GỢI Ý LÀM BÀI

Đây là bài nghị luận về một hiện tượng đời sống

a) Yêu cầu về nội dung: Từ một hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống, đề văn đòi hỏi người viết bàn về một vấn đề có ý nghĩa trong đời sống. Do đó cần thể hiện:

Luận đề: Nghị lực và khát vọng sống của con người

– Các ý cần triển khai:

+ Ý nghĩa xã hội của hiện tượng tự nhiên: Nghị lực sống của con người có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách…

+ Những biểu hiện nghị lực sống dễ dàng tìm trong văn học, ngoài cuộc sống xưa và nay.

+ Những bài học bổ ích mà tuổi trẻ có thể nhận ra từ hiện tượng tự nhiên và xã hội nói trên…

b) Yêu cầu về cách viết

Thao tác lập luận: Tương tự như bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, với bài này, ta có thể dùng giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận.

– Về dẫn chứng có thể phối hợp dẫn chứng trong văn học và trong thực tế cuộc sống.

– Về dung lượng: Đây là bài viết 2 tiết nên có thể viết dài, nội dung phong phú, không gò trói 400 từ như bài thi tốt nghiệp Phổ thông hoặc 600 từ như bài thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng.

BÀI LÀM

Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. Bạn có suy nghĩ thế nào nếu trông thấy cảnh đó? Riêng tôi, tôi cho rằng đây là một hình dung rõ rệt cho cái quy luật, cũng là cái bản chất tích cực của cuộc sống: Trong hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt, sự sống vẫn xuất hiện, cái đẹp vẫn hiện hữu ngay trước mắt ta.

Bất kì hiện tượng nào trong cuộc sống cũng toát ra một ý nghĩa nhất định. Thử hình dung hiện tượng thiên nhiên trên đây là một bức tranh phong cảnh, bạn đang quan sát, nhìn ngắm nó. Chắc chắn bạn sẽ thấy thú vị bởi ý nghĩa mà người hoạ sĩ gửi gắm trong bức tranh. Trước hết về hình thức, tôi thấy có sự đối lập giữa một bên là vùng đất khô cằn và một bên là cây hoa dại đang nở. Hình ảnh vùng đất sỏi đá, thiếu nước ấy gợi liên tưởng đến nơi mà điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, không một loài cây nào có thể tồn tại và phát triển được. Còn hình ảnh cây hoa dại kia lại gợi đến vẻ đẹp xanh tươi, đầy sức sống của thiên nhiên. Đây phải chăng là một nghịch lí đi ngược lại quy luật phát triển của tự nhiên? Nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: “Sự sống chẳng bao giờ là chán nản”, nên điều tưởng chừng nghịch lí ấy theo tôi lại hoàn toàn hợp lí. Sự sống bao giờ cũng mạnh hơn cái chết. Sức sống của một loại cây dại tiềm ẩn sức mạnh vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt. Điều này tương tự như những con người có nghị lực phi thường vậy. Trong gian khổ thử thách họ có thể đứng vững, có thể vượt, thậm chí quay lại cải tạo khó khăn biến nó thành thuận lợi để đạt tới thành công. Như vậy thông điệp của bức tranh gửi đến người thưởng thức thật giản đơn nhưng vô cùng sâu sắc: sự sống, sức sống là bất diệt. Nó sẽ tranh đấu với những gì muốn vùi dập nó để tồn tại vươn lên, hướng về những điều tốt đẹp nhất.

Suy nghĩ về hình ảnh những bông hoa nở trên mảnh đất khô cằn, nhận thức được triết lí về sự sống như vậy. tôi nhớ đến truyện Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, nhớ đến hình ảnh anh cu Tràng dẫn vợ về xóm ngụ cư trong sự bao vây của cái chết. Chúng ta biết rằng, khi hai con người tự nguyện gắn kết với nhau nên vợ nên chồng thì đó là khởi đầu của sự sống. Còn cái chết trong câu chuyện này hiện về qua hình ảnh đám người nằm la liệt bên đường bầy quạ đậu đen đặc trên ngọn gạo hay qua mùi khói đốt đống giấm. Tràng và cô gái đi tới đâu, cái chết theo sát tới đó. Trong bối cảnh của nạn đói năm 1945, xóm ngụ cư hiện lên thật u ám, tăm tối. Tôi đã cho rằng Kim Lân sẽ nhấn mạnh vào chi tiết đó để người đọc thấy được tình cảnh thảm hại của dân ta dưới ách thống trị của phát xít Nhật, dễ gây nỗii thương cảm xót xa. Nhưng ở đây, nhà văn lại đặc biệt thể hiện sự giao tranh thách thức giữa sự sống và cái chết. Việc Tràng lấy vợ vào năm đói thật kì lạ, khác thường, đi ngược lại lẽ tự nhiên: người ta chỉ lấy nhau lúc nhà ăn nên làm nổi. Điều nghịch lí này cũng giống như việc cây hoa dại kia mỌC giữa vùng đất xấu vậy. Tôi đã đọc được ở đâu đó câu nói thế này: Chân lí khi đã đạt tới độ sâu xa, vẫn hay biểu hiện thành nghịch lí. Vậy phải chăng những nghịch lí trên đây chứng minh cho một chân lí: “sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong gian khổ hi sinh” – (Mùa Lạc – Nguyễn Khải). Tràng và cô gái đã đi trong tư thế của sự sống tuyên chiến với cái chết để rồi giành thắng lợi. Tràng lấy vợ làm cả căn nhà của bà cụ Tứ, cả xóm ngụ cư bừng lên sinh khí. Những con người đói khổ trong chốc lát đã quên đi cảnh thực tại để nghĩ về một điều gì đó tốt đẹp, để tiếp tục hi vọng sống. Trở lại với hình ảnh thiên nhiên trong bức tranh, rõ ràng khi nhìn ngắm cây hoa dại với những chùm hoa thật đẹp ta quên đi một vùng đất sỏi đá khô cằn. Có thể bạn cho rằng cái tình huống quá độc đáo trong Vợ nhặt chẳng bao giờ có thật. Đúng là như thế, nhưng nhìn vào ý nghĩa vào tư tưởng tác phẩm, tôi thấy lo đã thể hiện một triết lí thực ở đời: sự sống luôn bất diệt. 

Sự bất diệt, sự mạnh mẽ của sức sống, lòng ham sống còn được nhà văn Nguyễn Trung Thành thể hiện rõ nét qua hình tượng cây xà cừ trong tác phẩm Rừng xà nu. Nằm trong tầm đại bác của giặc, rừng xà cừ được miêu tả như là đối tượng của sự tàn phá và huỷ diệt. Ca rừng xà cừ hàng vạn cây không cây nào không bị thương, có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình… chỗ vết thương nhựa ứa ra rồi bấm lại như cục máu lớn. Như vậy, xà cừ luôn trong tư thế của sự sống đối mặt với sự huỷ diệt. Hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh dường như muốn cản trở sự vươn lên của các mầm cây. Nhưng đáng khâm phục biết bao cây xà cừ vẫn sinh sôi, tồn tại. Cạnh một cây ngã xuống có 4, 5 cây non mọc lên. Bản năng tự bảo tồn, sự khát khao vươn tới bầu trời ánh sáng đã khiến rừng cây ấy chiến thắng bom đạn kẻ thù. Tôi có cảm giác tại nơi khắc nghiệt này, sự sống vẫn luôn bất diệt ngay trong huỷ diệt. Nếu soi chiếu hình ảnh cây xà cừ với con người Xô Man, ta sẽ thấy điểm chung nổi bật là sức sống mãnh liệt. Người Xô Man, thân thể, trái tim họ đầy thương tích. Có những người đã chết để bảo vệ quê hương như: bà Nhan, anh Quyết, Mai. Song con người Xô Man, con người Tây Nguyên trong những ngày đánh giặc vẫn sống bền bỉ, kiêu hùng, đấu tranh cho khát vọng tự do. Đây chính là phẩm chất đáng tự hào của những con người Việt Nam yêu nước suốt những năm bị giặc xâm chiếm. Câu chuyện trong tác phẩm Rừng xà cừ đâu phải là văn chương mà chính là thực tế cuộc sống của nhân dân ta thời chống Mỹ cứu nước. Tôi không được trải qua hay chứng kiến thời kì gian khổ ấy của dân tộc, nhưng thông qua những tác phẩm như Rừng xà cừ – tác phẩm văn học với nhiệm vụ phản ánh chân thực cuộc đời, tôi thấy được sức sống của con người Việt Nam chúng ta thật bền bỉ, đáng khâm phục biết bao. Đúng là chẳng khác nào bông hoa sen vươn lên giữa chốn bùn nhơ.

