BÀI LÀM 

1. Thơ tứ tuyệt kể cả thơ tứ tuyệt Đường luật, ít bị ràng buộc hơn thơ bát cú Đường luật về nhiều mặt. Ở bài Chiều tối, ta đã đề cập hiện tượng thơ tứ tuyệt không kiêng kị việc lập chữ. Về kết cấu, cũng không có quy định chặt chẽ. Đã từng có ý kiến cho rằng, bốn câu trong một bài thơ tứ tuyệt triển khai theo hướng khai, thừa, chuyển, hợp. Đó là một ý kiến thiếu chuẩn xác, mặc dù đúng là có không ít bài thơ triển khai ý theo hướng ấy. Trên thực tế, kết cấu thơ tứ tuyệt khá đa dạng: có thể là 1/1/1/1, bốn câu thơ có vị trí ngang nhau như trong bài Tuyệt cú của Đỗ Phủ đã từng được đưa vào SGK Ngữ văn THPT ở Việt Nam; có thể là 1/3 hoặc 3/1; phổ biến nhất là 2/2 như ở bài Chiều tối, trong trường hợp này câu thứ ba quả là thường đóng vai trò chuyển và câu cuối đóng vai trò hợp (kết) song hai câu đầu không nhất thiết là đóng vai trò khai thừa vì ở không ít bài tứ tuyệt, hai câu đầu đảm nhiệm chức năng hoàn toàn như nhau. 

Lai Tân là bài thơ có dạng kết câu 3/1: Ba câu đầu đảm nhiệm chức năng trình bày sự việc như nhau nhằm tạo nên độ căng cần thiết để cho kết luận ở câu cuối có thêm hiệu lực.

2. Ba câu đầu bài thơ nói lên sự thối nát của bạn quan lại, đặc biệt là của bộ máy quản lí nhà tù ở Lai Tân với ba tệ nạn tiêu biểu: đánh bạc, ăn của đút lót và hút thuốc phiện. Những hiện tượng ấy xảy ra liên tục, phổ biến (thiên nhiên đổ, tham thôn tiền). Tác giả chỉ nói thiêu đăng (đốt đèn) mà không nói đốt lúc nào, cho nên dịch chong đèn là rất đúng vì đốt kéo dài, đốt liên tục. Thiêu đăng có thể hiểu là “thắp đèn”, cũng có thể hiểu là “đốt bàn đèn thuốc phiện”. Trong vãn cảnh, tiếp theo hai tệ nạn (đánh bạc, ăn đút lót), chỉ có thể hiểu thiêu đăng theo nghĩa sau. Không chỉ Hoàng Trung Thông, Đặng Thai Mai mà cả Trương Chính cũng cho “thiêu đăng” là đốt bàn đèn để hút thuốc phiện. Rất tiếc là Nam Trân đã dịch hai chữ “công sự” (việc công) thành “công việc”. Việc công hoàn toàn khác công việc! “Chong đèn… làm việc công” là “dương bao âm biếm” (bề ngoài như khen mà thực ra là chê, là phê phán), một thủ pháp thường gặp trong các tác phẩm văn học châm biếm. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu Trương Chính đã đề nghị đặt hai chữ cộng sự vào trong dấu ngoặc kép để tránh hiểu lầm. Như trên đã nói, theo chúng tôi, cũng không nên giới hạn phạm vi phê phán của bài thơ vào “bộ máy quản lí nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Lai Tân”. Lai Tân bấy giờ là tên một huyện, hiện nay là khu Hưng Tân thuộc thành phố Lai Tân, cách Liễu Châu khoảng hơn tám mươi cây số. Phạm vi một huyện ở Trung Quốc là rất lớn, nên huyện trưởng không chỉ phụ trách việc quản lí nhà tù. Đưa nhân vật huyền trưởng vào câu thứ ba là rất đúng chỗ, đắc địa, nâng cao hơn ý nghĩa phê phán của bài thơ.

3. Linh hồn của bài thơ là ở câu kết

Câu kết trong bài thơ Đường có một vị trí hết sức quan trọng. Nó vừa làm nhiệm vụ đóng lại, lại vừa phải mở ra cả một trường liên tưởng, phải để lại một dư vị đậm đà, phải như tiễn bạn bên sông quay về, lời hết mà ý chưa hết.

Câu kết của bài Lai Tân qua các nhận xét của Hoàng Trung Thông: Đinh Xuân Dũng dẫn trên, quả xứng đáng là một “cảnh cú” (câu thơ có ý mới mẻ, độc đáo, làm rung động lòng người), là “thi nhãn” (con mắt của thơ), xét trên bề mặt tưởng rằng “cảm hứng đả kích hình như giảm đi, nhạt đi”, “nhưng xét từ bên trong, sức công phá lại căng lên tột độ”.

Nếu câu cuối là “thi nhãn” của cả bài thơ thì hai chữ thái bình lại là nhãn tự (chữ mất) của câu cuối. Đọc đến câu thứ ba, người đọc tưởng rằng tác giả sẽ hạ chữ đại loạn ở câu kết, không ngờ tác giả đã dùng đúng từ trái nghĩa với nó: thái bình, do đó, tuy lời lẽ nhẹ nhàng song sự mỉa mai lại càng sắc bén, thâm thuý. Đặt bài thơ vào hoàn cảnh lịch sử đương thời, lúc Trung Quốc đang có “đại loạn” thực sự phát xít Nhật đang giày xéo nhiều nơi trên lãnh thổ Trung Hoa, chúng ta lại càng thấy bộ mặt thối nát, vô trách nhiệm của những bậc cha mẹ dân” đương thời ở Lai Tân.

4. Trong thơ Hồ Chí Minh, cần nhớ rằng bộ mặt thối nát của nhà tù Quốc dân Đảng không phải là đối tượng trào lộng duy nhất. Không hiếm những bài thơ tự trào nêu lên những cảnh ngộ trớ trêu, kì cục mà mình đã gặp phải, cũng không hiếm những bài tác giả đã “gửi gắm niềm đau xót qua cái hài hước” (ngụ bị ư hài), nêu lên những tình huống oái oăm của các “bạn từ”. Cho nên, tiếng cười trong Nhật kí trong tù có nhiều sắc thái, giọng điệu, cung bậc. 

Lai Tân là một bài thơ đả kích trực diện những lời lẽ không bốc chát, gay gắt mà lại mang giọng điệu nhẹ nhàng, thậm chí dường như dửng dưng, vô cảm. Song chính nhờ thế, bản chất của bộ máy nhà nước ở Lai Tân lại càng bị vạch trần một cách rõ nét. Từ sự thực được trình bày một cách tuyệt đối khách quan ở ba câu trên, không cần một lời bình phẩm trực diện, mỗi độc giả hẳn đều có thể tự rút ra kết luận. Dĩ nhiên, câu thơ cuối, với tính chất dường như “trung tính”, “vô tư” của nó, vẫn là một sự điểm xuyết tuyệt diệu, bất ngờ nâng cao hẳn ý nghĩa phê phán, giá trị hiện thực của bài thơ.

Trong câu cuối, cần lưu ý một từ cũng có vẻ “trung tính” nhưng mang hàm ý rất sâu sắc là y cựu (vẫn như cũ). Như vậy, không phải bây giờ chúng nó mới sinh ra hư đốn mà xưa nay vẫn thế; xưa nay vẫn thế vì bản chất của chúng vốn là như thế!

ĐỀ 269: Cảm nhận bài thơ Lai Tân của Hồ Chí Minh.
5 (100%) 1 vote