BÀI LÀM

Nguyễn Thành Long sáng tác truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa vào năm 1970, trong một chuyến đi thực tế ở Sa Pa- vùng núi sương mù. Truyện có cốt truyện đơn giản, xoay quanh tình huống gặp gỡ bất ngờ giữa ông hoạ sĩ già, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm công tác ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Nhân vật chính của truyện – anh thanh niên, chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng khó quên.

Nhân vật này không xuất hiện ngay từ đầu truyện mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ tình cờ với các nhân vật khác: ông họa sĩ, bác lái xe, cô kĩ sư. Dẫu chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cho các nhân vật khác kịp ghi nhận một ấn tượng, một “Kí hoạ chân dung” về anh. Và dường như, anh lại khuất lấp vào trong mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi rừng Sa Pa. Qua cách nhìn và cảm xúc của các nhân vật khác, hình ảnh anh thanh niên trở nên rõ nét và đáng yêu hơn. Vậy, những nét đẹp trong tâm hồn và tính cách của anh thanh niên này là gì?

Dù sống và làm việc trong một hoàn cảnh khó khăn nhưng anh vẫn có lòng yêu đời, yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc.

Người thanh niên này chỉ mới hai mươi bảy tuổi, cái tuổi đẹp đẽ, sôi nổi, yêu đời, say mê hoạt động nhưng cũng cần được hoà nhập với mọi người. Vậy mà, khi rời khỏi ghế nhà trường, anh quyết định xa chốn phồn hoa đô thị, lên vùng núi Sa Pa, làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét. Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thật là khắc nghiệt: phải sống “một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo”. Không có ai để bầu bạn, sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống. Đối với một người còn trẻ như anh, việc phải một mình vượt qua sự cô đơn, không có lấy một bóng người quanh năm suốt tháng quả là điều gian khổ chẳng gì bằng. Công việc của người thanh niên này là: “Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc ấy nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi phải có sự chính xác, tỉ mỉ, và nhất là phải biết vượt qua những thử thách, khắc nghiệt của thời tiết bất thường ở chốn núi rừng. Ta hãy lắng nghe lời tâm sự của người con trai này với ông hoạ sĩ già: “Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết nữa đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay ra tắt… Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật là dễ sợ”.

Rõ ràng, ta thấy công việc ấy chẳng đơn giản chút nào mà rất gian khổ, đòi hỏi ở anh một sự tự giác cao.

Vất vả, gian khổ là thế nhưng người con trai ấy vẫn không nản lòng, vẫn vượt qua tất cả bởi anh là người có lòng yêu nghề sâu sắc, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

Dù trời có lạnh giá, mưa tuyết đến cỡ nào, đến giờ ốp, anh cũng phải trở dậy, ra ngoài trời làm công việc của mình. Người thanh niên ấy nhận thức rất rõ rằng công việc của mình là có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Khi biết được, một lần, do phát hiện được một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của quân ta, bắn rơi nhiều máy bay Mĩ ở cầu Hàm Rồng, anh thanh niên thấy mình thật là hạnh phúc.

Sự gắn bó với công việc đến say mê khiến anh không cảm thấy cô độc, lẻ loi: “Khi ta làm việc, ta mới công việc là đôi chứ sao gọi là một mình được. Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”. Anh không thấy gian khổ và cũng chẳng thấy cô đơn vì anh đã tìm được cho mình niềm vui trong cuộc sống bằng công việc thầm lặng này. 

Càng đọc tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, ta càng phát hiện ra những nét đẹp đáng yêu, đáng quý của nhân vật chính. Con người cô độc nhất thế gian này còn là người yêu đời, yêu cuộc sống, biết tìm nguồn vui khác ngoài công việc. Anh ham mê đọc sách và nghiên cứu sách vở, tự lo liệu để thường xuyên có được sách đọc. Nhân vật đã tâm sự với cô kĩ sư trẻ: “Cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà.” Nó là một món ăn tinh thần không thể thiếu, làm cho cuộc sống của anh không còn buồn tẻ, cô đơn. Người thanh niên này đã xem những cuốn sách như những người bạn của mình. Rồi anh còn trồng hoa, nuôi gà để tạo cho vẻ đẹp cuộc sống tinh thần thêm phong phú. Ta không thể quên được thái độ ngạc nhiên của ông hoạ sĩ và cô kĩ sư trẻ khi sau gần hai ngày đường, qua ngót bốn trăm cây số đường dài, cách xa Hà Nội, “đứng trong mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng kia, lại gặp hoa đơn, hoa thược dược vàng, tím, đỏ, hồng… ngay lúc dưới kia là mùa hè”. Họ thật bất ngờ vì điều này và càng bất ngờ hơn nữa khi chính họ lại thấy “căn nhà ba gian sạch sẽ” của anh với các đồ đạc được xếp một cách gọn gàng, ngăn nắp. Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần nhưng người thanh niên ấy vẫn biết sắp xếp, lo toan cuộc sống riêng ngăn nắp, ổn định.

