Đề 3: Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

BÀI LÀM

Nếu như chức năng của thần thoại là nhận thức và lí giải các hiện tượng trong tự nhiên thì chức năng của truyền thuyết chủ yếu là nhận thức và lí giải lịch sử. Do đó truyền thuyết chủ yếu hướng vào đề tài lịch sử, nhằm phản ánh, lí giải các sự kiện lịch sử trọng đại, các nhân vật lịch sử có vai trò và ảnh hưởng lớn đối với sự tồn tại, phát triển của cộng đồng. Nội dung chủ yếu của truyền thuyết thường chia làm hai phần. Phần cốt lõi của những sự kiện, nhân vật lịch sử được phản ánh và phần tâm tình ý nguyện của nhân dân được gửi gắm vào trong đó. Một trong những truyền thuyết tiêu biểu viết theo môtip đó là truyền thuyết thần Kim Quy (truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy).

Đây là một truyền thuyết lớn, một tấm bi kịch lịch sử, phản ánh được những nét cơ bản của lịch sử dân tộc thời kì Âu Lạc (thế kỉ thứ ba và thứ hai trước Công nguyên). Nó đã được đông đảo quần chúng nhân dân lưu truyền, hâm mộ và thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu sử học, văn học, nhiều nhà thơ như Cao Bá Quát, Tản Đà, Xuân Diệu, Tố Hữu… đã làm thơ về truyện này nhất là về nhân vật Mị Châu:

Một đôi kẻ Việt, người Tàu.                 
Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương
Vuốt rùa chàng đổi móng                     
Lông ngỗng thiếp đưa đường               
Tinh nhi nữ việc quân vương                
Niệm gấm vô cảm                                  
Trăm năm giọt lệ                                    
Ngọc trai nước giếng                             
Nghìn thu khói nhang                             

(Tản Đà)

Tôi kể người nghe chuyện Mị Châu          
Trái tim lầm chỗ để trên đầu                     
Nỏ thần vô ý trao tay giặc                         
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu                      

(Tố Hữu)

Nội dung của truyền thuyết này đi sâu lí giải sự thất bại của An Dương Vương: Truyền thuyết gồm hai phần chính (có khi được kể làm hai chuyện).

Phần 1: nói về việc An Dương Vương xây thành, chế nỏ và đánh thắng quân xâm lược Triệu Đà lần thứ nhất, khiến Triệu Đà phải rút lui.

Phần 2: nói về việc An Dương Vương mắc mưu Triệu Đà nhận lời cầu hòa, cầu hôn cho Trọng Thủy ở rể, mất cắp nỏ thần và cuối cùng thất bại, nước mắt, nhà tan.

Ở phần thứ nhất truyền thuyết tập trung nói về việc An Dương Vương xây thành, chế nỏ. Nỏ thần ở đây là loại vũ khí đánh từ xa, chưa có ở thời kì Thánh Gióng. Việc xây Loa Thành hình tròn ốc cũng làm một bước phát triển mới của thời kì Âu Lạc so với thời kì Văn Lang. Thần Kim Quy là lực lượng siêu nhiên xuất hiện để giúp đỡ An Dương Vương xây thành. Chế nó chính là sự thần thánh hóa một nhân vật lịch sử có thật ở thời kì Âu Lạc đó là Cao Lỗ – người có tài chế nỏ liên châu. Việc xây dựng thành Cổ Loa gặp nhiều khó khăn trở ngại là có thực. Nếu ở Thánh Gióng tác giả dân gian tập trung phản ánh thể hiện hình ảnh người chiến sĩ trực tiếp đánh giặc ở chiến trường, là sự khái quát hóa, hình tượng hóa đội quân chống xâm lược đầu tiên của quân đội ta thời kì Văn Lang. Thì đến truyện An Dương Vương tác giả dân gian lại tập trung phản ánh và thể hiện vai trò quan trọng, những phẩm chất cần thiết của người chỉ huy, lãnh đạo cộng đồng dựng nước và giữ nước.

Mưu trí và sự tỉnh táo là điều kiện không thiếu đối với nguồn chỉ huy. Ở thời kì đầu, An Dương Vương được Thần Kim Quy giúp đỡ nên đã xây dựng được thành và đánh thắng quân xâm lược Triệu Đà. Nhưng sau khi giành được thắng lợi An Dương Vương đã chủ quan ỷ lại vào thành trì, vũ khí nên ham mê chơi bời (đánh cờ) dẫn đến thất bại đau đớn. Như vậy, ở đây Thần Kim Quy là vị thần mưu trí. Khi có mặt thân thì An Dương Vương tỉnh táo nhưng khi thần ra đi thì An Dương Vương lại mất hết sự sáng suốt trở nên u mê. Nghĩa là con người còn dựa nhiều vào lực lượng siêu nhiên, phải có sự giúp đỡ của lực lượng thần kì thì người anh hùng mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Điều này chứng tỏ vai trò rất lớn của lực lượng siêu nhiên trong thể loại này.

