…tất cả đều mang vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường, thể hiện điều tâm niệm chân thành, tha thiết của nhà thơ. Theo tác giả, mỗi người phải mang đến cho cuộc đời chung một nét riêng, cái phần tinh tuý của mình, dù nhỏ bé, góp vào cuộc đời chung. Nhưng dâng hiến, hoà nhập mà vẫn không làm mất đi nét riêng của mỗi người, dù nguyện ước rất khiêm nhường là một nét trầm trong bản hoà ca, nhưng phải là một nét trầm xao xuyến.

Khổ thơ cuối là một bản tình ca yêu đời, yêu cuộc sống. Tình yêu đó được cất lên từ khúc hát của quê hương:

Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình… 

Quê hương đất nước yêu thương, trải dài ngàn dặm: “ngàn dặm mình”, “ngàn dặm tình”. Con người xứ Huế, thiên nhiên xứ Huế, những câu dân ca xứ Huế đều đẹp và ngọt ngào. Tất cả được thể hiện trong những vần thơ giản dị mà đằm thắm của nhà thơ Thanh Hải. Nằm trên giường bệnh mà nhà thơ vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và muốn dâng cho cuộc đời chung một chút tinh tuý của cuộc đời mình. Bài thơ chính là sự cống hiến cho đời trong những ngày cuối cùng của ông. Chúng ta rất trân trọng và cảm phục trước tấm lòng, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu đất nước của nhà thơ.

3. Kết thúc vấn đề

– Mùa xuân nho nhỏ là một sáng tạo độc đáo của nhà thơ Thanh Hải.

– Bài thơ có âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết. Cách gieo vần liền giữa các khổ thơ tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.

– Giọng điệu bài thơ thể hiện đúng tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Ở đoạn đầu giọng vui, say sưa. Ở đoạn sau bộc bạch những tâm niệm của tác giả, giọng thơ trầm lắng, tha thiết. Đoạn kết, giọng thơ tha thiết và sôi nổi.

– Mùa xuân nho nhỏ là một bài thơ hay. Nhà thơ nguyện làm một mùa xuân, nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường là một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung.

ĐỀ 33 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết