BÀI LÀM

I. MỘT VÀI LƯU Ý ĐỂ HIỂU THÊM VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM.

1. Như đã nói, Hồ Chí Minh vốn vẫn coi lí tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp là một mục tiêu cốt tử của đời mình. Không có gì quan trọng hơn điều đó và vì điều đó, Người sẵn sàng hi sinh những đam mê khác, trong đó có niềm đam mê sáng tạo văn chương nghệ thuật. 

Thế nhưng trên con đường đấu tranh cho lí tưởng, Người phát hiện ra sức công phá mạnh mẽ của văn chương và nhanh chóng sử dụng văn chương như một vũ khí lợi hại.

Bởi vậy, dù đây là tác phẩm Hồ Chí Minh viết cho riêng mình, trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ khá sâu sắc của cá nhân tác giả qua những bài thơ trữ tình hướng tới vẻ đẹp của thiên nhiên và đời sống, thì ở một phương diện khác, vì là một nhà hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh không thể không bộc lộ thái độ của cá nhân mình trước bao nỗi thống khổ của con người, trước những ngang trái, bất công của cõi đời, trước thói xấu của tầng lớp thống trị, thủ phạm của bao nghịch cảnh đau lòng mà Hồ Chí Minh từng chứng kiến trên mọi xứ sở mà Người từng đi qua. Chính vì lí do đó, trong tập Nhật kí trong tù còn một mảng thơ khác, mảng thơ trào lộng với tiếng cười nhẹ nhàng mà sắc sảo, mạnh mẽ, hóm hỉnh mà chua cay, hài hước tinh tế mà thâm thuý, sâu sắc.

2. Lai Tân là bài thơ thuộc mảng trào phúng nói trên của tập Nhật kí trong tù, được sáng tác trên đường tác giả bị giải đi từ Thiên Giang đến Liễu Châu thuộc tỉnh Quảng Tây.

Bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ trào lộng Hồ Chí Minh: Sắc sảo trong sự phát hiện và lật tẩy bản chất của đối tượng.

Về mặt nghệ thuật, do được hưởng thụ hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây, tác giả đã để lại dấu ấn độc đáo trong một phong cách vừa hài hước nhẹ nhàng, vừa thâm thuý sâu cay.

II. PHÂN TÍCH 

1. Ba câu thơ đầu tác giả miêu tả những hoạt động” cơ bản của các nhân vật quan trọng đại diện cho bộ máy quan lại ở huyện Lai Tân. Những sự thật gây ngạc nhiên: Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc; cảnh sát trưởng ăn tiền của phạm nhân; huyện trưởng chong đèn (giả vờ tận tụy hay là hút thuốc phiện?). Người đọc ngạc nhiên vì những kẻ đại diện cho pháp luật lại công khai vi phạm luật pháp, Ban trưởng nhà lao, thay vì phải tích cực ngăn ngừa tệ nạn cờ bạc trong dân chúng và các phạm nhân thì lại say sưa với trò đỏ đen. Cảnh sát trưởng, thay vì phải nghiêm khắc, liêm chính đề cao tinh thần công minh của pháp luật thì lại tìm cách ăn hối lộ, moi tiền của phạm nhân. Còn huyện trưởng, thay vì phải mẫn cán, gương mẫu, xứng đáng là kẻ đứng đầu cho một địa phương thì lại bê trễ, bê tha trong sinh hoạt. Cách miêu tả của tác giả theo tuần tự từ ban trưởng nhà lao cho đến huyện trưởng huyện Lai Tân cho thấy cả một hệ thống quan lại từ dưới lên trên đã bị ruỗng nát từ bên trong…

2. Tuy nhiên, nếu nhìn ở bề ngoài thì ai dám bảo là cái bộ máy quan lại ở đó không đáng tin cậy? Bàn trưởng nhà lao vẫn có mặt thường xuyên ở nhà lao như một trưởng ban nhà tù mẫn cán nhất, cảnh trưởng vẫn tích cực bắt giải phạm nhân như một cảnh sát trưởng mẫn cán nhất, huyện trưởng thì chong đèn làm việc đến khuya vì nước vì dân không dám nghĩ tới việc nghỉ ngơi,… Tất cả đều tận tụy với công việc đến cảm động và cũng tận tụy đến thế là cùng? Câu thơ cuối: Trời đất Lai Tân vẫn thái bình… vì thế, mang sắc thái mỉa mai, châm biếm, hóm hỉnh mà thâm thuý. Tiếng cười trào phúng hướng vào hai mục đích:

Một là, lật tẩy mọi trò che đậy, giả dối của bộ máy quan lại ở huyện Lai Tân.

Hai là, phơi bày hiện trạng: Những kẻ đại diện cho pháp luật đang thường xuyên chà đạp lên luật pháp. Điều đó cũng có nghĩa là ở Lai Tân không còn luật pháp nữa. Không còn luật pháp thì làm sao đời sống của con người còn có thể tươi sáng, yên bình (thái bình) được? Ba chữ vẫn thái bình vì thế được viết theo lối phản nghĩa, nói ngược mang tính chất mỉa mai, châm biếm một cách sắc sảo.

3. Bài thơ Lai Tân được viết theo thể tứ tuyệt luật Đường nhưng không hoàn toàn tuân theo nguyên tắc cơ bản về kết cấu đề – thực – luận – kết của luật thơ truyền thống mà có những thay đổi về kết cấu. Ba câu thơ đầu nhấn mạnh vào việc tả thực, câu thơ cuối giữ vai trò luận bàn. Cách viết này tạo cho bài thơ một phong cách hiện đại, đưa người đọc đi thẳng vào vấn đề, trực tiếp chứng kiến hiện trạng.

Về bút pháp, bài thơ chủ yếu sử dụng bút pháp tả thực xen với lối trào phúng thâm thuý của phương Đông: mỉa mai nhẹ nhàng mà sâu cay.

ĐỀ 268: Phân tích bài thơ Lai Tân của Hồ Chí Minh.
Đánh giá bài viết