Biết An Dương Vương có thành Cổ Loa kiên cố và có chiếc nỏ thần kì. Triệu Đà đã lập mưu cầu hóa và cho con trai Trọng Thủy sang cầu hôn nàng Mị Châu, An Dương Vương đã nhận lời. Đây là một sai lầm hết sức to lớn. Bởi điều đó chứng tỏ sự mất cảnh giác của An Dương Vương với kẻ thù của mình. Từ sai lầm của cha dẫn đến sự sai lầm của con. Sai lầm thứ nhất là Mị Châu cho Trọng Thủy vào nơi cất nỏ thần để Trọng Thủy biết được bí mật và đánh tráo nó. Sai lầm thứ hai là sau khi cho Trọng Thủy xem nỏ thần, Trọng Thủy đòi về thăm cha, Mị Châu đã ngây thơ tin theo lời chàng. Không một chút nghi ngờ, khi Trọng Thủy nói: Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở lại thăm cha đến lúc hai nước bất hòa, nam bắc cách biệt ta muốn tìm nàng lấy gì làm dấu. Nhưng Mị Châu vì quá yêu chồng nên không lường trước được mà tin một cách mê muội. Nàng nói: Thiếp phận nữ nhi, nên gặp cảnh biệt li thì đau đớn khôn xiết. Thiếp có chiếc áo lông ngỗng thường mặc trên mình. Đến ngã ba đường thiếp bút lông làm dấu, chàng cứ theo vết lông ngỗng đến ta sẽ cứu được nhau. Mị Châu không hề nghĩ rằng chồng mình sẽ phản bội. Quân Triệu Đà đưa binh sang đánh, An Dương Vương vô cùng bình thản. Khi nghe quân cấp báo giặc đến gần, An Dương Vương vừa ngồi đánh cờ còn nói rằng: Quân và không sợ nỏ thần sao?. Chi tiết này nói lên sự chủ quan khinh địch của An Dương Vương. Ông chỉ biết dựa vào nỏ thần nên đánh mất cảnh giác. Và chính sự mất cảnh giác đã dẫn đến nước mất nhà tan và bi đát hơn trên đường cho con chạy trốn, Mị Châu lại chính là người chỉ đường cho Trọng Thủy đi theo. Cho đến khi hai cha con đứng bên bờ biển không còn lối thoát An Dương Vương đã hét lên: “Trời hại ta! Sứ Thanh Giang mau mau cứu ta!”. Đến giờ phút ấy An Dương Vương vẫn nghĩ là “trời hại ta”. Nhưng điều mà nhà vua không thể ngờ tới, kẻ thù hại cho không ai xa lạ, chính là đứa con gái của mình. Thần Kim Quy hét lớn: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó”. Tiếng hét của Thần Kim Quy giống như tiếng sét ngang tai, nhà vua không thể ngờ đến. 

Đã quá muộn, không còn con đường nào khác là phải giết kẻ thù của mình. Ở đây không còn là câu chuyện cha giết con mà là hành động của vua với kẻ phản nghịch đất nước. An Dương Vương phải dứt tình máu mủ, hi sinh tình cha con để bù đắp phần nào lỗi lầm gây ra.

Tiếng thét lớn của Thần Kim Quy nói lên sự phẫn nộ của đất nước Âu Lạc đối với sai lầm của hai cha con. Câu nói Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó rất đúng. Tại sao Thần Kim Quy không nói Mị Châu là giặc? Phải chăng vì Mị Châu là giặc một cách vô ý thức. Mị Châu vì quá tin người, đúng hơn là lòng tin của nàng bị đánh cắp. Nàng chấp nhận cái chết như là sự trả giá cho sai lầm của mình. Nàng sẵn sàng chết để chứng minh cho cha nàng thấy nàng không hề phản bội lại Tổ quốc. Lời cầu xin trước khi chết được hóa thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù và tỏ dạ trong trắng với cha, với Tổ quốc chứng minh cho tấm lòng trong trắng của người con gái ấy. Về phía Trọng Thuỷ chàng cầu hôn với Mị Nương không phải vì tình yêu mà vì mục đích chính trị, nhằm thực hiện âm mưu của cha mình đã sắp đặt. Về sau chàng đã thực sự yêu Mị Châu. Nhưng vì đất nước mà chàng phải dối lòng mình. Khi chàng theo vết dấu lông ngỗng chạy ra biển cũng là lúc Mị Châu đã bị vua cha chém đầu, chàng ôm Mị Châu vào lòng, bế nàng về táng ở Loa Thành, rồi Trọng Thủy cũng lao đầu xuống giếng mà chết. Máu của Mị Châu chảy xuống biển trai sò ăn vào thành ngọc trai. Đây cũng là minh chứng cho tình yêu chân thành của Trọng Thủy.

Câu chuyện kết thúc trong bi kịch. Đó là bi kịch về sự mất cảnh giác và mất nước. Bi kịch về tình yêu của Mị Châu và Trọng Thủy. Đó là bi kịch của tình yêu và tham vọng. Sự phong phú nhưng hàm súc về nội dung, cùng với sự chặt chẽ trong kết cấu, độc đáo trong cách thể hiện đã làm cho truyền thuyết này có một sức sống, sức hấp dẫn đặc biệt. Đó cũng là nguyên nhân khiến nó trở thành đề tài cho nhiều ngành nghệ thuật đã khai thác, chuyển thể, sử dụng.

Đặng Thị Thúy- ĐH Hồng Đức

Đề 3: Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy
Đánh giá bài viết