1. Trong một bài thơ, tính chất nổi bật vẫn là chất trữ tình, nghĩa là bài thơ cho thấy tình cảm, thái độ của chủ thể trữ tình. Tuy nhiên, trong bài thơ này, các yếu tố mang tính chất kể, liệt kê,… đó là hoàn cảnh tạo nên tình huống của câu chuyện, là sự việc liên quan đến nhân vật được kể diễn ra trong tình huống ấy, là thời gian và không gian của câu chuyện.

– Thời gian và không gian của câu chuyện được kể không được cụ thể hóa, nhưng nếu đặt bài thơ vào bối cảnh của Chiến dịch Biên giới năm 1950 thì vấn đề thời gian, không gian sẽ trở nên cụ thể. Trước hết đó là một buổi tối, khi đêm đã về khuya. Nơi xảy ra câu chuyện là một “Mái lều tranh xơ xác”, tại một khu rừng trên đại ngàn biên giới, nơi các chiến sĩ đang nghỉ qua đêm để ngày mai lại tiếp tục hành quân ra mặt trận.

– Trong “Mái lều tranh xơ xác” đó, Bác Hồ cũng dừng chân nghỉ lại. Đây là cuộc gặp gỡ bất ngờ với vị lãnh tụ kính yêu của “anh đội viên”. Thời tiết cũng bất thường vì “Ngoài trời mưa lâm thâm”, lạnh giá. Do đó, sự việc mà anh đội viên nhận thấy là “trời khuya lắm rồi – Mà sao Bác vẫn ngồi”. Tiếp đó, Bác “Đốt lửa cho anh nằm”, để cho căn lều bớt lạnh. “Rồi Bác đi dém chăn” cho từng chiến sĩ với động tác nhẹ nhàng: “Sợ cháu mình giật thót – Bác nhón chân nhẹ nhàng”. Bác “dém chăn” không chỉ cho một người mà “Từng người từng người một”, thể hiện sự chu đáo, ân cần. Bác quan tâm đến tất cả mọi người, lo cho mọi người từng li từng tí như tấm lòng của cha mẹ đối với con cái.

Ngoại hình của Bác không được miêu tả kĩ. Nhà thơ chỉ tập trung khắc họa hình dáng và tư thế của Người. Về hình dáng của Bác, tác giả tập trung thể hiện sự kì vĩ: “Bóng Bác cao lồng lộng” mà từ hình dáng đó tỏa ra một tình cảm bao la “Ấm hơn ngọn lửa hồng”. Bác trong bài thơ này chủ yếu được miêu tả ở tư thế ngồi, hoặc ngồi “Lặng yên bên bếp lửa” với vẻ mặt “trầm ngâm” hoặc “ngồi đinh ninh”. Các nét ngoại hình này bộc lộ chiều sâu tâm trạng của Bác. Bác không ngủ bởi vì còn có nhiều người khác chưa có được giấc ngủ an bình, ngay cả một mái lều tranh xơ xác cũng không có, một chút lửa hồng trong đêm để xua đi giá lạnh cũng không.

Đỉnh điểm của câu chuyện là “Lần thứ ba thức dậy”, “anh đội viên” thấy “Bác vẫn ngồi đinh ninh – Chòm râu im phăng phắc”. Sự việc Bác không ngủ, được minh định sau đó bằng các câu thơ thể hiện tâm trạng:

Bác thương đoàn dân công!

Đêm nay ngủ ngoài rừng

Rải lá cây làm chiếu

Manh áo mỏng làm chăn

Việc minh định này cho thấy Bác không chỉ quan tâm tới các chiến sĩ mà còn quan tâm tới tất cả những người tham gia phục vụ cho chiến dịch. Bác dành tình thương cho tất cả mọi người.

– Sự cảm phục trước hành động cao cả đầy tính nhân văn của Bác tạo thành động cơ hành động của người lính: “Anh thức luôn cùng Bác”. Hành động của người lính là hành động cảm phục xuất phát từ đáy lòng, thể hiện sự quý trọng vô hạn đối với nhân cách cao đẹp của Bác.

Các yếu tố tự sự trên đây tạo thành nội dung câu chuyện được kế, tạo nên vẻ đẹp riêng của bài thơ này.

 

2. Chủ thể trữ tình của bài học, tức là người thể hiện thái độ, cảm xúc, bộc lộ tâm trạng của mình trước sự việc xảy ra, là “anh đội viên”. Hiển nhiên, lồng trong hình ảnh “anh đội viên” ấy là nhà thơ, chủ thể trữ tình gián tiếp. Nhà thơ cũng thể hiện tấm lòng cảm phục của mình thông qua cái nhìn của người chiến sĩ trong bài thơ.

– Cảm xúc đầu tiên của anh đội viên là nhận ra sự khác biệt: “Thấy trời khuya lắm rồi – Mà sao Bác vẫn ngồi”, “Lặng yên bên bếp lửa”, Ở đây xuất hiện một sự so sánh: “trời khuya”, “khuya lắm rồi” và hành động của Bác “vẫn ngồi”. Các hành động tiếp theo của Bác cũng được “anh đội viên” cảm nhận rất rõ ràng, cụ thể.

– Sự ngạc nhiên của anh đội viên bắt đầu từ sự cảm nhận là trời đã rất khuya (“Thấy trời khuya lắm rồi”) nhưng Bác vẫn ngồi “trầm ngâm” bên bếp lửa. Anh chợt nhận ra Bác ngồi giữ lửa cho căn lều bớt lạnh. Niềm xúc động đó được nhân lên khi anh chứng kiến hành động của Bác: “nhón chân nhẹ nhàng” đi “dém chăn” cho từng chiến sĩ. Anh cảm nhận việc “nhón chân nhẹ nhàng” ấy xuất phát từ việc Bác “Sợ cháu mình giật thót”, từ đấy anh nhận ra sự chu đáo, ân cần của người Cha già kính yêu của dân tộc. Cảm nhận đó được nhân lên bằng sự kì vĩ hóa: “Bóng Bác cao lồng lộng” và từ Bác tỏa ra một tình cảm ấm áp đặc biệt: “Ấm hơn ngọn lửa hồng”.

Sự ngạc nhiên của anh đội viên dẫn tới sự xúc động thực sự bùng lên trong con người anh đội viên, khiến anh “Thổn thức cả nỗi lòng”, dẫn tới việc anh hỏi Bác, bằng tất cả tấm lòng chân thành của mình: “Bác có lạnh lắm không?”. Câu hỏi chỉ là lời “thầm thì”, đủ cho hai Bác cháu nghe, không làm kinh động các chiến sĩ khác. Anh nhận được từ Bác lời khuyên nhủ nhẹ nhàng:

Chú cứ việc ngủ ngon

Ngày mai đi đánh giặc.

Và lần thức dậy thứ ba, thì anh đội viên lo lắng thực sự

Anh vội Vàng nằng nặc

Mời Bác ngủ Bác ơi!

Trời sắp sáng mất rồi

Bác ơi! Mời Bác ngủ!

Anh cũng nhận lại được lời khuyên

Chú cứ việc ngủ ngon

Ngày mai đi đánh giặc

nhưng kèm theo đó là một lí do quan trọng khiến “Bác ngủ không yên lòng”: Bác đang nghĩ tới đoàn dân công hỏa tuyến phục vụ cho chiến dịch. Đêm nay, họ cũng phải nghỉ trong rừng nhưng không phải dưới một mái lều mà dưới tán cây rừng, dưới trời “mưa lâm thâm”, “Làm sao cho khỏi ướt”. Mong mỏi của Bác là “trời sáng mau mau” để những người dân công ấy đỡ vất vả. Điều này mang lại cho anh đội viên niềm xúc động nghẹn ngào bởi anh thấy được sự quan tâm sát sao, tỉ mỉ của Bác không chỉ trong công việc đại sự, đối với các chiến sĩ cùng hành quân với Bác mà tới tất cả những người đang góp công sức cho thành công của chiến dịch. Tình thương bao la mà vô cùng thân thiết, bình dị ấy đã mở rộng sự cảm nhận của anh đội viên, giúp “anh đội viên” hiểu thấu tấm lòng của vị lãnh tụ.

Diễn biến tâm trạng của anh đội viên cho thấy tình cảm chân thành của anh và đó cũng là biểu hiện cho tấm lòng thành kính của nhân dân, đối với Bác Hồ, bởi lẽ: “Người là Cha, là Bác, là Anh – Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” (Tố Hữu).

Bài thơ không miêu tả lần thức dậy thứ hai của anh đội viên mà chỉ có lần thứ nhất và sau đó chuyển sang lần thứ ba. Nếu miêu tả thêm lần thứ hai, câu chuyện sẽ mất đi tính hàm súc cần phải có thơ ca. Hơn nữa, việc chuyển từ lần thức dậy đầu tiên sang lần thức dậy thứ ba cũng cho thấy anh đội viên sau khi đã chứng kiến những việc làm, tuy giản dị, nhưng đầy ân tình, ân nghĩa của Bác thì bản thân anh cũng không ngủ được. Anh cũng ở trong trạng thái thao thức, mơ màng: “Lòng anh cứ bề bộn” với nỗi lo rất chân thành và cũng rất nghĩa tình: “Anh nằm lo Bác ốm”.

Cái nhìn và diễn biến tâm trạng của anh đội viên được miêu tả rất thực với các từ láy có khả năng biểu cảm cao. Thể thơ năm chữ mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ tạo cho bài thơ một nhạc điệu riêng, một mặt đáp ứng yêu cầu tổ chức các yếu tố tự sự, mặt khác diễn tả cô đúc hình tượng Bác Hồ và anh đội viên trong bài thơ.

 

Đề 27: Suy nghĩ về văn bản Đêm nay Bác không ngủ
5 (100%) 2 votes