Đến với Lặng lẽ Sa Pa, người đọc không thể quên được tấm lòng đôn hậu, thái độ cởi mở, chân thành, biết quý trọng tình người nơi anh thanh niên. Người con trai ấy khát khao được gặp gỡ, được trò chuyện với mọi người và “thèm người” đến nỗi, phải kiếm một khúc gỗ lăn ra đường cho xe dừng lại, để khách phải xuống cho anh nhìn, anh hỏi han, giao tiếp với họ không kể dù quen hay dù lạ. Người đọc thấy thật cảm động khi nhân vật chính của chúng ta lo lắng tìm thuốc quý – đào củ tam thất – để chữa bệnh cho vợ của bác lái xe. Tuy mới gặp cô gái và ông hoạ sĩ lần đầu nhưng anh đã đón tiếp với một thái độ rất nồng nhiệt: hỏi han, tâm sự, tặng hoa… Một hình ảnh còn đọng lại mãi trong mắt người đọc là khi họ đến thăm nơi anh trở về, người thì xách làn trứng gà, người thì ôm bó hoa tươi rất đẹp bước dần xuống núi. Dẫu không phải là những vật chất cao sang nhưng tất cả đều là biểu hiện của một tấm lòng yêu thương, đối xử chân tình với đồng loại.

Giữa núi rừng Sa Pa lặng lẽ, cuộc sống tinh thần cũng như tâm hồn anh sáng như pha lê. Tính cách ấy, tâm hồn ấy đã làm cho người hoạ sĩ già cảm thấy “nhọc” trước sự xuất hiện bất ngờ của một đối tượng nghệ thuật mà bấy lâu nay ông đang khó lòng tìm kiếm. Còn cô gái trẻ lại cảm thấy “bàng hoàng” và “hàm ơn” vì những điều mà ngẫu nhiên anh mang đến cho CÔ. Vẻ đẹp hồn nhiên, chân thật của anh đã tác động lớn đến tâm hồn mọi người. Ấy vậy mà khi nói đến sự làm việc lẻ loi, anh không muốn nói về mình mà để cập ngay đến người khác: “Một mình thì anh bạn trên đỉnh Phan xi păng cao ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét kia mới một mình hơn cháu”. Còn khi người hoạ sĩ già muốn vẽ anh, anh lại bảo: “Bác đừng mất công vẽ cháu” và giới thiệu ông kĩ sư vườn rau dưới Sa Pa, đồng chí cán bộ nghiên cứu sét, họ là những người đáng được vẽ hơn. Anh thấy sự đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé, không đáng được đề cao. Chính sự khiêm tốn này đã làm cho hình ảnh của người thanh niên trở nên cao đẹp và đáng kính hơn. 

Đọc Lặng lẽ Sa Pa, ta chợt nhớ đến những nhân vật không tên, là những cô thanh niên xung phong trong thơ Phạm Tiến Duật, là anh giải phóng quân trong “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân, là những nhân vật không tên khác trong tác phẩm… Họ đều là những con người anh hùng. Những con người này đã gặp nhau ở một điểm: ngày đêm làm việc cho đất nước một cách lặng thầm, không chút ồn ào, khoa trương, với một tinh thần sôi nổi, lạc quan. Tâm hồn họ đẹp đẽ và trong sáng. Nhờ có nhiều và rất nhiều những con người như thế mà công cuộc dựng nước và giữ nước của đất nước Việt Nam ta ngày hôm nay mới đi đến thắng lợi và đang trên đà phát triển, sánh vai kịp với các cường quốc năm châu.

Nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa đã làm cho người đọc yêu mến bởi những vẻ đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống cũng như ý nghĩ của anh về công việc và cuộc đời. Mỗi chúng ta cũng cần xây dựng cho mình cách sống cao đẹp ấy: sống là cống hiến, là cho đi cái “mùa xuân nho nhỏ” của mình như lời thơ giản dị nhưng đầy ý nghĩa của nhà thơ Tố Hữu:

Đã là con chim, chiếc lá 
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả? 
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.

  Nguồn website giaibai5s.com     

Đề 31: Phân tích hình tượng nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
Đánh giá bài viết