HƯỚNG DẪN

Chiều tối trước hết là bức tranh về cảnh không gian núi rừng vào buổi chiều muộn. Đó là bức tranh về không gian bầu trời (trong hai câu khai, thừa) và bức tranh mặt đất (trong hai câu chuyện, hợp). Ở hai câu khai và thừa, bức tranh về thiên nhiên bầu trời hiện lên thật tự nhiên, dung dị với vài nét vẽ vừa xa vừa gần: chòm mây lững thững “trôi nhẹ” và cánh chim mỏi” bay về tìm chốn ngủ. Có vẻ giống như một hình ảnh ước lệ cổ điển kiểu Chim hôm thoi thót về rừng (Nguyễn Du), Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi (Bà Huyện Thanh Quan) hoặc cách nói quen thuộc của ca dao – Chim bay về núi tối rồi… Câu thơ vừa thực vừa như tranh thuỷ mạc. Đặt vào tâm trạng, hoàn cảnh một người tù, sau một ngày khổ ải, mới thấy cảnh chiều ấy đẹp và cảm động đến dường nào.

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ     
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Bức tranh thiên nhiên được Hồ Chí Minh khắc hoạ bởi hai nét bút: một nét bút về cánh chim chiều đang bay về rừng và một nét bút về một đám mây đơn độc đang trôi ngang trời. Bức tranh vẽ hình ảnh cánh chim và đám mây bay ngang mà chính thực là để gợi lên sự mênh mang của bầu trời chiều rộng thoáng. Bức tranh chiều miêu tả không gian nhưng vẫn ngầm ghi nhận sự trôi chảy của thời gian. Chiều đang đi hết điểm cuối cùng để gặp đêm. Người đọc chợt nhận ra xuyên thấm bức tranh thiên nhiên long lanh một tâm tình. Sự vận hành lặng lẽ của thiên nhiên đã ngầm phản chiếu sự vận hành lặng lẽ của lòng người. Hình ảnh cánh chim mỏi về rừng, chòm mây lẻ loi như gợi nét buồn cho bức tranh chiều muộn của chốn núi rừng. Nhưng nỗi buồn của cảnh chính đã phát xuất từ nỗi buồn của con người đang ngắm cảnh chiều ấy. Phải chăng cảnh chiều đang trút xuống đó từ bầu trời (cánh chim, đám mây) chợt dội lên trong lòng con người trên mặt đất nỗi niềm liên tưởng phận đất khách, cảnh mất tự do, nỗi buồn vì phải chịu cảnh tù đày xiềng xích,… Chút se buồn nhưng đó chỉ là một thoáng cô đơn của một tâm hồn luôn làm chủ được mình, luôn biết cách vượt qua những cảnh ngộ đau khổ của bản thân để mở lòng ra với ngoại cảnh, ngoại giới.

ĐỀ 260: Cảm nhận của anh (chị) về bức tranh thiên nhiên cũng như cảm xúc của nhà thơ trong hai câu đầu (khai, thừa) bài thơ Mộ (Chiều tối.)
Đánh giá bài viết