Trong cuộc sống, khi con người đối mặt với tận cùng của nỗi tuyệt vọng, đối mặt với ranh giới giữa thành công và thất bại, giữa sự sống và cái chết thì niềm tin về một điều nghịch lí, một kì tích mới trỗi dậy mạnh mẽ. Chắc hẳn các bạn đều biết thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí – quê ở Nam Định -thuở bé bị liệt cả hai tay, cuộc sống tưởng chừng tuyệt vọng. Vậy mà thầy vẫn luyện viết bằng hai chân và quyết chí học tập giỏi, rèn luyện nghị lực, ngày nay trở thành giáo viên giỏi, nhà thơ tài hoa. Gần đây, ở tỉnh Đồng Tháp, nhân dân xôn xao, tuổi trẻ cảm mến bạn Đỗ Minh Hội bị bệnh ròn xương bẩm sinh – gọi là “chú bé xương thuỷ tinh” – suốt ngày nằm một chỗ, vậy mà tự học thành tài. Mười sáu tuổi, Hội đã có khả năng vào mạng để hỗ trợ quản trị mạng blog.com giúp ích cho biết bao máy tính của toàn tỉnh hoạt động ổn định. Nghị lực sống của bạn Hội kì diệu biết bao. Trên thế giới, nhiều người truyền tụng Giáo sư tiến sĩ Stenphen Wiliam Hawking – người Anh – bị bệnh liệt toàn thân đã dùng một ngón tay trỏ gõ trên phím của máy tính viết ra hàng chục cuốn sách trình bày những phát minh về lỗ đen, Lược sử thời gian, Vũ trụ trong một chiếc hạt nhỏ cung cấp những tri thức cực kì quan trọng cho công cuộc nghiên cứu vũ trụ và sự sống của hành tinh chúng ta. Còn biết bao tấm gương sống nghị lực, kiên cường vượt qua và chiến thắng khó khăn, chiến thắng cái chết mà hằng ngày, hằng giờ chúng ta từng chứng kiến, hoặc nghe kể lại. Tôi chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh nào thực sự khốc liệt, khó khăn nhưng đã từng đánh mất niềm hi vọng vào bản thân, những niềm hi vọng nhỏ nhoi. Nhưng tôi còn biết có những bạn trẻ vì quá tuyệt vọng mà đã tìm đến cái chết một cách ngu ngốc. Tuổi trẻ với bao hoài bão tốt đẹp để hướng về tương lai phía trước lại dễ đầu hàng hoàn cảnh thế sao? Tôi cho rằng ngoài những lời răn dạy của cha mẹ, của thầy cô về rèn luyện đạo đức, mỗi người chúng ta cần tự giáo dục về ý nghĩa của cuộc sống, những triết lí sinh tồn, hay về nghị lực sống để vượt qua hoàn cảnh khó khăn là điều vô cùng cần thiết. Đó sẽ là hành trang để những bạn trẻ như tôi vững bước hơn trên đường dài, tin tưởng vào kết quả tốt đẹp phía trước. Mỗi khi nản lòng, mỗi khi tuyệt vọng, bạn hãy nghĩ rằng cây hoa dại kia còn có thể tự mọc trên vùng đất khô cằn lẽ nào mình khuất phục hoàn cảnh, cần phải tranh đấu vì đó là cách bạn nhận ra khả năng của chính mình.

Chỉ một hiện tượng thiên nhiên cũng là hiện tượng đời sống như vậy, tôi nghiệm ra thật nhiều điều bổ ích. Tôi quý trọng sức sống của cây hoa dại bao nhiêu tôi càng trân trọng, khâm phục nghị lực sống, sức sống con người bấy nhiêu. Từ đó tôi tự tự thấy cho mình một niềm tin vững chắc, có cố gắng nỗ lực nhất định sẽ vượt được mọi khó khăn, sẽ giành mọi thắng lợi.

ĐỀ 28: Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. Phát biểu suy nghĩ của anh (chị) được gợi ra từ hiện tượng nêu trên.
Đánh giá bài viết